Cuộc đàn áp nhân quyền hậu APEC tại Việt Nam


2007.03.19

Luật sư Trần Thanh Hiệp – Nguyễn An, RFA

Hôm Tết, công an khám xét phòng của Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Nhà Chung Huế, đưa ông đến Bến Củi quản chế tại đó, rồi khởi tố ông về các tội "Phá hoại chính sách đoàn kết", "Tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCNVN" và "Không chấp hành án".

NguyenVanLy150.jpg
Hình chụp Linh mục Nguyễn Văn Lý ngày 5-3-2007 (lúc Linh mục tạm ngưng tuyệt thực. Photo courtesy FNA

Mới đây, công an Hà Nội bắt giam hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân dưới tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Có phải đây là một bước leo thang của cuộc đàn áp hậu APEC nhằm dứt điểm với phong trào đòi dân chủ mà người ta dự đoán từ cuối năm ngoái hay không?

Xin mời quý thính giả nghe Biên tập viên Nguyễn An của Đài Á Châu Tự Do nêu lên nghi vấn này và trao đổi với Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris. Xin được nhắc rằng quan điểm của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Leo thang đàn áp ?

Nguyễn An: Xin chào Luật sư Trần Thanh Hiệp. Trong một cuộc trao đổi hồi cuối năm ngoái, bàn về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam vào lúc đó, Luật sư có nói rằng “chính quyền Hà Nội không, hay có thể là chưa, leo thang đàn áp kịch liệt như lời đồn đãi từ lúc Thượng đỉnh APEC chưa họp”.

Vậy Luật sư nhận định như thế nào về các biện pháp mà nhà cầm quyền Việt Nam vừa mới áp dụng đối với cha Nguyễn Văn Lý và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Leo thang thì đã có rồi nhưng nói rằng một cuộc đàn áp kịch liệt có quy mô đã bắt đầu, để mong dứt điểm, thì theo tôi không nên vội vàng kết luận như vậy.

Những thắng lợi trước mắt mà Hà Nội đã đạt được qua việc công an dùng số đông và bạo lực để chà đạp lên các quyền tự do và nhân phẩm của người dân, trong thực chất, chỉ là những bước phiêu lưu chẳng đặng đừng của một chính quyền đang đi sâu vào ngõ cụt pháp lý và tuột dốc về chính trị, với những hậu quả không lường trước được.

Vì nhà cầm quyền Hà Nội nay vẫn còn khả thế tiếp tục thi hành chính sách, cố hữu và liên tục đàn áp đối lập suốt từ hơn năm thập niên qua, nên người ta cứ tưởng rằng những vụ bắt bớ vừa mới thấy ở Huế, ở Hà Nội giống như những gì đã xảy ra trước đây ở Budapest, ở Praha, ở Warsaw v.v…

Nhưng thời vàng son làm mưa làm gió của những chính quyền toàn trị của phe xã hội chủ nghĩa đã qua lâu rồi. Tuy vẫn xuống tay để phô bày quyền lực mà thị uy, nhưng tôi cho rằng nhà cầm quyền Hà Nội đã chỉ lên gân để thăm dò mức độ chống đối của phong trào trực diện tranh đấu đòi dân chủ vừa mới công khai ra đời ở trong nước.

Những thắng lợi trước mắt mà Hà Nội đã đạt được qua việc công an dùng số đông và bạo lực để chà đạp lên các quyền tự do và nhân phẩm của người dân, trong thực chất, chỉ là những bước phiêu lưu chẳng đặng đừng của một chính quyền đang đi sâu vào ngõ cụt pháp lý và tuột dốc về chính trị, với những hậu quả không lường trước được.

Hà Nội đang ngày càng dấn bước thêm vào lô gích phi chính thống của một chính quyền chỉ còn bạo lực là danh nghĩa để cai trị. Đó là những nhận xét mà tôi muốn đưa ra với tư cách một luật gia. Đồng thời nhân dịp này tôi còn muốn tỏ bày lòng công phẫn của một cựu luật sư từng biện hộ trước nhiều tòa án ở miền Nam trước đây cho những can phạm.

Trong việc bố trí bắt giam bừa bãi hai đồng nghiệp trẻ tuổi của tôi, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, nói là để xét xử về tội này tội nọ, tôi cho rằng Hà Nôi đã tự xét xử mình trước tòa án của văn minh về tội ngang nhiên dẫm đạp lên quyền bào chữa là quyền cơ bản của con người mà hầu như mọi chính quyền trên thế giới đều tự giác và tự nguyện tôn trọng.

Thi hành một cách bừa bãi

Nguyễn An: Luật sư nói rằng những biện pháp đối với Linh mục Nguyễn Văn Lý và các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã được thi hành một cách bừa bãi. Nhưng theo nguồn tin của các cơ quan truyền thông ở trong nước thì nhà cầm quyền Hà Nội đã áp dụng điều 88 của bộ Luật hình sự trong việc sử dụng nhưng biện pháp này. Như thế sao có thể coi là bừa bãi được ?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Dĩ nhiên về mặt hình thức thì nhà cầm quyền Hà Nội có cơ sở để chứng minh rằng việc bắt giam đã được tiến hành theo đúng luật của họ.

Một chính quyền chính thống là một chính quyền mà dân chúng đã vâng lệnh vì tinh thần tự nguyện chứ không phải chỉ vì sợ hãi hình phạt của pháp luật. Thí dụ những kẻ giết người hay ăn trộm hay lái xe trong lúc còn say rượu v.v…không vui thích gì nhưng vẫn chấp nhận sự áp dụng luật pháp trừng phạt mình.

