Ngành thép Vietnam lo ngại người láng giềng Trung Quốc
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Việt Nam tiêu thụ mỗi năm 7 triệu tấn thép các loại, doanh nghiệp trong nước cung cấp 60% nhu cầu. Gia nhập WTO hội nhập toàn cầu, nhưng ngành thép Vietnam lại chỉ e ngại người láng giềng Trung Quốc chứ không phải đối thủ nào khác.

Nam Nguyên phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp Hội Thép Việt Nam. Từ Hà Nội ông Nghi cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Nghi: Tham gia WTO rồi, chúng tôi không lo ngại khả năng cạnh tranh với thép Asean và các nước khác. Nhưng mối lo là nếu Trung Quốc đưa thép vào, các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam nhập thép Trung Quốc vào với giá rẻ hơn thì quả là có khó khăn.
Không riêng gì Việt Nam, các nước Asean cũng như thế giới cũng đều rất sợ sự cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc, không riêng gì thép.
Nam Nguyên: Thưa ông lúc này với các cam kết AFTA, Asean-TQ rồi WTO, Việt Nam không thể có hàng rào mậu dịch nữa, thép Trung Quốc chắc chắn sẽ vào. Ông dự báo tình hình sẽ thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: Hiệp hội thép Trung Quốc nói rằng mục tiêu của họ không phải đưa thép vào Đông Nam Á mà mục tiêu là châu Âu, Nam Mỹ và Trung Đông.
Thế nhưng chúng tôi dự kiến là có thể họ vẫn vào, bởi vì Trung Quốc và Việt Nam giáp nhau vào ra rất nhanh, và với sản lượng rất lớn của Trung Quốc thì họ chỉ vào một ít thôi chẳng hạn 500 ngàn tấn hay 1 triệu tấn thì đã gây nên một tình trạng phức tạp cho chúng tôi.
Tham gia WTO rồi, chúng tôi không lo ngại khả năng cạnh tranh với thép Asean và các nước khác. Nhưng mối lo là nếu Trung Quốc đưa thép vào, các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam nhập thép Trung Quốc vào với giá rẻ hơn thì quả là có khó khăn.
Cho nên chúng tôi phải đẩy mạnh sản xuất phôi trong nước để có thể đủ khả năng cạnh tranh với thép Trung Quốc.
Nam Nguyên: Xin ông cho thí dụ về giá cả sản phẩm thép cùng loại giữa Việt Nam và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ? Ông Nguyễn Tiến Nghi: Năm ngoái thép Trung Quốc đã vào với loại thép cuộn (phi 6 phi 8) giá của họ rẻ hơn thép Việt Nam từ 300 ngàn tới 500 ngàn 1 tấn. Nếu thép Trung Quốc vào Việt Nam với giá thấp như thế thì vào được, chứ bằng giá Việt Nam hoặc thấp hơn một chút thì chưa chắc tiêu thụ được.
Vì thị trường không thích thép Trung Quốc lắm vì không biết chắc về chất lượng thép Trung Quốc và đã quen sử dụng thép Việt Nam. Thực tế thì thép cây của Trung Quốc chưa vào mà chỉ là thép dây thôi.
Nam Nguyên: Nghĩa là phải chấp nhận cuộc chơi, thép Việt Nam phải rẻ hoặc bằng thép Trung Quốc. Khả năng này thưa ông có hiện thực không?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: Có thể làm được nếu sản xuất phôi trong nước, vì giá thành sẽ hơn phôi nhập khoảng 300 ngàn đến 400 ngàn một tấn. Chúng tôi đã bàn với doanh nghiệp sản xuất phôi, đặc biệt các công ty sản xuất phôi từ quặng thì còn hiệu quả hơn, thí dụ Thép Thái Nguyên luyện thép với 50% nước gang, khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn
Nam Nguyên: Thưa ông Việt Nam không chủ động nguồn nguyên liệu mà phải nhập khẩu và chủ yếu nhập từ Trung Quốc ?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: Hiện nay chúng tôi vẫn phải nhập 70% phôi thép của thế giới vào Việt Nam, phần lớn là nhập từ Trung Quốc. Nhưng thực tế một số tháng gần đây phôi thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam giá rẻ ngang hoặc thấp hơn thép thành phẩm nhập từ Trung Quốc vào.
