Luật sư: Người dân có khả năng thắng nếu kiện nhà máy Nước sạch Sông Đà

Cao Nguyên
2019.10.30
000_1LH783_960.jpeg Hình minh họa. người dân Hà Nội hứng nước từ xe cung cấp nước đến các khu vực nước máy bị nhiễm dầu. Hình chụp hôm 17/10/2019
AFP

Liên quan đến vụ “đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà”, một Đại biểu Quốc Hội, ông Nguyễn Thanh Hồng lên tiếng ủng hộ người dân khởi kiện công ty nước sạch Sông Đà, yêu cầu được bồi thường.

Báo nhà nước dẫn lời đại biểu Hồng rằng “Tôi ủng hộ phương án đưa doanh nghiệp này ra tòa. Bây giờ người dân có thể khởi kiện về dân sự. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phải đứng ra khởi kiện, giống như vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm ở Đồng Nai trước đây”.

Tóm tắt diễn biến vụ việc như sau: Từ ngày 10/10/2019, nhiều người phát hiện có hiện tượng mùi hắc, cháy khét trong nước của công ty Nước sạch sông Đà ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...

Phần đầu nguồn nước vào nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu
Phần đầu nguồn nước vào nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu

Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà thừa nhận có xảy ra việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà.

Ngày 15/10, Hà Nội thông báo nước bị nhiễm độc, và khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống”.

Chiều 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (Hoà Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.

Ngày 23/10, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố, bắt tạm giam 3 người về tội Gây ô nhiễm môi trường với hành vi đổ trộm 10m3 dầu thải xuống đầu nguồn nước của nhà máy cấp nước Sông Đà.

Dân chưa tin nước đã an toàn

Chiều 22-10, UBND TP Hà Nội thông tin kết quả xét nghiệm mẫu nước sạch sông Đà đạt quy chuẩn, đảm bảo theo quy chuẩn để người dân sử dụng sinh hoạt, ăn uống.

Ba ngày sau khi Hà Nội công bố thông tin rằng nước sông Đà cấp cho người dân sử dụng đã an toàn trở lại, người dân chịu ảnh hưởng từ vụ việc này vẫn chưa thể tin tưởng vào kết quả xét nghiệm của Bộ Y tế đưa ra. Nhiều người phải bỏ tiền nhiều hơn mua nước uống đóng chai để sử dụng.

Bà Phạm Thị Lân, đang sinh sống tại khu Hạ Đình, Hà Nội cho biết từ khi xảy ra vụ việc “đổ dầu vào nguồn nước sông Đà”, cuộc sống gia đình bà gặp rất nhiều bất tiện:

Mấy ngày quần áo không giặt được, gọi cơm về ăn, không nấu nướng được. Tôi phải mang can đi chở nước về, cũng không dám giặt giũ gì.”

Ngoài ra, gia đình bà và nhiều gia đình khác ở cùng chung cư đến nay vẫn chưa dám ăn uống từ nguồn nước máy:

Nhà tôi vẫn chưa dám, vẫn mua nước. Chỉ có rửa ráy với tắm giặt thôi, còn vẫn ăn nước bình, nấu nướng vẫn bằng nước bình.

Người ta cũng chẳng tin đâu, người ta vẫn đề phòng. Người ta mua nước ăn chứ không dám ăn cái nước này đâu. Người ta bảo dù sao thì nó vẫn còn dính ở đường ống. Đường ống nước từ sông Đà về thì làm sao mà súc rửa hết được.

Thấy truyền thông nói là đơn vị bộ đội đã tẩy rửa rồi, nó đã trở lại bình thường, còn nó ảnh hưởng như thế nào, mình không nhìn thấy được.”

Ông Quốc Khánh, một người dân khác cũng đang sống tại Hà Nội cho biết không chỉ bây giờ mới xảy ra trường hợp nước cấp không đảm bảo chất lượng:

Có một thời kì do chất lượng kém, đường ống nước bị vỡ, nước cống chảy cả vào trong. Khi họ bơm nước thì nước cống theo đường ống chảy vào. Các gia đình phải lắp thêm một đầu lọc. Chất lượng nước rất kém.”

Sợ cảnh “con kiến đi kiện củ khoai”

Theo mạng báo VnExpress, Sự việc Nhà máy Nước sông Đà bị ô nhiễm đã gây thiệt hại, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ của hơn 250.000 hộ gia đình ở nhiều quận nội thành Hà Nội.

