Việt Nam cần có phản ứng như thế nào trước sự xâm lấn của Trung Quốc?
2007.12.10
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Trong vài ngày trước đây Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam và thành phố này sẽ trực tiếp quản lý 3 hòn đảo là Trường Sa, Hoàng Sa và Trung Sa mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Vấn đề này một lần nữa dấy lên một làn sóng phản đối từ nhiều cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Chỉ trong vòng hơn một tháng Trung Quốc và Đài Loan đã liên tiếp có hành động xâm lấn vùng đất đang có tranh chấp và ngang nhiên vi phạm chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 11 năm 2007 Trung Quốc đã tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bất kể sự phản đối của nhiều nước trong khu vực có tranh chấp.
Cùng lúc đó vào ngày 15 tháng 11 Đài Loan cho khởi công xây dựng một đường băng trên đảo Ba Bình thuộc Trườgn Sa và tiến hành xây dựng cái mà họ gọi là "Bia kỷ niệm công trình".
Trong khi hai sự kiện này chưa được giải quyết thì Trung Quốc một lần nữa ngang nhiên ra chỉ thị thành lập một thành phố cấp huyện có chức năng quản lý ba nhóm đảo mà hai trong số đó thuộc chủ quyền Việt Nam. Lần này nghiêm trọng hơn tất cả những lần trước đây vì Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập một định chế hành chánh có tính cách chủ quyền quốc gia bất kể sự phản đối của Việt Nam.
Trả lời báo chí về thực trạng này và phản ứng chính thức của chính quyền Việt Nam ra sao ông Lê Dũng, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Việt Nam như thường lệ đã đưa ra một phản ứng quá cũ, được lập đi lập lại hàng chục lần gần như giống nhau sau mỗi lần Trung Quốc vi phạm chủ quyền đất nước.
Dân chúng biểu tình phản đối
Trước thực trạng này, vào ngày 9 tháng 12 vừa qua hàng trăm người đã tự phát tụ tập trước cửa Toà Đại Sứ Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc tại Thành Phố Hồ Chí Minh để phản đối những việc làm ngang ngược này.
Sự kiện này như một giọt nước làm tràn chiếc ly bị đè nén lâu ngày. Việc dân chúng tụ tập được xem là điều cấm kỵ đối với tình hình mà giới chức cầm quyền Việt Nam luôn cho là nhạy cảm. Đây cũng là lần đầu tiên người dân hai miền Nam - Bắc công khai lên tiếng thay cho chế độ trước mối nguy bành trướng bá quyền của phương Bắc.
Theo Bạn, giải pháp nào cho Việt Nam trong việc đối phó với sự xâm lấn của Trung Quốc? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org
Chúng tôi trao đổi với nhà sử học, kiêm đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc và hỏi ông rằng, hình như mọi nổ lực ngoại giao và thương thuyết có vẻ không kiến hiệu trước lòng tham của Trung Quốc và hơn nữa nước này luôn dựa vào sức mạnh quân sự cũng như kinh tế của mình để thực hiện những thủ đoạn lấn chiếm và họ không giấu giếm ý đồ bành trướng đối với các nước Đông Nam Á.
Bài toán khó cho Việt Nam?
Việt Nam là nước nhỏ, thế yếu nhưng chúng ta có truyền thống chống Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay, tại sao Quốc Hội Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng thay cho dân chúng tỏ rõ cho Trung Quốc biết rằng chúng ta là một dân tộc không dễ bị đàn áp. Với tư cách là đại biểu Quốc Hội ông Dương Trung Quốc cho biết:
Ông Dương Trung Quốc: “Tôi nghĩ đây là vấn đề nó đã kéo dài từ rất lâu và phải nói là rất phức tạp, có liên quan đến tình hình của mỗi nước, tình hình chung, và cái xu thế chung.
Vừa rồi thì Hội Đồng Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, cũng là cơ quan theo phân cấp hành chính (quản lý) huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi nghĩ rằng cũng đã lên tiếng khẳng định. Còn việc tiếp theo như thế nào thì tôi nghĩ đây là cuộc đấu tranh về ngoại giao lâu dài. Điều quan trọng là làm sao cho cái ý thức của người dân không bao giờ từ bỏ sự quan tâm tới chủ quyền của đất nước.
