Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam năm 1945 (phần 1)


2006.03.09

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng

Ngược dòng thời gian cách đây hơn 6 thập niên, cuộc đảo chánh vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 do Nhật thực hiện nhằm lật đổ chính quyền đô hộ của Pháp tại Việt Nam được coi là một bước ngoặc trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Sự kiện này không chỉ chấm dứt 80 năm ách đô hộ của thực dân Pháp, mà còn đảm bảo rằng Pháp sẽ không thể nào trở lại Việt Nam với tư cách 1 nước thống trị nữa.

DeGaulle150.jpg

Nhân ngày 9/3 năm nay, Trà Mi đã mời tiến sĩ kinh tế sử Lê Mạnh Hùng trình bày thêm về giai đoạn lịch sử quan trọng này của Việt Nam. Loạt chương trình này gồm 3 phần. Phần thứ nhất bàn về nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính tháng 3/1945.

Phần 1: Nguyên nhân cuộc đảo chính

Trà Mi: Trước hết, xin tiến sĩ Lê Mạnh Hùng cho biết nguyên nhân vì sao Nhật lại làm cuộc đảo chính Pháp chỉ năm tháng trước khi đầu hàng đồng minh không điều kiện?

Tiến sĩ kinh tế sử Lê Mạnh Hùng: Cho đến năm 1945, Đông Dương ở vào một tình trạng đặc biệt trong đế quốc Nhật. Đông Dương là thuộc địa duy nhất của một nước Tây phương mà chính quyền thuộc địa không bị người Nhật thay thế.

Tất cả các thuộc địa khác của người Anh hay người Hòa Lan đều bị Nhật chiếm đóng và các người Âu bị nhốt trong các trại tập trung. Sở dĩ vậy là vì chính quyền Pháp, sau khi thất trận ở châu Âu đã mau chóng đầu hàng Nhật và để Nhật mang quân vào chiếm đóng Đông Dương từ cuôí năm 1940, ngay cả trước khi cuộc chiến Thái Bình Dương nổ ra vào cuối năm 1941 khi Nhật đánh úp vào hạm đội Mỹ tại Trân Châu cảng.

Trong suốt thời gian chiến tranh đó, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã tích cực hợp tác với Nhật, không nhũng về phương diện kinh tế, cung cấp lúa gạo và các nguyên liệu chiến lược cho Nhật mà cả về quân sự, để Nhật sử dụng các căn cứ quân sự tại Đông Dương để bành trướng ra khắp vùng Đông Nam Á, đánh chiếm Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia thì Đông Dương chính là căn cứ mà Nhật dùng để tấn công vào những nơi này.

Tỷ như chính các máy bay Nhật đóng tại căn cứ Tân Sơn Nhất là những máy bay đã dánh chìm hạm đội Anh tại Thái Bình Dương ở ngoài khơi bờ biển Mã Lai. Nhật cũng dùng cảng Sài Gòn là nơi tập trung quân để đổ bộ đánh vào Philippines. Thành ra trong suốt thời gian này Nhật đã không thấy cần thiết phải lật đổ chính quyền Pháp tại Đong dương và thay thế bằng một chính quyền của mình.

Tướng De Gaulle

Khi Nhật bản bắt đầu thua trận ở Thái Bình Dương, chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng bắt đầu có ý đồ tình trở cờ chống lại Nhật. Bắt đầu từ 1942, nhiều phái viên thuộc tổ chức “Nước Pháp Tự do” (Free French) của tướng De Gaulle được Anh bảo trợ đã bắt liên lạc với những sỹ quan Pháp tại các đồn biên giới với Trung Quốc để bí mật thành lập những tổ chức kháng chiến chống lại Nhật.

Trà Mi: Như vậy vì sao quân đội Nhật lại tính chuyện lật đổ chính quyền Pháp vào năm 1945?

