Viết vội về Diego Maradona

Không khó nhưng cũng chẳng dễ để giới thiệu nhân vật nổi bật này đến mọi người.
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2010.07.02
Diego Maradona, HLV của đội tuyển Argentina tại một cuộc họp báo ở Sân vận động Green Point, Cape Town, Nam Phi, hôm 2/7/2010. Diego Maradona, HLV của đội tuyển Argentina tại một cuộc họp báo ở Sân vận động Green Point, Cape Town, Nam Phi, hôm 2/7/2010.
AFP PHOTO / JAVIER Soriano

Xuất hiện trước báo chí thì ông thường phát biểu linh tinh, dáng người thì vừa lùn vừa mập, lúc nào cũng thích nói đùa mà không dược duyên dáng cho lắm.

Người tôi muốn nói đến là Diego Maradona, huấn luyện viên của hội tuyển Argentina, là nhân vật đang tạo sôi nổi ở World Cup 2010. Hội tuyển ông dẫn dắt đang nằm trong danh sách rất ít những hội banh có thể chiếm cúp vô địch thế giới.

Bất ngờ tái xuất

Tôi gặp ông lần đầu tiên tại sân RFK ở thủ đô Washington DC hồi mùa hè 1994. Năm đó, Hoa Kỳ tổ chức World Cup và đang ngồi ở chỗ dành cho báo chí thì tôi thấy các nhà báo Nam Mỹ đùng đùng bỏ đi, anh chị nào mặt mày đều có vẻ nghiêm trang, báo hiệu có chuyện quan trọng. Vài phút đồng hồ sau đó, thì hình ảnh của ông được chiếu trên sân vận động, cho mọi người biết trong hàng khán giả danh dự có Maradona. Nếu tôi nhớ không lầm thì hôm đó ông chỉ ngồi chừng dăm ba phút rồi bỏ về chứ không ở lại xem hết trận banh như những khán giả danh dự khác.

Lúc tôi gặp Maradona lần đầu là lúc ông đang gặp nhiều khó khăn nhất trong đời sống. Hầu như tin tức hàng ngày trên trang báo thể thao đều có tin nói về ông, đại loại là người hùng Maradona của Argentina nghiện ma túy, phải rời Mỹ hồi 1994 cũng vì ma túy, về nước chỉ vài ngày thì đi nhậu đánh nhau bị cảnh sát bắt giải tòa. Bẵng đi một thời gian sau đó thì tin hàng đầu là tin ông nhận lời mời của lãnh tụ Fidel Castro sang Cuba cai nghiện, sau đó là lời phát biểu cám ơn lãnh tụ đã giúp anh cơ hội trở lại con người bình thường trước ngày rời Cuba để trở về lại Argentina. Sau đó là tin anh ta nghiện rượu nên bị bệnh gan, hồi giữa năm 2007 phải vào nhà thương chữa trị vì bị… chó cắn.

Một cổ động viên của đội tuyển Argentina tại Nam Phi. Photo courtesy of vtc.vn/Đức Trung.Đến khi vòng loại World Cup bắt đầu, tôi tình cờ thấy lại tên ông trên mặt báo. Bài báo chỉ có vài hàng ngắn ngủi, cho biết điều khiển hội tuyển Argentina chính là ông chứ chẳng ai khác.

Đã từng có lúc Diego là thần tượng bóng đá của rất nhiều người. Hình ảnh cậu thanh niên mặt búng ra sữa nhưng tài nghệ tuyệt đỉnh, ký giao kèo 5 triệu dollars (kỷ lục của thời 1980) để sang Tây Ban Nha đá cho Barcelona là những điều mọi người đều nói đến. Thế giới bóng tròn say mê với đường banh của anh, chăm chú theo dõi những bản tin nói về anh, không ai bảo ai nhưng tất cả đều có chung một ý nghĩ: sau Pele chính là Maradona chứ không thể là ai khác.

Danh hiệu “thần đồng bóng đá” chứng tỏ tài nghệ của Maradona nổi bật từ nhỏ, nhưng thành công lớn nhất anh đạt được vẫn là các cuộc tranh tài World Cup Mexico 1986. Ở cuộc đua này, anh có mặt trong tất cả các trận banh của hội tuyển, đá thủng lưới đối phương 5 lần và 5 lần đưa banh cho bạn đồng đội ghi bàn thắng. Điều cả thế giới vẫn còn nhớ và được ghi lại trong lịch sử FIFA là hai bàn thắng anh tạo được ở trận so giầy với Anh ở bán kết. Bàn thắng đầu tiên là cú đội đầu kèm theo quả đánh tay khéo đến độ trọng tài không thể thấy, sau này anh giải thích trái banh đi vào lưới đối phương với “một phần nhỏ là cái đầu của Maradona và phần nhỏ còn lại là bản tay của Chúa”.

