Phân Định Vịnh Bắc Bộ

Theo lời Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ - Lê Công Phụng, nguyên thứ trưởng ngoại giao và từng là trưởng đoàn đàm phán về biên giới với Trung Quốc, trong cuộc trao đổi liên quan tới vấn đề nhạy cảm này với nhà báo Lý Kiến Trúc, Chủ Nhiệm tạp chí Văn Hoá phát hành tại Miền Nam California (Hoa Kỳ).
Nguyễn An, phóng viên đài RFA
2008.11.30

Ông Trương Nhân Tuấn hiện cư ngụ tại Pháp và là tác giả cuốn “Biên Giới Việt-Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp” dày 860 trang, do nhà xuất bản Dũng Châu ấn hành Năm 2005, cho đến nay vẫn được đánh giá là nghiên cứu công phu nhất về vấn đề này.

Xin được nhắc lại rằng ý kiến của Ông Trương Nhân Tuấn không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nguyễn An: Xin chào nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn. Thưa ông, ông nhận xét thế nào về những phát biểu của ông Lê Công Phụng liên quan đến việc phân định Vịnh Bắc Bộ?

Thiệt hại cho Việt Nam

Về phương pháp phân chia trong Vịnh Bắc Việt thì đây là một phương pháp phân chia hoàn toàn bất bình đẳng mà Việt Nam bị thiệt hại rất nhiều mặt.

Ông Trương Nhân Tuấn

Ông Trương Nhân Tuấn: Về phương pháp phân chia trong Vịnh Bắc Việt thì đây là một phương pháp phân chia hoàn toàn bất bình đẳng mà Việt Nam bị thiệt hại rất nhiều mặt. Theo lời nói của ông Phụng thì Vịnh Bắc Việt được phân chia theo tinh thần Luật Biển 1982 và tập quán quốc tế, nhưng mà theo tôi thì hoàn toàn không có đúng như ông Phụng nói; Và tôi nghĩ vì không tôn trọng Luật Biển 1982 cũng như là tập quán quốc tế khi mà phân định lãnh hải cho nên mới gây thiệt hại cho phía Việt Nam. Đặc biệt là việc bỏ qua lãnh hải các đảo Bạch Long Vỹ hay là đảo Cồn Cỏ trong Vịnh Bắc Việt nên tạo ra một tiền lệ rất là bất lợi cho phía Việt Nam.

Nguyễn An: Thưa ông, ông có thể phân tích rõ hiệp định ấy đã gây thiệt hại cho phía Việt Nam như thế nào?

Ông Trương Nhân Tuấn: Trước hết ông Phụng có nói một số điểm đáng chú ý, tức là ông Phụng nói là Vịnh Bắc Việt chưa được phân định. Điểm thứ hai là Vịnh Bắc Việt thuộc tài phán của Việt Nam và Trung Quốc. Ông Phụng cũng có nói Vịnh Bắc Việt là của Việt Nam và Trung Quốc.

Về ý kiến thứ nhứt của ông Phụng nói rằng Vịnh Bắc Việt chưa được phân định thì thực ra Công Ước Pháp-Thanh 1887 mặc dầu nói là phân định biên giới trên đất liền nhưng nội dung của nó cũng có phân định lãnh hải trong Vịnh Bắc Việt, đó là đường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút Kinh Độ Đông. Việt Nam từ 1997 đã có cái lập trường này và nhiều học giả nước ngoài cũng công nhận nội dung của Công Ước 1887, tức là công ước này đã phân định lãnh hải trong Vịnh Bắc Việt rồi. Nhưng mà không biết vì lý do nào những nhà lãnh đạo của Việt Nam sau này đã bỏ lập trường đó và chấp nhận những yêu sách của Trung Quốc.

Nguyễn An: Vâng. Thưa ông, như vậy thì điểm thứ hai là gì và nó gây hại cho Việt Nam như thế nào?

