Phản ứng của thế giới sau vụ thử nghiệm hạch nhân của Bắc Hàn


2006.10.10

Việt Long, phóng viên đài RFA

Bắc Hàn loan báo đã thành công rực rỡ trong một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất, thực hiện vào khoảng sau 8 giờ 30 sáng thứ hai, theo giờ Việt Nam. Thế giới đánh giá sự kiện này ra sao, và có phản ứng như thế nào? Việt Long tường trình.

ShinzoAbeRohMoohyun200.jpg
Tân thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nam Hàn tại hội nghị thượng đỉnh ở Seoul hôm 9-10-2006. AFP PHOTO

Cơ quan thông tấn Nhà nước Bắc Hàn hôm thứ Hai tuyên bố đây là một bước nhảy vọt vĩ đại, hoàn toàn dựa vào trí óc và kỹ thuật trong nước.

Đó là lời của chuyên viên Bruce Pressgrave thuộc Cơ quan thăm dò địa chấn của Hoa Kỳ, nói rằng có ghi nhận một sự kiện từ Bắc Hàn vào lúc 10 giờ 35 sáng giờ địa phương, tức 8 giờ 35 sáng thứ hai giờ Việt Nam. Biên độ sơ khởi ghi nhận được là 4,2 độ richter.

Hành động khiêu khích

Một viên chức Mỹ khác, không muốn nêu tên, nói rằng đây là vụ nổ hạt nhân, nhưng quá nhỏ, không đủ làm bằng chứng cho sự kiện thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Nam Hàn xác định đã ghi nhận được một chấn động từ lòng đất, cho rằng đó là do một vụ nổ hạt nhân, sức nổ tương đương 550 tấn chất nổ TNT.

BushNuclear150.jpg

Trong khi đó từ Moscow, một tướng lãnh cao cấp thuộc bộ quốc phòng của Nga xác nhận chắc chắn 100% đó là vụ nổ hạt nhân. Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Ivanov tuyên bố sức nổ mạnh tương đương từ 5 ngàn đến 15 ngàn tấn TNT. Quả bom nguyên tử do Mỹ thả ở Hiroshima kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai có sức nổ tương đương 15 ngàn tấn TNT.

Toà Bạch ốc, qua lời phát ngôn viên Tony Snow, lập tức tuyên bố nếu đây là vụ nổ hạt nhân thực sự, thì Mỹ dự kiến Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ có phản ứng lập tức đối với hành động vô cớ này.

Sau đó trong cuộc họp báo sáng thứ hai tại Washington, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố dù sao thì chỉ riêng lời Bắc Hàn tự xác nhận đã thử vũ khí hạt nhân cũng là mối đe doạ đối với nền an ninh thế giới, và Hoa Kỳ nghiêm khắc lên án hành động khiêu khích của Bắc Hàn.

Từ Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án vụ thử nghiệm này. Ông rẳng sụ kiện đó đã gây thiệt hại lớn lao cho tiến trình chống phổ biến vũ khí tàn sát quy mô trên thế giới. Bộ ngoại giao Nga tuyên bố Bắc Hàn đã đã làm ngơ trước sự nhất trí của quốc tế, ngang nhiên thử nghiệm hạt nhân. Nga yêu cầu Bắc Hàn lập tức trở lại với Hiệp ước không phổ biến vũ khí, ngồi lại vào bàn hoà đàm sáu nước tại Bắc Kinh, và Nga sẽ bày tỏ quan điểm tương tự tại Hội đồng Bảo An.

Đồng minh thân thiết nhất và là nước bảo trợ của Bắc Hàn, Trung Quốc tuyên bố cương quyết phản đối hành động cúa Bắc Hàn. Bộ ngoại giao tại Bắc Kinh nói rằng Bình Nhưỡng đã thách đố sự nhất trí chống đối của cả cộng đồng thế giới. Bắc Kinh đòi hỏi Bình Nhưỡng lập tức trở lại bàn hoà đàm sáu nước. Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi các quốc gia liên quan hãy bình tĩnh và theo đuổi giải pháp ngoại giao.

Chủ tịch Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đại sứ Nhật Kenzo Oshima, nói ông cho rằng Hội đồng Bảo An sẽ hành động nhanh chóng để nghiên cứu một biện pháp cần thiết trước sự kiện này. Ông ngỏ ý hy vọng cơ chế an ninh của Liên Hiệp Quốc sẽ nhanh chóng đi dến một nghị quyết cứng rắn, rõ ràng.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton tuyên bố rằng Hoa Kỳ ủng hộ phản ứng đó của Hội đồng Bảo An, dù là chỉ đối với lời xác nhận của Bắc Hàn rằng đã thử nghiệm hạt nhân, và sẽ làm việc ngày đêm để một nghị quyết được thông qua.

Ông nói thêm, ông cảm thấy được khuyến khích do chiều hướng mà cuộc thảo luận đang diễn ra ở Hội đồng Bảo An.

Trong khi đó thì đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố Hội đồng Bảo An nên chúc mừng các khoa học gia Bắc Hàn về thành tựu khoa học này, không nên có hành động nào như là ra nghị quyết chống lại Bình Nhưỡng.

BanKiMoon200.jpg
Hôm 9-10-2006, Ngoại Trưởng Nam Hàn ông Ban Ki-Moon phát biểu tại Seoul. AFP PHOTO

Biện pháp trừng phạt

Hội đồng Bảo An họp trong ngày thứ hai, trong khoảng giờ buổi tối tại Việt Nam, để bàn về sự kiện mà Bắc Hàn nhận là vụ thử nghiệm nổ hạt nhân. Ngoại trưởng Đan mạch cho hay chắc chắn một biện pháp trừng phạt Bắc Hàn sẽ được nêu ra, và cần phải kéo được Trung Quốc vào giải pháp đó.