Quả thứ nhì thì không thể nào chê nổi, được FIFA chọn là một trong những bàn thắng hay nhất của thế giới: anh lừa banh qua 5 cầu thủ của Anh, sau đó tung cú sút như trời giáng trước sự ngỡ ngàng của thủ môn Peter Shilton. Chiến thắng đó giúp Argentina đi sâu hơn, và cuối cùng hạ Đức 3-2 ở trận chung kết. Không nhớ đó có phải lần đầu tiên Argentina ẵm cúp vô địch hay không, nhưng rõ ràng người đem thành công đó về cho quốc gia chính là Diego Maradona. Ngay chính các bạn đồng nghiệp Nam Mỹ cũng nhiều lần bảo với tôi như thế.

“Chiến đấu với cả thế giới”

Một buổi tập của đội tuyển Argentina tại sân của Đại học Pretoria. Photo courtesy of vtc.vn/Đức Trung.Hình như với những cầu thủ siêu sao, sự nghiệp của họ thường kết thúc với vai trò huấn luyện viên. Ông thầy Jose Mourinho của xứ Brazil từng bảo trong một hội tuyển, “vai trò của huấn luyện viên chỉ chiếm một phần rất nhỏ, phần lớn nằm dưới đôi chân của các cầu thủ”. Ngay cả nhạc trưởng Michael Platini của Pháp cũng ví von huấn luyện viên chỉ là đạo diễn, và người đi xem “chỉ cần biết diễn viên thể hiện vai trò có xuất sắc hay không”. Diễn viên ở đây chính là các cầu thủ chạy nhảy không biết mệt trên sân trong những trận banh kéo dài ít nhất 90 phút đồng hồ.

Có thể những phát biểu vừa nêu không sai, nhưng không thể đúng với Diego Maradona. Không phủ nhận ông ta có một dàn phụ tá tuyệt diệu và dàn cầu thủ tuyệt vời, nhưng chính Maradona là gạch nối để dựng hội banh. Cứ nhìn vào cuộc họp kết thúc buổi tập luyện hàng ngày thì thấy ngay: bao giờ cũng bắt đầu bằng những lời nhắc nhở “chúng ta phải chiến đấu với cả thế giới”, kèm theo những hướng dẫn dành riêng cho từng cầu thủ và từng vị trí. Rõ ràng, từ một người xây dựng sự nghiệp với quả banh, từ một người nghiện ngập, nổi tiếng nóng tính, Maradona đã chuyển mình trở thành ông thầy rất mềm mỏng đứng trên bục giảng. Học trò của anh cũng không phải là đùa: cỡ như Messi, Carlos Tevez chứ đâu phải kém mà vẫn yên lặng ngồi nghe!!!.

Trước ngày trái banh thật sự lăn tròn trên sân Johannesburg trong trận mở màn, hầu hết các bình luận gia thế giới đều không dành cho Maradona cơ hội thành công. Các bài bình luận đều mang chung một nội dung: làm sao có thể dẫn dắt hội tuyển quốc gia khi không có tí ti kinh nghiệm, nổi tiếng nóng nảy thì làm sao đối phó được áp lực khi đưa hội tuyển ra sân tranh World Cup? Ngay chính những nhà phê bình thể thao của Argentina cũng đặt câu hỏi hóc búa với Liên Đoàn Bóng Tròn Quốc Gia: chọn Maradona làm huấn luyện viên có phải là một quyết định đúng hay không?

Trước những chỉ trích, phê bình đó, Maradona vẫn thản nhiên làm việc. Hội tuyển gặp khó khăn mới lấy được vé đi Nam Phi, nhưng ông hứa “sẽ có một hội tuyển hoàn toàn mới xuất hiện trên sân”.

Lời hứa của ông đi đôi với việc làm và đến giờ, thành công nhiều hơn mọi người nghĩ. Chỉ nhìn vào vòng bảng không thôi, thấy ngay sức mạnh của Argentina ở World Cup, nếu nhìn thêm vào trận vòng 16 vừa rồi, thấy ngay một ứng viên Argentina cho chức vô địch. Ông thành công đến độ ngay lúc này chính những nhà bình luận nổi tiếng của thế giới cũng phải phân vân, không biết nên chọn Brazil hay Argentina đứng đầu danh sách những nước tràn trề hy vọng ẵm cúp năm nay.

