Giờ phút cuối cùng

So với những gì ông George W. Bush đã từng làm trong 8 năm qua, ngày làm việc cuối cùng của ông không có gì khác.
Nguyễn Khanh, Biên tập viên RFA
Tổng thống George W. Bush Tổng thống George W. Bush
AFP photo

Buổi sáng ông cùng với những nhân viên cao cấp nhất trong Toà Bạch Ốc dự buổi họp đầu ngày, nghe bản phúc trình về tình hình an ninh quốc gia và những dự báo chuyện có thể xảy ra ở các nơi, trong nội địa Mỹ cũng như ở ngoại quốc.
Sau đó, ông nhấc điện thoại gọi một số nhà lãnh đạo các nước. Đây cũng là điều ông thường làm trong những năm vừa qua nhưng lần này, điều khác biệt duy nhất là thay vì thảo luận về những chuyện cần phải bàn, lần này ông gọi để chia tay với những người từng cùng ông giải quyết những căng thẳng xảy ra trên thế giới.
32% cử tri tán thành đường lối hoạt động ông đã thể hiện trong 8 năm ngồi ghế lãnh đạo, 68% còn lại coi ông là một trong những vị tổng thống kém nhất của lịch sử Mỹ.

Thông cáo phổ biến báo chí do phát ngôn viên Gordon Johndroe của Nhà Trắng đưa ra cho hay ông Bush gọi điện thoại để “ngỏ lời cám ơn những cảm tình nồng hậu mà các nguyên thủ cũng như người dân các nước đã dành cho 2 ông bà trong 8 năm qua”, đặc biệt là “sự hợp tác mà ông hân hạnh có được trong thời gian cầm quyền”. Ông Johndroe nói thêm các nhà lãnh đạo những nước bạn và đồng minh cũng ngỏ lời cám ơn ông Bush vì những gì ông đã làm và mối thân tình tạo dựng được trong 8 năm vừa rồi”.

Danh sách được phổ biến cho thấy người chỉ ít giờ đồng hồ nữa sẽ trao chìa khoá Nhà Trắng cho vị tổng thống kế nhiệm đã nói chuyện với Thủ Tướng Silvio Berluconi của Ý, Thủ Tướng Nga Vladimir Putin, Tổng Thống Georgia Mikheil Saakashvili, Tổng Thống Lee Myung-bak của Hàn Quốc…

Mặc dù từng nói đã làm trách nhiệm “bằng lương tâm và luôn luôn đặt quyền lời quốc gia lên trên hết”,

nhưng ông Bush rời Nhà Trắng với những dấu hiệu cho thấy không được nhiều thiện cảm với chính người dân của ông. Kết quả nhưng cuộc thăm dò được giới truyền thông Mỹ thực hiện trong những ngày gần đây nói rằng chỉ có 32% cử tri tán thành đường lối hoạt động ông đã thể hiện trong 8 năm ngồi ghế lãnh đạo, 68% còn lại coi ông là một trong những vị tổng thống kém nhất của lịch sử Mỹ.

Thiên tai đã qua

Không chỉ người dân Hoa Kỳ, các bài bình luận được đăng tải trên mặt báo trong số ra ngày cuối cùng của ông Bush cũng phản ánh tương tự. Phần lớn những bài bình luận chê bai ông Bush về chính sách ở hai trận chiến Iraq và Afghanistan, về chuyện không cứu vãn kịp thời nền kinh tế của quốc gia để gây ảnh hưởng bất lơi toàn cầu, cho đến chuyện thâm thủng ngân sách và ngay cả việc Hoa Kỳ không đóng tích cực vào những chương trình bảo vệ môi trường trong khi khí hậu mặt đất đang nóng dần.

Xin chào giã từ vị tổng thống tệ nhất. Ông Bush quả chính là một thiên tai, không giải quyết được những vấn đề trọng đại, từ chuyện đưa quân sang chiếm Iraq cho đến hiện tượng mặt đất đang nóng dần, cơn bão Katrina và vụ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất

Đánh giá vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Đức chạy hàng chữ “Thất Bại” và viết thêm:

Là một nhà lãnh đạo kém cỏi, ông Bush không thể cáng đáng được trách nhiệm. Chính ông ta lẫn lộn giữa sự cứng đầu và nguyên tắc. Vì ông ta mà Hoa Kỳ trở thành một quốc gia theo chính sách cứng rắn, và sau khi ông ta rời Nhà Trắng, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xoá bỏ được hình ảnh xấu đó.

Ở nước láng giềng Canada, tờ Toronto Globe viết:

Xin chào giã từ vị tổng thống tệ nhất. Ông Bush quả chính là một thiên tai, không giải quyết được những vấn đề trọng đại, từ chuyện đưa quân sang chiếm Iraq cho đến hiện tượng mặt đất đang nóng dần, cơn bão Katrina và vụ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất tình từ ngày cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra cho đến giờ.

Gia tài để lại

Ở Luân Đôn, bài bình luận của tờ Sunday Times cho rằng sau 8 năm cầm quyền, ông Bush rời Nhà Trắng và để lại cho người kế nhiệm “một đất nước và một nền kinh tế rách tả tơi”, số tiền chính phủ Hoa Kỳ mang nợ tăng quá nhanh và số người thất nghiệp tăng quá cao. Và đó cũng là nội dung bài bình luận của tờ Daily Mail phát hành ở Anh.

Ông Bush rời Nhà Trắng để lại cho thế giới một nền kinh tế suy thoái đến mức thật nghiêm trọng, Trung Đông đang bốc cháy và uy thế của nước Mỹ đang ở chỗ thấp nhất.

Nhưng chính tờ Daily Mail cũng công nhận:

Sau biến cố 11 tháng Chín 2001, ông đã thành công ở điều ông mà cho là mục tiêu quan trọng nhất, đó là không để cho Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công một lần nữa, và hiện giờ hoạt động của quân Al-queda đang yếu dần.

Sau biến cố 11 tháng Chín 2001, ông đã thành công ở điều ông mà cho là mục tiêu quan trọng nhất, đó là không để cho Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công một lần nữa, và hiện giờ hoạt động của quân Al-queda đang yếu dần.

Bài bình luận mang nhan đề “Chào Giã Từ Nhà Lãnh Đạo Không Được Cảm Tình”, tờ Sydney Morning Herald chỉ trích ông Bush không hiểu biết, không chú tâm đến tình hình thế giới, nhưng vẫn nhìn nhận ông là người “đã mở quan hệ tốt hơn Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các nỗ lực ông đã thực hiện giúp Châu Phi phòng chống bệnh AIDS”. Tờ báo còn dự đoán mai sau, ông Bush sẽ được các sử giả “xếp trong danh sách các nguyên thủ ở hạng trung bình”.

Nhưng tờ Le Monde của Pháp không chia sẻ quan điểm đó. Tờ báo viết rằng:

Khó tìm được một sử gia nào không nói ông Bush chính là “thảm hoạ lãnh đạo” chưa từng có của nước Mỹ. Ông ta chỉ thành công ở một điểm, đó là sau biến cố 11 tháng Chín, nước Mỹ không bị tấn công một lần nữa, nhưng điều này đứng bên lề danh sách quá dài những thất bại, bắt đầu bằng cuộc chiến Iraq.

May mắn cho ông Bush, vì bên cạnh những chỉ trích vừa nêu, ông được báo chí Do Thái ca ngợi, thí dụ như tờ Jerusaelm Post viết:

60 năm qua, trong số các tổng thống của Hoa Kỳ, không ai là người bạn thân thiết với Do Thái cho bằng ông George W. Bush.

60 năm qua, trong số các tổng thống của Hoa Kỳ, không ai là người bạn thân thiết với Do Thái cho bằng ông George W. Bush.

Nhưng chính bình luận gia Do Thái Caroline Glick cũng đưa ra nhận xét cho rằng:

Ông Bush nhận thức rằng Hoa Kỳ và Do Thái có những kẻ thù chung. Kẻ thù muốn tiêu diệt cả Do Thái lẫn nước Mỹ vì hai quốc gia tiêu biểu chung có một điều: đó là tự do. Nhưng ông Bush không hề học hỏi để biến cảm nghĩ cá nhân thành chính sách.

Dù được khen hay chê bai, chỉ trích, ông Bush cũng đang sửa soạn kết thúc vai trò ông đã nắm giữ trong 8 năm qua. Mười hai tiếng đồng hồ nữa, ông sẽ đón ông bà Barack Obama ở Nhà Trắng, sau đó cùng đi ra địa điểm chứng kiến ông Obama tuyên thệ nhậm chức. Vài trò của vị Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 43 chấm dứt, vai trò của vị Tổng Thống thứ 44 bắt đầu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.