Điệp khúc “lúa lại rớt giá”

Lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch gần xong, nhưng cũng như mọi năm lúa rớt giá, nông dân cần bán ngay thì xem như lời lãi chẳng ra sao.

2009.09.01
Nông dân xử dụng xe trâu đi kéo lúa Nông dân xử dụng xe trâu đi kéo lúa
AFP photo

Lúa ế là... quy luật

Trong lúc chính phủ phấn khởi về lượng gạo xuất khẩu đạt kỷ lục , thì nông dân đồng bằng sông Cửu Long lại đầy âu lo vì khả năng tái diễn cảnh được mùa lúa rớt giá, hoặc theo cách ví von của báo SGGP là ‘Đến hẹn lại…ế’. Vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long, tính đến đầu tháng 9, đã thu họach xong khoảng 95% diện tích tức 1 triệu 500 ngàn ha, năng suất trung bình 5 tấn/ha. Như vậy chỉ còn 100 ngàn ha đang tiếp tục thu hoạch ở nhiều nơi, tính chung sản lượng toàn vụ hè thu có thể đạt 8 triệu tấn lúa, tương đương 4 triệu tấn gạo hàng hóa.

Trong lúc chính phủ phấn khởi về lượng gạo xuất khẩu đạt kỷ lục , thì nông dân đồng bằng sông Cửu Long lại đầy âu lo vì khả năng tái diễn cảnh được mùa lúa rớt giá, hoặc theo cách ví von của báo SGGP là ‘Đến hẹn lại…ế’

Ngày 28 tháng 8 Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam cập nhật thông tin cho biết dù còn ba tháng nữa mới hết năm nhưng tổng số lượng hợp đồng xuất khẩu đã hơn 5 triệu 600 ngàn tấn.

Đến thời điểm này, thực tế đã giao cho khách hàng hơn 4 triệu 400 tấn gạo, trị giá xuất khẩu theo điều kiện FOB - giao hàng qua lan can tàu - đạt hơn 1 tỷ 800 triệu USD, nếu tính theo giá CIF - bao gồm giá gạo kèm cước tàu và bảo hiểm - thì vượt mốc 2 tỷ USD.

Hiệp Hội cũng cho biết đã gần hoàn thành kế hoạch đợt 1, mua 400 ngàn tấn gạo hè thu vùng đồng bằng sông Cửu Long với giá gạo tương đương giá lúa tối thiểu 3.800đ/kg, đây là giá theo tính toán được là giúp nông dân có lãi 30% giá thành.

Tuy nhiên ngoài những số liệu đầy phấn khởi được loan báo, lại có những thông tin do báo chí đưa lên mạng, cho thấy thị trường lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đang trầm lắng, họat động chỉ bằng 1/10 bình thường, đa số nông dân bán lúa khô dưới giá 3.800đ, còn lúa ướt bán tại ruộng chỉ được 3.000đ/kg và rất khó bán.

TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long giải thích về tình hình thực tế ở vựa lúa miền Tây:

Nhà nước nói mua 3.800đ/kg nhưng chuyện khi nào mua, nằm ở doanh nghiệp. Hơn nữa khi không tích cực mua, doanh nghiệp sẽ đặt điều kiện chỉ mua ở nơi thuận tiện giao thông với giá 3.800đ/kg. Mua trong sâu, trong xa, trong ngọn phải đi ghe vào thì không mua

“Nếu nhà nước hay doanh nghiệp có kho tàng thì mua trữ là chuyện dễ, còn nếu kho tàng chúng ta còn yếu kém thì  đây là vấn đề khó khăn. Nhà nước nói giá tối thiểu 3.800đ/kg nhưng nông dân khó bán được giá đó. Nếu có đầu ra tốt doanh nghiệp tích cực mua thì có thể được nhưng khi bí doanh nghiệp không tích cực mua.

