Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 10-11-2005)


2005.11.10

Thy Nga, phóng viên đài RFA

“Việt Nam vẫn bị ghi trong danh sách “Các nước cần đặc biệt quan tâm” về quyền tự do tôn giáo” là tin mới nhất đối với người Việt ở trong và ngoài nước, sau những tháng ngày nghe tin tức liên tục về tình hình các tôn giáo trong nước.

VirginStatueCrying150.jpg
Hình ảnh tượng Đức Mẹ trước Vương Cung Thánh Đường ở Saigon chảy nước mắt chụp hôm 31-10-2005. AFP PHOTO

Tuần qua, tin Việt Nam tiếp rước Chủ tịch Trung Quốc mà những thương thảo bên trong chưa được tiết lộ, đồng lúc với việc đưa một phái đoàn văn công hùng hậu qua Úc trình diễn, cộng với chuyện tượng Đức Mẹ tại Saigon đổ lệ, là các tin thời sự sôi động về Việt Nam. Một số người nêu câu hỏi, không hiểu các sự kiện đó có liên hệ gì với nhau hay không?

Thính giả RFA theo dõi thời sự rất sát, dĩ nhiên là có những ý kiến đóng góp với chúng tôi. Vài quý vị e ngại về số phận của Vịnh Cam Ranh trên bàn cờ chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; trong khi đó, nhiều vị chua chát nói lên cảm nghĩ về chuyện “Duyên dáng Việt Nam” đem đi biểu diễn miễn phí.

Tượng Ðức Mẹ khóc

Nghe tin về tượng Đức Mẹ khóc, nhiều người bồi hồi viết đến đài, hỏi thực hư thế nào. Sau khi đức Hồng Y Tổng Giám mục địa phận thành phố Hồ-chí-Minh lên tiếng, nói là đang thành lập một ban để nghiên cứu về hiện tượng đó, nhiều người như các thính giả Trang Huỳnh và Hoa vẫn mong được biết thêm chi tiết.

Là tín đồ Thiên Chúa giáo hay không, tin hoặc không tin vào hiện tượng đó, và không rõ là khoa học sẽ giải thích ra sao, nhưng người ta dễ cho là điềm gở vào lúc ở Việt Nam có thêm nạn nhân chết vì cúm gia cầm, dịch bệnh tái bùng phát tại cả ba miền đất nước trong khi nhiều địa phương bị động đất. Ấy là chưa kể, nội tình Việt Nam cũng có vẻ đang rối ren.

Từ trong nước, thính giả mà chúng tôi xin gọi tắt là L.Q.T. viết: “Tượng Đức Mẹ tại thành phố Hồ-chí-Minh đã rơi nước mắt! Các tín đồ đang phải đấu tranh cho sinh hoạt đạo; trẻ em và phụ nữ đang bị buôn bán vào các chốn tận cùng của xã hội. Ôi, tự do tôn giáo! Ôi, phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam đang bị chà đạp!”

Tượng Đức Mẹ tại thành phố Hồ-chí-Minh đã rơi nước mắt! Các tín đồ đang phải đấu tranh cho sinh hoạt đạo; trẻ em và phụ nữ đang bị buôn bán vào các chốn tận cùng của xã hội. Ôi, tự do tôn giáo! Ôi, phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam đang bị chà đạp!

“Bản tin hằng ngày” gửi đến thính giả

Thính giả RFA quan tâm đến những vấn đề chính trị, ngày càng nhiều, điều này được thể hiện qua số liệu mà đài RFA chúng tôi ghi nhận. Bài được truy cập nhiều nhất trong tuần qua, cả trong nước lẫn hải ngoại, là về chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc sang Việt Nam. Nối tiếp, là bài “Việt Nam trong trật tự Trung Quốc”.

Xem thế thì đủ biết vấn đề này đang được dư luận người Việt chú ý tới mức nào. Kế đến trong danh sách, là phần trả lời của ban Việt ngữ RFA về một bài viết của VOV tức đài “Tiếng nói Việt Nam”. Nhiều thính giả như ông Trung ở Saigon, các ông Phùng Nguyễn, Ken Võ ở California, ông Tiến Tiêu, … đã email bày tỏ sự đồng tình với RFA Việt ngữ, và nhấn mạnh về điều là làm báo, phải trung thực và tôn trọng sự thật.

