Vụ cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, một thách thức cho báo chí Việt Nam (phần 2)

Những phát biểu của Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao về hoàn cảnh và quyết định bắt giam thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến thường được bỏ lửng, có thể tạo cho dư luận nhiều cách suy nghĩ khác nhau.
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008.04.10

080406-NEWSTAND_150.jpg
Gian hàng báo ở Hà Nội. Mặc dầu sản phẩm báo đa dạng, báo chí nằm trong vòng kiểm tỏa của chính quyền. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Chẳng hạn, ông Viện Phó nói rằng: “Thế còn vì sao lại chọn ông Tiến, ngoài vấn đề có tính chất rất vô tư khách quan, còn chuyện đằng sau nữa không thì tôi không rõ.”

Một nhà báo ẩn danh cho rằng phát biểu như vậy có hàm ý, hoặc là Viện Kiểm Sát không độc lập; hoặc trong trường hợp này, thể hiện trình độ nghiệp vụ kém:

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho hệ thống tư pháp, từ yếu tố công tâm, cho đến trình độ, nghiệp vụ, sự độc lập, v.v... Có một thực tế mà chúng ta không chối cãi được, đó là dân chúng Việt Nam hễ thấy quan chức chính quyền bị kết án là hả hê.

Nhưng đồng thời, rõ ràng là từ trước đến nay, có rất nhiều chuyện bao che, chạy án khiến người ta không biết đâu là sự thật. Người ta không còn tin vào chính quyền nữa. Bây giờ đến vụ ông Nguyễn Việt Tiến, người ta lại tiếp tục không tin, người ta không biết ông ta có tội hay không có tội.

Dân chúng Việt Nam hễ thấy quan chức chính quyền bị kết án là hả hê. Nhưng đồng thời, rõ ràng là từ trước đến nay, có rất nhiều chuyện bao che, chạy án khiến người ta không biết đâu là sự thật.

Nhà báo trong nước

Đào sâu vụ việc

Bên cạnh những phát biểu khó hiểu về hoàn cảnh bắt giam ông Tiến, Viện Kiểm Sát nay viện lý xét thả ông cựu thứ trưởng là mặc dầu cơ quan công tố cho rằng đủ cơ sở kết tội ông Tiến hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra nhiều vi phạm tại PMU 18, nhưng “xét các yếu tố khách quan, chủ quan, và thời gian xảy ra tội phạm… cùng nhiều mặt khác, thấy có căn cứ để miễn truy cứu.”

Câu hỏi đặt ra, các yếu tố “khách quan, chủ quan” đó là gì? Tại sao có thể miễn truy cứu một nghi phạm khi có đã đủ cơ sở kết tội? Liệu luật pháp có cho phép dùng những yếu tố chủ quan và khách quan làm điều kiện đủ để miễn truy cứu hay không?

Dư luận trong nước cũng cho rằng còn có nhiều người khác cao hơn, hoặc có mối liên hệ cao hơn thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến liên quan đến PMU 18. Chính vì những mối liên hệ ấy, quyết định trắng án dành cho ông Tiến đã được dàn xếp trước để tránh trường hợp “rút dây động rừng”. Nhà báo ẩn danh nói ông không tin như vậy.

Cuối cùng, nhà báo này cho vụ Nguyễn Việt Tiến là một ví dụ điển hình của việc báo chí, truyền thông trong nước làm công việc dọn đường dư luận:

Vụ Nguyễn Việt Tiến, cũng như rất nhiều vụ khác, báo chí sử dụng thông tin do cơ quan điều tra đưa ra, và vô tình trở thành công cụ dọn đường dư luận. Có vẻ báo chí không có những điều tra riêng, vì nếu có thì báo chí cần trình bày những điều tra của mình.

NguyenVietTien200.jpg
Từng bị coi là có liên quan trực tiếp đến vụ tham nhũng đánh bạc PMU18, sau khi ra tù cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến dần dần được phục hồi các sinh hoạt Đảng và được đề nghị trở lại cương vị lãnh đạo. RFA file photo.
RFA file photo.
Trong trường hợp này, báo chí do vô tình hoặc cố ý, là công cụ của chính quyền. Rõ là trong các vụ lớn như thế này, chính trị và tranh chấp phe phái dính vào rất nhiều. Tôi cho rằng truyền thông trong nước hành xử như là đại bác bắn dọn đường cho một ai đó sắp sửa bị bắt.

Báo giới và dư luận

Sự độc lập của báo chí và hệ thống toà án là điều kiện quan trọng để các tiến trình tư pháp được bảo toàn tính độc lập dựa trên quyền lợi chính đáng của tất cả mọi người, trong đó có cả nghi phạm.

