Na Uy cố vấn Việt Nam soạn thảo Luật Tiếp Cận Thông Tin

Việt Nam và Na Uy khởi sự những cuộc đối thoại song phương về nhân quyền từ năm 2003. Bên cạnh đó, Na Uy đang trực tiếp giúp đỡ và cố vấn Việt Nam soạn thảo dự luật tiếp cận thông tin, trong đó có điều khoản nhấn mạnh đến quyền được tìm hiểu và phản biện các quyết định của chính phủ.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009.02.25

Theo bản tin  mới đây trên báo  điện tử VietnamNet, bí thư thứ nhất của toà đại sứ Na Uy tại Hà Nội , bà Snofrid Emterud, đã viện dẫn Luật Tiếp Cận Thông Tin của

Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội Snofrid Emterud.
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội Snofrid Emterud.
Photo courtesy Vietnamnet
Na Uy để khẳng định rằng người dân Việt Nam cũng phải  được cơ hội tiếp cận thông tin và phản biện những quyết định chính trị, hầu tránh tình trạng lạm dụng quyền hành trong các cơ quan chính phủ.

Nguyên tắc cao nhất của tiếp cận thông tin là tự do ngôn luận kèm theo sự minh bạch và cởi mở, rằng không thể chống tham nhũng nếu thiếu minh bạch. Mặt khác,  quyền tiếp cận thông tin của dân giúp chính phủ tránh được sự quản lý yếu kém.
Bà Snofrid Emterud, bí thư thứ nhất toà đại sứ Na Uy

Hạn chế tiêu cực, tham nhũng bằng Tiếp Cận Thông Tin 

Bà nói nguyên tắc cao nhất của tiếp cận thông tin là tự do ngôn luận kèm theo sự minh bạch và cởi mở, rằng không thể chống tham nhũng nếu thiếu minh bạch. Mặt khác,  quyền tiếp cận thông tin của dân giúp chính phủ tránh được sự quản lý yếu kém.

Từ Hà Nội, dựa theo quan điểm của bà Snofrid Emterud, luật sư Phạn Hồng Hải, từng biện hộ cho hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến,  trình bày quan điểm của ông về quyền tiếp cận thông tin và quyền phản biện:  

Phản biện xã hội rất quan trọng, chính phủ hay tổ chức hay là bất cứ cá nhân nào mà có được sự phản biện  bên ngoài thì đó là sự đánh giá cái  quan điểm cái cách làm của họ  để từ đó có thể họ có cách làm đúng đắn hơn. Quốc hội Việt Nam thí dụ trong quá trình làm luật hoặc là các văn bản luật trước khi được ban hành hoặc thậm chí sau khi được ban hành vẫn có thể đóng góp ý kiến và tiến tới luật sửa đổi bổ sung làm cho pháp luật hoàn chỉnh hơn.

Thực  tế mỗi một quốc gia tuỳ theo điều kiện kinh tế chính trị văn hoá xã hộị và đặc biệt  là nhận thức  của người dân, cho nên khả năng tiếp cận thông tin rồi thực hiện những quyền tự do ngôn luận nó cũng có khác nhau. Việt Nam thì cũng đã có Luật Báo Chí, rồi đang xây dựng Luật Trưng Cầu Dân Ý, tôi nghĩ Việt Nam đã có quan điểm rất là tích cực trong lãnh vực huy động người dân tham gia phản biện xã hội, đóng góp ý  kiến cho những nhà lãnh đạo làm sao để chính sách đưa ra đạt hiệu quả hơn.

Phản biện xã hội rất quan trọng, chính phủ hay tổ chức hay là bất cứ cá nhân nào mà có được sự phản biện  bên ngoài thì đó là sự đánh giá cái  quan điểm cái cách làm của họ  để từ đó có thể họ có cách làm đúng đắn hơn
LS.Phạn Hồng Hải

Đó là quan điểm của người chuyên tâm nghiên cứu về luật. Đối với người dân bình thường như ông Bùi Thi ở Quảng Nam thì những điều bà Norfrid Emterud tuyên bố không khó đối với người Na Uy nhưng rất khó xảy ra với người Việt Nam:

Quyền tiếp cận thông tin và phản biện thông tin có thể giảm bớt tình trạng những nhiễu của một số cán bộ đối với người dân. Trên lý thuyết thì nói như vậy được nhưng mà trên thực tế thì rất khó. Ở Việt Nam vấn đề đó đâu có dễ thực  hiện.  Nếu mà dân được biết được bàn bạc được thảo luận thì tránh được rất nhiều phiền toái như những cái chuyện xà xẻo tiền Tết vừa rồi hoặc là tiền ủng hộ lũ lụt năm vừa qua chẳng hạn.

Thông tin thì dân chỉ nghe một chiều là chính. Người có quyền thì cung cấp những thông tin nào có lợi cho người có chức quyền, tin nào không có lợi thì không thông tin cho dân  biết. Thông tin trái chiều người dân biết vậy thôi chứ không nói lại được mà có nói lại thì cũng không có phương tiện nào để truyền thông được.

