Qũy Đầu Tư Trung Quốc


2007.03.13

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Ngày mùng 9 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc xác nhận là chính quyền Bắc Kinh sẽ chia khối dự trữ ngoại tệ làm hai phần giao cho hai cơ quan quản lý. Một phần là dự trữ ngoại tệ, phần kia trao cho một cơ quan quản lý về đầu tư họ sẽ lập ra. Quyết định ấy gây chú ý vì vai trò đầu tư của Trung Quốc trên các thị trường quốc tế. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nguyên nhân và hậu quả của quyết định này qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện.

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hôm Thứ Sáu mùng chín vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Jin Renqing loan báo là Trung Quốc chuẩn bị chia khối dự trữ ngoại tệ chúng ta biết là rất lớn của họ làm hai phần. Một phần sẽ do Ủy ban Quản lý Ngoại hối Nhà nước tiếp tục quản lý dưới sự chỉ đạo của Chính phủ qua Ngân hàng Nhà nước, như khối dự trữ ngoại tệ thông thường. Phần kia do một cơ quan sẽ thành lập để quản lý việc đầu tư trong mục tiêu sinh lời. Chính phần thứ hai này khiến các thị trường tài chính quốc tế quan tâm vì ảnh hưởng của nó trên thế giới, nên chúng tôi xin đề nghị là ta cùng tìm hiểu vụ này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng và chúng ta hãy nói về bối cảnh trước. Tính đến đầu năm nay, Trung Quốc có khối dự trữ ngoại tệ ước lượng khoảng một ngàn tỷ, tức là một triệu triệu Mỹ kim. Và hàng năm, thặng dư mậu dịch còn giúp Trung Quốc thu vào hơn 200 tỷ nữa, bình quân có thể là 20 tỷ mỗi tháng. Và điều này có gây vấn đề.

Thứ nhất, Trung Quốc bị các nước, nhất là Hoa Kỳ, than phiền là đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá để thu vét ngoại tệ thế giới làm dự trữ. Khoảng 60% khối ngoại tệ này được tàng trữ dưới dạng đô la và nếu Mỹ kim mất giá thì Bắc Kinh sẽ bị thiệt. Để gìn giữ trị giá tài sản tồn trữ, họ đầu tư một cách thận trọng bằng cách mua trái phiếu, chủ yếu là công khố phiếu, là trái phiếu của chính quyền các nước khác, dù lời ít hơn cổ phiếu hay đầu tư trực tiếp thì vẫn an toàn hơn cả. Bây giờ, Bắc Kinh loan báo quyết định sử dụng và quản lý khoản tài sản lớn lao ấy. Đó là về bối cảnh.

Việt Long: Thế rồi diễn tiến của quyết định này ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ năm ngoái, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã tìm giải pháp cho vấn đề này. Hôm mùng tám vừa qua, trước khi Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc loan báo quyết định chia hai cái kho bạc quá lớn này thì bên lề kỳ họp thứ năm của Quốc hội khoá 10, Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Trình Tứ Duy đã công bố một số lý do về vấn đề này.

Trước hết, đồng ý với khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Trung Quốc sẽ chỉ giữ 650 tỷ ngoại tệ làm dự trữ an toàn, tức là để bảo đảm giá trị của đồng Nhân dân tệ mà thôi, và do Quốc vụ viện tức là Hội đồng Bộ trưởng quản lý qua Ngân hàng Nhà nước. Phần còn lại là 350 tỷ sẽ chuyển qua một cơ quan khác quản lý. Cơ quan chưa thành lập này sẽ trực thuộc Quốc vụ viện chứ không thuộc Bộ Tài chính. Tức là Hội đồng Chính phủ sẽ trực tiếp quản lý một quỹ đầu tư trị giá ít ra là 350 tỷ Mỹ kim. Đây là một quyết định chiến lược ở cấp cao nhất của Chính phủ.

Việt Long: Vì sao Bắc Kinh lại có quyết định ấy và vì sao làm các thị trường thế giới chú ý?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về ngoại giao và chính trị, từ nay Bắc Kinh có thể nói mình chỉ có dự trữ ngoại tệ là 650 triệu Mỹ kim thôi, hầu giảm sức ép của các nước, nhất là trước khi Tổng trưởng Ngân khố Mỹ là ông Hank Paulson sẽ lại tới Bắc Kinh nêu vấn đề về việc Trung Quốc giàng giá đồng Nhân dân tệ vào tiền Mỹ theo tỷ suất thấp để chiếm lợi thế xuất khẩu. Về quyền lợi thì sau này, chỉ 2/3 khối dự trữ của họ là còn liên hệ đến tiền Mỹ trong tỷ lệ ước tính là 60%, tức là 400 tỷ mà thôi. Tiền Mỹ mất giá thì họ không bị thiệt nặng.

