Thủ tướng Việt Nam cần phải có được nhiều quyền hạn hơn


2007.01.26

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Để thích nghi với thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, cơ chế chính trị và quyền lực ở Việt Nam sẽ phải đổi mới tích cực. Một trong những vấn đề khúc mắc là chính phủ phải có một thủ tướng mạnh và có đủ thẩm quyền quyết định. Nam Nguyên phỏng vấn luật sư Trần Vũ Hải có văn phòng ở Hà Nội về vấn đề này.

NguyenTanDung150.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp hôm 14-12-2006 ở Hà Nội. AFP PHOTO

Nam Nguyên: Thưa Luật sư, dư luận đánh giá cao về cách làm việc của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng một nhà kinh tế nổi tiếng ở trong nước nói rằng, một nhạc trưởng giỏi không chỉ cố gắng xuất sắc một mình mà phải làm sao để các nhạc công ai chơi cũng tốt.

Ý nói thủ tướng phải bơi một mình vì các bộ trưởng còn chậm chạp và chưa đúng hướng trong công việc. Luật sư nhận định thế nào?

Quyền lựa chọn đội ngũ phụ tá

Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi nghĩ rằng ông Lê Đăng Doanh đã thẳng thắn vì vừa khen vừa chê, tôi hiểu ý tứ như thế. Nhưng cũng có cái lý ở đây, khi mà ông thủ tướng suốt ngày phải thúc giục các cơ quan phải làm nhanh những yêu cầu mà ông đề ra.

Thí dụ trong việc chống tham nhũng, thủ tướng thúc giục các cơ quan đưa các vụ tham nhũng lớn ra xét xử sớm, nhất là các việc đã rõ để cho nhân dân biết quyết tâm của chính phủ.

Nhưng mà các cơ quan trong đó có Bộ Công An (chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng) theo đánh giá là rất chậm trong vấn đề này, khiến ông thủ tướng lo ngại là nhân dân sẽ cho là chính phủ không quyết tâm. Nhưng mà dù ông Dũng có muốn cách mấy nhưng nhân viên cấp dưới của ông cũng không làm đúng yêu cầu. Phải chăng thủ tướng nên có cách suy nghĩ khác, đó là cải tổ đội ngũ nhân viên cấp dưới của mình.

Tôi nghĩ rằng ông Lê Đăng Doanh đã thẳng thắn vì vừa khen vừa chê, tôi hiểu ý tứ như thế. Nhưng cũng có cái lý ở đây, khi mà ông thủ tướng suốt ngày phải thúc giục các cơ quan phải làm nhanh những yêu cầu mà ông đề ra.

Đội ngũ vừa nói bao gồm hai nhóm, một là nhóm chuyên viên mà chính thủ tướng nói rằng phải có tầm suy nghĩ như thủ tướng. Thứ hai là các bộ trưởng thứ trưởng.

Ở Việt Nam các đội ngũ chuyên gia, thí dụ ở văn phòng chính phủ chẳng hạn, họ không giống như ở các nước khác. Khi một ông thủ tướng mới đến sẽ thay đổi khá đông đảo đội ngũ phụ tá của mình.

Nhưng ở Việt Nam điều đó rất khó, đội ngũ phụ tá dây dưa tới Đảng và nhiều mối quan hệ khác nũa. Thay đổi họ sẽ có thể bị nói là cục bộ địa phương phe nhóm mất đoàn kết v..v.. Tức là rất khó cho một thủ tướng lựa chọn đội ngũ cố vấn của mình.

Nam Nguyên: Thưa Luật Sư, như thế có nghĩa ông đang nói tới vấn đề cốt lõi là cải tổ hệ thống?

Luật sư Trần Vũ Hải: Giao quyền cho Thủ tướng để ông ta quyền lựa chọn đội ngũ phụ tá của mình. Tôi nghĩ hội nghị trung ương đảng họp có đặt lên bàn nghị sự vấn đề ấy. Muốn đổi mới nhanh hơn hữu hiệu hơn, phải cho thủ tướng đội ngũ giúp việc để vận hành chính sách cũng nhanh hơn và tốt hơn.

Đội ngũ thứ hai là bộ trưởng, thì mới chỉ thay một số bộ trưởng thôi, và người ta cũng đặt vấn đề là thủ tướng có thể loại các bộ trưởng không thích hợp ra khỏi ê kíp của mình. Đây là câu chuyện Việt Nam phải cần thay đổi hệ thống, khi Đảng và quốc hội giao cho một vị trọng trách đứng đầu chính phủ thì phải giao cho vị ấy được quyền lựa chọn.

Đội ngũ phụ tá thì phải là quyền của ông ta, còn các bộ trưởng thì có thể thông qua đảng và quốc hội, nhưng thủ tướng là người lựa chọn, còn các phụ tá thì ông ta là người quyết định. Rõ ràng dư luận đòi hỏi là phải cho cho ông thủ tướng cái quyền giống như thủ tướng các nước khác.