Đấy là một khó khăn, cho nên biện pháp chính của chúng tôi bây giờ là đẩy mạnh sản xuất phôi thép ở trong nước. Phôi trong nước chủ yếu là từ thép phế từ ba nguồn. Thứ nhất là thu gom thép phế thải từ máy móc hết tuổi thọ thải ra trong công nghiệp hoặc giao thông vận tải. Thứ hai mua thép phế từ cách cắt phá tàu cũ và thứ ba là nhập khẩu thép phế liệu.
Chúng tôi đề nghị Nhà nước tháo gỡ làm sao cho các chế độ chính sách được thông thoáng, đối với nhập khẩu thép phế và nghĩ cách cho nhập cả tàu cũ để cắt phá lấy thép phế làm nguyên liệu cho sản xuất thép, thì mới có khả năng cạnh tranh.
Nhưng hiện nay theo luật môi trường qui định cấm không được nhập tàu cũ của nước ngoài về để cắt phá. Đấy là một thiệt thòi cho ngành thép, chúng tôi đang kiến nghị Nhà nước làm thế nào thay đổi điều này, vì đây là nguồn cung cấp thép phế liệu cho sản xuất phôi trong nước.
Nam Nguyên: Cụ thể đề nghị tháo gỡ vụ cấm nhập xác tàu cũ về phá dỡ như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: Chúng tôi đề nghị Nhà nước tháo gỡ làm sao cho các chế độ chính sách được thông thoáng, đối với nhập khẩu thép phế và nghĩ cách cho nhập cả tàu cũ để cắt phá lấy thép phế làm nguyên liệu cho sản xuất thép, thì mới có khả năng cạnh tranh.
Nhà nước phải có cân đối như thế nào cho hợp lý, nếu nặng về bảo vệ môi trường thì ảnh hưởng phát triển kinh tế. Phải cân đối thế nào cho thích hợp để giúp cho ngành thép non trẻ có thể đứng vững trong cơ chế thị trường hiện nay. Trong luật chỉ có điều 42 là cấm còn điều 43 về thép phế vẫn cho phép nhập, nguồn tàu cũ chỉ là một phần nguôn liệu
Nam Nguyên: Đã vào WTO những ai sẽ tồn tại trong cơ chế thị trường được mô tả là phải tiến tới công khai minh bạch ?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: Rất đúng, từ nay đến năm 2009 ngành thép phải cổ phần hoá hết các doanh nghiệp Nhà nước, để đưa thành phần đa sở hữu vào. Công khai minh bạch sẽ được thực hiện tốt hơn theo thị trường chung, theo nhịp điệu chung của thế giới.
Theo tôi những doanh nghiệp tồn tại sẽ là những doanh nghiệp đa thành phần sở hữu, và những doanh nghiệp chịu khó đầu tư những thiết bị công nghệ tiên tiến để đủ khả năng cạnh tranh.
Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông.
Những bài liên quan
- Nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng "nóng"
- The Herritage Foundation: Việt Nam chưa thật sự có tự do kinh tế
- Nhiều quan ngại về thị trường chứng khoán Việt Nam bùng phát theo kiểu bong bóng
- Quá trình cạnh tranh sẽ là người thầy tốt nhất cho Việt Nam
- Việt Nam chính thức trở thành hội viên WTO
- Nông dân và Tiểu thương Việt Nam khi gia nhập WTO?
- Viễn ảnh kinh tế Việt Nam 2007
- Việt Nam vào WTO: Vẫn còn nhiều trở ngại trong việc liên doanh
- Triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam