Chuyên gia đối ngoại nói về vụ thuyền viên Việt Nam bị chặt đầu

Cát Linh, RFA
2017.07.16
AbuSayyaf Quân đội Philippine đứng cạnh thi hài của một trong hai chiến binh Abu Sayyaf bị giết chết trong một cuộc chạm trán với quân đội ở thị trấn Calape, tỉnh Bohol, miền trung Philippines, ngày 15 tháng 5, 2017.
Photo by AFP

Chỉ trong vòng một tuần lễ của đầu tháng Bảy, hai thi thể thuyền viên người Việt được phát hiện ở Philippines. Hai thi thể đó được đưa về quê nhà trong tình trạng không còn nguyên vẹn hình hài, họ bị chặt mất đầu. Sự việc này làm cho dư luận đặt ra câu hỏi có chăng nhà nước Việt Nam, cụ thể là Bộ ngoại giao Việt Nam đã không can thiệp trong thời gian sớm nhất để điều đáng tiếc không xảy ra? Và phải chăng thông tin về vụ việc không được truyền thông trong nước nhắc đến là do vấn đề liên quan đến lực lượng khủng bố có tên gọi Abu Sayyaf ở Phillippines?

Những vấn đề liên đới đến trách nhiệm và phản ứng của các nhà ngoại giao, Bộ ngoại giao, Đại sứ quán sẽ được ông Lê Hưng Quốc, chuyên gia về đối ngoại, Nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Ngoại vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong bài sau:

Bộ Ngoại giao không im lặng

RFA: Xin ông cho biết có một lý do đặc biệt nào, hoặc trong chính sách an ninh ngoại giao của một quốc gia có ghi rõ về trường hợp bắt cóc nào mà chính phủ đó bắt buộc phải im lặng? Cụ thể là trường hợp hai thuyền viên của Việt Nam bị lực lượng khủng bố Abu Sayyaf ở Philippines bắt cóc và chặt đầu?

Ông Lê Hưng Quốc: Trong các thông lệ ngoại giao các nước, khi dính đến vấn đề khủng bố thì người ta im lặng là không có chuyện đó. Làm gì có nước nào, ngành ngoại giao nào im lặng khi công dân của mình bị bắt cóc? Điều này đã qui định trong luật, thành thử riêng ngành ngoại giao của Việt Nam ấy, tôi không nói các nước khác, thì một trong những nhiệm vụ đầu tiên của các cán bộ ngoại giao, của sứ quán là khi có bất kỳ thông tin nào, nặc danh hay không chính thức về công dân của mình bị bắt giữ thì nhiệm vụ của các bộ ngoại giao thì phải tìm mọi kênh thông tin liên lạc với báo chí, với công dân, với chính phủ nước sở tại để tìm hiểu về câu chuyện của công dân mình. Đấy là qui định cho cán bộ ngoại giao. Thành thử ra không có chuyện đặc biệt gì cả. Nguyên tắc là bị bắt cóc, dù là khủng bố bắt cóc hay ai đó bắt cóc thì nếu là công dân của mình thì cán bộ ngoại giao phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin ngay, báo cáo về trong nước, xin hướng xử lý.

Nguyên tắc là bị bắt cóc, dù là khủng bố bắt cóc hay ai đó bắt cóc thì nếu là công dân của mình thì cán bộ ngoại giao phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin ngay, báo cáo về trong nước, xin hướng xử lý.- Ông Lê Hưng Quốc

RFA: Cụ thể là chính phủ nước có nạn nhân phải làm gì?

Ông Lê Hưng Quốc: Phải can thiệp ngay với địa phương, chính quyền địa phương nước đó. Bởi vì bản thân các cán bộ ngoại giao, bản thân chính phủ của nước ngoài không thể nào can thiệp sâu vào chuyện người mình bị bắt ở trong nước đó. Chỉ có qua kênh ngoại giao làm việc với chính phủ nước đó để đề nghị can thiệp.

Trong trường hợp cụ thể là hai anh ngư dân bị bắt vừa rồi ấy, thì chính phủ Việt Nam đã làm hết cách với chính phủ Philippines là chính phủ phải chịu trách nhiệm chính của chuyện này, chứ bản thân Việt Nam làm sao có thể sang Philippines để điều tr, đi bắt được?

Tất nhiên là có thể thông tin của các ngành ngoại giao với nhau, của hai chính phủ với nhau mà nhiều thông tin người ta không biết, thì người ta kêu là đặc biệt, nó bí mật, chứ thật ra không có gì bí mật. Chính phủ Việt nam phải liên lạc ngay với chính phủ nước sở tại.

