Phản ứng của trí thức hải ngoại về việc giải thể IDS

Ngay vào ngày bắt đầu có hiệu lực quyết định 97 của chính phủ Việt Nam, thì Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Độc lập, IDS của nhóm 16 giáo sư và chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam ra văn bản tự giải thể để phản đối quyết định đó.
Gia Minh, phóng viên RFA
2009.09.16
Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Độc lập, IDS Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Độc lập, IDS
photo from vnids.com

Một số trí thức nước ngoài, từng về Việt Nam tham gia công tác nghiên cứu và đóng góp ý kiến cho chính quyền trong nước lập tức cũng có những phản ứng trước quyết định 97 đó?

Biến trí thức thành công cụ

Hôm qua, trên mạng Internet người ta đọc được bài viết của ông Vũ Quang Việt, một cựu chuyên viên Cục Thống kê Liên hiệp quốc, người từng có nhiều bài viết về tình hình Việt Nam, với tựa đề ‘Quyết định 97 và ý đồ biến trí thức thành công cụ của người cầm quyền’. Bài viết dài gần 5 trang khổ giấy A4, với font chữ trung bình.

Theo ông Vũ Quang Việt thì chiến tranh đã kết thúc gần 35 năm rồi, và có lúc tưởng chừng như con đường đang rộng mở để mọi người có thể đóng góp ý kiến dù phê bình hay phản biện một cách trung thực, mang tính xậy dựng cho đất nước, và theo ông Vũ Quang Việt đó là điều được ghi trong hiến pháp Việt Nam và đây cũng là một thông lệ mà nhiều nước khác đang thực hiện.

Tháng 12 năm 2007, có một trung tâm nghiên cứu ra mắt trước Trung tâm IDS này, đó là trung tâm nghiên cứu trong SaigonTimes. Trung tâm này có 44 trí thức ‘gộc’ trong và ngoài nước; thế mà vài tháng sau thì trong nước bắt phải giải tán
GS Ngô Vĩnh Long

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, hiện giảng dạy tại Khoa Sử Đại học Maine Hoa Kỳ và cũng là người từng về Việt Nam để giảng dạy cũng như tư vấn, cho biết thực tế đã xảy ra tại Việt Nam cho những nhóm nghiên cứu độc lập, muốn đưa ra những ý kiến phản biện về các vấn đề của đất nước:

"Tháng 12 năm 2007, có một trung tâm nghiên cứu ra mắt trước Trung tâm IDS này, đó là trung tâm nghiên cứu trong SaigonTimes. Trung tâm này có 44 trí thức ‘gộc’ trong và ngoài nước; thế mà vài tháng sau thì trong nước bắt phải giải tán nhưng mà lúc đó thì trung tâm đó chưa được phép trở thành trung tâm nghiên cứu thật sự nên bắt buộc phải giải tán; mặc dù trung tâm đó được ông Võ Văn Kiệt và rất nhiều người khác ủng hộ. Đây không phải là lần đầu nhưng vì ông Nguyễn Quang A ‘cứng đầu’ nên vài năm sau họ mới dẹp được nhóm này."  

Ông Vũ Quang Việt cũng đồng ý rằng quyết định 97 của chính phủ Việt Nam là một chuyển hướng đột ngột đến 180 độ theo nguyên văn của ông là ‘có thể dọn đường cho những nhà khoa học muốn đóng góp ý kiến, trở lại hoạt động trong một môi trường ngày xưa’.

Kiểm duyệt chương trình nghiên cứu?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thì nêu ra một số lý do đối với việc cho ban hành quyết định 97 của thủ tướng Việt Nam:

"Tại sao bây giờ chính phủ VN phải đàn áp trí thức, nhất là nếu để trí thức phô bày ra vấn đề an ninh, mà an ninh bây giờ không phải là an ninh quốc gia không mà còn là an ninh của con người về nhiều mặt lắm. Nếu mà để trí thức phô bày những vấn đề này ra thì người ta sợ mất lòng dân.

Tôi nghĩ đó là một trong những lý do mà người ta đàn áp. Tại vì nếu để những vấn đề đó cho người dân biết, và người ta nói là để vận động quần chúng thì người ta bảo là không được, và nói ‘anh nghiên cứu gì thì nghiên cứu, nhưng khi nghiên cứu xong thì trình cho tôi’.

Thành ra các nhà nghiên cứu thì cho rằng nếu nghiên cứu xong mà không được tung ra cho dân chúng trong và ngoài nước biết thì còn nghiên cứu làm gì nữa. Hoặc rồi họ dấu họ bỏ trong tủ thì ai biết làm chuyện gì. Phản biện là phải cho công chúng mọi người được biết chứ."

‘Anh nghiên cứu gì thì nghiên cứu, nhưng khi nghiên cứu xong thì trình cho tôi’. Thành ra các nhà nghiên cứu thì cho rằng nếu nghiên cứu xong mà không được tung ra cho dân chúng trong và ngoài nước biết thì còn nghiên cứu làm gì nữa.

Gia Minh: Ảnh hưởng lớn nhất của quyết định 97 đối với VN hiện nay là gì?

GS Ngô Vĩnh Long: Đây là những người phải nói thẳng ra lúc xưa là con cưng của chế độ, đã bỏ ra bao nhiên năm để làm việc với bao nhiêu thủ tướng, với Đảng… mà còn đàn áp đến vậy thì còn nói sao về tự do- dân chủ cho người khác nghe được. Đàn áp như vậy thì khó có thể che đậy bộ mặt của nhóm hiện nay.

Gia Minh: Có nước nào khác trên thế giới làm như VN?

GS Ngô Vĩnh Long: Trung Quốc làm như vậy nhưng mà họ còn khôn hơn tí là đối với một số trí thức họ còn nương tay một chút còn VN bắt chước mà bắt chước quá lố. Vấn đề Việt Nam bắt chước Trung Quốc là vấn đề được nói đến mấy năm nay rồi, nếu mà Việt Nam bắt chước Trung quốc quá nhiều theo kiểu đàn áp như vậy thì rất là khó khăn.      

Ông Vũ Quang Việt nhắc lại trong bài viết của mình một lý do được phía cơ quan chức năng đưa ra là vào lúc này cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các chính sách của chính phủ, của Đảng với mục tiêu duy trì ổn định xã hội; do vậy việc công bố kết quả các nghiên cứu phản biện liên quan đến những chính sách đó phải hết sức thận trọng.

Tác giả Vũ Quang Việt nêu ra câu hỏi phải chăng cấm một số phạm vi nghiên cứu là thận trọng và tránh cái gọi là thiếu đồng thuận?

Người xưa có câu ‘Trung ngôn, nghịch nhĩ’, ai cũng thừa nhận là sự thật thường làm mất lòng nhưng chính những lời nói thẳng thẳn khó lọt tai đó lại là những cảnh báo quí giá giúp tránh những sai lầm, nguy hại chết người.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.