Duy trì lưu lượng trong sông chánh Mekong


2006.09.13

Nguyễn Minh Quang & Đỗ Hiếu, RFA

Theo tin tức báo chí trong nước, vào ngày 22-6 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng nông nghiệp, tài nguyên các nước thành viên Hội đồng Ủy hội Mekong đã ký một thỏa thuận nhằm duy trì dòng chảy trong lưu vực sông Mekong. Theo đó, các nước Thái Lan, Lào, Kampuchia, và Việt Nam sẽ tham gia hợp tác trong việc duy trì dòng chảy của sông Mekong ở mức tối thiểu trong mùa khô, duy trì dòng chảy tự nhiên thường xuyên vào Biển Hồ, và không được xả lũ từ hồ chứa gây lũ nhân tạo ở hạ lưu trong mùa lũ.

Ðể tìm hiểu thêm về thỏa thuận nầy, đài Á Châu Tự do chúng tôi có trao đổi với Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một kỹ sư công chánh chuyên nghiệp của tiểu bang California và cũng là một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

MekongRiver200.jpg
Sông MeKong. RFA PHOTO

Trước năm 1975, ông Quang là một trong những chuyên viên thủy lợi phục vụ tại Ủy ban Quốc gia Thủy lợi trực thuộc Bộ Công Chánh và Giao thông ở Sài Gòn. Ông phụ trách công tác nghiên cứu và soạn thảo các kế hoạch phát triển thủy lợi ở miền Nam Việt Nam và công tác nghiên cứu và điều hành chương trình đo đạc thủy học ở Ðồng bằng sông Cửu Long do Ủy ban Quốc tế Mekong phối hợp với Ủy ban Quốc gia sông Cửu Long/Việt Nam tài trợ.

Đỗ Hiếu: Kính chào Kỹ sư (KS) Nguyễn Minh Quang. Trước hết, xin KS vui lòng cho Quý thính giả của Ðài biết thêm chi tiết về việc ký kết thỏa thuận duy trì dòng chảy trong sông chánh Mekong ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22 tháng 6 năm 2006?

Nguyễn Minh Quang: Ðúng ra thì thỏa thuận ngày 22 tháng 6 chỉ đề cập đến “phương thức” (procedure) để duy trì lưu lượng trong sông chánh Mekong và đã được đại diện cấp Bộ trưởng mà cũng là thành viên của Hội đồng Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC) Council); gồm có các quốc gia Thái Lan, Lào, Kampuchia, và Việt Nam; ký kết trong một buổi lễ được tổ chức tại Khách sạn Rex ở số 141 đường Nguyễn Huệ.

Hiện diện trong buổi lễ có Tiến sĩ Olivier Cogels, Giám đốc Ðiều hành Văn phòng MRC (MRC Secretariat), nhân viên của Chương trình Sử dụng Nước của Ủy hội sông Mekong (MRC Water Utilization Programme), thành viên của Ủy ban Hỗn hợp thuộc Ủy hội sông Mekong (MRC Joint Committee), thành viên của bốn Ủy ban Quốc gia sông Mekong (National Mekong Committee), và đại diện của các tổ chức và ngân hàng quốc tế như Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Ủy hội Kinh tế-Xã hội Á Châu và Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UNESCAP), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), và Ngân hàng Thế giới (WB).

Thỏa thuận phát triển lưu vực Mekong

Đỗ Hiếu: Kỹ sư có thể trình bày với qúi thính gỉa của đài chúng tôi về nội dung của thỏa thuận thì này?

Nguyễn Minh Quang: Theo văn bản chánh thức của Văn phòng MRC, thì những thỏa thuận được ký kết ngày 22 tháng 6 vừa qua chỉ lập lại những nguyên tắc để duy trì lưu lượng trong sông chánh Mekong đã được nêu trong Ðiều 6 của Hiệp định Hợp tác Phát triển Khả chấp Lưu vực sông Mekong (Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong River Basin) được ký kết khi thành lập MRC ngày 5 tháng 4 năm 1995 tại Chiang Rai, Thái Lan (Hiệp định MRC 1995).

Thỏa thuận ngày 22 tháng 6 chỉ thêm một số nguyên tắc không có liên quan đến phương diện thủy học như: tính thực tiễn (practicality), sự minh bạch (transparency), hiệu quả kinh tế (cost effectiveness), và tinh thần tương kính lẫn nhau (reciprocity) giữa các quốc gia duyên hà.

Đỗ Hiếu: KS có thể cho Quý thính giả biết những nguyên tắc thủy học để duy trì lưu lượng trong sông chánh Mekong được nêu trong Ðiều 6 của Hiệp định MRC 1995 không?

Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa, tôi có thể phỏng dịch như thế nầy: “Ðể tránh ảnh hưởng của các dự án rẽ nước (diversions), việc xả lũ từ hồ chứa nước (storage release), hoặc các hoạt động thường trực khác (actions of permanent nature), ngoại trừ trường hợp hạn hán hoặc lũ lụt lịch sử, các quốc gia duyên hà sẽ hợp tác để (A) duy trì một lưu lượng không dưới lưu lượng tối thiểu tự nhiên có thể chấp nhận được cho từng tháng trong mùa khô, (B) duy trì một lưu lượng có thể chấp nhận được trong sông Tonle Sap khi nó chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ, và (C) duy trì lưu lượng cao nhất trung bình trong ngày (average peak daily flow) không vượt quá lưu lượng cao nhất trung bình hàng ngày trong mùa lũ. Ủy ban Hỗn hợp sẽ ấn định quy định hướng dẫn liên quan đến vị trí và lưu lượng, theo dõi và có hành động thích ứng để duy trì lưu lượng như được ấn định trong Ðiều 26.”

Ðể tránh ảnh hưởng của các dự án rẽ nước (diversions), việc xả lũ từ hồ chứa nước (storage release), hoặc các hoạt động thường trực khác (actions of permanent nature), ngoại trừ trường hợp hạn hán hoặc lũ lụt lịch sử, các quốc gia duyên hà sẽ hợp tác để (A) duy trì một lưu lượng không dưới lưu lượng tối thiểu tự nhiên có thể chấp nhận được cho từng tháng trong mùa khô, (B) duy trì một lưu lượng có thể chấp nhận được trong sông Tonle Sap khi nó chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ, và (C) duy trì lưu lượng cao nhất trung bình trong ngày (average peak daily flow) không vượt quá lưu lượng cao nhất trung bình hàng ngày trong mùa lũ. Ủy ban Hỗn hợp sẽ ấn định quy định hướng dẫn liên quan đến vị trí và lưu lượng, theo dõi và có hành động thích ứng để duy trì lưu lượng như được ấn định trong Ðiều 26.

Ðiều 26 của Hiệp định MRC 1995 quy định nhiệm vụ của Ủy ban Hỗn hợp bao gồm việc ấn định thời khoảng cho mùa nước và mùa khô, chọn lựa các trạm quan trắc và ấn định lưu lượng cho mỗi trạm, ấn định phương pháp tính số lượng nước phụ trội (surplus quantities of water) trong sông chánh vào mùa khô, cải thiện phương pháp theo dõi việc sử dụng nước trong lưu vực (intra-basin use), và thiết lập phương pháp theo dõi việc rẽ nước từ sông chánh ra khỏi lưu vực (inter-basin diversion).

Đỗ Hiếu: Như vậy, có điều gì mới trong thỏa thuận được ký kết ngày 22 tháng 6 không?

Nguyễn Minh Quang: Về phương diện thủy học thì không có gì mới lạ cả. Chỉ có thêm một vài chi tiết về hành chánh để bổ sung hoặc làm sáng tỏ Ðiều 6 và 26 của Hiệp định MRC 1995 mà thôi. Chẳng hạn Ủy ban Hỗn hợp MRC phải soạn thảo một tài liệu độc lập nhan đề “Hướng dẫn Kỹ thuật” (Technical Guidelines) để trình bày và giải thích cách thức dùng để xác định lưu lượng trong sông chánh được đề cập trong Ðiều 6 và 26; tuy nhiên, Ủy ban Hỗn hợp có thể ủy thác việc soạn thảo cho một Nhóm công tác thường trực (permanent working group) của MRC rồi phê chuẩn tài liệu.

Văn phòng MRC và các Ủy ban Quốc gia sông Mekong cũng được yêu cầu hổ trợ về mặt kỹ thuật và hành chánh, giúp đỡ phương tiện, hoặc tạo điều kiện dễ dàng cho Ủy ban Hỗn hợp hoặc Nhóm công tác thường trực. Các Ủy ban Quốc gia sông Mekong có trách nhiệm hợp tác với Văn phòng MRC trong việc thiết lập, bảo trì, và điều hành các trạm quan trắc được chọn lựa trong mỗi quốc gia.

Những qui định mang tính hình thức

Đỗ Hiếu: Là một chuyên viên thủy lợi quen thuộc với ÐBSCL nói riêng và lưu vực sông Mekong nói chung, KS có nhận xét gì về thỏa thuận vừa được ký kết?

Nguyễn Minh Quang: Tôi không hiểu vì sao Hội đồng MRC lại phải ký thỏa thuận ngày 22 tháng 6 vì hầu như tất cả những điểm quan trọng, nhất là về phương diện thủy học, đã được ghi trong Hiệp định MRC 1995. Nhưng có một điểm rất quan trọng trong Ðiều 26 của Hiệp định MRC 1995 thì lại không được nhắc đến. Ðó là việc Hội đồng MRC phải phê chuẩn quy định về việc sử dụng nước, duy trì lưu lượng trong dòng chánh, và việc rẽ nước ra khỏi lưu vực do Ủy ban Hỗn hợp MRC soạn thảo và đệ trình.