Hai thuyền viên Việt Nam bị lực lượng Abu Sayyaf chặt đầu ở Phillippines.
Hai thuyền viên Việt Nam bị lực lượng Abu Sayyaf chặt đầu ở Phillippines.
Ảnh: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà

Không cấm đưa thông tin

RFA: Gia đình thuyền viên Hoàng Võ trả lời truyền thông cho biết họ bị cấm tiếp xúc với báo chí. Bên cạnh đó thì ngày 8 tháng 7 vừa qua, bài viết có tên “Thuyền viên Việt Nam bị khủng bố sát hại” đăng trên báo mạng Dân Trí bị gỡ xuống. Có phải là giữ bí mật, và cấm không được nói đến sự việc là một điều luật trong chính sách ngoại giao liên quan đến những vụ bắt cóc do khủng bố gây ra hay không?

Ông Lê Hưng Quốc: Tôi không nghĩ là có chuyện cấm gì cả. Tôi không rõ là truyền thông tiếp cận với gia đình như thế nào, chứ bản thân gia đình của người ta cũng đâu có biết? Họ đâu có biết số phận của người thân của họ ra sao? Thì cũng phải do chính phủ can thiệp với chính phủ bên kia, qua kênh nọ kênh kia, biết được cái gì thì mới thông báo chính thức với gia đình. Chứ làm sao mà cấm? Bản thân gia đình đó khi đến hỏi thì người ta cũng chỉ biết người thân của tôi đi đánh cá từ ngày này, ngày này, rồi mất tích. Nghe báo nói thế này, nghe ông A ông B nói thế này thì người ta chỉ biết trả lời như thế thôi. Chứ có biết cái gì đâu mà lại nói là chính phủ cấm?

Cá nhân tôi thấy chuyện này là không khách quan.

Chuyện rút xuống hay không rút xuống thì tôi không được biết. Nhưng cho dù nếu có thông tin thì cũng phải thông tin đó đúng hay sai. Vì chính phủ còn đang rối cả lên. Chính phủ Philippines còn cung cấp thông tin nhỏ giọt, còn chưa rõ vì họ còn phải điều tra, chứ làm sao trả lời ngay được.

Tất cả phải báo cáo Liên hợp quốc, báo cáo với các nước có trách nhiệm và các nước sở tại để cùng nhau xử lý những trường hợp này chứ anh không được đơn phương xử lý.- Ông Lê Hưng Quốc

Không được đơn phương xử lý

Có phải vì là IS, là khủng bố nên cấm đoán không thì càng không phải. Vì càng là IS thì mình càng phải đấu tranh, càng phải làm.

Nhưng làm như thế nào thì phải theo thông lệ quốc tế. Ví dụ như tự mình đi gặp riêng bọn bắt cóc để đưa tiền chuộc là không được. Quốc tế không cấm nhưng người ta kêu gọi chính phủ là không nên. Bởi vì sao? Nó tạo ra 1 tiền lệ hôm nay mình bồi thường trường hợp khác thì sẽ bắt trường hợp khác, cuối cùng cả thế giới này nằm trong khủng hoảng, khủng bố. Không được. Cái này cũng là 1 thông lệ mà các quốc gia đã thoả thuận với nhau, là tất cả phải báo cáo Liên hợp quốc, báo cáo với các nước có trách nhiệm và các nước sở tại để cùng nhau xử lý những trường hợp này chứ anh không được đơn phương xử lý.

Mọi trường hợp bắt cóc đều có các lý do của nó. Và mỗi vụ này với vụ khác hoàn toàn khác nhau. Không thể lấy vụ năm ngoái để suy diễn cho vụ năm nay, cách đây 10 năm cũng tương tự như thế này nên bây giờ cũng như thế. Không bao giờ.

Chỉ có cái là ngày xưa chính phủ cứ đơn phương “đi đêm” với bọn bắt cóc, rồi trả tiền chuộc. Hiện nay có rất nhiều vụ báo cứ đăng ầm lên là trả bao nhiêu triệu đô ấy, là rất nguy hiểm vì khuyến khích bọn bắt cóc.

Những chuyện như vậy Liên hiệp quốc phải khuyến cáo, không nên bồi thường như thế vì sẽ lan rộng chuyện bắt cóc là không được.

RFA: Xin cảm ơn ông Lê Hưng Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.