Nhưng quan trọng nhất, và đây là lý do khiến các thị trường thế giới chú ý, là nay mai, Trung Quốc sẽ có 350 tỷ đầu tư ra nước ngoài và là một thế lực đáng kể. Sở dĩ ta đoán là họ sẽ đầu tư ra nước ngoài vì nếu đầu tư trong nước thì cũng chẳng khác gì khối dự trữ ngoại tệ do nhà nước quản lý.

Bây giờ ta có 350 tỷ đầu tư ra ngoài "để kiếm lời", theo đúng phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội hôm mùng tám. Ông này là một lãnh tụ chính trị nhưng dường như có thẩm quyền kinh tế vì một lời tuyên bố hôm 28 tháng trước đã chủ động làm xì trái bóng đầu cơ cổ phiếu tại các thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến làm các thị trường quốc tế bị giao động mạnh.

Việt Long: Bây giờ ta mới đi vào phần chính của vấn đề là họ sẽ đầu tư 350 tỷ này ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cho tới nay, ta chưa được biết mà chỉ thấy Bắc Kinh nêu ra hai hướng là kiếm lời và an toàn. Tuy nhiên, mình có thể suy đoán ra chiều hướng và ảnh hưởng với thế giới. Mục tiêu ấy có thể là kinh doanh, kinh tế hay chiến lược, ta sẽ phải biết và sớm biết.

Kinh doanh là đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán để đồng tiền sinh lời trong các doanh nghiệp thành công. Kinh tế có thể là đầu tư trực tiếp, như hùn vốn liên doanh hay thụ đắc các doanh nghiệp thế giới hầu bảo đảm nguồn cung ứng về nguyên nhiên vật liệu hay khoáng sản cần thiết cho kinh tế Trung Quốc.

Chiến lược là khi họ đầu tư vì mục tiêu chính trị, thí dụ như mua chuộc lá phiếu Liên hiệp quốc của các nước nghèo, hoặc chi phối thẳng nội chính của các nước nhờ nghiệp vụ đầu tư, hay là tinh vi hơn, hùn vốn vào các doanh nghiệp có công nghệ cao để thụ đắc kỹ thuật tiên tiến, thậm chí chiến lược về hàng không và không gian, đào dầu đáy biển đáy băng....

Một thí dụ là nếu đầu tư nhiều dự án vài chục triệu trong một số tỉnh tại Việt Nam thì họ có thể chi phối được lá phiếu của vị Bí thư của tỉnh này trong Trung ương đảng. Khi đầu tư mạnh vào các nước Á Phi họ cũng có thể khiến các nước này xoay chuyển lập trường ngoại giao.

Việt Long: Ông có quá bi quan hay không mà suy luận như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cách đây hơn nửa thế kỷ, Hoa Kỳ đã có kế hoạch Marshall để tái thiết và phát triển dân chủ trong các nước Tây Âu. Tính theo hiện giá, kế hoạch ấy chỉ có hơn 100 tỷ ngày nay, bằng một phần ba ngân khoản Trung Quốc sẽ đặt vào canh bạc quốc tế. Cả năm ngoái, tổng số đầu tư nước ngoài vào các nước Phi châu miền Nam sa mạc Sahara chỉ lên tới 38 tỷ và khu vực này có rất nhiều tài nguyên được Bắc Kinh chiếu cố từ lâu.

Một định chế tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới cũng chỉ tài trợ được vài chục tỷ một năm mà thôi mà còn khiến nhiều nước phải chuyển hoá ra kinh tế thị trường. Với 350 tỷ, và có thể sẽ còn tăng trong những năm tới, Bắc Kinh có cái thế rất lớn, nhất là khi đầu tư hay tài trợ mà không đặt điều kiện gì về cải cách kinh tế hay chính trị.

Việt Long: Nhưng liệu lãnh đạo Bắc Kinh có trù tính như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta không biết nhưng vẫn phải chú ý để ứng phó.

Việt Long: Qua lời loan báo hôm Thứ Sáu thì Bắc Kinh có nói đến một giải pháp lập công ty đầu tư như tập đoàn Temasek Holdings của Singapore. Ông nghĩ sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Singapore là một nền Cộng hoà lý tài và thuần nhất về chính trị với khả năng kinh doanh rất cao trong một chế độ không có tham nhũng. Bắc Kinh có thể mơ tưởng giải pháp đó nhưng chưa chắc đã thành công vì sự can thiệp quá nặng của ý thức hệ, của chính trị, vào việc quản trị đầu tư thuần túy vì doanh lợi như Singapore.

