Phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo về những tác phẩm mới


2008.01.07

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật hôm nay Mặc Lâm xin gửi đến quý vị bài nói chuyện với nhà văn Võ Thị Hảo, người vừa xuất bản tác phẩm mang tên Kịch Bản Phim Truyện. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên của Việt Nam chuyển thể ba truyện ngắn trở thành ba kịch bản cho phim nhựa được xuất bản và được độc giả hào hứng đón nhận.

VoThiHao200.jpg
Nhà văn Võ Thị Hảo và hai cô con gái trong những giờ rảnh rỗi hiếm hoi. Ảnh: Na Sơn/ vtc.vn

Công việc khó khăn này được nhà văn Võ Thị Hảo hoàn thành sau khi đầu tư công sức vào một việc hoàn toàn mới mẻ mặc dù bà là một nhà văn nổi tiếng trong nước.

Võ Thị Hảo tốt nghiệp Khoa Văn - Đại Học Tổng Hợp vào năm 1977, làm biên tập rồi Phó biên tập Nhà Xuất Bản Văn Hóa Dân Tộc. Năm 1996 bà viết cho báo Phụ Nữ TP.HCM. Hiện là trưởng văn phòng đại diện báo Phụ Nữ TP.HCM tại Hà Nội.

Là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam từ năm 1977, tác phẩm của bà được giới phê bình văn học đánh giá cao. Ba truyện ngắn xuất sắc nhất của bà là Biển cứu rỗi, Người sót lại của rừng cười, và Vũ điệu địa ngục đã xác định tên tuổi của bà mà theo như nhà phê bình văn học Thụy Khuê nhận định:

"Người đọc có thể tìm thấy trong văn phong Võ Thị Hảo cái tàn nhẫn, chất huyền thoại phảng phất cơn mưa Nguyễn Huy Thiệp, bóng mây Phạm Thị Hoài. Cay độc và ẩn dụ trở thành phong trào, thành phong cách thời đại, dấu ấn của Võ Thị Hảo"

Trong ba truyện ngắn nổi tiếng này thì truyện Biển cứu rỗi được bà chuyển thể thành kịch bản phim và được xuất bản hồi gần đây trong tác phẩm mang tên Kịch Bản Phim Truyện. Khi được hỏi nguyên nhân nào dẫn đến việc quyết định bước vào một mảnh đất hoàn toàn mới nhưng rất nhiều khó khăn đó là lãnh địa điện ảnh, nơi chưa thấy có nhà văn nào thành công trong việc viết kịch bản phim, nhà văn trả lời:

Nhà văn Võ Thị Hảo : Trước đây, khoảng 99 tôi đã viêt một loạt bài phân tích về hiện trạng của nền điện ảnh, tức là buồn nản, của điện ảnh Việt Nam, và đưa ra những căn bệnh, những giải pháp. Hồi đó cũng có rất là nhiều người trong giới điện ảnh không bằng lòng vì những việc mà tôi đã nói, nhưng mà đấy là điều tôi cần phải làm. Tôi nghĩ rằng mình đã nói thì mình phải làm. Tôi muốn mình là người đưa ra được một số kịch bản điện ảnh mà mình viết thực sự, nó đúng với yêu cầu: kịch bản điện ảnh nó đúng là kịch bản thực sự.

Mặc Lâm : Thưa chị, thường thì việc viết kịch bản phim rất khác xa viết truyện hay tiểu thuyết hay bất cứ một thể loại nào trong nghệ thuật viêt, chị có nghiên cứu trước khi chị bắt tay vào việc hay không?

Trước đây, khoảng 99 tôi đã viêt một loạt bài phân tích về hiện trạng của nền điện ảnh, tức là buồn nản, của điện ảnh Việt Nam, và đưa ra những căn bệnh, những giải pháp. Hồi đó cũng có rất là nhiều người trong giới điện ảnh không bằng lòng vì những việc mà tôi đã nói, nhưng mà đấy là điều tôi cần phải làm.

Nhà văn Võ Thị Hảo : Ồ! Tôi thì nghiên cứu rất nhiều, đặc biệt tôi dựa vào giáo trình kịch bản điện ảnh của Mỹ. Nó không phải là giáo trình mà là của một vài người viết kịch bản điện ảnh nổi tiếng và có kinh nghiệm của Mỹ. Tôi căn cứ vào đó. Tôi đã trở thành ở trên cái việc viết kịch bản điện ảnh của mình.

