Biến đổi khí hậu tòan cầu tác hại nghiêm trọng đến Việt Nam

Nhiều lo ngại trập trung vào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long do biến đổi khí hậu tác động nhưng thật ra các khu vực duyên hải Việt nam cũng sẽ bị đe doạ trầm trọng trong tưong lai gần nếu không có các biện pháp phòng chống xâm thực do nước biển dâng trong những năm tới.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.10.27
Đồng Bằng Sông Cửu Long vựa lúa của Việt Nam Đồng Bằng Sông Cửu Long vựa lúa của Việt Nam (ảnh minh họa)
AFP photo

Mặc Lâm phỏng vấn GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội khóa 11 - hiện đang tham gia Dự Án Biến Đổi Khí Hậu của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chủ trì, nhằm tìm hiểu thêm Việt Nam đã có những cái nhìn thế nào về vấn đề này.

Nước biển sẽ xâm thực vùng duyên hải

Mặc Lâm : Xin cảm ơn Giáo Sư đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Trước tiên xin Giáo Sư cho biết con số dự báo mực nước biển dâng tại Việt Nam cụ thể theo ông biết thì như thế nào, thưa ông?

GS Nguyễn Ngọc Trân : Cái dự báo về nước biển dâng ở Việt Nam (thì) trước đây Bộ Tài Nguyên-Môi Trường có đưa con số là từ 69 centimet cho tới 100 centimet vào năm 2100; gần đây thì Bộ Tài Nguyên-Môi Trường có họp báo và có đưa con số là từ 0,65 mét cho tới 1 mét.

Con số này sẽ được Bộ cập nhật thường xuyên hơn, đó là con số của Chương Trình Mục Tiêu Quốc Gia mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường (là) Bộ thường trực Chương Trình Mục Tiêu Quốc Gia công bố.

Mặc Lâm : Trước con số này thì những ảnh hưởng trực tiếp đến với các vùng duyên hải sẽ ra sao ạ?

GS Nguyễn Ngọc Trân  : Cái ảnh hưởng trực tiếp tới mình thì anh biết là đối với một đất nước mà có 3.200 kilomet bờ biển như mình, trong đó có những vùng liên quan tớí thời tiết như Đồng Bằng Sông Hồng và Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì như vậy là cái mực nước biển dâng thì nó sẽ tác động rất nhiều hai cái đồng bằng, hai cái vựa lứa, đồng thời nhứt là Đồng Bằng Sông Cửu Long là cái vựa lúa bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và đồng thời là cái xuất khẩu.

Thứ hai nữa là gặp cái bờ  biển Miền Trung, Miền Bắc, với lại từ Quảng Ninh cho tới Cà Mau cộng với hai đồng bằng như vậy là theo Tổng Cục Thống Kê là 75% dân số mình tập trung ở trong cái vùng này, do đó theo tôi nghĩ chắc ảnh hưởng sẽ rất cần thiết và rất quan trọng tới Việt Nam.

Mặc Lâm : Những thông tin mà Giáo Sư vừa đưa ra có thể nói các vùng tiếp cận với biển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề không kém khu vực đồng bằng sông Cửu Long hay là Sông Hồng, thế nhưng cho tới nay thì các tổ chức môi trường quốc tế không quan tâm lắm đến các khu vực duyên hải Miền Trung. Giáo Sư có thể cho biết lý do là vì sao không, thưa ông?

GS Nguyễn Ngọc Trân  : Thế giới thì họ xếp Đồng Bằng Sông Cửu Long là một trong 5 đồng bằng mà bị uy hiếp nặng nhất thế giới, còn Đồng Bằng Sông Hồng thì một bước ít hơn, nhẹ hơn, nhưng mà cũng bị uy hiếp, nhưng mà họ lại xếp cái rẻo mà dọc bờ biển Việt Nam vào những cái loại bờ biển mà bị uy hiếp nghiêm trọng nhất bởi mực nước biển dâng, bởi sao? Bởi vì một là nó trực tiếp tơi một cái vùng mà mực nước biển dâng rất rõ, thứ hai nữa là dân số ở chỗ này rất nhiều.

Năm 2001 thì ICCC có đưa ra một cái hình thì trong đó cái đoạn bị uy hiếp trực tiếp nhất là từ Đà Nẵng cho tới Phú Yên. Ở đó họ theo cái thống kê tính toán là tăng 2 ly (millimet) mỗi năm. Và từ năm 2000 cuối thế kỷ trước họ dự báo là con số này sẽ tăng lên nữa.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Mặc Lâm : Theo Giáo Sư thì vấn đề xâm thực trong tương lai ngày một nhiều thì ảnh hưởng của nó ra sao ạ?