Nhà nước nói mua 3.800đ/kg nhưng chuyện khi nào mua, nằm ở doanh nghiệp. Hơn nữa khi không tích cực mua, doanh nghiệp sẽ đặt điều kiện chỉ mua ở nơi thuận tiện giao thông với giá 3.800đ/kg. Mua trong sâu, trong xa, trong ngọn phải đi ghe vào thì không mua, nếu chở lúa ra ngoài thì nông dân bị thiệt”.

Chỉ có lãi trong các... bản tin

Có một thực tế là trong các bản tin của chính phủ, cũng như Hiệp Hội Lương Thực, chỉ nói tới chuyện mua gạo theo giá sàn bảo đảm người trồng lúa có lãi 30% giá thành. Nói như vậy có nghĩa, doanh nghiệp thành viên Hiệp Hội sẽ mua gạo từ doanh nghiệp chế biến và nhập kho với giá gạo qui ra giá lúa tương đương không ít hơn 3.800đ/kg.

Chỉ cần hiểu được cơ chế mua bán lúa gạo ở vùng châu thổ sông Cửu Long là có thể thấy ngay nông dân khó bán được lúa theo giá bảo đảm. Bởi vì thực tế, doanh nghiệp không mua lúa, mà chỉ có thương lái mới đưa ghe trực tiếp tới tận nhà nông dân để mua lúa. Sự kiện này thì người nông dân nào cũng nói giống nhau: “Chúng tôi  đâu có bán trực tiếp được cho nhà xuất khẩu gạo. Ở đây chỉ có thương lái mua thôi, mọi việc qua tay thương lái”

Bởi vì thực tế, doanh nghiệp không mua lúa, mà chỉ có thương lái mới đưa ghe trực tiếp tới tận nhà nông dân để mua lúa. Sự kiện này thì người nông dân nào cũng nói giống nhau: “Chúng tôi  đâu có bán trực tiếp được cho nhà xuất khẩu gạo. Ở đây chỉ có thương lái mua thôi, mọi việc qua tay thương lái”

Nếu giá gạo nhập kho tương đương giá lúa 3.800đ/kg thì giá lúa mà người nông dân bán được phải trừ đi tiền lời của thương lái, tiền lời của doanh nghiệp chế biến xay xát và nhiều thứ chi phí dọc đường. Chính bởi vậy, thông tin từ địa phương ngày 31/8/2009 cho biết, giá gạo lứt, tức gạo nguyên liệu giao dịch giữa các lái buôn chỉ ở mức 5.000đ, với giá này qui ra giá lúa khô chỉ vào khoảng 3.700đ/kg, ít hơn mức giá bảo đảm.

Các chuyên gia nói với chúng tôi, tuy thương lái bị mang tiếng đủ điều nhưng giả sử không còn hàng sáo, lấy ai đưa ghe mua lúa cho nông dân trên hệ thống kênh rạch chằng chịt của vùng sông nước Cửu Long.

Nếu giá gạo nhập kho tương đương giá lúa 3.800đ/kg thì giá lúa mà người nông dân bán được phải trừ đi tiền lời của thương lái, tiền lời của doanh nghiệp chế biến xay xát và nhiều thứ chi phí dọc đường.

Câu chuyện người nông dân có thể bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp, loại bỏ trung gian còn là chuyện xa tít ở tương lai. Ở tầm vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách đưa ra đề án thực hiện cải tổ nông nghiệp, sản xuất tập trung theo hợp tác xã, xây dựng hệ thống kho trữ hiện đại để có thể mua dự trữ gạo, chủ động giá cả và thị trường. Những việc ấy dù có chuyển động đôi chút, nhưng cũng là chuyện tương lai lâu dài.

Trong hiện tại người trồng lúa biết làm vụ hè thu và thu đông đầy bấp bênh, nhưng nông dân còn  quá khó khăn, nếu để ruộng không, cũng chẳng biết làm gì khác cho ra tiền.                 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.