Thủ tướng Nhật và Tổng thống Nam Hàn họp thượng đỉnh tại thủ đô Seoul của Nam Hàn trong một giờ đồng hồ vào hôm thứ hai.

Họp báo chung sau thượng đỉnh, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi quốc tế hãy có hành động cứng rắn với Bắc Hàn, và cảnh cáo về một thời đại hạt nhân nguy hiểm vừa ló dạng ở châu Á.

Ông Abe nói thêm, xứ Bắc Hàn với vũ khí hạt nhân và hoả tiễn đạn đạo là một mối đe doạ nặng nề, Nhật Bản đang cân nhắc những biện pháp cứng rắn để đối phó. Thủ tướng Nhật cho biết, Nhật Bản đang nghiên cứu những hành động phản ứng riêng, phối hợp với hành động của quốc tế.

Tổng thống Nam Hàn Nô Mu Huyn gọi hành động của Bắc Hàn là sự phản bội, khiến chính sách Ánh Dương có thể bị đe doạ đổ vỡ. Với nét mặt đăm chiêu, Tổng thống Nam Hàn tuyên bố sẽ vẫn giữ mối liên lạc và đối thoại, nhưng tình hình đã thay đổi.

Nam Hàn lập tức ngưng kế hoạch chở sang Bắc Hàn 4 ngàn tấn xi măng để tái thiết sau nạm lụt ở miền bắc. Ông cho biết quân đội Nam Hàn và lực lượng Mỹ ở Triều Tiên luôn luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình hưống, và đã tăng cao cảnh giác sau vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn. Tuy nhiên bộ quốc phòng Nam Hàn xác nhận là quân đội xứ miến Bắc không có một hành động bất thường nào khác.

Thị trường chứng khoán Seoul rớt giá mạnh sau tin Bắc Hàn thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Nhân vật lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, ông Javier Solana tuyên bố rằng Châu Âu không những chỉ lên án Bắc Hàn đã vi phạm những thoả ước đã cam kết, mà còn lên án Bình Nhưỡng gây tổn hại cho nền an ninh và ổn định của cả thế giới.

Thủ tướng Anh Tony Blair tuyên bố vương quốc Anh lên án hành động vô trách nhiệm của chính phủ Bắc Hàn, và cảnh bào rằng thế giới sẽ có phản ứng thích đáng.

KimJongIlNuclear200.jpg

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi Hội đồng Bảo An hãy có phản ứng cương quyết với Bắc Hàn, và thúc giục Bình Nhưỡng lập tức ngưng kế hoạch thử nghiệm hạt nhân.

Ngoại trưởng Pháp Philippe Douste-Blazy cũng lên án hành động của Bắc Hàn là đã gây vấn đề nghiêm trọng cho an ninh thế giới. Bộ trưởng quốc phòng Pháp Michèle Alliot-Marie cho là có thể có vụ nổ thử nghiệm hạt nhân do Bắc Hàn gây ra, và kêu gọi Hội đồng Bảo An mạnh mẽ lên án hành động này.

Cắt giảm viện trợ nhân đạo

Tuy nhiên Liên hiệp châu Âu cho biết hiện chưa có kế hoạch cắt giảm thêm những khoản viện trợ nhân đạo cho Bắc Hàn.

Thủ tướng Úc John Howard tuyên bố trước Quốc hội rằng Australia sẽ đề nghị với Hội đồng Bảo An nhiều biện pháp trừng phạt Bắc Hàn, về tài chính, du hành, và vận chuyển hàng không.

Thủ tướng Helen Clark của New Zealand lên án hành động của Bình Nhưỡng là một sự khiêu khích gây mất ổn định cho cả thế giới.

Bà tuyên bố, Bắc Hàn không nên mang ảo tưởng về ảnh hưởng của hành động thử nghiệm hạt nhân đối với quốc tế; vụ thử nghiệm này đi ngược lại mọi đồng thuận của thế giới từ 8 năm nay về vấn đề ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Helen Clark nói thêm, New Zealand đang cân nhắc những biện pháp phản ứng với hành động của Bắc Hàn, và mối quan ngại của New Zealand là một vùng bán đảo Triều Tiên sẽ bị hạt nhân hoá.

Bộ ngoại giao Pakistan hôm nay cũng lên tiếng chỉ trích Bắc Hàn, gọi hành động thử nghiệm bom hạt nhân là làm mất ổn định cho sự phát triển của khu vực Đông Á.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Pakistan không quên xác định rằng giữa vụ nổ thử nghiệm của Bình Nhưỡng với hoạt động về hạt nhân của nhà khoa học A.Q. Khan của Pakistan không có sự liên quan nào. Người phát ngôn này nói rõ, hoạt động về hạt nhân của Pakistan dựa trên nguyên liệu plutonium, trong khi Bắc Hàn khai thác uranium.

Về vấn đề chuyển giao kỹ thuật hạt nhân và bành trướng vũ khí tàn sát, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố tại Washington hôm thứ hai việc Bắc Hàn chuyển giao kỹ thuật vũ khí hạt nhân cho các quốc gia hay những tổ chức không phải là quốc gia/ được coi là mối đe doạ nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ. Mỹ sẽ quy hoàn toàn trách nhiệm cho Bắc Hàn về hành động đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.