Số những người đăng ký “Bản tin hằng ngày” thì tăng mạnh. Nhân đây, ban Việt ngữ RFA gửi lời đặc biệt cám ơn đến thính giả Langbian Trần vì cứ cách vài ngày là chúng tôi lại nhận được email của ông xin gửi “Bản tin” cho cả dãy địa chỉ e-mail.

Nhờ sự tiếp tay của ông, cũng như của nhiều thính giả ủng hộ chúng tôi mà giới thiệu rộng rãi, số “Bản tin” RFA Việt ngữ gửi đi các nơi đã lên tới hơn 80 ngàn mỗi ngày đấy!

Tình hình trong nước

Từ miền Trung Tây nguyên, một nhóm thính giả cho chúng tôi biết về tình hình trong nước, cũng như tình hình nghe RFA, và đề nghị như sau:

“Nên đưa những vụ chống tham nhũng lên hàng đầu vì đó là đề tài nóng bỏng nhất hiện nay. Tình trạng nghèo đói, vật giá leo thang, ... khiến người dân ngày càng oán ghét tham nhũng. Vốn vay của các nước ngoài để xây dựng, cải cách kinh tế đều bị bọn có chức quyền bỏ túi riêng, lãng phí tới 50%.

Khi đến liên hệ với các cơ quan công quyền, dân chúng thường bị hạch sách đủ điều. Có tiếng nói của RFA, dân trong nước được biết thông tin chính xác, khách quan.

>“Phải chọn người có tài, có đức, vì nhân dân lên lãnh đạo, có khả năng quét sạch tham nhũng trong bộ máy chính quyền, tạo điều kiện cho mọi công dân, nhất là thành phần nghèo được điều kiện phát triển. Vấn đề tham nhũng đã quá nhức nhối.

Lực lượng đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam ngày càng được nhiều người ủng hộ, kể cả cán bộ, đảng viên có tâm huyết với Tổ quốc..

Chương trình của Đài được đông đảo bà con theo dõi. Gần đây, Đài nghe rõ 5/5 ở các tỉnh. Những bài phỏng vấn các nhân vật đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền ở trong nước, được nhiều người đặc biệt quan tâm, lắng nghe ...”

Xin cám ơn nhóm do ông S.Đ. đại diện, về các thông tin cũng như về các ý kiến đóng góp cho chương trình. Ban Việt ngữ RFA rất vui khi nghe tin có nhiều bà con lắng nghe, và ở các tỉnh lại nghe rõ chương trình của chúng tôi. Để đáp ứng lòng mong mỏi của quý thính giả, anh em chúng tôi nguyện cố gắng hơn nữa.

Vấn đề nhân sự của đảng CSVN

* Về vấn đề nhân sự mà quan chức các cấp Đảng Cộng sản Việt Nam đang sôi nổi vận động và bàn thảo để chuẩn bị Đại hội 10 sẽ diễn ra năm tới, thính giả Năm Căn nhận định:

“Hiện nay, đang diễn ra những tranh chấp giữa các đảng viên cao cấp trong Đảng Cộng sản Việt Nam để giữ các chức vụ then chốt của Đảng và Nhà nước. Họ tranh chấp nhau về quyền hạn chứ chưa bao giờ tranh với nhau việc làm thế nào để nâng cao đời sống của người dân.”

Và thính giả với địa chỉ email từ trong nước là “Vô danh” viết:

“Phải chọn người có tài, có đức, vì nhân dân lên lãnh đạo, có khả năng quét sạch tham nhũng trong bộ máy chính quyền, tạo điều kiện cho mọi công dân, nhất là thành phần nghèo được điều kiện phát triển. Vấn đề tham nhũng đã quá nhức nhối.

Thật buồn là ở đâu cũng thấy cục bộ địa phương trong bố trí nhân sự, con ông nọ, cháu ông kia. Hiện ở Việt Nam, quyền lực vẫn tập trung trong Bộ Chính Trị, làm việc tập thể. Đầu nhiệm kỳ thì công khai nhưng giữa nhiệm kỳ có thể đảo lại; và quyền lực đứng sau thì khó biết lắm.”