Cách đây vài năm, một vụ án gây chấn động dư luận cộng đồng Việt Nam và cả Hoa Kỳ tại miền Nam California. Đó là vụ hai mẹ con một người Việt Nam bị sát hại dã man. Khi các nghi can bị bắt, bị đưa ra toà, phía luật sư biện hộ xin chánh án ra lệnh cấm phía truyền thông chụp hình, quay phim và phổ biến nhân dạng các nghi can.

Luật sư viện lý các nghi can chưa bị kết luận có tội, có nghĩa là vẫn vô tội, nên không thể để hình ảnh của họ bị đăng tải trên báo trong một vụ án gây xúc động dư luận.

Chánh án không hành xử toàn quyền của mình. Ông cho báo chí chụp hình nhưng yêu cầu báo chí tôn trọng quyền riêng tư của bị cáo, vì bị cáo chưa bị kết tội khi phiên toà chưa kết thúc.

Phóng viên Đỗ Dzũng, báo Người Việt

Một phóng viên của tờ Người Việt tại California, ông Đỗ Dzũng, thuật lại cách hành xử của vị chánh án vụ án lúc đó:

“Vụ án này rất tế nhị, gây chú ý của cả cộng đồng Việt Nam và Hoa Kỳ. Phía luật sư bào chữa cho bị cáo yêu cầu quan toà không cho báo chí chụp hình chụp hình, quay phim thân chủ mình. Trên thực tế, cho hay không cho là quyền của chánh án. Nhưng đôi khi, vì lợi ích công chúng, chánh án có quyền cho chụp hình quay phim bị cáo.

Tuy nhiên, vụ án này khá tế nhị, nên chánh án không hành xử toàn quyền của mình. Ông cho báo chí chụp hình nhưng yêu cầu báo chí tôn trọng quyền riêng tư của bị cáo, vì bị cáo chưa bị kết tội khi phiên toà chưa kết thúc.

Báo chí hôm đó rất hiểu lời nói của chánh án. Ngày hôm sau, khi gặp lại tại toà, ông chánh án cho biết là có đọc báo trong ngày và không thấy hình bị cáo trên báo. Ông khen là báo chí đã tôn trọng “thoả thuận miệng” của ông với báo giới.”

Một sự kiện khác liên quan đến một nhà báo kỳ cựu Dan Rather, người danh tiếng gần như huyền thoại của làng báo Hoa Kỳ, và vụ hồ sơ đi lính của tổng thống Bush. Trong một chương trình hội thoại mang tên “60 Phút” trên đài tivi CBS, ông Dan Rather đề cập về hồ sơ đi lính trừ bị không quân của Tổng thống George W. Bush trong những năm đầu thập niên 1970.

Ngay sau đấy, rất nhiều nhà phê bình nghi ngờ về tính xác thực của tài liệu mà ông Rather dùng. Kết cuộc, ông nhà báo lão thành Dan Rather phải nhận điều sai sót và xin từ chức về hưu.

Trách nhiệm của giới giả tại VN

Liên hệ đến báo giới Việt Nam và vụ ông Nguyễn Việt Tiến, dư luận cho rằng, vụ án này ở thời điểm này sẽ là một thử thách cho báo chí Việt Nam. Cách hành xử của báo chí sẽ là nền tảng tạo niềm tin nơi dư luận, và cũng để tự tạo cho mình một tiền lệ.

Trước khi ông Nguyễn Việt Tiến bị bắt, nhiều tờ báo đã khai thác đời tư của ông, mô tả ông như một tội phạm, cho dầu ông chưa bị kết tội. Nay ông Tiến được tuyên bố vô tội.

Người ta nghĩ đến hai khả năng đã xảy ra: quyết định của phía tư pháp đi sai; hoặc nhận định của báo chí cách đây 2 năm là điều thái quá và thiếu công bằng đối với ông Tiến. Song song với trách nhiệm của giới báo chí, dư luận cũng không khỏi hoài nghi tính cách độc lập và vô tư của ngành tư pháp Việt Nam.

Cả hai tình huống đều khiến báo chí phải có câu trả lời. Nếu tin những chứng cớ cụ thể do mình tìm ra là đúng, báo chí cần tiếp tục lên tiếng để chứng minh là ông Tiến có tội. Còn nếu nhà báo tin vào kết luận của Viện Kiểm Sát thì báo chí nợ ông Tiến một lời xin lỗi, công khai và thẳng thắn.

Nhà báo ẩn danh kết luận rằng, trong trường hợp báo chí giữ yên lặng, chính họ đã bỏ mất một cơ hội tự chứng minh rằng mình trung thực, độc lập và hành xử dựa trên một căn bản duy nhất là quyền lợi của độc giả nói riêng và xã hội nói chung.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.