Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng cần thận trọng khi bù lãi suất.
Saigon Giải Phóng Online hồi trung tuần tháng 3 đăng tải nhận định của TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội, theo đó nếu quá tập trung vào giải pháp bù lãi suất sẽ không mang lại hiệu quả. TS Nguyễn Quang A nói rằng ông đồng ý là giải pháp này sẽ giúp hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp đỡ phá sản, đỡ sa thải lao động. Theo lời TS A, số tiền cho vay bù lãi suất, số lượng đáo nợ chiếm nhiều. Tính đến nay hệ thống ngân hàng thương mại đã cho vay hơn 150 ngàn tỷ đồng thuộc chương trình bù lãi suất 4%.
Tiêu cực, lạm dụng
TS Nguyễn Quang A nói rõ hơn về vấn đề này với chúng tôi:
Nếu chỉ chăm chăm vào việc bù lãi suất thì việc kích cầu sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
TS Nguyễn Quang A
“Nếu người ta vay ưu đãi để trả nợ khoản đó thì bất hợp pháp, nhưng các doanh nghiệp họ lanh lợi lắm. Họ vay để trả, họ kiếm ở đâu đó để họ trả trước một khoản vay có lãi suất cao, đấy là một việc làm hợp pháp không ai từ chối được. Sau đó họ lại vay một khoản mới được hưởng lãi suất ưu đãi, điều này cũng hợp pháp không ai trách cứ họ được. Thực sự trong mỗi một chính sách đưa ra thì bao giờ cũng có hậu quả hoặc kết quả mà người hoạch định chính sách không lường trước được.”
Trên báo Saigon GP Online, Viện trưởng IDS nhấn mạnh rằng, rõ ràng hiệu quả mong đợi từ việc bù lãi suất giúp tăng trưởng tín dụng là rất ít, không tăng được cầu, dẫn đến hiệu quả kích cầu là không như ý muốn. Đó là chưa kể việc bù lãi suất này nếu làm không chắc chắn sẽ rất dễ gây tiêu cực, TS Nguyễn Quang A nhắc lại là chính thủ tướng chính phủ đã cảnh báo như thế.
Kéo trễ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế
TS Nguyễn Quang A còn nhận định rằng, nếu tập trung bù lãi suất cho doanh nghiệp thì sẽ giúp doanh nghiệp che giấu sự yếu kém, kéo trễ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. TS A cho rằng doanh nghiệp có thể nhờ vào nguồn vốn lãi suất thấp này mà kéo dài sự lay lắt của mình, theo nguyên văn lời TS A. Tình trạng này càng làm cho nền kinh tế yếu đi, mà lẽ ra phải tận dụng cơ hội này để cơ cấu lại nền kinh tế.
TS Nguyễn Quang A đã giải thích rõ ý kiến của ông với chúng tôi:
“Đi với tái cơ cấu, đã là tái cơ cấu bao giờ cũng là đau đớn, một số doanh nghiệp làm ăn kém thì phải đóng cửa, mà đóng cửa thì công nhân mất công ăn việc làm. Nhưng trong cái mất công ăn việc làm và đóng cửa ở doanh nghiệp ấy, lại tạo cho các doanh nghiệp khác có thể phát triển lên. Nghĩa là một quá trình sàng lọc, những người yếu kém thì phải rút khỏi thị trường, những người làm ăn khéo giỏi thì phát triển lên, phải thay đổi cách làm ăn, thay đổi mặt hàng, thay đổi chiến lược chiến thuật.
Đó là quá trình tái cơ cấu diễn ra một cách tự phát, nó diễn ra tự nó chứ không phải là theo lệnh của bất kể ai. Trong chính sách của nhà nước, nó tạo ra những khuyến khích có thể thúc đẩy quá trình tái cơ cấu này hoặc làm cho quá trình này chậm đi.”
