Công ước Quốc tế và vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc
2007.12.11
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Sự kiện Trung Quốc thiết lập đơn vị hành chính để quản trị hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, mới được công bố vài ngày nay, đang gây căm phẫn trong công luận người Việt trong và ngoài nước. Cuối tuần qua, hàng trăm sinh viên, thanh niên đã biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc và biểu dương chủ quyền quốc gia.
Trước hành động xâm lấn chủ quyền của Bắc Kinh, Nhã Trân ghi nhận phân tích và ý kiến của một nhà luật học về công ước quốc tế. Xin mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Văn Canh, Tiến sĩ Công Pháp Quốc Tế, cựu chuyên viên nghiên cứu chiến tranh và hoà bình Đông Dương, Viện Hoover (California) đồng thời cũng là Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ ở hải ngoại.
Công ước quốc tế về ranh giới biển
Nhã Trân: Thưa Tiến Sĩ, việc Trung Quốc đơn phương thành lập đơn vị hành chính mang tên Tam Sa để quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa, có phù hợp với thông lệ, hay công ước quốc tế về ranh giới biển hay không ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh: Về thông lệ quốc tế thì tôi không thấy có trường hợp nào xảy ra như vậy, trong tình trạng như là Tam Sa mà Trung Quốc vừa mới thiết lập là một đơn vị hành chánh nằm trong tỉnh Hải Nam, là một đơn vị hành chánh tại quốc gia mình để quản trị lãnh thổ hay lãnh hải như trong trường hợp này là của một quốc gia khác là Việt Nam thì không bao giờ có chuyện đó xảy ra trên quốc tế.
Nhã Trân: Còn nói về bản quy tắc hành sử chung trong vùng Biển Đông mà Trung Quốc đã ký kết với khối ASEAN, thì hành động của Bắc Kinh có thể được đánh giá ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh: Về bản Quy Tắc Hành Sử mà Trung Quốc ký với ASEAN thì có một sự việc như thế này. Trước đây khối ASEAN nghĩ rằng mình cộng tác với nhau thành một khối để đối đầu với Trung Quốc, để thương thảo với Trung Quốc những vấn đề liên quan tới quyền lợi của khối mình với Trung Quốc, nhưng Trung Hoa không bao giờ chịu.
Vấn đề bị giằng co cãi cọ nhau mãi cho tới khoảng chừng một chục năm sau thì Trung Quốc đưa ra một đề nghị là Trung Quốc muốn thương thảo với một nước nào đó ở trong khối ASEAN thì thương thảo tay đôi chứ không có thương thảo với cả khối. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, khi mà cần phải giải quyết vấn đề gì đó thì thương thảo với nhau để giải quyết trước, không được dùng võ lực. Thế thì ở đây, trường hợp này Trung Quốc tự mình đứng ra quản trị vùng đó, coi như tài sản của mình, thì không đúng với điều chính Trung Quốc đã đưa ra viện lẽ rằng Trung Quốc muốn coi rằng vùng biển đó là của mình.
Nhã Trân: Thưa Tiến Sĩ, được biết hồi tháng 11 vừa qua, Malaysia và Singapore đã tranh biện tại tòa án quốc tế The Hague để nhờ tòa phân xử về một nhóm đảo nhỏ mà hai nước tranh chấp chủ quyền từ nhiều năm qua. Vụ kiện này có thể lấy làm thí dụ cho trường hợp Việt Nam và Trung Quốc trong vùng Hòang Sa và Trường Sa hay không? Xin T/s cho biết nếu có thì do đâu, và nếu không thì vì sao?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh: Trường hợp đưa ra Toà Án Quốc Tế La Haye để mà xử một vụ kiện tranh chấp về lãnh thổ lãnh hải thì có thể xảy ra được, có nghĩa là hai quốc gia phải đồng ý với nhau đưa vấn đề đó ra để Toà Án La Haye xét xử. Mỗi bên phải chứng mình chủ quyền của mình về phương diện lịch sử, về phương diện hành sử chủ quyền, v.v. đấy là phần đất của mình. Toà Án La Haye sẽ dựa vào đó để quyết định.
Nhưng mà trường hợp này thì cũng không phải như vậy, là vì đơn phương Trung Hoa lục địa với chính quyền cộng sản họ muốn bành trướng thế lực của họ thì chắc chắn họ không bao giờ châp nhận thẩm quyền của Toà Án La Haye. Vã lại Việt Nam thì từ trước tới giờ luôn luôn nghĩ rằng hợp tác với Trung Hoa thì họ có thể ngồi yên, tức là họ chấp nhận lép vế .
Nhã Trân: Thưa có phải ý của ông là Bắc Kinh sẽ không tán đồng việc đưa ra Toà Án Quốc Tế để phân xử, tại vì đơn giản là Trung Quốc chỉ muốn bành trường thế lực khi muốn chiếm các quần đảo này thôi?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh: Vâng, cái đó đúng. Tôi có thể lấy thí dụ như thế này. Vào khoảng thập niên 1980 Trung Quốc có phổ biến một bản đồ, vẽ một bản đồ rất rộng rãi ở vùng Biển Đông của Việt Nam. Tất cả vùng đó có diện tích chừng 3 triệu 5 trăm ngàn cây số vuông. Trung Quốc vẽ bản đồ đó thì họ chiếm mất 3 triệu cây số vuông và đường ranh phía Tây gần sát với Việt Nam.
