Nhóm bảo vệ sự sống và ngôi nhà cưu mang những phụ nữ mang thai bị bỏ rơi


2006.09.26

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam ngày càng cao, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo tin từ trong nước, với tỉ lệ hàng năm có trên 1, 4 triệu ca phá thai, đã đẩy Việt Nam lên hàng thứ ba trong các nước có con số tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Thực tế con số này cao hơn nhiều vì người ta không thể thống kê được hết.

YouthAbortion200.jpg
Với gần một triệu rưỡi người trẻ đi phá thai mỗi năm, Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. AFP PHOTO

Cũng theo thống kê, đa số các chị em phụ nữ thực hiện việc nạo phá thai ở trong độ tuổi còn rất trẻ. Đứng trước thực trạng đau lòng như thế, một số các cơ sở tôn giáo và từ thiện đã lập ra nhóm Bảo Vệ Sự Sống để tìm cách ngăn chận bớt tình trạng này bằng cách tiếp xúc với các chị em phụ nữ mang thai ngoài ý muốn mà đang có ý định nạo phá thai, khuyên nhủ và tìm cách giúp đỡ cho họ.

Trong chương trình hôm nay, Phương Anh mời quí vị nghe câu chuyện về ngôi nhà đang cưu mang những phụ nữ mang thai mà bị bỏ rơi. Đó chính là nhà Giê ra đô, ở Mai Thôn, Thủ Đức, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế thành lập.

Cứu giúp những lúc khó khăn

Thưa quí vị, được biết, nhà Giê ra đô thành lập từ năm 2002, người phụ trách là linh mục Phạm Trung Thành, thuộc dòng Chuá Cứu Thế Việt Nam. Để công việc nuôi dưỡng, chăm sóc các chị em phụ nữ cho được thuận tiện, linh mục Thành đã giao trách nhiệm cho vợ chồng anh chị Huyến cùng cô Thi quản nhiệm mọi công việc.

Theo lời anh Huyến cho biết, từ ngày thành lập đến nay, đã có trên 100 phụ nữ được cưu mang. Vì không đủ kinh phí, nên nhà Giê ra đô chỉ giúp nuôi cho đến khi sanh nở xong được hai tháng mà thôi. Anh nói:

“Tất cả các em về đây hoàn toàn do nhà đài thọ, từ ăn uống hàng ngày cho đến việc đi khám thai, sanh nở ở bệnh viện. Chỉ từ năm 2002 cho đến bây giờ đã có hơn 100 ca. Ở căn nhà Giê ra đô này rất nhỏ, diện tích bề ngang 4 mét, dài 16 mét, nên chỉ giữ được các em mang thai và sau khi sanh được 2 tháng.

Tất cả các em về đây hoàn toàn do nhà đài thọ, từ ăn uống hàng ngày cho đến việc đi khám thai, sanh nở ở bệnh viện. Chỉ từ năm 2002 cho đến bây giờ đã có hơn 100 ca. Ở căn nhà Giê ra đô này rất nhỏ, diện tích bề ngang 4 mét, dài 16 mét, nên chỉ giữ được các em mang thai và sau khi sanh được 2 tháng.

Sau đó, em nào có điều kiện thì trở về quê, nếu em nào nuôi con, thì giúp theo dõi sau đó, nhưng rất giới hạn, còn những em nào không nuôi con, thì sẽ gửi con của em đó vào một nhà dòng hay tìm những người nuôi nhận để trao con em đó cho người ta, vì điều kiện chúng tôi rất eo hẹp, ngay cả nhân sự cũng vậy.”

Hiện nay, trong nhà có 19 chị em, gồm 7 phụ nữ đã sinh xong và 12 phụ nữ khác đang chờ ngày sinh. Khi được hỏi về thành phần bản thân của các chị em phụ nữ, anh cho hay:

“Đủ mọi thành phần, đại đa số là giới công nhân, đi làm trong các khu công nghiệp, sinh viên, học sinh cũng có, thậm chí có những em chẳng biết chữ, nhiều nhất vẫn là công nhân di cư tìm việc làm. Khi họ đi vào những khu công nghiệp như thế họ thiếu nhiều thứ, nhiều nhất vẫn là tình cảm. Bên cạnh là nỗi lo kinh tế của họ, từ đó, họ bị cám dỗ để đưa đến chuyện lỡ lầm.”

Mặc dù khi các chị em đã dọn ra ngoài, nhưng trong số họ lại vẫn quay về. Phần lớn vì hoàn cảnh kinh tế quá eo hẹp, rất chật vật, đến khi con đau bệnh, không biết trông vào đâu, lại đành phải ẵm con trở về nhà Giê ra đô. Anh Huyến nói tiếp:

“Chính bản thân các em nuôi con cũng rất vất vả, có nhiều em quay trở lại để chỉ nhờ chúng tôi giúp lo cho con của các em, có những em đem con về đây bệnh tật rất nhiều…Các em quay trở lại vì quá khó khăn, thì chúng tôi lại phải đi tìm việc khác cho các em hay con bị bệnh thì lại lo chữa trị giúp các em vì thu nhập của các em rất kém, nhiều khi không đủ khả năng để nuôi con nữa.”