Những lãnh vực cần tập trung
Trả lời câu hỏi của SGGP Online, nếu không quá tập trung vào bù lãi suất thì giải pháp kích cầu của chính phủ cần tập trung vào lĩnh vực nào. TS Nguyễn Quang A nhận định rằng, chính phủ cần đầu tư mạnh vào giáo dục, hạ tầng nông thôn, duy trì việc làm cho người lao động. TS A nhấn mạnh rằng cần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, tất nhiên không thể hỗ trợ thông qua Bộ Lao động Thương binh Xã hội vì bộ này vẫn chưa có cách để nắm chắc số lượng lao động bị mất việc làm. Để hỗ trợ trực tiếp người lao động, chính phủ có thể thông qua doanh nghiệp, qua Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi biết rõ số lao động bị mất việc. Theo lời TS Nguyễn Quang A, điều này có nghĩa chính phủ cần tiếp tục bổ sung các giải pháp kích cầu.
Cần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, tất nhiên không thể hỗ trợ thông qua Bộ Lao động Thương binh Xã hội vì bộ này vẫn chưa có cách để nắm chắc số lượng lao động bị mất việc làm.
TS Nguyễn Quang A
Viện trưởng IDS cũng cho rằng có những biện pháp chính phủ thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả mong muốn. TS A nêu ý kiến theo đó giãn thuế thu nhập cá nhân là không cần thiết. Bản thân ông mỗi tháng đang được hoãn ba tới bốn triệu đồng, nhưng ông nhấn mạnh việc giãn thuế này là đang kích cầu cho người giàu, trong khi đối tượng cần kích cầu là người nghèo, người có thu nhập thấp. TS A thêm rằng, chính phủ chưa nên bàn tới việc tăng học phí trong năm nay, vì như vậy đi ngược với mục tiêu kích cầu.
Được yêu cầu dự báo về hiệu quả của đợt kích cầu, TS Nguyễn Quang A một lần nữa nhắc lại rằng nếu chỉ chăm chăm vào việc bù lãi suất thì việc kích cầu sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. TS Nguyễn Quang A mô tả việc phát hành trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ nhằm huy động 115 ngàn tỷ đồng, như là sự thực hiện kích cầu đợt 2 của chính phủ. Ông nêu ý kiến là khi kích cầu đợt 2, việc rót vốn vào đâu là điều chính phủ phải hết sức cân nhắc.
TS Nguyễn Quang A cho rằng, ngay trong lúc này chính phủ cần cập nhật thông tin giúp đánh giá sát hơn thực trạng nền kinh tế. Qua đó lường trước được những đối tượng nào dễ bị ảnh hưởng và đưa ra các giải pháp kịp thời. Viện trưởng IDS nhắc lại, cách đây 10 năm Việt nam đã thực hiện chính sách kích cầu. Việc kích cầu được kéo dài vì thế đã làm cho nền kinh tế tăng trưởng nóng, tạo nên những bất ổn của kinh tế vĩ mô. Vì vậy cần hết sức thận trọng khi dùng các biện pháp kích cầu.
Duy trì sản xuất kinh doanh?
Một chuyên gia khác, làm việc trong guồng máy Nhà nước đã có những nhận định ngược chiều với Viện trưởng IDS. Tuổi Trẻ Online ngày 14/3 trích lời TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định rằng, chính phủ triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế theo hai hướng. Chính sách tiền tệ, tập trung vào việc giảm lãi suất và bù lãi suất. Chính sách tài khóa chủ yếu là tăng cường đầu tư công, giãn, giảm và miễn thuế, tăng lương và tài trợ đối tượng chính sách. TS Nghĩa nhấn mạnh tới vốn giải ngân có bù lãi suất đạt mức cao, số liệu chúng tôi cập nhật hiện nay vượt qua mức 150 ngàn tỷ đồng. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng trưởng tín dụng tháng 2 đã tăng lên 1,5% so với đầu năm. Đây là tín hiệu quan trọng cho thấy suy giảm kinh tế đã bắt đầu chậm trở lại.
TS Lê Xuân Nghĩa nêu ý kiến nên xem xét có một cơ chế giúp doanh nghiệp đảo nợ hợp pháp, giảm bớt gánh nặng lãi suất cho doanh nghiệp. Nếu đảo nợ để có vốn duy trì được công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động thì không khác gì doanh nghiệp được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch. Theo lời ông Nghĩa nếu doanh nghiệp có khả năng trả nợ cũ, vay vốn mới có bù lãi suất thì sẽ duy trì được sản xuất kinh doanh.
Thưa quí thính giả, những bài báo chúng tôi trích dẫn cho thấy những quan điểm rất khác nhau về chương trình kích cầu bù lãi suất của chính phủ.