Mời các bạn tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Mọi email đóng góp xin gởi về Vietnamese@www.rfa.org

Khen tặng của thính giả

Về chương trình phát thanh, RFA Việt ngữ nhận được thư của thính giả Ngô Ngọc Lâm (xin trích như sau)

“Tôi là người tỵ nạn Việt Nam tại Đan Mạch. Chúng tôi rất vui mỗi ngày hai lần nghe tin tức từ các đài phát thanh Việt ngữ, nhất là Đài Á Châu Tự Do. Chúng tôi cảm thấy thật thân thương được nghe tiếng nói từng quí vị. Tôi cũng xin chuyển lời cám ơn đến các chuyên viên như kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, bác Trần Sơn Nam, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết với những chuyên đề đặc biệt, lý luận sâu sắc.

Cụ thể nhất là những bài tường thuật khiến chúng tôi mở, nghe đi nghe lại, các buổi “Diễn đàn bạn trẻ” do cô Trà Mi điều hợp với các bạn trẻ thật tinh tế, thông minh và can đảm. Chị Thanh Trúc với các lần giới thiệu “người Việt khắp nơi” làm cho chúng tôi gần và dễ chia sẻ với đồng bào mình.

Cũng xin cám ơn quí đài về những thông tin từ Việt Nam. Mặc dầu sống tại Bắc Âu nhưng qua đài, tôi luôn cảm nhận như sống rất gần với Việt Nam.”

Toàn ban Việt ngữ RFA xin cám ơn lời khen tặng của ông. Vâng, như ông nói, “Diễn Đàn Bạn Trẻ” do Trà My điều hợp được nhiều người từ trong nước ra hải ngoại, khen ngợi.

Có vài thính giả tự nhận là “không còn trẻ lắm” nhưng cũng muốn tham gia. Với các bạn mang tinh thần “trẻ mãi không già” ấy, chúng tôi hoan nghênh cả hai tay! Và cũng xin thưa với ông Lâm là chúng tôi đang tính đến việc mở rộng mục này đó.

Thư ngỏ ý muốn giúp đỡ

* Mục “Đời sống người Việt khắp nơi” và “Câu chuyện hằng tuần” thì những bài nói về các nhóm từ thiện bác ái trong nước gây nhiều xúc động cho người nghe. Nhiều vị viết đến đài, hỏi Thanh Trúc và Phương Anh địa chỉ các tổ chức đó, để tiếp tay giúp đỡ cho những đồng bào kém may mắn.

Sau bài về các Sơ Dòng Mân Côi, Thanh Trúc đã đề cập đến căn “Nhà Bừng sáng”. Nghe câu chuyện cảm động ấy, nhiều thính giả như Vũ Nguyễn, Phương Huỳnh đã ngỏ ý muốn giúp đỡ.

Những chương trình trong nước đã quyến rũ và lôi kéo chúng tôi vào những phim nhiều tập, trò chơi nhảm nhí, và những thông tin sai lạc khác mà một người bình thường sẽ không có đủ thời gian để quan tâm; và hình như trong đầu họ, từ “Dân chủ” đã là một khái niệm trừu tượng. Mong quý đài RFA có thêm những giải pháp mới hơn nữa để giới trẻ trong nước chúng tôi hiểu và biết được sự thật!

Mới đây nhất là thư của ông Tôn Thất Long: ““Tôi có nghe bài phóng sự về một người mù tên là Đào Khánh Trường đang nuôi dạy một số trẻ mù lòa ở Saigon đường Nguyễn Tri Phương nhưng quý đài lại không cho biết số nhà.

Vì thế, tôi xin quý đài cho biết số nhà để tôi gửi số tiền nhỏ hằng tháng giúp ông Trường trong việc nuôi dạy các em bất hạnh mà ông ấy tuy mù nhưng có tấm lòng nhân ái đáng quý, hiếm ai bì kịp.”