Mặc Lâm : Vâng. Vấn đề kịch bản nó cũng khác xa một cuốn tiểu thuyết, như vậy khi chị xuất bản cuốn sách "Võ Thị Hảo - Kịch Bản Phim Truyện" thì chị có nghĩ rằng độc giả có thể theo dõi một cách dễ dàng hay không?

Nhà văn Võ Thị Hảo : Đúng là điện ảnh thì khác tiểu thuyết, khác những câu chuyện văn chương, bởi vì trong kịch bản điện ảnh thì điều cốt yếu đấy là câu chuyện được hiển thị bằng hình ảnh, mà nó phải có cao trào, nó phải có thoái trào, phải có những cái nút để khán giả không bị chán khi theo dõi nó. Hơn nữa, nó lại phải có tư tưởng, nó phải hấp dẫn nữa. Đấy là những điều phải đáp ứng được khi viết kịch bản điện ảnh.

Tôi nghĩ rằng với cuốn gồm 3 kịch bản điện ảnh của tôi đó: "Con dại của đá", "Mùa thu của kiếp sau", và "Biển Cúu Rỗi" thì tôi nghĩ rằng nó có những yếu tố mà khi ở tryện ngắn người ta vẫn thích thú theo dõi và khi viết sang kịch bản điện ảnh thì tôi cũng đã bổ sung cho nó những yếu tố, đó là thứ nhất nó phải đạt được sự hiển thị bằng hình ảnh, có hành động, thứ hai nữa là nó có nhiều chi tiết để người ta có thể theo dõi mà không chán. Mặc Lâm : Vâng. Thưa chị, theo theo nhiều giới phê bình trong nước gần đây tôi thấy họ đã đưa lên ý kiến là những kịch bản điện ảnh của nước ta, đặc biệt trong thời gian vừa qua, nó mang nặng tính văn học quá nên khi áp dụng vào điện ảnh thì người xem cảm thấy không theo kịp nội dùng vì diễn tả quá nhiều tính chất nghệ thuật trọng tiểu thuyết. Chị có để ý tới yếu tố này hay không? Và bằng cách nào chị tránh được lối mòn của những người viết kịch bản trước đây? Nhà văn Võ Thị Hảo : À, đấy điều đầu tiên và cũng là điều cuối cùng mà tôi tự dặn mình là phải tránh nó. Điện ảnh hoàn toàn khác với câu chuyện phim, hoàn toàn khác với một tiểu thuyết hay là một truyện ngắn, hay một câu chuyện văn chương. Và đặc biệt là rất nhiều người viết kịch bản điện ảnh Việt Nam đã làm như vậy.

Và cuối cùng thì đạo diễn luôn luôn ôm đầu kêu trời. Đụng đến những chi tiết như vậy thì nhiều khi người viết kịch bản điện ảnh mà họ cũng có thể là nhà văn thì họ lại không đồng ý. Bởi vậy luôn luôn tôi đã từng viết rằng đấy là cuộc hôn nhân nó rất là chùng chằng giữa đạo diễn và người viết kịch bản đó.

Người viết kịch bản cần phải đạt tới là làm sao cho đạo diễn làm phim một cách dễ dàng ở trên kịch bản của mình, thì đấy là điều đầu tiên và điều cuối cùng mà tôi phải làm khi tôi viết kịch bản điện ảnh của mình.

Mặc Lâm : Vâng. Còn một điều mà chúng tôi thấy là trong tác phẩm mới nhất của chị về vấn đề viết kịch bản thì có 3 đề tài, 3 cái tên gọi, thứ nhứt là "Mùa thu kiếp sau", thứ hai là "Con dại của đá" và nhất là tựa cuối cùng là Biển cứu rỗi. Cả ba chủ đề này đều nặng tính văn học lắm, chẳng hạn chứ "Biển cứu rỗi" rất là nặng tính văn học. Như vậy chị làm sao mà thuyết phục được người xem rằng họ tưởng tượng được những pha xảy ra trong phim qua một cái tên gọi rất là văn học như vậy?