Vai trò của Đảng

Nam Nguyên: Muốn trao nhiều quyền hành hơn cho thủ tướng, để làm việc này hiệu quả thì phải giảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều này có khả thi không ?

Đây là câu chuyện người ta nói rằng không phải giảm vai trò của Đảng mà phân biệt rõ đảng làm gì chính quyền làm gì. Đảng định ra chính sách phê chuẩn các nhân sự chủ chốt như thủ tướng phó thủ tướng và một số bộ trưởng các bộ quan trọng, còn các bộ khác thì chính phủ có thể đề xuất lên và Đảng thông qua các đại biểu của mình ở Quốc Hội xem xét là có phê chuẩn hay không.

Luật sư Trần Vũ Hải: Đây là câu chuyện người ta nói rằng không phải giảm vai trò của Đảng mà phân biệt rõ đảng làm gì chính quyền làm gì. Đảng định ra chính sách phê chuẩn các nhân sự chủ chốt như thủ tướng phó thủ tướng và một số bộ trưởng các bộ quan trọng, còn các bộ khác thì chính phủ có thể đề xuất lên và Đảng thông qua các đại biểu của mình ở Quốc Hội xem xét là có phê chuẩn hay không.

Theo tôi Đảng chỉ nên nắm chính sách và nắm nhân sự chủ chốt thôi. Nếu mà người ta nhận biết được những vấn đề mà tôi gọi là ‘tầm thường hoá’ ‘hành chánh hoá’, những vấn đề mà thậm chí trong tương lai Thủ tướng cũng sẽ không can thiệp nữa, vì đây là chuyện thuộc về các Bộ. Đặt vấn đề là Đảng không được phép can thiệp vào các quyết định của Thủ Tướng.

Trong trường hợp Đảng thấy ông Thủ Tướng đi quá đà quá xa chính sách, làm một số việc sai lầm… thì Đảng có thể đề xuất Quốc Hội bãi miễn ông Thủ Tướng đó. Ở đây như thế Đảng vẫn nắm được quyền lực không có vấn đề gì cả.

Tuy nhiên đặt vấn đề là do hệ thống của Đảng CS Việt Nam như ông nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu vừa bình luận trên báo Tiền Phong là Đảng có quá nhiều ban bệ, mà những ban bệ này lại do những vị đáng lẽ đã phải về hưu đảm trách. Đương nhiên lập ra những ban bệ này thì họ phải nghĩ ra cách làm để chứng tỏ quyền lực, họ phải can thiệp phải làm cái gì đó để chứng minh là họ hữu ích chứ.

Ông Lê Khả Phiêu đề xuất ban chấp hành trung ương Đảng nghiên cứu làm sao có thể giảm bớt các ban bệ, chỉ để những bộ máy không thể thiếu được…phải giảm bớt sự chồng chéo với chính quyền đi thì mới có thể tốt hơn được.

Phải phân định quyền lực giữa bí thư tỉnh uỷ và chủ tịch uỷ ban nhân dân, ai làm việc gì, trường hợp nào bí thư có thể can thiệp được hoặc không. Thí dụ bí thư tỉnh huỷ can thiệp vào công việc đất đai là vô duyên, chuyện này chủ tịch UBND chịu trách nhiệm. Còn ông chủ tịch tỉnh nào bị dân kêu nhiều quá, ông bí thư có thể can thiệp bằng hình thức phê bình hoặc đề nghị bãi miễn nêu vấn đề ra hội đồng nhân dân để xem xét.

Điều 4 Hiến Pháp

Nam Nguyên: Nhưng thưa Luật sư, Đảng luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của mình thì làm sao mà ấn định qui định cho rạch ròi được?

Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi nghĩ rằng, sẽ phải có….thậm chí người ta đang đặt vấn đề là phải có một Luật về Đảng, bởi vì đã có Luật về Mặt Trận, Luật về Thanh Niên, Luật về Công Đoàn.

Tôi cho rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam nếu họ cho rằng điều 4 Hiến Pháp là quan trọng, thì tại sao không có Luật về Đảng để qui định rõ Đảng được quyền làm gì và can dự trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

Đấy là câu chuyện phải bàn tính, và ngay cả những nhà nghiên cứu trong Đảng cũng đang đặt vấn đề này lên bàn nghị sự. Tôi nghĩ là Hội Nghị Trung Ương Đảng đang họp đây cũng phải bàn tới, tất nhiên có thể nó không được giải quyết ngay nhưng trong tương lai không xa lắm sẽ phải có việc đó.

Nam Nguyên: Cảm ơn Luật sư Trần Vũ Hải, hy vọng trong lần tới chúng tôi có thể trở lại, và Luật sư sẽ trình bày rõ hơn về vấn đề cải tổ hệ thống.

Theo dòng câu chuyện:

- Cải cách hệ thống chính trị và tư pháp ở Việt Nam

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.