Một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” đang diễn ra giữa Iran và Hoa Kỳ?

0:00 / 0:00

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Trong hai tuần lễ liên tiếp, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nhấn mạnh không có ý định mở trận chiến quân sự với Iran, nhưng đồng thời ông cũng cảnh báo chính phủ Tehran phải đình chỉ ngay những hoạt động gây rối ở Iraq và Trung Ðông.

MahmoudIran150.jpg
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trả lời báo giới hôm 18-1-2006. AFP PHOTO

Quan trọng hơn nữa, Tổng Thống Hoa Kỳ cũng cảnh báo trước rằng Washington sẽ có những biện pháp thích đáng nếu hoạt động của Iran gây nguy hiểm đến tính mạng của những binh sĩ Mỹ đang phục vụ tại chiến trường Iraq. Ðiều Tổng Thống Bush đưa ra cho thấy rõ căng thẳng giữa Washington và Tehran bây giờ không phải chỉ ở vấn đề hạt nhân.

Một vài ngày trước đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNN, Thủ Tướng Nouri Al-Maliki của Iraq nói rằng Iraq không chấp nhận làm điều mà ông gọi là “chiến tranh ủy nhiệm” giữa Iran và Hoa Kỳ.

Lời tuyên bố này ngay tức khắc khiến các nhà quan sát chính trị và quân sự đặt ra câu hỏi có phải chiến trường là nơi Hoa Kỳ và Iran dùng để đọ sức với nhau hay không, và nếu đúng, liệu cuộc chiến âm thầm này có lan rộng, trở thành một trận chiến thật sự giữa hai nước không?

Những thắc mắc đang được nói đến cũng là vấn đề chúng tôi đặt ra với ông Lionel Beehner, chuyên gia về Trung Ðông của Hội Ðồng Quan Hệ Ðối Ngoại Hoa Kỳ, một tổ chức có uy tín, thường cố vấn cho Chính Phủ Mỹ về chính sách đối ngoại. Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, được gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông đã nhận lời nói chuyện với chúng tôi. Có phải là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Hoa Kỳ và Iran đang diễn ra trên lãnh thổ Iraq hay không?

Gần đây, ngay chính đại sứ Iran tại Baghdad lại lên tiếng nói chính phủ nước ông có chương trình mở rộng quan hệ với Iraq về kinh tế, về ngoại giao và ngay cả về quân sự, và chính lời tuyên bố này khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, không biết đường nào mà lần.

Ông Lionel Beehner: Tôi không biết liệu có thể nói là Hoa Kỳ và Iran đang dùng chiến trường Iraq để đọ sức với nhau hay không. Những tin tức mà chúng tôi thu thập được không mấy rõ ràng, nên không thể quả quyết là các lực lượng làm việc dưới quyền điều khiển của Iran có những hoạt động chủ đích nhắm vào binh sĩ Mỹ.

Bên cạnh đó, cũng có những bằng chứng không thể chối cãi được xác nhận là Iran đang hỗ trợ cho các lực lượng gây rối ở Iraq. Thành ra, rất khó để trả lời câu hỏi ông vừa đặt ra. Cũng cần phải biết hiện giờ ở Iraq, có nhiều tập thể vừa thân Mỹ, vừa thân Iran, nên nhiều người tin rằng nếu Hoa Kỳ khéo léo, lôi cuốn được Iran vào làm việc ở Iraq, lúc đó có thể tình hình sẽ đổi khác, sẽ tốt hơn.

Hoạt động của Iran tại Iraq

Nguyễn Khanh: Tôi muốn hỏi lại là những bằng chứng thu thập được liên quan đến những hoạt động của Iran tại Iraq có chắc chắn không?

Ông Lionel Beehner: Không có gì chắc chắn cả. Chúng ta có tòa đại sứ ở Baghdad nhưng không có đại sứ quán tại Tehran, thành ra việc thu thập tin tức không dễ dàng, không biết hoạt động của Iran như thế nào.

Gần đây, ngay chính đại sứ Iran tại Baghdad lại lên tiếng nói chính phủ nước ông có chương trình mở rộng quan hệ với Iraq về kinh tế, về ngoại giao và ngay cả về quân sự, và chính lời tuyên bố này khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, không biết đường nào mà lần. Phía Washington thì bảo Iran đang phá hoại ổn định ở Iraq, phía Tehran thì lại bảo chúng tôi đang góp phần giúp tái thiết cho nước láng giềng.

Ngay cả chuyện Iran tìm cách tạo ảnh hưởng ở Iraq thì tin tức tình báo cho thấy họ làm điều này từ lâu rồi. Lúc Saddam Hussein còn đang nắm quyền họ đã tìm cách hỗ trợ cho các tổ chức của Hồi Giáo Shiite, tìm cách giúp đỡ cho tập thể người Kurds ở miền Bắc, chứ không phải bây giờ họ mới làm.

Ðiểm thứ nhì mà chúng ta cũng để ý thấy là quyết định đưa thêm 21,500 binh sĩ sang Iraq mà Tổng Thống George W. Bush loan báo cách đây vài tuần là một quyết định không được mấy người ủng hộ, và hình như các viên chức chính phủ ở Washington đang tìm cách đổ lỗi cho Iran, nói rằng chính Iran phá hoại ổn định, chính vì Iran mà Hoa Kỳ phải đổ thêm quân vào chiến trường.

Tôi nghĩ rằng giả sử Iran có rút hết mọi sự yểm trợ đang dành cho các lực lượng dân quân đi chăng nữa thì xáo trộn vẫn tiếp tục xảy ra, cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn ở Iraq.