Nhà văn Võ Thị Hảo : Trong lịch sử điện ảnh đó, đặc biệt là những điều đang diễn ra hiện nay tại các bộ phim vẫn có những loại kịch bản hoặc là tên của những kịch bản phim hoặc những bộ phim mang tính văn học.

Nó là một nét gợi chứ nó không chỉ nhất định là kịch bản điện ảnh hay là tên của kịch bản hay là tên của một bộ phim thì nó nhất thiết phải là một cái gì đó trực tiếp. Vấn đề trên thực tế cũng đã có những đạo diễn từng làm những bộ phim có tính văn học, tính biểu tượng rất là cao. Cho nên tôi nghĩ rằng trong kịch bản điện ảnh của mình, thứ nhất là tôi đã tạo ra, tạo hành động, tạo những thắt nút, cao trào cho đạo diễn.

Và thứ hai nữa, kịch bản điện ảnh đó, ai cũng mong muốn rằng ngoài cái việc hành động ra, ngoài cái việc đưa ra một câu chuyện hấp dẫn, thì nó còn phải mang tính văn hoá và tính văn học nữa. Bởi vậy cái tính văn học đó không phải là những lời nói suôn hoặc là những hình dung từ mà mình đã thể hiện nó ra ở trong hành động, trong nhân vật và trong toàn bộ tư tưởng toát ra.

Tôi có nghĩ đến điều mà anh nói, nhưng tôi hoàn toàn tự tin để tôi đặt những cái tên như vậy. Hơn nữa, tên của nó (kịch bản) là tên của những truyện ngắn mà bạn đọc đã quan tâm rồi. Tất nhiên đấy là cái chủ quan của tôi. Tôi nghĩ như vậy.

Người viết kịch bản cần phải đạt tới là làm sao cho đạo diễn làm phim một cách dễ dàng ở trên kịch bản của mình, thì đấy là điều đầu tiên và điều cuối cùng mà tôi phải làm khi tôi viết kịch bản điện ảnh của mình.

Mặc Lâm : Thưa chị, còn một yếu tố nữa rất là cần thiết mà nền điện ảnh Việt Nam từ xưa tới nay vẫn lập đi lập lại hoài mà không thấy có thay đổi, đó là vấn đề lời thoại trong một kịch bản. Tẫt cả những tác giả viết kịch bản thuờng viết lời thoại theo kiểu tiểu thuyết. Để tránh trường hợp này chị giải quyết như thế nào? Cái lời thoại sao cho nó sống động như ở ngoài đời.

Nhà văn Võ Thị Hảo : Tôi đã hết sức tránh cái việc những lời thoại mang tính hành chính, nó mang tính văn chương một cách quá lố, và cảm giác là trong điện ảnh có một điều rõ ràng, tức là người xem sẽ lập tức sởn gai ốc khi mà qua những câu thoại chân thật, nó không đời.

Tôi được biết rằng trong nhiều nền công nghiệp điện ảnh lớn, việc viết lời thoại hoàn toàn là công đoạn của những người có năng lực đặc biệt cũng như là có sự rèn luyện đặc biệt để làm cái việc "thoại". Hiện nay thì tôi cũng chưa có được một sự kết hợp đặc biệt, trực tiếp giữa mình và đạo diễn.

Đầu tiên là tôi viết hành động đã, sau đó tôi xem lại chỗ nào có thể không có lời thoại sau đó tôi mới cho vào. Cho vào rồi sau đó mình lại bắt đầu lùi ra xa nó mà ngắm nghía, phản biện nó xem thế này đã được chưa, như thế có giả không, phi lý không, thì tôi đã cố gắng hết sức mình để làm như vậy (cười).

Mặc Lâm : Dạ vâng. Tôi cũng được biết là trước khi chị viết kịch bản phim chắc chắn là chị phải nghiên cứu nền điện ảnh Việt Nam rất là kỹ càng để bắt tay vào việc. Theo chị thấy điều cần thiết nhứt của điện ảnh Việt Nam hiện nay đang thiếu cái gì?

