Nhiều nghi vấn quanh vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn
2006.10.12
Việt Long, phóng viên đài RFA
Vụ Bắc Hàn công bố đã thử nghiệm thành công một vũ khí hạt nhân gây chấn động toàn thế giới, nhưng mấy ngày sau vẫn còn nhữ ng nghi vấn về sự thực hư của vụ thử nghiệm này. Việt Long tường trình vấn đề như sau.
Chỉ có Liên Bang Nga xác nhận là Bắc Hàn đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Pháp đến nay vẫn nói đó là điều có thể. Hoa Kỳ chỉ xác nhận có chấn động duới lòng đất từ Bắc Hàn, với những ngôn từ kỹ thuật khá thận trọng.
Đó là lời của chuyên viên Bruce Pressgrave thuộc Cơ quan thăm dò địa chấn của Hoa Kỳ, nói rằng có ghi nhận một sự kiện từ Bắc Hàn vào lúc 10 giờ 35 sáng giờ địa phương. Biên độ sơ khởi ghi nhận được là 4,2 độ richter.
Thật hay giả
Giới chuyên môn cho biết chấn động như vậy có thể do bom nguyên tử có sức nổ tương đương 1 ngàn tấn TNT gây ra. Nhưng một chuyên gia Mỹ nói rằng về hiệu suất thì chấn động chỉ dưới 4 độ richter, và như vậy vụ nổ có thể chỉ là do mấy trăm tấn TNT, hơn là nổ hạt nhân.
Nam Hàn thì loan báo có ghi nhận những chấn động, tương đương một vụ nổ nguyên tử với sức nổ 550 tấn TNT. Từ Moscow, Bộ truởng quốc phòng Nga Sergei Ivanov tuyên bố không nghi ngờ gì rằng đó là vụ nổ bom hạt nhân, sức nổ tương đương từ 5 ngàn đến 15 ngàn tấn TNT. Quả bom nguyên tử do Mỹ thả ở Hiroshima kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai có sức nổ tương đương từ 12 ngàn 500 đến 15 ngàn tấn TNT.
Một chuyên gia khác của Mỹ nói rằng phải mất nhiều ngày mới xác định được những chấn động đó có phải do thử nghiệm khí cụ hạt nhân gây ra không. Chuyên gia khác nữa nói rằng phải ít nhất là 72 giờ đồng hồ, trong khi nhiều ý kiến chuyên môn khác cho là thời gian lâu hơn nhiều.
Đến hôm thứ ba, phát ngôn viên toà Bạch ốc vẫn tuyên bố là rất có thể các chuyên gia sẽ không bao giờ xác định được rằng vụ nổ ở Bắc Hàn là do điều gì đã thực sự xảy ra.
Một chuyên gia khác của Mỹ nói rằng phải mất nhiều ngày mới xác định được những chấn động đó có phải do thử nghiệm khí cụ hạt nhân gây ra không. Chuyên gia khác nữa nói rằng phải ít nhất là 72 giờ đồng hồ, trong khi nhiều ý kiến chuyên môn khác cho là thời gian lâu hơn nhiều.
Cố vấn hàng đầu về an ninh của Seoul, ông Song Min-Soong, nói rằng phải mất tới hai tuần mới có bản lượng định toàn diện. Hầu hết các chuyên gia và chính phủ đều chưa xác định được đó là vụ nổ một khí cụ hạt nhân nhỏ, hay một vụ thí nghiệm một vũ khí mạnh nhưng thất bại như đốt pháo xì, hay chỉ là vụ nổ một số lượng lớn chất nổ quy ước đề loè bịp và hăm doạ cả thế giới.
Chuyên gia về địa chấn của đại học Hồng Kông, giáo sư Chan Lung Sang, nói rằng trên thực tế, nếu ta cho nổ một tấn TNT dưới hầm ngầm trong lòng đất thì tạo được chấn động như nổ nguyên tử.
Tuy nhiên gây được cú nổ bịp tài tình như vậy cũng không phải là dễ, và kết quả không chắc chắn sẽ như ý của kẻ bịp. Cho nên chuyên gia Robert Kaniol của tuần báo Quốc phòng quốc tế Jane’s Defence cho rằng xét về bề ngoài thì có vẻ Bắc Hàn cho nổ nguyên tử thật, nhưng các nước khác còn thận trọng chờ cho đủ dữ kiện, để khỏi bị hố khi vội tuyên bố sớm.
Phương pháp thực hiện
Phát hiện vụ nổ thì dễ, nhưng sự minh xác vụ này khó khăn như vậy là vì sao? Và nổ hạt nhân trong lòng đất được thực hiện như thế nào?
