Làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Miến Điện càng lúc càng tăng cao


2007.09.26

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Các cuộc biểu tình chống chính phủ do giới tu sĩ Phật giáo dẫn đầu vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên lãnh thổ Miến Điện. Số tham gia đã lên đến con số hàng trăm ngàn người.

BurmaNuns200.jpg
Các cuộc biểu tình chống chính phủ do giới tu sĩ Phật giáo dẫn đầu vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên lãnh thổ Miến Điện. AFP PHOTO

Riêng tại trung tâm thủ đô Rangoon, hôm qua có khoảng một trăm ngàn ngừơi biểu tình, 1/3 trong số này là các nhà sư Phật giáo.

Đoàn người đi tuần hành khắp các đường phố và dừng chân trứơc văn phòng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, hô to khẩu hiệu yêu cầu phóng thích lãnh tụ đối lập cũng là nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng của Miến, bà Aung San Suu Kyi cùng với các tù nhân chính trị.

Sau đó, đoàn biểu tình tập trung gần Toà thị chính Rangoon trứơc khi hướng tới các ngôi chùa nổi tiếng như Sule và Shwedagon.

Giới sinh viên tham gia vào đoàn biểu tình giơ cao những lá cờ biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống lại chế độ quân sự độc tài đang nắm quyền lãnh đạo tại Miến. Ngoài ra, cũng có khoảng 200 thành viên thuộc phe đối lập Liên đoàn toàn quốc vì dân chủ tham gia vào các đoàn biểu tình ở đây.

Quân đội được huy động để đối phó

Từ sáng sớm, lực lựơng công vụ nhà nứơc đã đựơc bố trí tuần tiễu xung quanh khu vực thành phố và dùng loa phóng thanh đe doạ sẽ giải tán các vụ tụ tập đông người bất hợp pháp, cũng như cảnh cáo rằng nhà nứơc sẽ có những biện pháp trừng phạt đích đáng đối với những ai gia nhập vào đoàn sư sãi biểu tình hoặc thậm chí chỉ đứng bên ngoài quan sát cũng sẽ bị xử lý.

Cư dân địa phương nói với báo chí rằng họ nhìn thấy có một số xe quân sự đậu bên ngoài ngôi chùa Shwedagon.

Trong khi đó tại khu vực Mandalay, trên 10 ngàn tu sĩ từ nhiều tu viện khác nhau cũng đổ xuống đường diễu hành ôn hoà. Hàng ngàn dân địa phương cũng gia nhập vào đoàn người khi họ tập trung tại ngôi chợ nổi tiếng nhất của Mandalay là Zay Cho.

Theo nguồn tin từ các nhân chứng, từ sáng, quân đội và lực lựơng an ninh đã được bố trí tới các địa điểm gần trường đại học Yadanabon. Trên đường phố ở Mandalay cũng xuất hiện các tờ rơi cảnh cáo dân chúng không được tham gia vào các cuộc biểu tình với những lời lẽ đe doạ rằng những ai ngoan cố sẽ nhận lãnh những hậu quả khôn lừơng.

Ở thành phố Moulmein cũng có hàng trăm tu sĩ dẫn đầu đoàn biểu tình với cả ngàn người đi diễu hành vòng quanh thành phố, khởi hành từ ngôi chợ lớn Zay Gyi. Những ngừơi có mặt tại chỗ cho hay các sinh viên đại học cũng góp mặt trong những tốp biểu tình ngay sau khi họ vừa kết thúc kỳ thi.

Tại Kyaukpadaung, hàng ngàn sư sãi và chừng 10 ngàn dân chúng địa phương tổ chức các cuộc đi bộ diễu hành ôn hoà. Một nhà sư trong đoàn cho biết khu vực này chưa thấy chính quyền địa phương có dấu hiệu đàn áp và cũng chưa thấy bóng dáng của lực lượng an ninh.

Rải rác ở các khu vực như Moenyin và Bamaw Township thuộc bang Kachin hay khu Shwebo chẳng hạn, cũng diễn ra các cuộc biểu tình với hàng trăm người tham gia ở mỗi nơi.

Các chức sắc tôn giáo tiêu biểu trong cuộc biểu tình đã lên tiếng kêu gọi nhân dân toàn quốc hãy đứng lên cùng tham gia vào chiến dịch tẩy chay chính phủ.

Chính phủ Miến đã ban hành chỉ thị kêu gọi giới tu sĩ cả nước không nên nghe theo lời xúi giục cũng như không tham gia vào hoạt động của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Vào thời điểm các cuộc biểu tình do giới tăng sĩ Phật Giáo khởi xướng vừa bùng phát, nhà nứơc đã lên tiếng vu cáo rằng đó chính là những tu sĩ giả mạo âm mưu gây rối trật tự xã hội.

Đến nay, trứơc làn sóng biểu tình ngày càng lan toả tại nhiều nơi trên lãnh thổ và thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, nhà cầm quyền quân sự Rangoon lại cáo buộc rằng các nhà sư bị thế lực thù địch trong và ngoài nứơc xúi giục, kích động, một luận điệu vẫn thừơng đựơc sử dụng để trấn áp các cuộc biểu tình của dân chúng tại các quốc gia độc tài cai trị như Miến Điện, Trung Quốc, hay Việt Nam.