Tuy nhiên, cũng vì có khả năng chính trị rất cao thâm, thậm chí rất thâm, họ có thể nghĩ đến một trường hợp liên hệ đến tập đoàn Temasek. Có trong tay 84 tỷ đô la, năm kia tổ hợp này đã mua một doanh nghiệp về viễn thông của gia đình Thủ tướng Thaksin Shinawatra của Thái khiến ông Thaksin đã bị đảo chánh vào tháng Chín năm ngoái.

Nếu Bắc Kinh cũng có một khí cụ như vậy thì có khi sẽ nghĩ ra nhiều chuyện hấp dẫn hơn cho các nước láng giềng! Ngoài ra, Singapore còn có một doanh nghiệp nhà nước chuyên về đầu tư và thuộc loại quỹ đầu tư xuất sắc nhất thế giới, đó là Government of Singapore Investment Corp. gọi tắt là GIC. Nếu chỉ muốn đạt mục tiêu kinh doanh kiếm lời thì đấy là một mẫu mực họ nên học.

Việt Long: Nhưng liệu họ có thành công hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là còn tùy vào mục tiêu. Về kinh doanh là đầu tư để kiếm lời thì có thể là họ chưa có nếp văn hoá về đầu tư thận trọng và tinh tế, vả chuyên gia của họ cũng chưa đủ kinh nghiệm hay độc lập như Singapore nên sẽ thiên về đầu cơ hơn đầu tư.

Nay lại có túi bạc rất lớn, họ không trải mỏng số vốn vào nhiều doanh nghiệp có lời nhưng vẫn bảo đảm an toàn cao mà nhiều phần sẽ nháo nhào nhảy vào một số nhỏ các thị trường tưởng là béo bở rồi lại chạy ra, vì vậy sẽ gây nhiều giao động cho các thị trường.

Căn cứ trên thành tích kinh doanh đầu tư của họ ở trong nước, ta có thể thấy trước bong bóng mưa, có rất nhiều và nổ rất ròn. Đây là ta chưa nói đến tham nhũng. Tuy nhiên....

Việt Long: Tuy nhiên, họ có thể đạt những mục tiêu ông gọi là kinh tế hay chiến lược phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, và đấy là sở trường của Trung Quốc. Họ có thể bỏ tiền, rất nhiều tiền, xây dựng hạ tầng vận chuyển và khai thác để mua thương phẩm của các nước nghèo và khiến kinh tế các xứ ấy tùy thuộc vào kinh tế Hoa lục, hệ thống chính trị cũng vậy.

Họ sẽ đầu tư rất lãng phí, ít hiệu năng nhưng bù vào khoản tốn kém kinh tế vẫn là mối lợi chính trị. Nôm na là phóng tài hoá thu nhân tâm để tranh thủ hậu thuẫn của các nước. Yếu tố ý thức hệ hơn là kinh doanh có thể giải thích hay báo trước xu hướng này.

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, liên hệ đến phần 650 tỷ dự trữ kia. Liệu họ cũng có thay đổi chính sách quản lý không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là một đề tài phức tạp khác dù ít liên hệ trực tiếp đến Việt Nam. Trung Quốc lưu giữ ngoại tệ bằng cách mua công khố phiếu và cho biết là nhờ mua rất nhiều trái phiếu Mỹ, họ góp phần làm lãi suất dài hạn tại Mỹ vẫn cứ được duy trì ở mức thấp.

Điều ấy khiến Hoa Kỳ có lợi nên rất quan tâm đến ổn định chính trị tại Hoa lục, là điều làm đẹp lòng Bắc Kinh. Huống hồ, lãi suất thấp càng khiến dân Mỹ tiêu xài mạnh và càng nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc và giúp cho Bắc Kinh thu thêm ngoại tệ. Chưa kể là dù sao lãi suất công khố phiếu Mỹ vẫn còn trả phân lời cao hơn đa số công khố phiếu Âu Châu. Nghĩa là Bắc Kinh không phải là không có lợi.

Ngày nay, họ gom dự trữ còn 650 tỷ và bắn tiếng cho biết là có thể giảm tỷ trọng Mỹ kim trong khối dự trữ ấy, thí dụ như đổi ra Euro của Âu châu. Nếu điều ấy xảy ra, Euro sẽ lên giá và hàng hoá Âu châu càng khó xuất khẩu. Đâm ra Bắc Kinh lại có cái thế can thiệp vào trị giá của cả đồng Euro lẫn tiền Mỹ, tức là chi phối quan hệ mậu dịch giữa hai bờ Đại Tây Dương. Chúng ta chưa biết là họ sẽ xoay theo hướng nào, nhưng chắc chắn là họ có cái thế rất mạnh và thế giới cần tự chuẩn bị cho việc đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.