Nhà văn Võ Thị Hảo : Ồ, điện ảnh Việt Nam thiếu quá nhiều thứ, gần như thiếu toàn diện. Trước hết là kịch bản. Kịch bản thì như anh đã nói đó, và cũng như tôi đã từng nói là việc viết kịch bản cho điện ảnh, thứ nhất về kỹ thuật đa phần chưa ổn, phần lớn chỉ là những câu chuyện thôi, những câu chuyện văn chương, mà thực ra nếu có điều kiện và có thời gian thì người ta có thể dựa vào đó, mà đấy gọi là ý tưởng thì đúng hơn, dựa vào đó để có những người chuyên nghiệp hơn để làm ra kịch bản, viết ra kịch bản, rồi phải có những phân đoạn, chẳng hạn như làm lời thoại cho nó hoàn toàn tự nhiên, thì chưa làm được.

Điều thứ hai nữa là đạo diễn cũng như vậy. Một đạo diễn từ khi ra trường, nếu giả sử được đào tạo một cách tương đối bài bản ở trường ra, từ khi ra trường cho đến lúc được làm phim mà chính là một bộ phim truyện đấy, thì quá ít. Có những người cả đời chỉ làm được một đến hai bộ phim thôi.

Hiện nay tại Việt Nam, nếu tôi không nhầm thì hình như chưa có một trường quay nào, gọi là phim trường đó. Dựng phim mà không có phim trường thì phần lớn người ta dựa vào những cảnh tạo dựng một cách rất là hạn chế, không có chiều sâu.

Và số bộ phim đó thường tập trung vào một vài người vì mỗi năm điện ảnh Việt Nam chỉ làm được vài ba bộ phim, trong khi một hãng chỉ vài ba bộ phim, bởi vậy cái điều kiện đào tạo đã thiếu phưong tiện, chưa kể là chưa được sống trong một nền điện ảnh mạnh mẽ, thực sự, và hiện đại, đi cùng với nhịp độ thế giới.

Đạo diễn Việt Nam thiếu nhiều thứ, chưa kể họ còn thiếu những kịch bản hay, chưa kể họ còn thiếu tiền nong và máy móc và những khâu làm hậu kỳ, thiếu đủ mọi thứ. Mà cái tiền đầu tư vào phim thì không những đã ít mà còn phải bỏ ra rất nhiều để nuôi đoàn làm phim hoặc là hãng phim đó sống, chứ thực sự cho bộ phim thì nó rất là ít.

Điều thứ ba nữa là diễn viên. Cuộc sống của họ rất là khó khăn và họ cũng phải làm các việc khác để sống. Không chuyên nghiệp, rất khó chọn được những người chuyên nghiệp, những người có năng lực và những người đẹp vào trong ngành điện ảnh.

Diễn viên phần lớn là lấy từ diễn viên kịch sang. Và anh biết rồi đấy, phim mà do diễn viên kịch đóng thì hầu hết mình thực sự sởn gai ốc, bởi vì mình có cảm giác nó giả, vì kịch khác và phim khác. Ngoài ra còn bao nhiêu điều nữa.

Hiện nay tại Việt Nam, nếu tôi không nhầm thì hình như chưa có một trường quay nào, gọi là phim trường đó. Dựng phim mà không có phim trường thì phần lớn người ta dựa vào những cảnh tạo dựng một cách rất là hạn chế, không có chiều sâu.

Và còn một điều nữa, một điều rất quan trọng để cho điện ảnh Việt Nam phát triển, tức là những bộ phim được làm ra rất khó bàn, tại vì số rạp ở Việt Nam quá ít. Rạp chiếu phim chỉ đếm được trên đầu ngón tay ở cả nước, vậy một bộ phim ra làm sao có thể in nhiều bản mà bán được. Làm sao mà sống?

Vậy cho nên nền điện ảnh mà tôi rất là yêu thì trong đó nó chứa đủ mọi thứ. Bao nhiêu năm nay mình ước mơ nó phát triển thì hiện nay vẫn chưa được.

Mặc Lâm : Xin cám ơn nhà văn Võ Thị Hảo trong cuộc nói chuyện hôm nay.

Quý vị vừa theo dõi buổi nói chuyện với nhà văn Võ Thị Hảo. Xin hẹn gặp lại quý vị vào chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần tới cũng do Mặc Lâm thực hiện.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.