Quyền tiếp cận thông tin và phản biện thông tin có thể giảm bớt tình trạng những nhiễu của một số cán bộ đối với người dân.
Ô.Bùi Thi ở Quảng Nam

Tiếp Cận Thông Tin là sự thể hiện dân chủ

Từ Nghệ An, bạn trẻ tên Hải , góp ý kiến:

Từ xa xưa từ lúc thành lập đảng đến nay thì tất nhiên mọi ý kiến phản biện của những người gọi là đối lập thì họ bưng bít, họ chỉ nói những cái tốt đẹp cho họ thôi. Hiện nay những việc bên phía chính quyền thì người dân không hề  biết, những tài liệu không được công bố cho dân. Ngay cả nhà báo cũng không bao giờ có quyền phản biện. Tự do  ngôn luận đối với Việt Nam hầu như không có , người dân có  lên tiếng phản đối thì sẽ bị trù dập sẽ bị bắt bớ tù đày ngay. Biết vậy rồi cũng không  làm gì được.

Về những ý kiến liên quan đến quyền tiếp cận thông tin và quyền được phản biện của dân mà bí thư thứ nhất sứ quán Na Uy ở Hà Nội  đưa ra, luật sư Cù Huy Hà Vũ, từng có lần tự ứng cử vào quốc hội, phản biện các quyết định chính trị hay nói cụ thể hơn là phản biện các văn bản hành chính cho đến các quyết sách của chính phủ cũng như của lãnh đạo là quyền đương nhiên của công dân.

Bởi suy cho cùng , ông nói, các quyết định chính trị được đề xuất bởi các nhà chính trị mà các nhà chính trị là tự dân mà ra và hành động do dân. Đó là theo nguyên tắc. Cho nên việc người dân phản biện đương nhiên là chuyện bình thường vì nó gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ.

Hiện nay những việc bên phía chính quyền thì người dân không hề  biết, những tài liệu không được công bố cho dân. Ngay cả nhà báo cũng không bao giờ có quyền phản biện. Tự do  ngôn luận đối với Việt Nam hầu như không có
Anh Hải ở Nghệ An

Thế nhưng, luật sư Cù Huy Hà Vũ nói tiếp:

Ở ViệtNam  thì trên thực tế  việc phản biện đối với các  quyết định chính trị hầu như không có hiệu quả lắm bởi vì thứ nhất nó phụ thuốc vào cái não trạng cho rằng việc đề ra chính sách hoặch định chính sách là quyết định chủ quan của những nhà làm chính trị chứ không phải là sản phẩm kết hợp giữa ý kiến của các nhà chính trị cộng với sự phản biện hay sự góp ý của dân.

Luật sư Cù Huy Hà Vũ nói ông tâm đắc với lời tuyên bố của bà Snofrid Emterud rằng tiếp cận thông tin gắn chặt với nguyên tắc tự do ngôn luận :

Thứ hai nữa, về mặt luật pháp, muốn phản biện có hiệu quả thì phải có những qui định pháp luật bảo đảm  cho việc phản biện đó. Cho đến giờ như mọi người đã thấy quyền phản biện đó chưa được qui định bằng câu chữ trong các văn bản có tính chất ở mức độ cao nhất là luật của Việt Nam. Cho nên nói dân phản biện thì có thể là phản biện ở trên báo chí , phản biện ở hành lang quốc hội thì có thể nhưng cái việc phản biện mà không được pháp luật bảo hộ thì các nhà lãnh đạo một là dập đi mà thậm chí còn gây khó khăn cho những người phản biện. Nhu cầu nội tại của sự phát triển  quốc gia là sự phản biện dẫn tới việc các nhà làm luật phải đưa ra qui định cụ thể bảo đảm sự phản biện của bất kỳ công dân nào ở Việt Nam.

Dân phản biện thì có thể là phản biện ở trên báo chí , phản biện ở hành lang quốc hội thì có thể nhưng cái việc phản biện mà không được pháp luật bảo hộ thì các nhà lãnh đạo một là dập đi mà thậm chí còn gây khó khăn cho những người phản biện.
LS Cù Huy Hà Vũ

Được biết gần  chín mươi quốc gia trên thế giới đã ban hành luật liên quan đến quyền tự do thông tin  của người dân trong nước họ. Năm mươi quốc gia khác thì đang soạn thảo dự luật này.

Tại Việt Nam, theo  dự kiến, dự luật tự do thông tin sẽ được quốc hội xem xét để thông qua vào tháng Năm năm 2010.

Theo luật sư Cù Huy Hà Vũ, đã ba mươi tư năm hoà bình lập lại mà luật tiếp cận thông tin chưa thành hình thì quả là muộn, song nếu theo dự tính  tháng Năm 2010 sẽ thông qua thì chậm còn hơn không:  

Tôi cho rằng tháng Năm 2010 mà quốc hội thông qua một luật đầy đủ,  chứ đừng nói là đưa ra cái gọi là luật để mà mang tính mị dân hay là cho có như hình thức , thì không hẳn là chậm . Chỉ sợ rằng ra sớm mà nó mang tính mị dân thì điều đó lại gây sự ngộ nhận cho dân về quyền tiếp cận thông tin.

Hiện  Na Uy là một trong hai nước đang trực tiếp cố vấn và giúp đỡ Việt Nam thực hiện dự luật Tiếp Cận Thông Tin . Từ năm 2003, hai bên khởi sự những vòng đối thoại về nhân quyền , bao  gồm  nhiều vấn đề như Luật Hình Sự, Tội Phạm, Buôn Người, Tự Do Ngôn Luận, Phát Triển Dân Chủ , Quyền Của Người  Thiểu Số..

Năm 2008, Trung Tâm Nhân Quyền Na Uy thuộc đại học Oslo khởi xướng Chương Trình Việt Nam, nhằm cung cấp và tư vấn cho  tiến trình cải cách pháp luật cho Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.