Bà Benazir Bhutto và những nỗ lực mưu cầu dân chủ cho Pakistan


2007.12.28

Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Cựu thủ tướng Pakistan, bà Benazir Bhutto và gần 20 người khác đã thiệt mạng trong một cuộc thảm sát chính trị hôm 27 tháng 12, tại Rawalpindi, Pakistan.

slideshowBhutoPakistan200.jpg
Bà Benazir Bhutto, cựu Thủ Tướng Pakistan, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Islamabad hôm 8-11-2007. AFP PHOTO >> Xem slideshow Biến cố chính trị sôi động tại Pakistan hôm 9-11-2007

Cái chết của bà Bhutto, người được thế giới tây phương xem như cơ hội của nền dân chủ Pakistan, có thể sẽ đẩy cuộc bầu cử ngày 8 tháng Giêng sắp tới, đi vào hỗn loạn.

Là trưởng nữ của lãnh tụ dân cử đầu tiên của Pakistan, bà Bhutto được xem là mẫu người phụ nữ làm chính trị nổi tiếng và dễ nhận diện nhất thế giới. Sự ra đi vĩnh viễn của bà đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp tìm kiếm sự hợp tác với giới quân sự nhằm mưu cầu tiến trình chuyển đổi hoà bình, đưa quốc gia Pakistan vào con đường dân sự.

Các nỗ lực tái lập nền dân chủ

Cựu thủ tướng, lãnh tụ đối lập Benazir Bhutto, biết rõ những nguy hiểm đang chờ đợi Bà khi quyết định tiến hành cuộc vận động quần chúng nhằm tái lập nền dân chủ cho tổ quốc Pakistan.

Giữa Tháng Mười năm nay, chỉ vài giờ sau khi trở về quê hương sau 8 năm lưu vong, Bà thoát chết trong một vụ nổ bom tự sát giết chết gần 150 người. Bà cũng từng tuyên bố rằng họ có thể cố gắng ám sát tôi, nhưng gia đình tôi, người thân tôi đã chuẩn bị cho bất cứ tình huống nào có thể xảy ra.

Riêng với cá nhân Bà, điều quan trọng không hẳn là phải đương đầu với những hiểm nguy trước mặt, mà là làm sao để đạt được mục tiêu phục vụ cho nhân dân, bài học đã thu thập được từ thân phụ của Bà trước ngày ông bị quân đội hành quyết bằng cách treo cổ.

“Điều tôi học được từ cha tôi là phải đứng lên tranh đấu những lý tưởng, niềm tin của mình. Theo gót chân cha tôi, tôi đứng lên cho lý tưởng dân chủ, cho cải cách, và tôi đứng lên tranh đấu cho niềm tin của người dân Pakistan, những người đang sống trong cảnh đói nghèo, tuyệt vọng.”

Bất kể trong cương vị của người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia Hồi Giáo hay gần một thập niên bị buộc phải sống trong âm thầm ở nước ngoài, cho đến ngày bị thảm sát, bà Benazir Bhutto vẫn là mẫu người phụ nữ làm chính trị nổi tiếng và dễ nhận diện nhất thế giới.

Những người ủng hộ và ngay thành phần chống đối đều không quên hồi 1986, một biển người đã tập hợp để chào đón Bà về nước trong một cuộc hồi hương nhằm thách thức một lãnh tụ quân sự độc tài đã giết chết thân phụ bà, cố thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto.

Những kỳ vọng bất thành

Bà Bhutto trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử thế giới Hồi Giáo vào năm 1988, ở tuổi 35. Hai năm sau, Bà mất chức thủ tướng, tái đắc cử hồi 1993, rồi lại mất chức vào năm 1996, vì những cáo buộc liên quan đến tham nhũng và năng lực quản lý. Bà luôn khẳng định những cáo buộc ấy mang động cơ chính trị. Đến năm 1999, bà bị buộc phải ra sống ở nước ngoài.

Tháng 10 năm nay, bà quyết định trở về nước, để lãnh đạo đảng Nhân Dân Pakistan trong cuộc tổng tuyển cử. Lần hồi hương này, thay vì tranh đấu trực diện với nhà lãnh đạo quân sự Pervez Musharraf, bà kỳ vọng vào sự hợp tác để có thể thực hiện tiến trình chuyển đổi hoà bình, đưa quốc gia Pakistan vào con đường dân sự.

Những kỳ vọng của bà Bhutto mang lại một số thành công cụ thể, nhưng nguy hiểm vẫn còn ở trước mặt, tới độ đã có lần Bà bảo rằng đã quá quen với tình trạng bạo động. Ngoài cha Bà bị hành quyết, hai người em trai cũng chết trong những tình huống rất lạ.

Riêng mình, bà từng bị các sát thủ của Al-Qaeda đã tìm cách mưu sát vài lần hồi thập kỷ 1990. Ngay tin tình báo cũng xác nhận Al-Qaeda, Taliban và các nhóm Hồi Giáo Cực Ðoan khác ở Pakistan đã nhiều lần gởi các tình nguyện viên mang bom tự sát đến để thi hành thủ đoạn giết bà.

Benazhir, tiếng Pakistan có nghĩa là “độc nhất vô nhị,” sinh năm 1953 trong một gia đình giàu có. Bà được trang bị một nền học vấn vững chãi; khởi đầu tại Karachi, sau đó là các đại học đường danh tiếng Harvard và Oxford.

Thân phụ Bà là lãnh tụ dân cử đầu tiên của Pakistan. Ông bị quân đội đảo chánh năm 1977 và hai năm sau đó các tướng lãnh ra lệnh treo cổ ông sau một phiên tòa đầy tranh cãi. Cũng vào thời điểm ấy, bà Bhutto bắt đầu sứ mệnh của mình.

Sau nhiều năm cố gắng thực thi sứ mệnh nhưng đều thất bại, năm 1984, bà cùng thân mẫu quyết định ra nước ngoài vì lý do sức khoẻ. Hai năm sau Bà trở về, đến cuối năm 1988, bà trở thành thủ tướng.

Mặc dù sự trở lại của bà được cả thế giới nhìn nhận là vận hội mới cho nền dân chủ Pakistan, nhưng cá nhân Bà vẫn tiếp tục gánh chịu nhiều lận đận trên đường chính trị vào hai thời điểm 1990 và 1996, đến độ phải rời quê hương sang Anh sống tạm.

Cho đến tháng 10 năm nay và sau những thỏa thuận đạt được với vị Tổng Thống đương quyền Pervez Musharraf, Bà quyết định trở về để trực tiếp hoạt động, dù biết những nguy hiểm đang chờ đợi. Bà chấp nhận, như đã từng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận bất cứ hoàn cảnh nào.

Hôm qua, ngày 27 tháng 12 năm 2007, bà Benazir Bhutto đã vĩnh viễn nằm xuống, chấm dứt sứ mệnh mưu cầu nền dân chủ cho đất nước Pakistan.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.