Cũng theo bà Lân chia sẻ, sau vụ cháy nhà máy Phích nước Rạng Đông hồi đầu tháng 9 vừa qua khiến một lượng lớn thuỷ ngân bị phát tán vào không khí, bây giờ lại đến ô nhiễm nguồn nước sông Đà. Chính vì vậy mà giá mua bán, cho thuê nhà ở khu vực Hạ Đình nơi bà đang ở bị rớt giá rất nhiều:

Nói chung ở khu này trước kia cho thuê nhà dễ dàng, rất là đắt nhưng bây giờ thì rao với giá cho thuê rẻ hơn nhiều, người ta vẫn sợ lắm.”

Người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước sạch
Người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước sạch

Tuy nhiên, dù có chịu nhiều thiệt hại thì nhiều nạn nhân vẫn không muốn kiện công ty nước sạch sông Đà vì lo sợ tình cảnh “con kiến đi kiện củ khoai”, vừa mất thời gian, tiền bạc mà không có kết quả gì:

Có là dư luận là sẽ kiện thôi chứ còn kiện như thế nào thì cũng chưa hình thành. Thực ra thì một cá nhân thì không thể làm được, mình thì cũng chưa đủ sức để làm.

Người ta cũng muốn kiện lắm nhưng ai đứng lên mới là quan trọng. Dân thì bức xúc lắm nhưng nói đến chuyện kiện thì người ta cũng chẳng hy vọng.

Bởi vì chính quyền này đòi công lí khó lắm, mất thời gian, tiền bạc mà chẳng biết có đòi được không. Kiện ở đất nước Việt Nam này khó lắm nên rất ít người nghĩ tới chuyện kiện. Người ta cứ nói là con kiến mà kiện củ khoai.”

Bà Lan Lê, một cư dân cũng đang sinh sống tại Hà Nội nhận thấy sau sự việc lần này, người dân vô cùng thờ ơ, cam chịu trước sự đe doạ đến sức khoẻ của chính mình.

Hàng trăm ngàn hộ gia đình chịu ảnh hưởng vì vụ ô nhiễm nguồn nước vừa rồi họ không lên tiếng, không nói, họ cứ lặng lẽ đi xách nước.

Thái độ của người dân là chưa quan tâm, vẫn còn thơ ơ lắm. Bây giờ mà bảo xuống đường biểu tình vì ô nhiễm môi trường thì khó lắm.”

“Người dân có khả năng thắng kiện”

Luật sư Nguyễn Duy Bình bình luận với RFA rằng nếu người dân Hà Nội muốn đưa công ty Nước sạch Sông Đà ra toà yêu cầu bồi thường thiệt hại thì hoàn toàn có khả năng thắng kiện:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự thì trường hợp này được xem là tranh chấp quan hệ dân sự do người dân bị thiệt hại trong lĩnh vực mà công ty Sông Đà cấp nước cho người dân không đảm bảo được tiêu chuẩn sử dụng. Chính vì vậy người dân có quyền kiện công ty này ra tòa.

Nếu kiện thì hoàn toàn có cơ sở ở để được pháp luật công nhận nói đơn giản là thắng kiện.

Mỗi người dân có quyền kiện bằng một vụ án độc lập. Nếu kiện thì kiện ra Tòa án nhân dân nơi có địa chỉ của trụ sở của công ty cấp nước sông Đà.

Thực tế đã xảy ra là nguồn nước bị ô nhiễm do chất thải thì không đảm bảo việc sử dụng, có thể gây ra các loại bệnh tật, vệ sinh an toàn không đảm bảo.

Tuy nhiên mức độ thiệt hại của người dân đến thời điểm này thì mới chỉ biết là thiệt hại chung chung, ảnh hưởng chung chung. Còn thiệt hại cụ thể như thế nào cần có một cơ quan chức năng giám định về thiệt hại sức khỏe, bị cúp nước trong vòng bao nhiêu ngày, gây thiệt hại gì về kinh tế…

Nói về nỗi lo ngại của người dân rằng kiện tụng sẽ mất nhiều thời gian, tiền của mà không có kết quả, luật sư Bình nhận định rằng:

Còn lo lắng của người dân, cũng có thể họ nghĩ rằng là “con kiến đi kiện củ khoai”, họ nghĩ rằng đi kiện là phức tạp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.