Vấn nạn hàng giả

Hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam lâu nay đã trở thành một vấn nạn. Gần 4 năm sau khi luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam ra đời, và 2 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, việc sản xuất và buôn bán hàng giả lại ngày càng phát triển với mức độ tinh vi hơn.
Việt Hà, phóng viên đài RFA
2009.06.27
Chuyện mua hàng giả, hàng kém chất lượng không phải là chuyện lạ ở Việt Nam Chuyện mua hàng giả, hàng kém chất lượng không phải là chuyện lạ ở Việt Nam
AFP photo

Việt Hà tìm hiểu và tường trình.

Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam ghi rõ những quyền được bảo vệ bao gồm bản quyền và quyền liên quan, sở hữu công nghiệp và quyền giống cây trồng. Hầu như tất cả những quyền này đều bị vi phạm ở Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong vòng 5 năm qua, Việt Nam đã phát hiện tới 1,100 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả tại 43 trên 64 tỉnh, thành phố. Cũng trong thời gian này, quản lý thị trường, và hải quan bình quân mỗi năm phát hiện và xử lý khoảng 1.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Hàng giả mọi nơi, mọi nghành hàng

Về vấn đề xâm phạm bản quyền và các quyền liên quan, thì nổi bật nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Việc sao chép, buôn bán băng đĩa lậu diễn ra ở khắp nơi. Hầu như bất cứ phim nào mới ra ở trên thế giới mà có tiếng thì chỉ trong vài ngày là đã thấy có DVD ở các cửa hàng băng đĩa ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ với khoảng 20,000 đồng, tức là trên một đô la một chút, khách hàng có thể mua một đĩa phim mới mà nếu mua ở Mỹ thì giá phải đến 19 đô la. Còn các phần mềm vi tính thì cũng được mua bán hoặc thậm chí cho không một cách bất hợp pháp. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông khi tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh máy vi tính trong năm nay đã phát hiện nhiều cơ sở ‘cung cấp miễn phí’ những phần mềm đã được bảo hộ toàn cầu như Microsoft cho khách hàng.

Nói chung ở Việt Nam nhãn nào có tiếng là có hàng giả, hàng nhái, nó rộng trên tất cả các ngành hàng, nó không tập trung vào một ngành hàng nào cả.

Ông Lê Thế Bảo, CT HH chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN

Đối với vấn đề xâm phạm sở hữu công nghiệp, thì tình trạng này thể hiện qua hình thức hàng giả và hàng nhái. Nhận định về tình hình hàng giả và hàng nhái hiện nay, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết như sau:

“Nói chung ở Việt Nam nhãn nào có tiếng là có hàng giả, hàng nhái, nó rộng trên tất cả các ngành hàng, nó không tập trung vào một ngành hàng nào cả. Nhưng những ngành hàng lớn hiện nay đang nổi lên là các loại mỹ phẩm, dược phẩm, điện tử điện lạnh, như điều hòa nhiệt độ. Hàng giả hàng nhái diễn ra trên diện rộng, cái nào có giá cả tốt và có uy tín là bị làm nhái làm giả.”

Hồi cuối năm ngoái, đội chống buôn lậu công an thành phố Hà Nội phối hợp với đội quản lý thị trường số 3 phát hiện một kho hàng chứa nhiều đồ thể thao như quần áo, giày dép, vợt tennis, cầu lông, bóng bàn giả các thương hiệu nổi tiếng như Wilson, Yonex, Pro Ace, vân vân. Tổng giá trị ước tính lên đến hàng tỉ đồng.

Là một nước nông nghiệp với gần 80% người dân sống dựa vào nông nghiệp. Phân bón và thuốc nông là những mặt hàng được tiêu dùng nhiều ở Việt Nam. Và vì thế các mặt hàng này cũng trở thành đối tượng bị làm giả làm nhái, gây thiệt hại không những chỉ cho các nhà sản xuất chính mà còn cả phiền lụy cho người nông dân. Theo báo Tuổi trẻ online thì nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu long đã mua phải phân bón giả. Các sản phẩm này khi được phân tích thì hàm lượng chất yêu cầu có trong phân bón thấp hơn nhiều so với yêu cầu.

Không kém phần nghiêm trọng là rượu giả. Các cơ sở sản xuất rượu giả sử dụng nước pha cồn và phẩm màu hoặc một chút hương liệu rồi đóng nhãn mác ngoại để bán. Đã có những trường hợp bị ngộ độc do uống phải rượu giả.

Ngày càng tinh vi

Hình thức hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu cũng ngày càng trở nên khéo léo hơn. Ông Nguyễn Việt Sơn, luật sư hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của công ty luật Vĩnh Phát và liên danh giải thích:

“Trước kia thì nó đơn giản, bây giờ trở nên tinh vi hơn Ví dụ trước kia nó chỉ đơn thuần nhái một nhãn mác nào đấy, hình thức nhái rất thô sơ. Chẳng hạn trước đây có xử lý một trường hợp vi phạm vastarel thì nó có vostarel thì cái tương tự có thể nhìn thấy rất dễ. Bây giờ trong lĩnh vực thuốc có rất nhiều nhãn rất gần nhau, nhưng các cơ quan chức năng không thể kết luận được là nó vi phạm hay không vi phạm.”

Hàng giả hàng nhái được bày bán từ thành thị đến nông thôn. Nhưng người chịu thiệt thòi nhiều nhất là người dân ở nông thôn do thiếu các thông tin. Ông Lê Thế Bảo cho hay:

Bây giờ trong lĩnh vực thuốc có rất nhiều nhãn rất gần nhau, nhưng các cơ quan chức năng không thể kết luận được là nó vi phạm hay không vi phạm.

LS Nguyễn Việt Sơn

“Những hàng lương thực thực phẩm thì phần lớn chuyển về nông thôn, còn hàng mỹ phẩm dược phẩm thì cả thành phố và nông thôn đều có hết. Lương thực thực phẩm là hàng nhái, hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định thì người dân nông thôn ít quan tâm, hơn nữa người ta cũng tin tưởng rồi, cứ thấy bao bì đẹp thì người ta mua. Ở Việt Nam mới thực thi luật sở hữu trí tuệ được vài năm nên hiểu biết của người tiêu dùng và người dân còn hạn chế.”

Cũng theo ông Bảo thì nguồn xuất xứ của các mặt hàng này là:

“Nguồn thứ nhất là ở trong nước, ở các đô thị lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Một nguồn quan trọng nữa là từ nước ngoài đưa vào, đi bằng con đường tiểu ngạch, đồng thời đi bằng con đường chính ngạch.”

Theo đánh giá chung của một số doanh nghiệp nước ngoài có hàng bị vi phạm tại Việt Nam, thì các cơ quan hữu trách đã tích cực cộng tác trong việc xử lý hàng vi phạm. Theo quy định ở Việt Nam thì các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và xử lý hàng vi phạm bao gồm công an, quản lý thị trường, hải quan và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, vì nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt, nên hậu quả là tình trạng chồng chéo, nhiều lúc gây khó khăn, và tốn thời gian cho các doanh nghiệp có hàng bị vi phạm.

Trên đây là thực trạng hàng giả hàng nhái ở Việt nam. Trong buổi phát thanh tới, Việt Hà sẽ tiếp tục chuyển tới quý thính giả những tìm hiểu về tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với thuốc tân dược và nông dược tại Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.