Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Cách đây không lâu người dân Hà Nội bất ngờ biết được nhiều tòa nhà cao tầng tại thủ đô vốn được xây dựng từ những công ty tầm cỡ lại không đúng với giấy phép xin xây dựng. Không chỉ là một hay vài tòa nhà cao tầng mà hàng loạt những sai phạm được phát hiện trong nhiều khu vực thuộc thành phố Hà Nội đặt ra nhiều câu hỏi đối với Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội.
Sau nhiều lần điều tra, chính quyền thành phố đã quyết định rằng nhà đầu tư phải cắt bỏ phần ngọn xây sai quy định. Mặc Lâm tìm hiểu vấn đề mời quý vị theo dõi.
Thiếu giải pháp tổng thể
Từ đầu năm 2007 nhiều tòa nhà cao tầng tại Hà Nội bị phát hiện xây cất sai quy định, trong đó phổ biến nhất là tự ý nâng lên số tầng được cho phép mà không qua bất sứ sự phê duyệt nào của các cơ quan chức năng như sở xây dựng hay UBND thành phố.
Khi vụ việc bị phát hiện, các cơ quan liên hệ đã trở thành mục tiêu tấn công của mũi dùi dư luận vì bị nghi ngờ sự sai phạm có hệ thống này chỉ xảy ra được dưới những bao che hoặc ít ra là những lời hứa sẽ làm ngơ, để doanh nghiệp lợi dụng sự nhập nhằng của hệ thống luật xây dựng và nghiễm nhiên đạp lên giấy phép xây dựng.
Người dân Hà Nội bức xúc nhất lúc biết được là khi đi kiểm tra các tòa nhà xây dựng vượt mức quy định thì các thanh tra viên chỉ được xử phạt mức 200.000 đồng, chủ tịch UBND cấp xã, phường được xử phạt không quá 500.000 đồng tức chỉ bằng vài bao xi măng cho một công trình cao ốc 17 tầng có vi phạm giấy phép xây dựng.
Số tiền phạt cho có lệ này là một trong những nguyên nhân khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn vi phạm hơn nữa trong việc xây dựng các tòa nhà cao tầng như ở số 9 đường Đào Duy Anh, số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, rồi số 93 đường Lò Đúc, và một số vụ khác.
Những vụ việc liên tiếp bị phát hiện làm cho người dân càng tin rằng nhà cầm quyền tiếp tay một cách gián tiếp trong những vi phạm này. Đến khi sức ép của dư luận tăng cao và tác động trực tiếp là công văn của thủ tướng chính phủ yêu cầu cho điều tra và có biện pháp thích đáng đối với những sai phạm này, lúc ấy UBND thành phố Hà Nội mới bắt tay vào điều tra xử lý.
Vi phạm có hệ thống
Kết quả cho thấy sự vi phạm có tính chất chuẩn bị chu đáo chứ không như người ta tưởng. Nhiều nhà đầu tư chủ công trình vi phạm khi được hỏi đã tỏ ra ân hận về những quyết định nông nổi của mình.
Tuy nhiên cũng không ít người bào chữa lấy được cho những sai phạm rành rành mà không một luật sư tài giỏi nào có thể biện hộ được.
Ông Phạm Ngọc Quảng, giám đốc công ty cổ phần Nam Hưng khi được báo chí hỏi tại sao giấy phép cấp cho ông được phép xây 15 tầng nhưng ông tự ý đôn lên thành 23 tầng ông trả lời rằng, theo giấy phép thì mỗi tầng được phép xây cao 3 mét 7 đến 3 mét 9 nhưng sau một năm làm móng, chủ đầu tư thay đổi chiều cao của mỗi tầng rút xuống chỉ còn 2 mét 9 có nghĩa là dư ra khoảng 1 mét cho mỗi tầng.
Số dư này ông cho xây dôi ra 8 tầng và chỉ vi phạm theo giấy phép chỉ có 13 mét mà thôi vì vậy ông đề nghị nhà nước cho ông cắt ngọn 13 mét! Dĩ nhiên lúc này khà nước không thể nào thỏa mãn yêu cầu của ông được và quyết định cuối cùng là ông phải tự cắt phần ngọn 8 tầng của toà nhà, theo đúng với giấy phép xây dựng.
Mới đây một tòa nhà cao tầng tại phường Bưởi quận Tây Hồ Hà Nội lại nhận được quyết định cắt ngọn 4 tầng. Nhà nước buộc chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn mọi chi phí cho việc này, lên đến 900 triệu đồng. Chúng tôi liên lạc với ông Trần Trọng Dực Trưởng Thanh Tra thành phố Hà Nội để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
“Cắt ngọn” nhà cao tầng, giải pháp vá víu
Được hỏi về biện pháp mới nhất của thành phố, ông Dực cho biết: "Chủ trương của thành phố là chủ đầu tư của những công trình sai phạm phải tự tháo dỡ, nếu không thì thành phố sẽ cưỡng chế."
Mặc Lâm: Thưa ông nếu phá dỡ những công trình đã hoàn tất như vậy liệu có gây mất vẻ mỹ quan thành phố hay không khi những công trình bị đập phá sẽ lộ ra những nét nham nhở khó dấu được trước mắt của công chúng?
Ông Trần Trọng Dực: Vấn đề này thì phải được trả lời bởi sở quy hoạch kiến trúc chứ tôi không hiểu được sâu lắm về vấn đề này.
Mặc Lâm: Những ai sẽ chịu trách nhiệm chi phí tháo dỡ cho những công trình vi phạm này, thưa ông? Nhà nước sẽ tạm chi hay chủ đầu tư phải hoàn toàn bỏ tiền ra tháo dỡ?
Ông Trần Trọng Dực: Chủ đầu tư phải lo, nếu họ không làm thì chính quyền sẽ cưỡng chế, chẳng hạn như số 9 Đào Duy Anh, số 4 Đặng Dung hay là số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh.
Mặc Lâm: Thưa ông, còn riêng dư luận quần chúng thì sao, họ có tỏ ra đồng tình hay chống đối gì không?
Ông Trần Trọng Dực: Nói chung thì dư luận đồng tình với quyết định này.
Mặc Lâm: Đó là lời của ông Trưởng thanh tra thành phố Hà Nội. Chúng tôi liên lạc với một người dân Hà Nội, anh Nguyễn Dư Ấn. Anh cho chúng tôi biết những suy nghĩ của anh:
“Cái này nó cũng liên quan đến nhiều vấn đề, ví dụ như trước đây nhà nước có cho phép xây dựng trên cái đất đó hay không nếu anh xây sai quy định thì rõ ràng bắt phải tháo dỡ là hợp lý. Tuy nhiên việc để quá lâu không có biện pháp gì của nhà nước thì cũng là một vấn đề cần được chú ý.”
Quý vị vừa nghe ý kiến của một người dân Hà Nội. Ý kiến này gần như phù hợp với đa số ý kiến của người dân Hà Nội phát biểu trên báo chí, đã cho thấy phần nào nguyên nhân phát sinh ra những lỗ hổng mà giờ đây chính quyền đang ra sức cố gắng vá víu.