Ông Trương Nhân Tuấn: Vùng biển của Vịnh Bắc Việt theo như những đặc tính mà ông Phụng nói thì đó là cái biển lịch sử, mà nếu là biển lịch sử tức là biển riêng của hai nước thì phải được phân chia theo đường kinh tuyến, tức là nói một cách kỹ thuật thì chúng ta có thể áp dụng Điều 15 của Luật Biển 1982 để mà phân chia lãnh hải trong Vịnh Bắc Việt. Nhưng mà thực tế thì chúng ta thấy mọi giới điểm đã được công bố theo nội dung Hiệp Ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ thì ta thấy tất cả những giới điểm đều lấn sang phía Việt Nam hết, có điểm lấn 17 hải lý, có điểm lấn 30 hải lý, tức là không biết hai bên đã phân chia Vịnh Bắc Việt trên nguyên tắc nào. Giả sử chúng ta có một nguyên tắc nhất định là những điểm lấn qua lấn lại phải theo một tỷ lệ nhất định, thì chúng ta thấy có những điểm lấn 17 hải lý, có những điểm lấn 30 hải lý thì hoàn toàn không dựa trên một nguyên tắc nào hết. Cũng bởi vì có những điểm đã thụt về Việt Nam một cách phi lý như vậy cho nên phía Trung Quốc đã giành được một vùng biển gọi là Vũng Ăng Ca.

Nguyễn An: À, chi tiết này có vẻ hấp dẫn đây. Xin ông nói thêm về vị trí của Vũng Ăng Ca.

Vũng Ăng Ca thuộc về Việt Nam?

Ông Trương Nhân Tuấn: Cái vũng này được xác định bởi các giới điểm 13, 14, 15 ,16 tức là vùng nước ở giữa vịnh là nơi mà các chuyên gia quốc tế họ công nhận có tiềm năng dầu khí quan trọng (xem bản đồ tại http://www.ykien.net/bnbandovbb.html).

Thì cái Vũng Ăng Ca là nó nằm ở giữa vịnh, nếu trường hợp mà chia theo Công Ước Pháp-Thanh 1887 thì vũng đó là hoàn toàn của Việt Nam.Nếu mà phân chia theo Luật Biển 1982 thì Vũng Ăng Ca đó cũng thuộc về Việt Nam luôn. Nhưng theo hiệp ước mới thì vũng này thuộc về Trung Quốc.

Ông Trương Nhân Tuấn

Nguyễn An: Vậy thì thưa ông, chuyện phân chia Vũng Ăng Ca theo hiệp định mới thì có vấn đề gì?

Ông Trương Nhân Tuấn: Thì cái Vũng Ăng Ca là nó nằm ở giữa vịnh, nếu trường hợp mà chia theo Công Ước Pháp-Thanh 1887 thì vũng đó là hoàn toàn của Việt Nam.Nếu mà phân chia theo Luật Biển 1982 thì Vũng Ăng Ca đó cũng thuộc về Việt Nam luôn. Nhưng theo hiệp ước mới thì vũng này thuộc về Trung Quốc. Cho nên có nhiều chuyên gia quốc tế cũng đặt dấu hỏi về sao có việc phân chia một cách có thể gọi là bất bình thường, tức là không theo một nguyên tắc nào hết. Nhất là ông Phụng cũng có nói đó, chúng ta cũng để ý nghe ông Phụng có nói là phía Trung Quốc đề nghị nhượng cho Việt Nam 1.500 kilômét vuông biển ở chỗ này để chỉ lấy một 150 kilômét vuông biển ở chỗ khác nhưng mà Việt Nam từ chối. Chính ở những điểm đó cho chúng ta thấy là việc phân định Vịnh Bắc Việt không được đặt trên tinh thần Luật Biển 1982, tại vì nếu mà đặt trên Luật Biển 1982 thì chúng ta phải dựa trên luật này nên chúng ta không thể nào có việc trao đổi hết. Từ chỗ này mà chúng ta nghi ngờ lời nói của ông Phụng là không thành thật.

Quý thính giả vừa nghe phần thứ hai của cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn do Nguyễn Anthực hiện liên quan đến những phát biểu của Đại Sứ Lê Công Phụng về Hiệp Định Phân Định Vịnh Bắc Bộ.

Chủ đề của cuộc phỏng vấn tiếp theo sẽ liên quan đến Thác Bản Giốc, mời quý thính giả đón nghe.

Cũng xin được nhắc lại rằng ý kiến của Ông Trương Nhân Tuấn không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.