Công ước quốc tế và Quyền lợi của người lao động xuất khẩu


2008.03.10

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Trong những năm gần đây một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, chủ trương xuất khẩu lao động vì các lợi nhuận kinh tế. Nhằm tìm hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến an sinh của các công nhân nơi xứ người, Nhã Trân phỏng vấn ông Patrick Taran, chuyên gia cao cấp về di dân, thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.

JordanVietnamMap031008_200c.png
Bản đồ Jordan - Việt Nam. RFA Graphic >> Xem bản đồ lớn hơn

Với 27 năm kinh nghiệm trong lãnh vực di trú và việc làm cho người tị nạn ở cấp địa phưong, quốc gia và cả quốc tế, ông Taran hiện được kể là chuyên gia hàng đầu thế giới về di dân và nhân quyền của di dân.

(Phần chuyển ngữ lời ông Patrick Taran do Trường Văn rình bày).

Được hỏi xưa nay Tổ chức Lao động Quốc tế ILO có những qui luật gì về xuất khẩu lao động, ông Patrick Taran trả lời từ Geneva:

Ông Patrick Taran: Tổ chức Lao động Quốc tế ILO có 2 Công ước về xuất khẩu lao động, là Công ước 97 và Công ước 143. Ngoài ra là một qui ước rộng lớn hơn, gọi là Công ước Quốc tế 1990. Công ước này qui định quyền lợi của những lao động ra nước ngoài làm việc cũng như quyền lợi của gia đình họ.

Các Công ước này, có giá trị quốc tế, đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu cho các quốc gia ký kết về vấn đề xuất khẩu lao động.

Chúng tôi xem các Công ước này là Hiến chương Quốc tế về vấn đề di dân toàn cầu, gồm các qui định như căn bản về sự an toàn và điều kiện sức khoẻ của công nhân, mức lương tối thiểu và số giờ làm việc tối đa, bảo vệ quyền lợi nữ công nhân thời kỳ sinh sản, luật về bình đẳng giới và chống kỳ thị.

Các tiêu chuẩn này áp dụng cho mọi người lao động, kể cả người làm việc ở xứ khác, và trong nhiều trường hợp, áp dụng cho cả những lao động đang trong tình trạng bất hợp pháp về cư trú.

Nhã Trân: Như thế theo các Công ước Quốc tế về xuất khẩu lao động, ai có trách nhiệm về quyền lợi và an toàn của ngừơi lao động thưa ông? Chính quyền nước đón nhận lao động hay nước gửi công dân qua xứ người làm việc?

Ông Patrick Taran: Quốc gia có người nước khác qua sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của mình chịu trách nhiệm về an sinh của những người này, cũng như đối với công dân của chính mình. Chính quyền nước ấy phải chắc chắn rằng các lao động đến từ nước khác được đối xử đúng đắn, quyền lợi của họ được tôn trọng và an toàn xã hội của họ được đảm bảo.

Chắc chắn rằng chính quyền nước gửi người qua xứ khác làm việc có thể bênh vực công dân mình hoặc tạo sức ép để chính quyền nước nhận lao động bảo đảm rằng công dân của mình được đối xử tốt.

Tuy nhiên, không chính quyền nào có thể đến nước khác, can thiệp vào hệ thống luật pháp của họ để buộc họ phải thi hành đúng đắn những điều này. Tất cả là vấn đề chịu trách nhiệm của nước nhận lao động xuất khẩu.

Ai sẽ bênh vực cho người lao động?

Nhã Trân: Nói về chi tiết, khi quyền lợi và an toàn của các công nhân ngoại quốc không được tôn trọng hoặc bảo đảm, ai sẽ là người bênh vực cho họ, chính quyền nước họ hay công đoàn nơi những doanh nghiệp họ đang phục vụ?

Ông Patrick Taran: Nếu có công đoàn tại xứ người, các công đoàn đó chắc chắn nắm một vai trò nhất định. Tại Châu Á cũng như nhiều nước khác trên thế giới, các tổ chức ngoài chính phủ NGO, phụ trách về những vấn đề như di dân, phụ nữ hoặc quyền bình đẳng chẳng hạn, thường cảnh báo giới truyền thông hoặc công chúng.