Các cổ động viên bên ngoài sân tập của đội tuyển Argentina tại Đại học Pretoria. Photo courtesy of vtc.vn/Đức Trung.Không chỉ thành công, Maradona còn thành công theo đúng ý của ông. Ở trận đầu vòng bảng cả nước làm áp lực đòi phải đưa Diego Melito đi hàng tiền đạo để phá vỡ hàng phòng thủ Nam Hàn, ông lẳng lặng đưa Gonzalo Higuain lên hàng trên và anh cầu thủ trẻ tuổi này tạo ngay “hat trick”. Trong trận gặp Hy Lạp, ông quyết định đưa Martin Palemo vào sân trong lúc tình hình đang quá căng thẳng, chỉ ít phút sau Palemo cũng đá thủng lưới đối phương bằng đường banh chẳng kém gì đuờng banh của Maradona 24 năm trước. Mới vài ngày trước đây cú sút của Martin Pamelo được các nhà báo bỏ phiếu chọn là một trong những cú sút đẹp nhất ở vòng đầu World Cup 2010.

Người thay đổi cuộc đời Maradona

Ngoài vai trò huấn luyện viên, ông còn được báo chí nói tới vì có người tình rất trẻ là cô Veronica Odeja. Theo những đồng nghiệp Argentina, ông huấn luyện viên đã hơn 50 tuổi và người đẹp chưa đến 30 gặp nhau trong một buổi tiệc cưới và 3 năm rồi đi đâu cũng có nhau. Không biết đến bao giờ họ mới làm đám cưới, nhưng theo lời Tổng Thống Hugo Chavez của Venezuela thì “lúc nào họ cũng say đắm nhìn nhau”.

Ở Nam Phi, cô Odeja luôn luôn có mặt tại sân, cũng đứng reo hò ủng hộ hội tuyển nhà nhưng không tiếp xúc với báo chí. Hình ảnh mọi người thấy qua truyền hình là hình ảnh của một cô gái trẻ, ăn mặc rất giản dị, đeo cặp mắt kính to, không “chảnh” như những cô gái đang cặp kè với những cầu thủ hay huấn luyện viên mà thế giới thường thấy. Ông cũng không kể nhiều về người yêu, nhưng hãnh diện khoe “Veronica là người hiểu tôi và thay đổi cả cuộc đời tôi”.

Mới hôm qua tôi gặp ông lại qua cuộc họp báo của FIFA. Ông trông ngày một mập ra, bộ râu cũng ngày một dài vì chắc cả tuần không cạo. Nhưng trông ông khác hẳn những lần trước: tự dưng ông nghiêm hẳn ra khi nói về trận banh gặp hội tuyển Đức sẽ diễn ra trong vòng 48 tiếng đồng hồ nữa. Ông bảo đã sẵn sàng không chỉ với Đức mà “chúng tôi sẵn sàng cho tất cả những hội tuyển nào sẽ gặp trên đường vào chung kết”. Ông cũng cho hay “cả hội tuyển không nghĩ gì khác hơn là mục tiêu đã đặt ra: phải ở lại đây cho đến giờ chót, nhất định không chịu về sớm”.

Tôi không biết liệu Argentina có vào được đến chung kết hay không, nhưng trước mặt tôi là con người lạ lùng. Chỉ vài năm trước đây hầu như chẳng ai muốn nhắc đến tên ông, hôm nay tất cả các nhà báo hiện diện đều giơ tay xin đặt câu hỏi. Trong số đó, có tôi.

Với tôi, Diego Maradona quả là một con người khá lạ. Cú đánh đầu - cộng với “bàn tay của Chúa” - và tài lừa banh mà ông đã làm hồi 1986 là một điều lạ. Chuyện đi sang Cuba cai nghiện, khi rời Havana, ông quyết định xăm hình lãnh tụ Fidel Castro ở chân phải để trả ơn, cũng là một điều lạ. Chuyện ông được mời làm huấn luyện viên hội tuyển quốc gia cũng là điều lạ, ngay cả chuyện gặp một cô gái trẻ và thay đổi hẳn tính tình để trờ một con người hoàn toàn mới cũng là điều lạ.

Giả sử nếu Argentina vào đến chung kết và đoạt vô địch World Cup Nam Phi 2010 thì đó có phải là điều lạ không? Thú thật, tôi không biết. Nhưng theo tôi, một người “đem hết tất cả tâm trí cho công việc” như ông đang được ca ngợi mà thành công thì đó là điều không lạ.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.