Những ca khúc trong các tháng năm sau biến cố 1975

Những tang thương từ biến cố tháng Tư 1975 không dễ gì mà quên đi như các quan chức Hà Nội đề nghị. Những hồi ký, bài thơ, bản nhạc ghi lại các tháng năm sau biến cố đó, là chứng tích của khúc quanh tăm tối nhất trong lịch sử dân tộc đối với hàng triệu người phải rời khỏi quê hương, cũng như với những người ở lại, sống trong sự túng thiếu của thời kỳ bao cấp.
Thy Nga, phóng viên đài RFA
2008.05.04

NAMLOC1975SSGOVB-200.jpg
Hình nhạc sĩ Nam Lộc khi vừa sáng tác xong bài "Saigon oi! Vinh biệt" vào ngày 12 tháng 11, 1975.
Hình do nhạc sĩ cung cấp.
Những chứng tích ấy cần thiết cho các thế hệ sau được hiểu về giai đoạn đó của lịch sử nước nhà, chương lịch sử mà không thế lực nào có thể lấp liếm hoặc bóp méo.    

Âm nhạc chuyển tải cảm xúc đến với người nghe, nếu bản nhạc phổ biến thì tác động có thể rộng rãi hơn cả sách báo nữa. Các ca khúc viết vào những tháng năm sau biến cố 1975 đã làm thổn thức bao tâm hồn xa xứ. Sau này thì mỗi lần tưởng niệm biến cố, các nhạc bản đó được hát lại, hoặc nhắc đến, vẫn gây nhiều xúc động.

Chương trình kỳ này, Thy Nga mời quý vị nghe lại, nhìn lại chặng đường đó. Trong tâm trạng bàng hoàng lúc ấy, có lẽ người đầu tiên ôm đàn, viết nhạc, là nhạc sĩ Nam Lộc. Đó là vào cuối năm 75, Nam Lộc viết nhạc bản “Saigon ơi! Vĩnh biệt” trong tình cảnh mà anh thuật lại với nghệ sĩ Trường Kỳ như sau:

Tôi nhớ tôi viết cái bài đó vào ngày 12 tháng 11. Tôi vừa viết tôi vừa hát, tất cả những ý tưởng trôi ra trong vòng 45 phút, tự nhiên nó ra, những ý tưởng tồn đọng từ mấy tháng nay trong trại tỵ nạn, giờ đây là cái giây phút lắng đọng với mình, thế là viết ra hết.

 “Saigon ơi! Vĩnh biệt” Nam Lộc hát …

Kế tiếp qua năm 1976, Nam Lộc viết “Saigon, thôi đã hết” và “Người di tản buồn”.

Các nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ tỵ nạn đã dần tìm được nhau và theo tài liệu của nhạc sĩ Trần Quang Hải thì vào ngày 9 tháng 5, 1976 tại Los Angeles, đã diễn ra chương trình văn nghệ một năm xa xứ do các nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Nam Lộc; ca sĩ Jo Marcel; các tài tử Lê Quỳnh, Kiều Chinh cùng với Nguyễn Năng Tế và nhà báo Việt Đình Phương tổ chức, qui tụ được các ca sĩ Khánh Ly, Thanh Thúy, Mai Hương, Thúy Nga, Hoài Trung, Vũ Huyến, Bùi Thiện, Ngọc Bích, Thanh Tuyền, Mai Lệ Huyền.  

Bên cạnh đó, có ban Hợp ca Mai Hương; ban Tam Ca AVT; dàn nhạc New Life với Huỳnh Anh; dàn nhạc Việt Nam trong đó có Hoàng Thi Thi, Đào Duy; ban vũ Hoàng Thi Thơ; và một số nghệ sĩ sân khấu.

Kế đến, vào ngày 28 tháng 6, ca sĩ Thanh Thúy phát hành cuốn Cassette mang tựa đề “Saigon ơi! Vĩnh biệt’ với các
ca khúc do cô trình bày. Cassette này giá 5 đô-la Mỹ, gồm 10 nhạc bản do các nhạc sĩ ly hương vừa mới sáng tác:

“Saigon ơi! Vĩnh biệt” và “Saigon thôi đã hết” của Nam Lộc, “Chuyện buồn ngày Xuân”, “Chắp tay nguyện cầu”, và “Còn gì cho em” của Lam Phương, “Có những buổi chiều chết trong niềm nhớ” và “Rồi mai đây ta về” của Hoàng Thi Thơ, “Saigon bây giờ buồn không em” của Song Ngọc, “Buồn xa nhà” của Anh Bằng, và “Quê hương bỏ lại” của Tô Huyền Vân.

Cùng lúc ấy, có cuốn băng “Khi tôi về” do Khánh Ly hát với tiếng đàn guitar Trung Nghĩa.

Cũng trong năm 1976, Song Ngọc viết “Gửi người chủ mới của căn nhà cũ”, Nguyễn Anh - Võ Tấn Tài viết “Lời lưu vong”, Hoàng Thi Thơ thì ghi lại “Đời ta như chiếc lá vàng” và “Đêm qua mơ thấy Saigon”.

