Mức độ hiệu quả của dự án cổng thông tin hai chiều trên mạng Internet cho nông dân


2006.12.04

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Trong thời đại công nghệ thông tin tiến bộ nhanh như hiện nay, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng mong muốn giúp cho người nông dân tận dụng được những tiến bộ đó.

YouthComputer150.jpg
AFP PHOTO

Từ đầu năm nay, một cổng thông tin đã được mở ra nhằm đưa đến cho nông dân những kiến thức cần thiết trong họat động sản xuất nông nghiệp của họ. Đó là Cổng thông tin hai chiều trên Internet do Trung tâm Phát triển Bền Vững, thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ Thuật Việt Nam thực hiện, với trợ giúp về tài chính của Ngân Hàng Thế giới- World Bank.

Tuy nhiên mức độ hiệu quả của phương thức ấy ra sao? Đó là chủ đề của chương trình Sáng kiến & Đời sống tuần này, mời quí thính giả và các bạn cùng theo dõi.

Quá trình hình thành và hoạt động

Trung tâm Phát triển Bền Vững, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam là đơn vị thiết lập và vận hành cổng thông tin hai chiều trên mạng Internet. Một lọai hình lần đầu tiên xuất hiện trên bình diện cấp quốc gia, ngọai trừ một số trung tâm họat động riêng lẻ ở một số tỉnh lâu nay.

Ông Trần Việt Hùng, giám đốc Trung Tâm Phát triển Bền Vững cho biết về quá trình hình thành và họat động của cổng thông tin hai chiều trên Internet.

Xây dựng từ 2002, WB tài trợ tài trợ ban đầu. Mô hình thử nghiệm ở hai tỉnh Ninh Bình và Thái Bình. Hiện đang xúc tiến để mở ra ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long chưa có kinh phí nên chưa triển khai.

Chương trình được bắt đầu từ tháng 1 năm 2006. Dự án thí điểm trong ba tháng đầu với hỗ trợ cước, sau khi hết dự án thì nông dân phải trả tiền.

Mô hình kết hợp với điểm bưu điện văn hóa xã để cung cấp thông tin cho bà con qua ủy ban xã. Bà con có những thắc mắc mà chưa có giải đáp có thể hỏi qua cổng và chúng tôi tìm nguồn thông tin chính thống của nhà nước để trả lời cho bà con.

Qua hội nông dân, bà con đưa ra câu hỏi và từ đó trả lời cho họ.Nói chung các nơi gần thành phố, thị trấn thì có ADSL nên người ta có thể lấy thông tin nhanh. Trong thời gian thí điểm thì miễn phí thông tin, sau đó thì phải trả nhưng giá thì chắc chịu được. Sau bốn tháng thử nghiệm thì bà con thấy Internet không có gì khó khăn, ghê gớm. Đó là một kết quả. Sau này khi có điều kiện thì họ trang bị máy cho gia đình.

Tính hiệu quả

Một trong những đơn vị được trang bị hệ thống tiếp nhận cổng thông tin hai chiều đó là Bưu điện Văn hóa xã Minh Lãng, tỉnh Thái Bình. Nhân viên vận hành tại bưu điện văn hóa xã Minh Lãng cho biết: “Chương trình được bắt đầu từ tháng 1 năm 2006. Dự án thí điểm trong ba tháng đầu với hỗ trợ cước, sau khi hết dự án thì nông dân phải trả tiền.”

Thông tin họ tìm là những hướng dẫn về chăn nuôi…Từ trước đến giờ người ta chỉ làm theo tập tục, nay thông tin có mới hơn nhưng tùy từng ngừơi khi sử dụng.

Một nông dân từng truy cập vào cổng thông tin để tải về các kiến thức cần thiết cho công tác sản xuất tại quê ông cho biết hiệu quả của phương tiện mới đó, cũng như hạn chế: “Dân cũng hiểu về công nghệ thông tin nhưng còn hạn chế vì dân mãi làm.”

Tuy nhiên, như nhiều phong trào khác tại Việt Nam, thì cổng thông tin hai chiều trên mạng Internet cũng rơi vào tình trạng 'đầu voi đuôi chuột'. Người nhân viên tại bưu điện văn hóa xã Minh Lãng cho biết: “Modem máy hỏng hai tháng nay, có báo nhưng chưa thay. Trong thời gian thử nghiệm thì cán bộ bên ủy ban lấy tin phát lên truyền thanh; nhưng sau đó do tâm lý ngại nên nông dân ít lên.”

Bản thân ông Trần Việt Hùng, giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững, cũng thừa nhận những khó khăn của chương trình: “Dự án không cung cấp máy, mà chỉ hướng dẫn sử dụng máy. Thông tin phải mua, nhất là những thông tin quan trọng do kinh phí hạn hẹp nên chưa nhiều. ”

Vậy làm gì để có thể sử dụng hữu hiệu lọai hình cổng truyền thông trên mạng Internet mà Trung tâm Phát triển Bền vững thuộc Liên hiệp các Hội khoa học- kỹ thuật Việt Nam.

Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học- kỹ thuật Việt Nam có ý kiến: “Vừa qua có hội thảo, để cải tiến hơn là vấn đề thu thập thông tin. Phải sâu sát hơn với những yêu cầu của nông dân. Để hiệu quả hơn thì nhiều cơ quan phải tham gia vào, cũng như thu thập những hiệu quả đã có. Cho nên cần có thời gian để tăng cường. ”

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới của Đài Á Châu Tự Do. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.