Giải pháp cho ngành chăn nuôi heo Việt Nam?


2007.09.04

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Hơn nửa năm kể từ khi gia nhập WTO, một số ngành sản xuất trong nước đã chịu ảnh hưởng vì những cam kết của Việt Nam. Quyết định giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có thịt heo, khiến việc nhập khẩu các loại thịt heo đông lạnh gia tăng cộng với giá thức ăn gia súc lên cao. Trong khi đó giá thịt heo trong nước bị tụt giảm vì dịch bệnh đã làm các doanh nghiệp nuôi heo lo lắng, không biết có chịu nổi không, hay lại phải chuyển sang ngành nghề khác.

PigFlu200.jpg
AFP PHOTO.

Ngày 6 tháng 8 vừa qua nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định giảm bớt thuế nhập khẩu một số mặt hàng nông sản và xây dựng. Thuế nhập khẩu thịt bò và thịt heo giảm từ 30% xuống còn 12%, các sản phẩm của sữa từ 20% thành 10%, sữa từ 20% đến 40% xuống còn 12 đến 20%. Giới kinh doanh cho biết từ khi giảm thuế nhập khẩu thịt heo thì mặt hàng này đã được nhập về cả chục ngàn tấn và hiện được dự trữ tại các kho lạnh của thành phố HCM và các tỉnh chung quanh thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, v.v. để tiêu thụ dần. Hầu hết thịt heo được nhập vào từ Mỹ và được bán trên thị trường với giá khoảng 40.000 đồng một ký, so với giá thịt heo trong nước thì rẻ hơn khoảng vài ngàn đồng. Các nhà kinh doanh thực phẩm cho biết sắp tới sẽ có thêm nguồn thịt heo nhập từ Canada với giá khoảng 30.000 đồng một ký.

Trong khi đó, từ khi xảy ra dịch bệnh heo tai xanh, các xí nghiệp chăn nuôi trong nước khốn đốn vì gia heo hơi chỉ còn từ 18.000 đến 20.000 đồng một ký. Nay dịch bệnh này đã bị chận đứng thì nhà chăn nuôi lại phải đối phó với thịt theo ngoại nhập với giá rẻ. Ông Lê Trọng Nghĩa, Phó Giám Đốc Công Ty Chăn Nuôi & Chế Biến Thực Phẩm Sài Gòn (Sagrifood), cho biết như sau.

Ông Lê Trọng Nghĩa: Vì mình còn chưa biết chính xác về khuynh hướng tiêu dùng của người Việt Nam của mình đó, vì lâu nay người mình chỉ dùng thịt heo trong nước, còn bây giờ vớí thị đông lạnh thì cũng mới được nhập vào để thăm dò thị trường thôi. Do đó để xác định nó có ảnh hưởng mức độ như thế nào đối với thịt heo, đối với nền chăn nuôi của nước mình thì chắc cũng phải đợi một thời gian để xem tình hình như thế nào. Dĩ nhiên thịt ngoại nhập cũng đã có phần nào ảnh hưởng rồi mà ít hay nhiều còn tuỳ thuộc thói quen của người mình. Còn thức ăn chăn nuôi của mình cũng theo xu hướng chung của thế giới.

Thế giới do vấn đề ngũ cốc được dùng để sản xuất ethanol nên giá cả ngũ cốc có tăng cho nên giá cả nguyên liệu chủ yếu làm thức ăn gia súc có tăng lên làm ảnh hưởng tới giá cả ở Việt Nam và thế giới. Giá cả thức ăn gia súc như vậy chỉ có tăng chứ không có giảm nen giá thịt heo của Việt Nam cũng tăng, trên thế giới cũng tăng. Dĩ nhiên là trên thế giới nhờ năng suất cao và nhờ chính sách trợ giá nên giá của nó có rẻ hơn của Việt Nam mình.

Việt Nam mình hiện nay thì tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới năng suất. Tất cả thức ăn gia súc đều phải nhập khẩu do đó giá đầu vào cũng tăng, năng suất không có cuối cùng giá thành cao hơn của người ta.

Trường Văn: Một viên chức của Công Ty TNHH Chăn Nuôi Hanpork tại Bến Cát (tỉnh Bình Dương) phát biểu là công ty của ông chuyên cung cấp heo thịt cho NISAN nên có đầu ra ổn định, tuy cũng bị ảnh hưởng vì thức ăn gia súc mỗi ngày một tăng.

Viên chức công ty: Công ty của em trước giờ bán cho NISAN. Nói chung, bây giờ họ vẫn mua theo giá bình thường. Với cái giá này thì có lời, sống được, nhưng không biết sau này giá heo được nhập về nhiều quá thì không biết làm sao. Đợt heo nhập này nói chung là còn mới và người dân mình chưa quen với thịt heo đông lạnh. Họ thích thịt tươi sống hơn.

Trường Văn: Ông Chung Kiên, Giám Đốc Công Ty Chăn Nuôi & Chế Biến Thức Ăn Gia Súc Kim Long, có trụ sở tại Bình Dương, nêu ra nhiều lý do khiến cho việc nuôi heo không có lời như trước.