Đến năm 1992 Trung Quốc có ban hành một đạo luật và tuyên bố khơi khơi rằng Biển Đông là phần lãnh hải của Trung Quốc, và nếu mà quốc gia nào có tàu chiến đi qua thì phải xin phép, nếu không thì Trung QUốc sẽ đánh chìm. Đồng thời những tàu khoa học nào hoạt động ở vùng này cũng phải xin phép. Có nghĩa rằng mà muốn thăm dò dầu hoả thì không được phép là vì lãnh thổ của Trung Quốc.
Năm 1988 Trung Quốc đã đưa quân chiếm 6 đảo ở Biển Đông của Việt Nam và đã đánh nhau với tàu của hải quân của Việt Nam và tàu Việt Nam bị chìm vì toàn những tàu cũ không có khả năng chống cự lại với Trung Quốc được.
Trung Quốc dùng sức mạnh để chiếm và đồng thời đã thiết lập một cái mốc đánh dấu chủ quyền trên đảo Đá Ba Đầu ở vùng này. Đây là một ấm mưu bành trướng chứ không phải là chuyện thương thảo với chính quyền Việt Nam để giải quyết vấn đề.
Việt Nam trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc
Nhã Trân: Như vậy thì Việt Nam có thể làm những gì để tranh lại chủ quyền chính đáng và lịch sử của mình trên vùng quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, chiếu theo công pháp quốc tế, thưa Tiến Sĩ?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh: Về phương diện công pháp quốc tế thì Việt Nam không có thể làm gì để mà giành lại chủ quyền. Ngay cả đến việc tháng 6 vừa rồi Trung Quốc vẽ lại bản đồ và cái bản đồ mới này có đường ranh sát vào Quận Tư Nghĩa của tỉnh Quảng Ngãi vào khoảng 145 hải lý, túc là trùm cả vào thềm lục địa của Việt Nam.
Đối với Cam Ranh thì chỉ còn có 172 hải lý gì đó mà thôi. Việt Nam cũng chẳng làm gì cả, chỉ nói rằng về phương diện lịch sử thì có đủ yếu tố chứng minh rằng có chủ quyền. Thành ra vì vậy mang công pháp quốc tế ra để mà giải quyết vấn đề thì có bao giờ Trung Quốc chịu chấp nhận giải pháp đó đâu.
Nhã Trân: Nếu như vậy phải chăng Việt Nam không có cách giải quyết nào khác, không có một chọn lựa nào khác trong vụ việc này, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh: Vâng. Hoàn toàn bế tắc. Trước đây Việt Nam cũng đã cố gắng tìm cách thoả hiệp với Trung Quốc. Thí dụ như tháng 12-2006 Việt Nam có đề nghị với Trung Quốc hợp tác dầu khí, hai bên dò tìm dầu khí để chia lời. Ý của Việt Nam là thôi bây giờ tôi với anh cùng làm chủ quyền chung với nhau, như vậy thì giải quyết được vấn đề.
Tháng 1-2007 thì Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng của Việt nam có tuyên bố rằng hai bên đã bắt đầu hợp tác về vấn đề tìm dò dầu khí, thì đây chỉ là một cách cố níu kéo để giành giựt lại chủ quyền cho mình một phần Biển Đông mà thôi.
Nhã Trân: Uỷ Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ có nhận định ra sao về hành động của Trung Quốc là tự ý muốn kiểm soát vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách ngang nhiên, không đếm xỉa gì đến tiếng nói và cương vị Việt Nam, và tại sao Bắc Kinh có thái độ đó với Hà Nội trong khi có thái độ khác đối với một số chính quyền khác cũng đang cùng Trung Quốc tranh chấp về chủ quyền trên cùng một phần lãnh hải?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh: Với tư cách là Chủ Tịch Uỷ Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ, tôi thấy rằng đây chỉ là tinh thần của chủ nghĩa bá quyền của người Hán mà Đảng Cộng Sản Trung Hoa thực hiện mưu đồ bành trướng về phía Nam. Sở dĩ mà có sự áp dảo đối với nhà cầm quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vì chính nhà cầm quyền Việt Nam với Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chịu, đã chấp thuận sự lãnh đạo của Trung QUốc.
Nhã Trân: Xin Tiến Sĩ cho biết luận cứ này dựa trên cơ sở nào ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh: Bằng cớ là việc ký hai hiệp định vùng vịnh năm 1999 và năm 2000, kể cả vùng đất liền.
Nhã Trân: Thay mặt quý thính giả Đài Á Châu Tự Do, xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh về cuộc phỏng vấn này.
Bạn nghĩ gì về tranh chấp này? Xin email về Vietweb@rfa.org , hoặc tham gia Diễn đàn RFA
Các tin, bài liên quan
- Sinh viên tổ chức biểu tình trả lời phỏng vấn RFA
- Việt Nam cần có phản ứng như thế nào trước sự xâm lấn của Trung Quốc?
- Sinh viên, thanh niên biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn phản đối Trung Quốc
- Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hòang Sa
- Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Việt Nam gặp nhau tại Singapore
- Việt Nam cam kết thúc đẩy phát triển quan hệ Trung Quốc-ASEAN
- Ðại Hội Ðảng lần thứ 17 của ĐCSTQ sẽ đưa Hoa Lục đưa về đâu?
- Đại hội đảng Trung Quốc: Vài phân Dân chủ
- Nhận định về bài diễn văn của ông Hồ Cẩm Đào tại đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 17