Qua việc ký kết thỏa thuận ngày 22 tháng 6, Ủy hội sông Mekong càng thể hiện thêm tính “hình thức” hơn thực tế, vì những “quy định” (rules) được ghi trong Hiệp định MRC 1995 đã được thay thế bằng “hướng dẫn kỹ thuật.” Do đó, việc duy trì lưu lượng trong sông chánh Mekong khó có hiệu quả vì “hướng dẫn” thì không bắt buộc phải tuân theo như “quy định,” ít ra là về mặt pháp lý.

Đỗ Hiếu: Còn việc xác định các lưu lượng tiêu chuẩn dùng để duy trì lưu lượng trong sông chánh Mekong được ghi trong thỏa thuận ngày 22 tháng 6 năm 2006 thì sao, thưa KS?

Nguyễn Minh Quang: Có ba lưu lượng căn bản cần phải được xác định: lưu lượng tối thiểu tự nhiên có thể chấp nhận được cho từng tháng trong mùa khô, lưu lượng chảy ngược vào Biển Hồ có thể chấp nhận được trong sông Tonle Sap trong mùa lũ, và lưu lượng cao nhất trung bình hàng ngày trong mùa lũ; tuy nhiên, các lưu lượng nầy rất khó, nếu không muốn nói là không thể nào, xác định được vì phải cần đến dữ kiện lịch sử (historic data) ở mỗi trạm quan trắc được chọn lựa.

Ðối với các trạm quan trắc không chịu ảnh hưởng thủy triều từ Kratie trở lên, dữ kiện lịch sử về lưu lượng tương đối đầy đủ, nhưng chúng có thể không chính xác vì các trạm nầy đã được thiết lập từ hàng chục năm nay nên có thể chịu ảnh hưởng của các dự án trên sông chánh gần đây.

Ðối với các trạm quan trắc ở vùng chịu ảnh hưởng của thủy triều, chẳng hạn như trạm Prek Kdam trên sông Tonle Sap hoặc Tân Châu và Châu Ðốc trên sông Tiền và Hậu, dòng chảy trong sông có thể đổi chiều; do đó, dữ kiện lưu lượng ở các trạm nầy thường không đầy đủ và kém chính xác.

Các vấn đề thực tế

Đỗ Hiếu: Như vậy việc áp dụng các tiêu chuẩn nầy có dễ dàng không?

Nguyễn Minh Quang: Việc áp dụng các tiêu chuẩn để duy trì lưu lượng trong sông chánh Mekong có dễ dàng hay không có lẽ còn tùy thuộc vào Tài liệu Hướng dẫn Kỹ thuật của Ủy ban Hỗn hợp MRC. Nhưng theo nhận xét của tôi, việc áp dụng sẽ phức tạp và không thể nào tránh đươc việc tranh cải giữa các quốc gia duyên hà trên cả hai mặt kỹ thuật và pháp lý.

Thí dụ như việc xả lũ từ các hồ chứa nước trong một thời gian ngắn có thể gây tác hại nghiêm trọng cho vùng hạ lưu của hồ chứa, mặc dù lưu lượng xả lũ trung bình vẫn không vi phạm lưu lượng cao nhất trung bình trong mùa lũ như đã được ấn định.

Về mặt pháp lý, vì không có một biện pháp chế tài nào được thỏa thuận để giải quyết những vụ vi phạm, các quốc gia duyên hà có lẽ sẽ tiếp tục đối diện với “chuyện đã rồi,” tương tự như Kampuchia phải đối diện với việc xả lũ từ hồ chứa nước Yali của Việt Nam trong năm 2001 và 2005.

Đỗ Hiếu: Theo nhận xét của KS, việc xác định và áp dụng các tiêu chuẩn lưu lượng như đã ghi trong thỏa thuận ngày 22 tháng 6 năm 2006 rất khó khăn và phức tạp. Vậy có cách nào dễ dàng và đơn giản hơn không, thưa KS?

Đáp: Theo tôi, cách dễ dàng và đơn giản nhất là kiểm soát lưu lượng rẽ nước trong mùa khô và lưu lượng xả lũ từ các hồ chứa nước trong mùa lũ, vì đây là những con số có thể được xác định một cách chính xác nhất. Các lưu lượng nầy có thể thay đổi tùy theo điều kiện thủy học của sông Mekong vào thời điểm đó.

Thí dụ như khi lưu lượng trong mùa khô tại một trạm quan trắc thấp hơn lưu lượng thấp nhất kỷ lục thì việc rẽ nước của các dự án ở thượng lưu trạm phải tạm ngưng; và lưu lượng rẽ nước trong mùa khô có thể gia tăng tùy theo lưu lượng hiện hữu trong sông tại trạm quan trắc.

Còn việc xả lũ trong mùa lũ cần đươc giới hạn trong lưu lượng lũ cao nhất có thể chấp nhận được ở vùng hạ lưu hồ chứa, vì đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Như vậy, lưu lượng trong sông chánh được duy trì một cách thực tiễn hơn và được sử dụng một cách có hiệu quả hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.