Về phía nhà nước tôi nghĩ đây là cả một cái phức hợp mà trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc cũng như với các quốc gia trong khu vực, tôi nghĩ rằng chỉ có dựa vào những quy định của luật pháp quốc tế và trong đó thì Việt Nam có một lợi thế duy nhất là lợi thế về lịch sử, bằng chứng lịch sử.
Cá nhân tôi là đại biểu quốc hội thì tôi cũng là một người hoạt động trong lãnh vực lịch sử, tôi cũng có phát biểu trên báo chí bài viết cách đây 3 năm khi vừa tròn 30 năm mà Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Và lần này tôi cũng có phát biểu ý kiến.
Thế còn việc có đưa ra Quốc Hội thì chắc chắn Quốc Hội có Uỷ Ban Đối Ngoại thì tôi cũng sẽ nếu đến kỳ họp tới tôi cũng có thể nêu lên nếu tình hình mà nó không có những diễn biến tích cực hơn.
Đúng là đây là cái vấn đề của lịch sử, mà ở đây là chủ quyền quốc gia và những vấn đề liên quan đến nhu cầu phát triển, đang đặt ra bài toán khó cho Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc, một mặt vừa muốn giữ sự ổn định, một sự hợp tác, đồng thời lại vào lúc cái tư tưởng bành trướng của Trung Quốc thì phải khẳng định là không bao giờ họ từ bỏ cả.
Chúng tôi cũng lưu ý tới một ý kiến cũng được đưa lên báo chí, tức là Việt Nam và Trung Quốc đều muốn ràng buộc với nhau bởi "16 chữ vàng" giữa việc làm và lời nói Trung Quốc rõ ràng là đòi hỏi Việt Nam phải cảnh giác hơn nữa.”
Thật ra nếu dựa vào sự can thiệp của các tổ chức quốc tế để giải quyết tranh chấp đất đai, lãnh thổ thì cơ may thành tựu sẽ rất xa vời vì bàn cờ quốc tế luôn được giải quyết dưới lợi nhuận kinh tế và tương quan chính trị. Trung Quốc biết yếu điểm của các cường quốc nên việc ngang nhiên chiếm đoạt các vùng đất đang tranh chấp được họ lên kế hoạch từ nhiều chục năm nay và họ biết rằng tiếng nói nhỏ bé của Việt Nam sẽ không vang ra khỏi chiếc ao làng.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng hiện giảng dạy môn bang giao quốc tế tại trường đại học George Madison cho biết những nhận xét của ông trước tình hình nghiêm trọng này:
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng: “Đối với những vấn đề quan trọng thì thường thuờng nước nào mạnh thì nó có lợi hơn. Chính vấn đề lãnh thổ ít khi được đưa ra Toà Án Quốc Tế, hay là một cơ quan thẩm quyền nào đó. Trường hợp Đền Preah Vihea bên Thái Lan và Cam Bốt sở dĩ được đưa ra (Toà Án Quốc Tế) là vì vấn đề đó nhỏ, không quan trọng.
Đàng này vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa là vấn đề quan trọng lớn lắm thì chuyện đưa ra Toà Án Quốc Tế hay một cơ quan trung lập đệ tam nào là chuyện khó xảy ra. Thành ra bây giờ chỉ còn vấn đề tương quan về chính trị, kinh tế và quyền lực thì cả 3 cái này Việt Nam đều yếu kém cả.
Về Hoàng Sa tôi thấy là khó được giải quyết. Nó đã chiếm rồi thì bây giờ phải đánh nó ra khỏi, mà đánh nó thì không được, mình chưa đủ khả năng đánh với nó. Cũng như ta thấy người Arab, khi Do Thái chiếm Đồi Golan, West Bank, Gaza thì đâu có đánh nó được. Đó là chuyện khó. Thế bây giờ chỉ còn vấn đề bảo vệ những phần còn lại của mình thôi thì cái này cũng khó lắm.