GS Nguyễn Ngọc Trân  : Khi người ta nói tới mực nước biển dâng (thì) thường thường người ta chỉ nói tới vấn đề ngập đỉnh, nghĩa là cái mực nước nó ngập họ tính theo độ bao nhiêu rồi nước nó lên bao nhiêu thì cái ngập đó nó tới đâu thì tôi gọi cái ngập đó là "ngập đỉnh", nhưng mà cái quan trọng hơn nữa là cái sóng biển cộng với thuỷ triều, nhứt là triều cường, cái dòng hải lưu nó làm cho cái mực nước biển dâng này tác động lên đối với bờ biển của mình. Trong mấy năm vừa rồi, từ một chục năm trở lại đây, các vùng biển Miền Trung liên tục bị xâm thực và bà con mình phải đi lùi lùi lùi dần vào phía trong.

Nêú mà tình hình này mà nước biển cứ tiếp tục dâng thì cái tình hình xâm thực sẽ còn phá bờ biển của mình nhiều hơn nữa. Vì vậy cho nên tôi nghĩ không có thừa nếu mà nói cái tình trạng xâm thực dọc theo 3.200 cây số bờ biển của mình là rất nghiêm trọng. Cái xã Hải Lý ở Đồng Bằng Sông Hồng, ở Nình Bình đó, liên tục bờ biển bị xâm thực sâu vào trong tới cả trăm mét, cái nhà thờ cũng bị đánh vỡ.

Ở trong Đồng Bằng Sông Cửu Long thì cũng có những vùng mất đi mỗi năm, như là ở cái Cửa Bồ Đề ở Mũi Cà Mau mỗi năm như vậy là mất cả hàng chục mét vào phía trong. Đó là mới cái tình trạng hiện nay chớ mà nếu biển dâng mạnh hơn nữa thì tôi nghĩ sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa.

Các nhà khoa học cũng như cán bộ môi trường không phải người ta không nói cái xâm thực nghiêm trọng ở bờ biển Miền Trung đâu. Cái này chỉ có cái có lẽ theo riêng cá nhân tôi thì Duyên Hải Miền Trung cũng gần như là Đồng Bằng Sông Cửu Long, mà ngay trong một hội thảo năm 2008 thì tôi cũng có trình bày cái vấn đề đối với Duyên Hải Miền Trung này là từ Thanh Hoá-Nghệ An xuống tới dưới này chớ không phải chỉ có Miền Trung - Trung Bộ không đâu. Tôi nghĩ có lẽ là vì cái tình hình lương thực rồi cái dân số ở Đồng Bằng Sông Cửu Long là cái vựa lúa, hay Đông Bằng Sông Hồng, cho nên là người ta chú ý nhiều hơn, chớ còn thật ra không phải là không chú ý tới Miền Trung đâu.

Kế họach phòng ngừa

Mặc Lâm : Đối với những nguy cơ như vậy thì Giáo Sư có thể cho biết là Việt Nam phải có những biện pháp nào nhằm đề phòng ngay từ bây giờ, thưa ông?

GS Nguyễn Ngọc Trân  : Theo tôi thì trước nhứt từ đây trở về sau khi xây dựng những hạ tầng cơ sở ở dọc theo bờ biển của mình thì phải chú ý tới cái vấn đề về những dữ liệu về mực nước biển dâng sắp tới. Nói một cách khác là mình phải kết hợp vấn đề nước biển dâng vào mọi cái quy hoạch phát triển ở cái vùng ven biển của mình.

Cái thứ hai, mỗi vùng phải đánh giá được sẽ có bao nhiêu địa bàn sẽ ngập và số dân ở đó làbao nhiêu để mà mình có một kế hoạch đưa dân mình đi lên một cái chỗ không bị ảnh hưởng.

Và cái chuyện này phải chuẩn bị kỹ bởi vì nếu không, để nước tới chân mới nhảy, thì đi lên bất cứ chỗ nào cao hơn thì tạo ra một sự bất ổn định về mặt địa mạo của cái vùng ở ven biển.

Anh biết Miền Trung của mình, ven biển của mình nó rất hẹp: ở trên là núi, ở ngoài là biển, còn thêm nữa là cái nạn phá rừng của mình từ mấy chục năm nay, cho nên bây giờ hễ mà mưa lớn là bị cái lũ trôi, cái lũ quét ngập rất là nhanh, vì vậy cho nên phải đặt cái vấn đề nước biển dâng này, bàn tính cái chuyện địa bàn nào ở đâu, và cộng thêm đó là cái sinh kế, cái sinh nhai của bà con mình khi di dân là như thế nào để mà tổ chức cái ứng phó của mình

Mặc Lâm : Xin cám ơn GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
07/12/2009 20:06

sao o tren day khong noi ve bieu hien,nguyen nhan,hau qua cua viec trai dat dang bi nong len