Cộng đồng quốc tế sẵn sàng trong chiến dịch phòng chống dịch cúm gia cầm


2005.11.08

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Hôm qua, hơn 400 chuyên viên y tế các ngành cũng như các kinh tế gia, đại diện các công ty và các nhà hoạch định chính sách quốc gia đã có mặt tại Geneva, Thụy Sĩ để tham dự hội nghị 3 ngày bàn các biện pháp đối phó với virus H5N1.

BirdfluGreece200.jpg
Các nhân viên y tế Hy Lạp kiểm tra trại chăn nuôi nơi phát hiện gia cầm bị nhiễm virus. AFP PHOTO

Phát biểu ý kiến trong phiên họp khai mạc hội nghị, Tổng giám đốc Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), ông Lee Jong Wook nhấn mạnh: "Dịch cúm gia cầm có khả năng lây lan từ người này sang người khác chắn chắn xảy ra."

Sẵn sàng các kế hoạch hành động

Tuy nhiên có một điều là các chuyên gia không biết được lúc nào việc này sẽ xảy ra và tại đâu. Do đó ông kêu gọi các quốc gia ngay bây giờ phải sẵn sàng các kế hoạch hành động để đối phó với thảm hoạ này.

Ông nói tiếp là nếu thế giới không chuẩn bị. Cơn đại dịch sắp đến sẽ gây cho nhân loại những tổn hại không thể lường trước được về nhân mạng cũng như về an ninh chung. Không một xã hội nào cũng như không có nền kinh tế nào được đặc miễn cả.

Ông vạch ra 4 chủ đề chính yếu để thảo luận trong 3 ngày họp của hội nghị này:

Thứ nhất là làm thế nào phòng và ngăn chặn sự lây lan của virus H5N1 trong các loài gia cầm cũng như từ gia cầm sang người.

Cơn đại dịch sắp đến sẽ gây cho nhân loại những tổn hại không thể lường trước được về nhân mạng cũng như về an ninh chung. Không một xã hội nào cũng như không có nền kinh tế nào được đặc miễn cả.

Thứ hai là làm thế nào để tăng tiến khả năng của các quốc gia trong việc theo dõi, khám phá kịp thời, nghiên cứu các triệu chứng và nhất là báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh của gia cầm và người. Việc chia xẻ những thông tin chính xác rất cần thiết.

Để giúp cho việc này được tiến hành mau chóng và tốt đẹp, vấn đề bồi thường thích đáng cho nông dân chịu thiệt hại vì gia cầm bị tiêu hũy là điều không thể thiếu được.

Thứ ba là hội nghị phải quyết định về các chính sách về nghiên cứu, tìm tòi và sản xuất thuốc chủng ngừa cũng như các loại thuốc chữa bệnh cúm gia cầm. Hội nghị cũng cần xét lại khả năng sản xuất các loại thuốc vừa kể, và các quốc gia cần phải được tiếp cận công nghệ sản xuất thuốc một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Điều thứ tư mà hội nghị phải quyết định là làm thế nào thông báo cho các nước những hiểm nguy và những khu vực bị nhiễm H5N1

Thông tin phải chính xác và nhanh chóng

Những kế hoạch phòng chống phải được viết thành văn bản, được diễn tập và thử nghiệm nhiều lần. Vấn đề thông báo tin tức chính xác và nhanh chóng, sử dụng mọi phương tiện sẵn có rất cần thiết để báo động cho người dân về những tai hoạ xảy đến và giúp dân chúng đối phó một cách hữu hiệu và có trách nhiệm.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Hiroyuki Kamakawa, Bộ Trưởng Nông Lâm và Ngư Nghiệp của Nhật bản tỏ ra ngạc nhiên là tại sao phải mất một thời gian quá lâu để tìm ra biện pháp chống lại dịch cúm gia cầm.

Ông nói: "Sau hai năm chúng ta vẫn chưa có được một thuốc chủng hữu hiệu để ngừa cúm gia cầm."

Tiến sĩ Harry Paul, Bộ Trưởng Nông Nghiệp, Thiên Nhiên và Chất Lượng Thực Phẩm của Hà Lan nêu lên những khó khăn trong việc chống virus cúm gia cầm vì: "Virus cúm có nhiều loại nên chúng ta như đang bắn vào một mục tiêu di động."

Ông nói tiếp: "Tốt hơn hết là phòng ngừa hơn chữa trị và phòng ngừa cũng ít tốn kém hơn là chữa trị."

Giảm tổng sản lượng nội địa

Đứng về phương diện kinh tế, tài chánh, ông James Adams, phó chủ tịch ngân hàng Thế Giới nhận định dịch cúm gia cầm xảy ra trên toàn cầu có thể làm tổng sản lượng nội địa của thế giới giảm khoảng 2% hay hơn nữa.

Ông tuyên bố: "Căn cứ trên ước lượng của các cơ quan bảo hiểm, trường hợp đại dịch xảy ra, thế giới sẽ thiệt hại khoảng 100 tỉ đôla."

Ngoài việc tham dự hội nghị, Liên Minh Châu Âu còn dành một số tiền 30 triệu Euro để giúp các nước Châu Á trong đó có Việt Nam đối phó với dịch cúm gà trong năm 2006.

Tuy nhiên điều mọi người lo sợ là dịch cúm lây lan từ người sang người xảy ra lúc này bởi vì theo như tiến sĩ David Nabarro, điều hợp viên của Liên Hiệp Quốc về dịch cúm xảy ra cho người thì ông hy vọng: "Hy vọng là virus cúm hiện nay không biến chuyển gì thêm trong vòng một hay 2 năm tới, để thế giới có thể chuẩn bị đầy đủ để đối phó với dịch cúm."

Trong khi đó theo phái viên Alexa Olesen của AP thì Trung Quốc đã chính thức kêu gọi tổ chức Y tế Thế giới gíúp đỡ chống dịch cúm gia cầm, sau khi họ đã tiêu huỷ 6 triệu gia cầm tại 12 làng thuộc tỉnh Liêu Ninh miền Đông Bắc Trung Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.