Tuy nhiên phải nói ngay rằng những luật lệ này chính là để đàn áp bất đồng chính kiến và vì vậy đã cho phép công an can thiệp thô bạo vào các quyền tự do của cha Lý và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê thị Công Nhân, chưa kể những người khác.

Nhưng bề ngoài có vẻ pháp quyền này thật ra đã che đậy cho một nội dung mà theo tôi phải nói là bừa bãi. Vì luật pháp của chế độ đã giới hạn tối đa quyền của người dân nên khi đem ra áp dụng thì tất yếu phải tạo ra một tình trạng phi nhân quyền tùy tiện tốt cho người cầm quyền nhưng bừa bãi đối với người dân. Để trình bày cho thật dễ hiểu việc nhận định sự thật này tôi sợ rằng ngay lúc này không đủ thời giờ đi vào chi tiết chuyên môn.

Nguyễn An: Chúng ta sẽ trở lại sau việc nhận định đi vào chi tiết này. Nhưng còn có vài ba điểm màluật sư đã nêu lên, nếu có thể được, mong Luật sư nói cho rõ thêm. Trước hết, Luật sư có nói đến cái gọi là lô gích “phi chính thống”. Có thể giải thích điều này mà không cần có những hiểu biết thật chuyên môn không?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Có chứ. Một chính quyền chính thống là một chính quyền mà dân chúng đã vâng lệnh vì tinh thần tự nguyện chứ không phải chỉ vì sợ hãi hình phạt của pháp luật. Thí dụ những kẻ giết người hay ăn trộm hay lái xe trong lúc còn say rượu v.v…không vui thích gì nhưng vẫn chấp nhận sự áp dụng luật pháp trừng phạt mình.

Hay như hiện nay hành khách đi máy bay, sẵn sàng và thoải mái tuân theo các biện pháp kiểm soát. Ở Việt Nam hiện nay đủ mọi tầng lớp dân chúng đã công khai biểu lộ thái độ chối bỏ luật pháp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhất là những luật pháp về nhân quyền, dân quyền mỗi khi luật pháp ấy ra đời và được áp dụng . Thuật ngữ xã hội học, chính trị học, luật học gọi hiện tượng không tự nguyện vâng lệnh này là phi chính thống.

Tuột dốc chính trị

Nguyễn An: Thế còn điều mà Luật sư gọi là tuột dốc chính tri. Nó có thể hiểu như thế nào?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Là càng ngày nhà cầm quyền Hà Nội càng phải dùng đến biện pháp đàn áp. Lẽ ra sau thượng đỉnh APEC, sau khi đã gia nhập WTO và có được quy chế quan hệ bình thường vĩnh viễn với Mỹ, chính quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã có thể sử sự một cách mềm dẻo tiến lên dân chủ hơn trước.

Vậy mà trái lại họ đã phải cứng rắn hơn tức là quan hệ chính trị với dân chúng đã xấu đi theo đà ngày càng xấu nếu cứ phải tiếp tục theo đuổi chính sách đàn áp. Người ta tự hỏi liệu Hà Nội còn đủ thế chủ động mà dừng lại trước khi quá muộn hay không hay chỉ ngày càng tuột dốc?

Những hậu quả về mặt chính trị quốc nội. Liệu bắt để tạm giam Linh mục Lý, các luật sư Đài và Công Nhân có chắc chắn dập tắt được hết phong trào đòi dân chủ hóa chế độ hay không hay chỉ là cơ hội thử lửa để trưởng thành của các phong trào dân chủ?

Nguyễn An: Có phải vì thế mà Luật sư đã nói tới những hiệu quả không lường trước được hay không? Theo luật sư đó là những hậu quả nào?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Những hậu quả về mặt chính trị quốc nội. Liệu bắt để tạm giam Linh mục Lý, các luật sư Đài và Công Nhân có chắc chắn dập tắt được hết phong trào đòi dân chủ hóa chế độ hay không hay chỉ là cơ hội thử lửa để trưởng thành của các phong trào dân chủ?

Ngoài ra, về mặt ngoại giao trên bình diện quốc tế, không thể gạt bỏ mọi bất ngờ. Thí dụ năm 2006, chính Hoa Thịnh Đốn đã có những đối xử mang tính cách khuyến khích Hà Nội về mặt nhân quyền.

Nhưng tháng Ba năm nay, sau đợt bắt giam đối lập mới đây ở Huế và Hà Nội Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản phúc trình hàng năm trong đó đã có những nhận định theo chiều hướng làm hiện rõ thực trạng nhân quyền ở Việt Nam đang bị xâm phạm tới mức độ đòi hỏi phải có cải thiện thích đáng mới đạt được những quy phạm của luật quốc tế về nhân quyền.

Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin hẹn sẽ tiếp tục bàn luận về mặt pháp lý của việc tạm giam Linh mục Lý và các luật sư Đài và Lê Thị Công Nhân./.

Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về Nhân quyền có trụ sở tại Paris về tình hình nhân quyền hiện nay ở Việt Nam.

Trong buổi phát thanh tới, Luật sư Hiệp sẽ phân tích về khía cạnh luật học vụ bắt giam hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Mong quý thính giả đón nghe. Cũng xin nói rõ rằng quan điểm của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Theo dòng câu chuyện :

- Bàn về mặt pháp lý của việc giam tạm đối lập dân chủ ở Việt Nam

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.