Tiến sĩ kinh tế sử Lê Mạnh Hùng: Đó là vì khi Nhật bản bắt đầu thua trận ở Thái Bình Dương, chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng bắt đầu có ý đồ tình trở cờ chống lại Nhật. Bắt đầu từ 1942, nhiều phái viên thuộc tổ chức “Nước Pháp Tự do” (Free French) của tướng De Gaulle được Anh bảo trợ đã bắt liên lạc với những sỹ quan Pháp tại các đồn biên giới với Trung Quốc để bí mật thành lập những tổ chức kháng chiến chống lại Nhật.

Chẳng bao lâu một hệ thống tình báo đã được thành lập bên trong Đông Dương cung cấp các tin tức về hoạt động quân sự của Nhật cho các cơ quan tình báo Mỹ đóng tại miền Nam Trung Quốc. Sang năm 1944, phong trào này đã gia tăng mạnh thêm khi Paris được giải phóng và chính quyền De Gaulle trở thành chính quyền chính thức của Pháp thay cho Vichy.

Liên lạc vô tuyến trở thành thường xuyên giữa Cơ Quan Thống Kê Quân Sự, tức là cơ quan tình báo của quân đội Pháp tại Hà Nội và phái bộ Quân Sự Pháp của chính phủ De Gaulle tại Côn Minh.

Chính các giới chức cao nhất trong chính quyền và quân đội Pháp tại Đông Dương lúc đó cũng bắt đầu tìm cách liên lạc với chính phủ De Gaulle và lo tổ chức những hoạt động để chống lại Nhật. Và tất cả những chuyện đó hầu như được làm một cách công khai thành ra không thể nào mà che mắt được các cơ quan tình báo và công an của Nhật.

Nguyên nhân trực tiếp

Trà Mi: Thành ra Nhật bản phải tìm cách phản ứng?

Tiến sĩ kinh tế sử Lê Mạnh Hùng: Đương nhiên là Nhật biết rõ những chuyện Pháp làm và đã có kế hoạch để lật đổ chính quyền Pháp taị Đông Dương. Nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc đảo chánh là việc chiếm lại Philippines của quân đội Mỹ.

Tháng 10, 1944, quân đội Mỹ dưới quyền chỉ huy của tướng Douglas Mac Arthur đổ bộ xuống đảo Leyte của Philippines và đến tháng giêng thì tiến đến Luzon và đánh vào Manila, khiến cho khả năng của một cuộc đổ bộ vào Đông Dương là một chuyện rất có thể xảy ra.

Đặc biệt, tháng giêng 1945, máy bay của một hạm đội Mỹ ở ngoài khơi đột nhiên xuất hiện tại Sài Gòn và ném bom đánh đắm gần 20 chiếc tầu Nhật đang đậu tại cảng này khiến quân Nhật càng e ngại thêm rằng sau Philippines, Đông Dương có thể là mục tiêu mới của Mỹ.

Trong khi đó, Nhật biết rõ rằng trong trường hợp đổ bộ như vậy, quân đội Pháp tại Đông Dương sẽ trở cờ theo Đồng Minh mà chống lại Nhật, không những qua những tin tức mà họ thu lượm được về các hoạt động ngầm của Pháp mà cả qua những chương trình phát thanh trong đó chính phủ De Gaulle luôn luôn tuyên bố ý định sẽ chiếm lại Đông Dương bằng vũ lực.

Tất cả những chuyện đó đã khiến cho Nhât quyết định đưa vào thực hiện chiến dịch gọi là “Meigo” (Minh Nguyệt) mà họ đã hoạch định sẵn trước để lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương. Và đến tháng hai, 1945 mọi chuyện đã được Nhật chuẩn bị để sẵn sàng cho một cuộc đảo chánh.

Quý vị vừa nghe cuộc trao đổi giữa Trà Mi và tiến sĩ kinh tế sử Lê Mạnh Hùng về nguyên nhân cuộc đảo chính do Nhật thực hiện lật đổ chính quyền đô hộ của Pháp tại Việt Nam vào ngày 9/3/1945. Diễn biến sự kiện lịch sử này ra sao? Mời quý vị đón theo dõi phần 2 trong chương trình phát thanh tiếp theo.

Theo dòng thời cuộc:

- Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam năm 1945 (phần 2)

- Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam năm 1945 (phần 3)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.