Cảm thông nỗi đau khổ

Khi hỏi thăm về vấn đề kinh phí của nhà Giê ra đô, anh cho hay: “Vấn đề thu nhập của nhà này không có gì khác ngoài sự giúp đỡ có những ân nhân cho để hoạt động, ngoài ra không có một cơ sở sản xuất để giúp cho các em. Cũng muốn có một cơ sở dậy nghề cho các em, cũng có những người sẵn sàng đứng ra dậy nghề nhưng mình lại không có cơ sở đó để các em được học. Thường chỉ cố gắng đi gửi các em ở chỗ này, chỗ kia mà thôi.”

Được biết, cả hai vợ chồng anh hiện đang sinh sống bằng nghề làm nến, và anh chị cũng có 5 mặt con, nên cuộc sống cũng khá vất vả. Ngoài việc mưu sinh, cả hai anh chị dành hết thời gian còn lại để lo cho chị em trong nhà Giê ra đô. Có những đêm, ba bốn chị em cùng “trở dạ” một lúc, mà chỉ có hai vợ chồng anh cùng một người phụ việc. Thế nhưng, suốt 3 năm qua, anh vẫn bền bỉ duy trì công việc này mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Anh nói: “Tôi chỉ cảm thông với nỗi đau khổ của các chị em phụ nữ mà thôi, nhiều khi cũng có những sự chán nản, bực mình nhưng lại phải cố gắng. Các em bị bỏ rơi, xã hội đã bỏ rơi, gia đình đã bỏ rơi rồi thì mình không giúp thì ai giúp bây giờ! Có những em trên 30, nhưng cũng có những em chỉ mới 14, 15 tuổi, bất thường lắm.

Đối tượng xảy ra với các em không hẳn chỉ là người tình, mà cả người thân, thậm chí cha dượng chẳng hạn, hay anh ruột, có tình trạng làm cho các em bị mang thai. Có nhiều người đưa ra pháp luật thì sợ đụng đến người thân của họ, và ngay tại Việt Nam thì họ cổ vũ cho vấn đề nạo phá thai, nên phần lớn, họ tìm cách đi phá thai nhiều hơn là nuôi giữ lại. Chính vì vậy, chúng tôi phải tìm cách để giữ lại các em bé đó.

Đối tượng xảy ra với các em không hẳn chỉ là người tình, mà cả người thân, thậm chí cha dượng chẳng hạn, hay anh ruột, có tình trạng làm cho các em bị mang thai.

Có nhiều người đưa ra pháp luật thì sợ đụng đến người thân của họ, và ngay tại Việt Nam thì họ cổ vũ cho vấn đề nạo phá thai, nên phần lớn, họ tìm cách đi phá thai nhiều hơn là nuôi giữ lại. Chính vì vậy, chúng tôi phải tìm cách để giữ lại các em bé đó.”

Riêng với vợ anh, thì cho rằng đây là một dịp cho chị cảm thông sâu sắc nỗi đau khổ và cô đơn của những cô gái đáng tuổi con cháu mình. Chị nói:

“Mình thấy cần thì làm thôi… mình sống trực tiếp thì mới thấy được các em, nhiều khi phải sống và đối xử với các em như một người mẹ trong gia đình, cũng có lúc phải như một người bạn, bù đắp sự thiếu hụt cho các em bằng tình cảm thôi. Và bằng kinh nghiệm sống trong gia đình mình có thì giúp cho chị em. Thấy những đưá trẻ chào đời thật thánh thiện, không tả được, nên bao nhiêu cực khổ sẽ qua đi.”

Chị cũng kể về những trường hợp kết thúc thật có hậu: “Đa số là nhận lại con và cháu, vì khi còn mang thai các em bối rối lắm, nhưng từ từ tìm cách báo dần dần về gia đình và gia đình cũng nhận lại. Có những trường hợp không dám về thì mình đưa về, xa cách mấy cũng đưa về.

Gia đình cũng chấp nhận và vui vẻ, đưá bé phải hai tuổi rồi, cũng có khi ở nhà này được hai tháng thì gia đình biết đến nhìn thấy cháu, thấy con…Những đưá ấy chưa bao giờ biết mặt ông bà, nhưng chúng nó nhìn ông bà với một ánh mắt ông bà không thể nào từ chối được. Lúc đó thì ông bà sẽ bỏ hết những gì gọi là danh dự, tiếng tai để đưa con đưa cháu về nhà lo.”