Chính Tướng Thura Myint Maung, Bộ trửơng chuyên phụ trách về các vấn đề tôn giáo của Miến, đã phát biểu rằng các cuộc biểu tình của tăng sĩ Phật giáo trong những ngày qua không chỉ đe doạ đến ổn định của quốc gia mà còn làm ảnh hửơng đến hình ảnh của giới tu sĩ Miến, vì vậy, những người liên can sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Báo chí nhà nứơc cũng đánh tiếng đe doạ dân chúng rằng các cuộc biểu tình sẽ bị dẹp tan, và yêu cầu các nhà sư không nên dùng các cuộc biểu tình làm bàn đạp để lấn sâu vào các phạm vi chính trị.

Quốc tế quan tâm theo dõi

Những lời cảnh cáo của chính quyền quân sự Rangoon khiến dư luận quốc tế lo ngại trước khả năng sự kiện lịch sử năm 1988 sẽ lập lại, khi cuộc nổi dậy của người dân đòi hỏi dân chủ bị chính quyền dùng lực lựơng quân đội đập tan, khiến 3000 ngừơi thiệt mạng.

Thế nhưng, chính những người đang tham gia biểu tình hiện nay thì quả quyết rằng nếu chính quyền Miến không lắng nghe tiếng nói của ngừơi dân, làn sóng biểu tình sẽ tiếp tục lan toả bất chấp các biện pháp đàn áp của nhà nước.

Thựơng toạ Gambeya, một trong những vị chức sắc hàng đầu của Liên minh các nhà sư Phật giáo Miến Điện, phát biểu rằng chính quyền nên cân nhắc lại những lời cảnh cáo vì nếu nhà nứơc ra tay đàn áp các cuộc biểu tình đòi hỏi quyền lợi chính đáng của ngừơi dân, thì chắc chắn sẽ không thoát khỏi những điều mà nhà Phật cho là quả báo.

Còn giới thanh niên-sinh viên tham gia ủng hộ các cuộc biểu tình thì mạnh dạn khẳng định rằng họ nhất quyết sẽ chung vai sát cánh với các tăng sĩ cho dù chính quyền có sử dụng võ lực để trấn áp đi chăng nữa.

Các quốc gia tiến bộ trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật, và Australia cũng đã lên tiếng yêu cầu Rangoon tôn trọng dân chủ, nhân quyền, không nên có hành động đàn áp các đoàn biểu tình.

Trong bài diễn văn đọc trứơc Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush tuyên bố Mỹ sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nhà cầm quyền quân sự Miến và gia hạn lệnh cấm nhập cảnh không chỉ đối với các nhân vật đàn áp dân chủ và vi phạm nhân quyền mà cả đối với thân nhân của những người này.

Đồng thời, Mỹ cũng kêu gọi sự ủng hộ trên toàn cầu để giúp Miến Điện chuyển mình tiến tới một nền dân chủ thực thụ, chấm dứt gần 20 năm chế độ cai trị độc đoán bằng quân đội và võ trang. Quýêt định này ngay lập tức được Anh ủng hộ.

Còn Ngoại trưởng Australia Alexander Downer thì kêu gọi Trung quốc và Ấn độ cùng khối ASEAN lên tiếng ngăn chặn nhà cầm quyền Miến trứơc những kế hoạch trấn áp tiếng nói người dân.

Trung Quốc, Việt Nam giữ im lặng

Tuy nhiên, Bắc Kinh cho tới nay vẫn không đưa ra lời bình luận nào về các cuộc biểu tình ở Miến, viện dẫn lý do không muốn can thiệp vào chuyện nội bộ nứơc khác.

Trong khi đó, các báo đài tại Việt Nam cũng có vẻ thờ ơ trứơc sự kiện này. Những trang tin tức thế giới của các tờ báo lớn, nhỏ đều không đưa tin về các cuộc biểu tình quy mô lớn với hàng trăm ngàn người tham gia tại Miến.

Mãi cho tới vài ngày trứơc đây, chỉ duy nhất tờ Tuổi trẻ online có đăng một mẫu tin rất ngắn về việc này, tuy nhiên, cũng không nêu rõ nguyên nhân bùng phát biểu tình cũng như phản ứng của phía chính quyền Rangoon.

Các cuộc biểu tình do giới tu sĩ Phật giáo Miến Điện khởi xưóng bắt đầu gần chục ngày trứơc đây để phản đối việc nhà nước quýêt định tăng giá xăng dầu bất hợp lý.

Đặc biệt kể từ sau ngày 5/9, khi lực lựơng công quyền nổ súng vào các nhà sư biểu tình ở Pakokku, làn sóng biểu tình phản đối chính phủ càng trổi lên mạnh mẽ, từng ngày gia tăng kể cả về số lựơng và cường độ. Tính đến đầu tuần này, biểu tình đã diễn ra tại hơn 25 tỉnh-thành cả nứơc.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 1988 tới nay, khi phe quân nhân tàn sát hàng ngàn người biểu tình, phần lớn là sinh viên học sinh, yêu cầu nhóm quân phiệt trả lại chính quyền cho đảng dân sự Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ vừa thắng cử lớn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.