Hà Nội được chọn là 1 trong 10 thành phố du lịch hấp dẫn nhất ở Châu Á


2007.01.16

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Tạp chí Travel and Leisure của Mỹ vừa công bố kết quả bình chọn 10 thành phố du lịch hấp dẫn nhất ở Châu Á, qua đó, thành phố Hà Nội đứng hạng sáu, trên cả Bắc Kinh. Câu hỏi được nêu lên là nhờ đâu mà Hà Nội được vào danh sách 10 thành phố thu hút nhất ở Châu Á ?

TouristBirdflu200.jpg
Du khách ngoại quốc thưởng ngoạn vòng quanh thành phố Hà Nội hôm 6-12-2002. AFP PHOTO

Thanh Quang tìm hiểu vấn đề này, và được ông Phạm Từ, Tổng Cục Phó Tổng Cục Du Lịch Việt Nam cho biết.

Ông Phạm Từ: Hà Nội là một thủ đô có bề dầy lịch sử một ngàn năm; sắp tới là kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long. Thành ra nó có một bề dầy văn hóa, lịch sử, và đây là điểm nổi bất nhất.

Thứ hai là thành phố mang dáng vẻ rất đặc trưng của thành phố Á Đông mà lại vẫn giữ được nét kiến trúc kiểu Pháp, tức có sự hòa quyện giữa nét đặc trưng Á Đông với kiến trúc Phương Tây – cũng là nét rất hấp dẫn của vùng Châu Á này.

Thứ ba là Hà Nội được mệnh danh là Hà Nội rất xanh. Thứ tư là người dân Hà Nội rất mến khách và có những nét sinh hoạt văn hóa Phương Đông rất đặc trưng Việt Nam, từ văn hóa tới nghệ thuật ca múa nhạc, cách ứng xử, và đặc biệt là nụ cười của người Hà Nội với những nét đặc trưng như áo dài, nón lá…

Thanh Quang: Thưa ông, Việt Nam cũng có nhiều thành phố khác đặc biệt thu hút khách nước ngòai, như Huế, Phố cổ Hội An, và cả Saigòn. Thế thì những thành phố này có có thể vì thiếu yếu tố hấp dẫn nào nên chưa được vào top ten của Á Châu ?

Ông Phạm Từ: Mỗi nơi có một đặc trưng khác nhau. Những nơi khác, địa danh khác của Việt Nam đều đã được các hãng này, tổ chức kia phong tặng những danh hiệu rất nổi tiếng, thí dụ như Nha Trang, bãi biển Đà Nẵng là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, Cố đô Huế cũng thế. Tức mỗi nơi có những danh hiệu khác nhau chứ không phải chỉ có Hà Nội.

Mỗi nơi có một đặc trưng khác nhau. Những nơi khác, địa danh khác của Việt Nam đều đã được các hãng này, tổ chức kia phong tặng những danh hiệu rất nổi tiếng, thí dụ như Nha Trang, bãi biển Đà Nẵng là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, Cố đô Huế cũng thế. Tức mỗi nơi có những danh hiệu khác nhau chứ không phải chỉ có Hà Nội.

Nhưng tổ chức đó đã không nhầm khi đánh giá cao Hà Nội như thế, bởi vì với bề dầy lịch sử, văn hóa, truyền thống của Việt Nam thì không đâu bằng Hà Nội. Ở Huế thì 200 năm, nhưng Hà Nội thì một nghìn năm. Sàigòn thì còn mới hơn nữa.

TP Hồ Chí Minh cũng rất hay, nhưng thành phố này có cái đô hội, đông đúc của một thành phố kinh doanh, và cái đó thì ở Phương Tây cũng không thiếu. Người ta thường tìm những nét mới lạ mà Phương Tây không có: Nó êm đềm, nó bình yên, nó tĩnh mịch…thì không đâu bằng Hà Nội.

Thanh Quang: Thưa ông, theo như kết quả bình chọn của tạp chí Travel and Leiruse thì Thái Lan có 2 thành phố là Bangkok và Chiang Mai đứng nhất và nhì danh sách. Theo ông thì ngành du lịch Việt Nam nên học hỏi những gì ở hai thành phố luôn thu hút du khách đó ?

Ông Phạm Từ: Thực ra thì chúng tôi luôn đặt ra vấn đề là trao đổi và học hỏi kinh nghiệm với các nước láng giềng, trước hết là trong khu vực rồi ra tòan thế giới – mỗi nơi có nét hay riêng của mình.

Nhưng chúng tôi tiếp thu mà vẫn giữ được nét đẹp riêng, truyền thống, của Việt Nam. Việc tiếp thu nét hiện đại của thế giới phải không làm mất đi bản sắc dân tộc. Đây là cái hướng mà chúng tôi tiếp thu.

Du lịch là giao lưu văn hóa, và phát huy, giữ gìn bản sắc dân tộc mình, đồng thời không chối bỏ và luôn luôn đón nhận những giao lưu mới. Đương nhiên trong quá trình hiện đại hóa, trong quá trình hội nhập, Hà Nội sẽ phải mở rộng. Chúng tôi sẽ phải học tập và quy họach thành phố tốt hơn – chỗ nào là khu phố cổ, chỗ nào hiện đại.

Việc quản lý đô thị cũng thế. Dù sao thì Hà Nội còn là một thành phố còn nhỏ, và hạ tầng cơ sở cũng còn lắm vấn đề. Việc quản lý đô thị ngày càng đông đúc hơn cũng là vấn đề phải đặt ra. Thứ ba là làm sao hài hòa được cái tốc độ hội nhập và việc thị trường hóa, thương mại hóa ngày càng cao vốn không thể cưỡng được, trong khi phải giữ gìn bản sắc riêng của mình.

Thanh Quang: Thưa ông, kết quả vừa nói do tạp chí Travel and Leisure công bố có thể giúp khuyến khích hay mang lại triển vọng cho ngành du lịch Việt Nam, nói chung, ra sao ?

Ông Phạm Từ: Rất là tốt. Thay mặt những người làm du lịch tại Việt Nam, tôi rất cảm ơn tạp chí Travel and Leisure đã rất quan tâm và có con mắt đánh giá rất khách quan. Đây là cơ hội rất tốt để du lịch Thủ đô nói riêng, và du lịch Việt Nam nói chung, phát huy thương hiệu của mình để làm tốt hơn nữa, xứng đáng với danh hiệu đã được bình chọn.

Chắc chắn rằng chúng tôi sẽ phát huy kết quả này và kết quả của Hội nghị APEC vừa qua tại Hà Nội, rồi Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Hội An sắp tới, cũng như những năm tiếp theo.

Tôi tin chắc là du khách sẽ đến Việt Nam nhiều hơn, và sẽ hài lòng hơn khi tham quan Việt Nam. Và Việt Nam đã mở cửa, với dịch vụ du lịch ngày càng cao để làm hài lòng du khách bốn phương.

Thanh Quang: Xin cảm ơn ông Phạm Từ, Tổng Cục Phó Tổng Cục Du Lịch Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.