Xin cảm tạ tất cả những tấm lòng nhân hậu mà chúng tôi không thể nêu ra hết bây giờ. Thanh Trúc sẽ phúc đáp quý vị. Nhân đây, ban Việt ngữ RFA cũng xin thưa với ông Long là chúng tôi chỉ làm công việc tường trình chứ không chủ trương kêu gọi gì. Đó là lý do vì sao chúng tôi không đưa tất cả chi tiết trên làn sóng phát thanh.

* Và thư của thính giả họ Phan về bài mới đây trong tạp chí “Sáng kiến và đời sống” nói về Bác sĩ Nguyễn Phước Huy ở Hồng Ngự chế ra được máy nội soi:

“Tôi thiết nghĩ một bác sỹ như những bác sỹ khác, mà lại có phát minh. Trong điều kiện thiếu thốn mà đem lại được lợi ích, phục vụ cho đồng bào trên quê hương còn nghèo khó, thật đáng phục.”

Chúng tôi cũng nhận được thư của bà Diệp Nguyễn ở Texas như sau:

“Hàng ngày, tôi vẫn nghe Đài online rất là hay, nghe “Diễn đàn các bạn trẻ” rất hấp dẫn, và chương trình “Âm nhạc cuối tuần” đều hay. Còn ông xã tôi thì thích nhất những cuộc phỏng vấn mấy người ở trong nước. Chúc quý đài thẳng tiến trên đường phục vụ thính giả.”

Lá e-mail từ Pháp của ông Lê Trọng Hỷ ( hay Hy ) cũng khen mục “Diễn đàn bạn trẻ”, và giọng của Thy Nga nữa. Xin cám ơn cảm tình ưu ái mà ông dành cho chị em chúng tôi. Thy Nga để ý đến tên ông chuyển rất tài tình thành “Lee Armstrong Hee” thật là hay, ông à.

Giới trẻ trong nước

Nói đến giới trẻ thì có lá email của bạn H. lần đầu tiên viết đến RFA như sau:

“Tôi là một thanh niên ở Việt Nam chưa từng được biết và nghe nhiều thông tin bổ ích tới vậy. Tôi là một người rất biếng đọc báo. Chỉ mới vài ngày trở lại đây, tôi tìm kiếm thông tin về Đài trên Web.

Tôi nghĩ là có rất nhiều, rất nhiều bạn trẻ cũng như tôi, không hề được biết và tiếp xúc với luồng thông tin quý giá này (tôi đã thức nguyên đêm để đọc được càng nhiều càng tốt, dù rằng những tin đó đã rất cũ).”

Và bạn cho biết về tình trạng ở trong nước:

“Những chương trình trong nước đã quyến rũ và lôi kéo chúng tôi vào những phim nhiều tập, trò chơi nhảm nhí, và những thông tin sai lạc khác mà một người bình thường sẽ không có đủ thời gian để quan tâm; và hình như trong đầu họ, từ “Dân chủ” đã là một khái niệm trừu tượng. Mong quý đài RFA có thêm những giải pháp mới hơn nữa để giới trẻ trong nước chúng tôi hiểu và biết được sự thật!”

Thư của bạn làm ban Việt ngữ vừa vui lại vừa buồn. Mừng vì bạn đã tới với anh em chúng tôi, đồng thời buồn nhiều khi nghe rõ thêm về tình trạng của đa số người trẻ Việt Nam hiện nay.

Thời gian sau này, như quý vị thính giả cũng đã nhận thấy, RFA Việt ngữ dành nhiều chương trình cho giới trẻ, biết rằng đó chính là thành phần sẽ đưa nước nhà tiến lên trên con đường phát triển. Mong nhận được nhiều email trao đổi thêm nữa của bạn nhé.

* Cũng từ trong nước, thính giả P.L. đang công tác trong một tổ chức chính quyền, đã viết đến chúng tôi lá e-mail ngắn gọn, với câu

“Qua đài, đã giúp tôi biết được những thông tin rất bổ ích.”

Thư bạn quả là khích lệ chúng tôi rất nhiều trong công việc. Đưa được thông tin trung thực đến với người nghe, chính là mục đích của đài RFA. Cám ơn bạn.

Thư đã dài, Thy Nga cùng toàn ban Việt ngữ xin chào tạm biệt quý thính giả và các bạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.