Bị cấm nổ thử nghiệm nguyên tử và hạt nhân trên mặt đất do một hiệp ước quốc tế năm 1963, các nước đều phải thí nghiệm nổ dưới lòng đất. Phương pháp thông dụng nhất là đặt khí cụ nổ dưới một cái hố sâu từ 200 đến 800 mét, ngay bên trên là một hộp ghi dữ kiện đặt ở đầu duới cùng của một cái trục.
Trong trục rỗng này là cát sỏi, hắc ín, hoá chất để phóng xạ không thoát ra được. Những thứ này được đưa vào trục bằng một nhà điều khiển ở ngay trên miệng hố. Cũng có khi khí cụ nổ đặt trong một lỗ nằm ngang có đường dẫn tới một nơi đủ sâu và kiên cố để không thoát phóng xạ, nhưng phương pháp này không thông dụng.
Để phát hiện một vụ nổ nguyên tử hay hạt nhân, hay vụ nổ với số lượng TNT lớn, người ta dùng địa chấn kế với nhiều dụng cụ đo đạc phóng xạ và các dữ liệu khác. Nhưng xác định có phải là nổ nguyên tử - hạt nhân hay không thì chỉ có các máy tương đối gần chỗ nổ mới phân tích được.
Hiện nay thì có Nam Hàn, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là có những trạm ghi địa chấn đủ gần để minh xác được việc này, vì chấn động xảy ra ở bờ biển đông bắc Bắc Hàn, cách biên giới Trung Quốc hơn 100 km. Tổ chức của Hiệp ước toàn diện về cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân thì có chừng 200 trạm theo dõi đặt khắp thế giới.
Đó là những công cụ chính xác nhất cho công việc này, vì nó đo cả những dữ kiện dưới mặt nước, dữ kiện về hạt phóng xạ trong không khí, và cả các sóng vô tuyến. Nhưng tới nay các dữ liệu chỉ được phổ biến riêng cho những chính phủ và tổ chức có liên quan, vì hiệp ước vẫn chưa có hiệu lực thi hành.
Hiệp ước được dự trù cho 44 quốc gia có vũ khí hạt nhân hay các lò phản ứng hạt nhân, nhưng mới có 34 nước phê chuẩn. Trong số 10 nước còn đứng ngoài có Mỹ, Trung Quốc, Ấn độ, Pakistan, Israel và Bắc Hàn.
Những khó khăn
Nhưng dù với công cụ chính xác đến đâu, thì theo giới chuyên gia, có hai yếu tố khó khăn chính trong việc minh xác vụ này.
Đó là nếu vụ nổ nhỏ hơn 1 ngàn tấn TNT, thì khó phân biệt giữa biểu đồ sóng chấn động của lòng đất với sóng chấn động của một vụ nổ nguyên tử hay hạt nhân, theo như chuyên gia Xavier Clement của Uỷ ban nguyên tử năng Pháp quốc. Điều thứ hai là sự phân tích dữ kiện cần một thời gian đáng kể.
Tổ chức về hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân giao cho các chính phủ những dữ kiện nguyên thuỷ, và các chính phủ phải nghiên cứu xem những con số, những biểu đồ đó mang ý nghĩa ra sao.
Chuyên gia Lassima Zerbo của tổ chức này nêu một ví dụ, là sự ước tính của Nga là sức nổ trong vụ Bắc Hàn này từ 5 ngàn tấn tới 15 ngàn tấn TNT, khác với của Pháp là chừng 1 ngàn tấn, hay Nam Hàn là chỉ có mấy trăm tấn, vì Nga có thể đã sử dụng những phương pháp khác với hai nước kia.
Những bài liên quan
- Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không tấn công quân sự Bắc Hàn
- Hội đồng Bảo An LHQ thảo luận các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn
- Hội đồng Bảo an vẫn còn bất đồng về các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn
- Phản ứng của thế giới sau vụ thử nghiệm hạch nhân của Bắc Hàn
- Thế giới lên án vụ thử nghiệm hạch nhân của Bắc Hàn
- Bắc Hàn loan báo hoàn tất một vụ thử nghiệm hạch nhân
- Cựu Ngọai trưởng James Baker đề nghị Hoa Kỳ nói chuyện với Bắc Hàn
- Nổ súng tại khu phi quân sự giữa hai miền Nam-Bắc Hàn
- Nhiều nước khuyến cáo Bắc Hàn không nên thử nghiệm vũ khí hạt nhân