Đáng lẽ việc này phải được thực hiện từ lâu rồi. Điều này tôi nghĩ mọi người đều biết. Lãnh đạo Việt Nam biết thừa, là phải củng cố nội bộ. Nội bộ có nghĩa là trong nước phải đoàn kết như một và đoàn kết luôn với những người ngoại quốc nữa, bởi những người đó là những lobby rất lớn trong nước lớn của họ mới làm ầm lên được. Đó là điểm thứ nhất.
Thế, tăng cường nội bộ của mình, tăng cường thêm với những người trong mình, và thứ hai cũng phải quân bình quyền lực thì Việt Nam cũng đã cố tình làm đấy, thế nhưng những nước mà mình hiện nay có liên hệ tốt, thí dụ như Đông Nam Á, Nhật Bản, Nam Hàn, thì những nước đó không phải là đối trọng của Trung Quốc. Đối trọng với Trung Quốc là Mỹ cơ.”
Không thể cứ nhượng bộ mãi
Bạn nghĩ gì về tranh chấp này? Xin email về Vietweb@rfa.org , hoặc tham gia Diễn đàn RFA
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang một nhà tranh đấu trong nước thì cho rằng Việt Nam không thể nhượng bộ mãi và điều này càng làm cho Trung Quốc lấn áp và gây áp lực ngày một nặng nề hơn mà thôi. Ông manh mẽ tuyên bố:
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: “Tôi biết rằng tất cả những người Việt Nam có lòng yêu nước, có tinh thần bảo vệ lãnh thổ của mình và tổ quốc trọn vẹn của mình, thì đều kịch liệt phản đối việc nhà cầm quyên Trung Quốc trân tráo đưa Hoàng Sa và Truòng Sa vào lãnh thổ của họ và dưới quyền kiểm soát của một tỉnh của Trung Quốc.
Đấy là một hành động của tư tưởng đại bá, dù lãnh thổ của mình đã to lớn rồi nhưng muốn lấy thịt đè người và muốn đi ăn cướp đất đai của những nước xung quanh. Đấy là hành động mà tôi nghửcằng sẽ gây phẫn nộ hết sức cao độ của toàn thể nhân dân Việt Nam. Và nhân dân Việt Nam sẵn sàng đứng lên chống trả lại và đập tan những ý đồ xâm lược của bất cứ một kẻ thù nào.
Trong lịch sử Trung Quốc phải nhớ rằng Việt Nam không hề sợ Trung Quốc và không hề thua Trung Quốc nếu Trung Quốc bày tỏ dã tâm ăn cướp đất đai của Việt Nam.”
Trong văn bản phản đối chính quyền Trung Quốc, ông Lê Dũng lập lại điều mà nhà nước Việt Nam luôn theo đuổi: “Trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực.”
Xem ra các nghị định, công ước hay luật biển quốc tế cũng như thiện chí không làm lòng tham của phương Bắc bị chùn lại. Những hành động bột phát của nhóm người Việt mạnh dạn chống đối trước tòa đại sứ Trung Quốc có sức mạnh gấp trăm lần hơn những tuyên bố có tính chiếu lệ mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam luôn copy sẵn một bản sao và dùng chung cho tất cả mọi trường hợp bị xâm phạm chủ quyền từ người anh em phương Bắc.
Các tin, bài liên quan
- Sinh viên, thanh niên biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn phản đối Trung Quốc
- Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hòang Sa
- Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Việt Nam gặp nhau tại Singapore
- Ðại Hội Ðảng lần thứ 17 của ĐCSTQ sẽ đưa Hoa Lục đưa về đâu?
- Nhận định về bài diễn văn của ông Hồ Cẩm Đào tại đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 17
- Việt Nam và Trung Quốc trao đổi về cải cách tư pháp
- Hà Nội nghe ngóng các diễn biến của Đại hội đảng CS Trung Quốc
- Việt Nam phản đối Đài Loan xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trường Sa
- Việt Nam tăng cường các quan hệ hợp tác với Trung Quốc