Thưa quí vị và các bạn, Phương Anh cũng gặp cô Thi, năm nay 25 tuổi, đang có tiệm may đắt khách ở Gò Vấp. Thế nhưng, hưởng ứng lời kêu gọi của các linh mục dòng Chúa Cứu Thế, cô đã bỏ tiệm may và xin phép gia đình đến gia nhập nhà Giê ra đô để cùng phụ giúp với anh chị Huyến hơn một năm nay. Chúng ta hãy nghe cô kể lại:

“Mới nhận việc thì rất ngỡ ngàng, vì em chưa có gia đình, em chưa biết gì về những bà bầu và những em bé, nhưng em đọc sách và hỏi han những người khác. Mỗi ngày như thế thì tự dưng em yêu thích công việc này. Em học được rất nhiều, nhất là về cuộc sống độc lập. Em học được cách đối xử với mấy chị em, mình sống thoáng hơn hồi trước… cảm thấy mình lớn hơn rất nhiều.”

Mái ấm gia đình

Lúc đó, em đi xin việc làm, dự định là sẽ đi làm và dành dụm tiền để sinh nở nhưng vì có bầu nên không có chỗ nào nhận mình làm hết, cho nên em cũng định là bỏ đưá con này… Thực sự em đi vô, thì thấy người ta bảo là chỉ có hai trăm ngàn thì không làm gì được, lúc đó, ở nhờ nhà bạn thì người ta không cho ở, tiền phòng trọ cũng không có để đóng, cứ nhờ nhà này mấy ngày, nhờ nhà kia mấy ngày, lang thang như thế và gặp được người trong nhóm bảo vệ sự sống và người ta đưa em về đây.

Một phụ nữ 25 tuổi, hiện sống trong nhà tình thương này tâm sự: “Em quê ở Lâm Đồng, em vô nhà này được 7 tháng, cuối tháng 10 em mới sanh. Khi em biết có thai, em trốn gia đình em đi, vào Sàigòn này chỉ có 200 ngàn, sống chỉ được mấy bữa là hết tiền, em không biết làm sao.

Lúc đó, em đi xin việc làm, dự định là sẽ đi làm và dành dụm tiền để sinh nở nhưng vì có bầu nên không có chỗ nào nhận mình làm hết, cho nên em cũng định là bỏ đưá con này…

Thực sự em đi vô, thì thấy người ta bảo là chỉ có hai trăm ngàn thì không làm gì được, lúc đó, ở nhờ nhà bạn thì người ta không cho ở, tiền phòng trọ cũng không có để đóng, cứ nhờ nhà này mấy ngày, nhờ nhà kia mấy ngày, lang thang như thế và gặp được người trong nhóm bảo vệ sự sống và người ta đưa em về đây.

Hiện tại thì gia đình em chưa biết gì hết, em chỉ nói đi làm thôi, chứ gia đình không biết là có bầu, em chưa có dự dịnh gì cả. Ở đây, em cảm thấy rất bình an, mọi sự được lo lắng rất đầy đủ về tinh thần lẫn vật chất.”

Một phụ nữ khác, trước kia đã từng làm trong ngành du lịch, cũng cho hay: “Em là một trong những chị em trong nhà, em 26 tuổi, ở Bình Dương, em sanh con rồi, con em được gần một tháng rồi. Em và ba đưá nhỏ dự tính là đi đến hôn nhân, rồi anh ấy làm ăn phá sản bị đi tù, hai gia đình chưa qua lại, rồi gia đình em lại không chấp nhận đưá bé này, gia đình bên kia thì chưa biết, nên một mình em phải chịu thôi.

Lúc đầu em không biết như thế nào, tự nhiên em thấy anh biến mất tiêu, không tìm thấy được, em cứ nghĩ là ba nó lừa dối em, còn mọi người trong gia đình thì không chịu cho em giữ lại đưá bé, và em đi đến bệnh viện và em gặp được chị trong nhóm bảo vệ sự sống và chị ấy đưa em về căn nhà này.

Em cảm thấy căn nhà này giống như một chỗ để che chở cho chị em bất hạnh như chúng em vậy. Em rất là cảm động, nhiều chị em có hoàn cảnh khác nhau, đa số đều là đến con đường cùng. Đây là một bến bờ để cho tụi em nương tựa, mọi người thương yêu và che chở cho tụi em để vượt qua những lúc khó khăn.

Sau sự việc xảy ra, đây là một bài học cho em sau này giống như một hành trang để em bước vào một cuộc đời mới, để em vững vàng hơn. Bây giờ em chỉ biết mình xác định một điều: sau này sẽ cố gắng đi làm và nuôi con thật tốt, vậy thôi!”

Qúi vị vừa nghe những lời tâm tình của những người đang sinh sống trong ngôi nhà tình thương Giê ra đô ở Mai Thôn, Thủ Đức. Một nơi đang cưu mang những người phụ nữ bị gia đình và xã hội bỏ rơi sau khi đã lầm lỡ mang thai.

Mong rằng ngôi nhà này sẽ mãi mãi là bến nương tựa cho họ trong những lúc đau khổ tột cùng nhất trong cuộc sống, để họ sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời mà sau này không phải có lúc ray rứt lương tâm vì đã có lần vứt bỏ con mình. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹp gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.