Chính quyền nước sở tại sẽ được lưu ý rằng đang có vấn đề giữa các doanh nghiệp và lao động ngoại quốc, rằng có những công nhân đang bị ngược đãi, rằng chính quyền có thể áp dụng mọi điều lệ hiện hành để can thiệp chăng, hầu giúp quyền lợi của những công nhân này được tôn trọng và bảo đảm, và truy tố những kẻ vi phạm luật lao động theo luật hiện hành.

Tất nhiên, các tổ chức NGO có thể bênh vực, ủng hộ [những ngừơi bị đối xử bất công] bằng cách cải thiện luật pháp, điều họ đã và đang thực hiện. Họ có thể kiến nghị lên quốc hội, trình bày rằng quốc gia ấy đã ký kết các Công ước Quốc tế, hứa tuân thủ các qui định, luật pháp của đất nước đã thừa nhận những cam kết đó và có thẩm quyền buộc mọi người chấp hành luật pháp.

VietnameseWorkerJordan150.jpg
Công nhân bị đánh bất tỉnh được chị em bạn chăm sóc. Hình của machsong.org

Nhã Trân: Trong khi công đoàn và các tổ chức ngoài chính phủ có thể bênh vực công nhân mạnh mẽ như vậy thì vai trò của chính quyền nước xuất khẩu lao động ra sao thưa ông?

Ông Patrick Taran: Chính quyền gửi lao động ra ngoài chắc chắn nên lập các đại diện ngoại giao để thảo luận với quốc gia nhận lao động, lên tiếng trong quan hệ giữa hai nước và đánh động dư luận quốc tế khi công dân của mình bị ngược đãi nơi xứ người.

Dĩ nhiên, trong khi đó chính quyền gửi lao động phải tôn trọng những công nhân ngoại quốc trên xứ mình, phải tuân thủ các luật lệ về lao động, để có thể nói rằng chúng tôi tôn trọng công ước quốc tế như đã cam kết, và xin các bạn cũng như vậy cho.

Nếu hai nước đều tôn trọng luật lệ mọi việc sẽ được tốt đẹp và lợi lộc kinh tế của hai bên được đảm bảo.

Nhã Trân: Thưa ông Taran, trong trường hợp chính quyền hai nước tôn trọng các công ước nhưng doanh nghiệp vi phạm luật lao động thì làm sao để thay đổi tình hình? Các nhà cầm quyền có thể buộc doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh, ngưng ngược đãi, hà hiếp công nhân ngoại quốc?

Ông Patrick Taran: Với cương vị của mình, chính quyền cho mọi doanh nghiệp hiểu rõ rằng họ bị ràng buộc bởi luật lao động hoặc sẽ bị truy tố trước pháp luật, rằng họ phải tôn trọng những quyền lợi tối thiểu và căn bản của công nhân.

Nhã Trân: Nếu công nhân không được chủ doanh nghiệp cho phép, hoặc cản trở việc thành lập nghiệp đoàn thì ai có thể giúp giải quyết vấn đề, giúp lao động lập nghiệp đoàn để bảo vệ họ? Chính quyền xuất khẩu lao động hay chính quyền nước sở tại?

Ông Patrick Taran: Chính quyền xuất khẩu lao động chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích chính quyền sở tại tuân thủ các công ước quốc tế. Chỉ công dân của nước sở tại mới có khả năng thay đổi luật lệ, bằng cách yêu cầu các chính trị gia, dân biểu lên tiếng rằng đất nước mình phải tuân thủ, thực thi những điều đã ký kết.

Nhã Trân: Xin hỏi ông thêm một câu, là đặt trường hợp lao động thiệt mạng nơi xứ người, vì bất cứ lý do nào, thì những gì cần phải làm? Khi ấy vai trò của doanh nghiệp và chính quyền hai nước ra sao?

Ông Patrick Taran: Chắc chắn chính quyền xuất khẩu lao động sẽ lập đại diện, yêu cầu mở các cuộc điều tra về vụ việc, nói chuyện với chính quyền nước nhận lao động để làm rõ vấn đề và để bảo đảm rằng sự cố không tái diễn.

Nhã Trân: Xin cảm ơn ông Patrick Taran, chuyên gia về vấn đề xuất khẩu lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, về cuộc trao đổi ngày hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.