Tình thế bây giờ đã đổi khác. Cách đây vài tháng, phúc trình của Ủy Ban Nghiên Cứu Giải Pháp Cho Iraq đề nghị Hoa Kỳ nên nói chuyện Iran, nên nói chuyện Sy-ri, nên ngồi xuống nói chuyện với những nước này để cùng bàn thảo xem giải pháp nào là giải pháp hay nhất cho chuyện Iraq, làm sao để giải quyết các bế tắc ở Iraq, và lúc đó ai cũng bảo Iran chiếm một vị trí quan trọng trên bàn cờ Iraq.

Nguyễn Khanh: Nhưng ông đừng quên Iran và Iraq là kẻ thủ của nhau trong suốt bao nhiêu năm trời. Liệu trong tương lai, hai nước có thể là bạn của nhau không?

Ông Lionel Beehner: Tôi nghĩ là có. Họ có thể làm bạn với nhau, nhưng không phải chỉ vì kinh tế mà còn vì nhiều lý do khác nữa. Từ xưa đến giờ, có rất nhiều chương trình mang danh nghĩa tôn giáo được thực hiện cho những người Hồi Giáo Shiite cũng như Sunni ở hai nước, hai quốc gia cũng có những sắc tộc xuất thân từ một nguồn gốc mà ra, cả hai nước đều có những vùng thánh địa mà người Hồi Giáo ước muốn được đến kinh viếng.

Tôi có thể dự đoán là trong tương lai, chúng ta sẽ thấy một quốc gia Iraq thành hình, đặt trên nền tảng quy luật của Hồi Giáo Shiite tương tự như Iran hiện nay. Ðiều này cũng dễ hiểu thôi, vì tập thể Hồi Giáo Shiite chiếm đa số ở Iraq.

Trở lại với câu hỏi của ông là liệu hai nước có thể làm bạn với nhau được không, câu trả lời của tôi là có. Ðương nhiên trong mọi quan hệ, dù có thân thiết với nhau đến mức nào đi chăng nữa thì bao giờ cũng có lúc họ không đồng ý với nhau về chính sách, nhưng có thể nói là may mắn, họ có rất nhiều điểm thuận lợi để đến gần với nhau.

Vấn đề mà các nhà phân tích đặt ra là liệu có ngày chính quyền Iraq sẽ là một chính quyền bù nhìn bị Iran giật dây hay không? Tôi không tin ngày đó sẽ xảy ra. Với tôi thì câu hỏi nên được đặt ra là Iran và Iraq sẽ thân thiết với nhau tới mức nào.

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ

Nguyễn Khanh: Có lẽ ông cũng nhớ rằng không chỉ Hoa Kỳ lo âu về Iran, mà nhiều nước khác nữa trong vùng Trung Ðông cũng lo ngại. Liệu Washington có thay đổi chính sách ngoại giao, cử người sang Iran nói chuyện với chính phủ Tehran, hay là gặp nhau ở một địa điểm nào đó…

Ông Lionel Beehner: Tôi lại nghĩ khác lại. Tình thế bây giờ đã đổi khác. Cách đây vài tháng, phúc trình của Ủy Ban Nghiên Cứu Giải Pháp Cho Iraq đề nghị Hoa Kỳ nên nói chuyện Iran, nên nói chuyện Sy-ri, nên ngồi xuống nói chuyện với những nước này để cùng bàn thảo xem giải pháp nào là giải pháp hay nhất cho chuyện Iraq, làm sao để giải quyết các bế tắc ở Iraq, và lúc đó ai cũng bảo Iran chiếm một vị trí quan trọng trên bàn cờ Iraq.

Bây giờ mọi chuyện đã xoay chiều đúng 180 độ, Hoa Kỳ đang đưa thêm quân sang Iraq, đưa thêm hàng không mẫu hạm đến vùng Vịnh Ba Tư, và chính những điều đó đang tạo áp lực đè nặng Iran, nên trong lúc này mà bảo Hoa Kỳ phải cử người sang nói chuyện với Tehran thì là điều không tưởng.

Nguyễn Khanh: Dựa theo những gì ông biết và theo nhận định của ông thì liệu trận chiến quân sự giữa Hoa Kỳ và Iran có bùng nổ không?

Không!!! Iran là nước duy nhất trong vùng người dân có tư tưởng thân Hoa Kỳ trong khi chính quyền thì chủ trương chống Mỹ, tức ngược hẳn lại với những nước Trung Ðông khác.

Ông Lionel Beehner: Không!!! Iran là nước duy nhất trong vùng người dân có tư tưởng thân Hoa Kỳ trong khi chính quyền thì chủ trương chống Mỹ, tức ngược hẳn lại với những nước Trung Ðông khác.

Tất cả mọi hoạt động quân sự mà Hoa Kỳ muốn nhắm vào Iran, kể cả việc oanh kích những cơ sở hạt nhân của nước này, đều gây bất lợi, vì đẩy một lượng dân lớn đang có cảm tình với mình trở thành lực lượng chống đối.

Ðó chính là điều mà các nhà các nhà hoạch định chính sách ở Washington phải nghĩ đến. Tôi xin đơn cử một thí dụ: Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad là người không được cảm tình của thế giới, hầu như ai cũng cho rằng ông ta là một nhà lãnh đạo quá khích, nhưng ông ta sẽ trở thành người được trọng vọng nếu Hoa Kỳ quyết định tấn công Iran bằng quân sự.

Một yếu tố khác nữa là chúng ta đang quá bận giải quyết tình hình Iraq, thành ra theo tôi, không có lô-gích khi mở thêm một cuộc chiến khác trong lúc này.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Beehner.