Ông Chung Kiên: Trong thời gian qua, nói đúng ra vấn đề dịch bệnh cũng ảnh hướng tới tâm lý người tiêu dùng. Do vấn đề báo đài đưa không đúng, không chính xác làm ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Đó cũng là một phần khó khăn trong việc chăn nuôi hiện nay. Chẳng hạn như năm rồi đó, chỉ có vấn đề kháng sinh cấm thôi mà cái kháng sinh cấm này không phải là cái gì quá đáng lắm và số người sử dụng cũng không đáng kể, nhưng trên báo chí họ viết có tính cách giật gân làm cho giá heo từ 22.000 đồng xuống còn có 15.000 đồng, khiến cho bao nhiêu trang trại, bao nhiêu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu hết bị phá sản.

Thật sự ra, theo ý tôi, báo chí là một trung tâm thông tin đại chúng rất là hữu ích, công bố các thông tin chính xác và cần thiết, đồng thời cơ quan báo chí là người phải đi tìm những nhà khoa học để đưa ra những giải pháp để khắc phục cái chuyện đó, thì việc đó hay hơn, có ích hơn, trong khi đó báo chí chỉ nói một chiều không giúp được gì cho người dân nhỏ lẻ xử lý hoàn cảnh như thế. Thật ra mà nói hiện nay giá cả như thế này thì người chăn nuôi chưa có lời đâu anh ơi.

Trường Văn: Ông Chung Kiên cũng nêu lên những tốn kém trong thức ăn gia súc cũng như trong các loại thuốc phòng trừ dịch bệnh.

Ông Chung Kiên: Dòng heo cao sản phải phù hợp với khẩu phần của nó, dinh dưỡng của nó, mà lại cho nó ăn cơm thừa canh cặn thì cũng được, nhưng qua quy trình chăn nuôi heo công nghiệp rồi thì ít nhất cũng phải biết khẩu phần dinh đưỡng của nó, còn nếu không thì không thể nào đạt được cái năng suất của nó. Do đó trong khẩu phần chăn nuôi heo công nghiệp coi như đến 70% là nguyên liệu nhập khẩu; mà nguyên liệu nhập khẩu là theo giá thị trường quốc tế, thành ra mình không thể nào nói được cho dù nhà nước có hỗ trợ cho chăn nuôi như là giảm thuế này kia nhưng nói chung là chưa đủ.

Giá thành vaccin trong con heo rất là lớn và bây giờ nhà nước làm sao hỗ trợ thêm giá vaccin, giá thuốc thú y. Chẳng hạn như vừa rồi ở Hà Nội, ở Miền Trung xảy ra dịch heo như thế thì đối với bản thân Công Ty Kim Long mọi khi phải sát trùng hai lần mỗi tuần, nhưng với dịch bệnh thì công việc này phải làm hàng ngày. Nên mất năm bảy trăm ngàn, một triệu bạc cho việc sát trùng.

Trường Văn: Để gỡ rối cho ngành chăn nuôi Việt Nam, ông Chung Kiên đề nghị.

Ông Chung Kiên: Về mặt chính sách hỗ trợ của nhà nước đến mức độ nào theo lộ trình hội nhập thì mình cũng mong nhà nước hỗ trợ kiểu đó, còn đứng về bản thân các doanh nghiệp thì cũng phải tự phấn đấu để vượt qua. Bây giờ hội nhập rồi thì cũng đâu có bảo hộ được thành ra vấn đề của mình là phải tự phấn đấu, nên Công Ty Kim Long cũng phải xây dựng phương án để tồn tại bằng cách nâng năng suất lên, giảm tối đa chi phí.

Do đó hướng của công ty hiện đang hướng tới là cố gắng làm chuồng trại cho sạch rồi đăng ký kiếm đường hướng xuất khẩu. Mình cũng phải tìm hướng đi ra. Khi mình hội nhập rồi, mình phải cấu trúc lại mô hình chăn nuôi Việt Nam hiện nay, và mô hình chăn nuôi hiện nay là nhỏ, rẻ, rộng khắp, dàn trải. Từ cái nhỏ, rẻ, dàn trải như thế, nên không có việc tuân thủ quy trình vệ sinh thú y.

Trong thời gian vừa qua dịch bệnh xuất phát và phát triển mạnh mẽ là do ở tình trạng đó. Còn ở các trang trại lớn, quy mô, hầu như không bị dịch bệnh. Do đó, theo tôi nghĩ, động thái nhà nước cấu trúc lại mô hình hiện nay quá chậm. Nếu mà chậm trễ thì nguy cơ tái phát dịch ảnh hưởng tới giá thành trong sản xuất heo sẽ có thể xảy ra.

Làm sao cấu trúc lại cái mô hình chăn nuôi theo kiểu tổ hợp cũng được, hợp tác xã cũng được, miễn sao có cái tập thể. Có tập thể rồi thì tất nhiên có bộ sậu, mà có bộ sậu rồi thì chắc chắn một điều là có tổ chức lãnh đạo và họ sẽ triển khai cái quy trình tiêu phòng, vệ sinh, thú y, chọn giống, v.v. cho nên nếu có rủi ro phát bệnh dịch thì người dân cũng yên tâm sử dụng nguồn thịt này. Bằng bất cứ mô hình chăn nuôi nào mà người dân yên tâm cộng với cái thông tin đại chúng chính xác thì chăn nuôi có thể phát triển rộng rãi được.

Trường Văn: Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Quang, Cục Trưởng Cục Chăn Nuôi của Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn thì nguồn thịt heo trong nước hiện nay vào khoảng gần 2 triệu tấn, còn thịt heo nhập khẩu chỉ khoảng vài chục ngàn tấn nên chưa thể tác động mạnh đên thị trường trong nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.