Tháng 9 năm đó, biên tập viên Lê Văn của đài “Tiếng nói Hoa Kỳ” sang Paris tổ chức 4 buổi trình diễn tân nhạc, dân ca và ngâm thơ với sự góp mặt của Khánh Ly, Hoàng Oanh, và sự cộng tác của nhạc sĩ Trần Quang Hải. Sự thành công của chương trình này dẫn đến việc, ngay tháng sau đó, đoàn Hoàng Thi Thơ từ Mỹ sang Pháp và Thụy Sĩ trình diễn. Từ đó trở đi, những chương trình nhạc hội lần lượt diễn ra. 

Saigon, thành phố của những kỷ niệm để lại, là đề tài của rất rất nhiều ca khúc hồi đó, Thy Nga chỉ có thể kể một số như “Saigon niềm nhớ không tên” Nguyễn Đình Toàn ghi vào năm 1977:

 “Saigon niềm nhớ không tên” Khánh Ly hát …

Phạm Đình Chương viết “Cho thành phố đã mất tên” (1980), Lê Uyên Phương phổ thơ Kim Tuấn “Khi xa Saigon”, Song Ngọc với “Lời cuối cho Saigon” (1981), Anh Bằng - Vũ Kiện với “Saigon áo xanh nón lá”, và Hoàng Thi Thơ “Trả lại Saigon cho tôi”, Trần Chí Phúc hướng về “Saigon, em ở đó” (1979) “Saigon, em ở đó” …

Năm 1978, từ Miami ở Mỹ, Phạm Duy tái xuất với tập nhạc

“Hát trên đường tạm dung”.

Từ Pháp thì sau “Vọng cố hương” Lương Ngọc Châu viết ngay từ năm 1975, Trần Quang Hải viết “Thương nhớ quê hương” và phổ ý thơ Minh Đức Hoài Trinh trong bài “Em về giữ lửa”.

Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris xuất bản 14 ca khúc trong tập “Tình ca” gồm các nhạc bản như “Ta phải vùng dậy”, “Ai về xứ Việt”, …

 “Ai về xứ Việt” Phan Văn Hưng phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh, và đàn hát …

Khúc Lan cũng viết nhiều bài hát cho phong trào đấu tranh của Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp.

Từ 1980 thì Nguyệt Ánh nổi lên như một hiện tượng với nhạc bản “Em nhớ màu cờ” và những ca khúc mang tinh thần phục quốc.

Thời gian này, những người ở lại hằng ngày mong ngóng thùng quà do thân nhân từ nước ngoài chắt chiu gửi về giúp họ sống qua ngày.

Trong buổi văn nghệ tại khuôn viên một trường đại học ở Houston, Hoa Kỳ, Việt Dzũng xuất hiện trên sân khấu, trong vùng ánh sáng duy nhất của khung cảnh chung quanh. Anh ngồi trên chiếc ghế gỗ, gảy guitar và hát lên ca khúc vừa sáng tác, bài “Một chút quà cho quê hương” (1980) … Cử tọa lặng nghe, nhiều người không ngăn được giòng lệ.

Sau đó, Việt Dzũng viết “Tình ca cho Nguyễn thị Saigon”, “Lời kinh đêm”, soạn các cuốn “Lưu vong khúc” và “Kinh tỵ nạn” (1981). Tại các trại tỵ nạn, những người đang sống tạm ở đó, lúc nào cũng chờ nghe phát những ca khúc kể trên.

Đó là tâm tình của giới nghệ sĩ ly hương, còn người ở lại thì sao?

Phan Văn Hưng không quên “Bạn bè của tôi” đang rơi vào muôn cảnh khổ cực. Bên nhà khi đó, suốt ngày, loa phóng  thanh đặt tại các nơi oang oang những nhạc bản “đỏ” ca ngợi lãnh tụ và Đảng nhưng người dân thuộc chế độ cũ vẫn lén nghe nhạc thời trước.   

Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang là một trong những người đi tù cải tạo, bày tỏ nỗi thương nhớ trong âm thầm, qua bài “Còn yêu em mãi”. 

 “Còn yêu em mãi” Nguyên Khang hát …

Hà Thúc Sinh thì trong những năm tù cải tạo, ghi lại tập nhạc “Tiếng hát tủi nhục”. Và năm 1981, Phạm Duy có tập “Ngục ca” với lời thơ của Nguyễn Chí Thiện.

Trong khi đó, vợ con của người tù cải tạo, sống ra sao?

Từ một bài thơ của Duyên Anh đề cập đến tình cảnh của người vợ tù cải tạo, Vũ Trung Hiền phổ thành nhạc khúc “Saigon ra đường” mời quý vị nghe Bạch Yến trình bày …

Thường thì gia đình nhịn ăn nhịn mặc, dồn cả cho người trong lao tù. Cảnh người vợ lặn lội đi thăm nuôi tù cải tạo, thật thương tâm. Về phần người bị cầm tù thì một số người đã ghi lại tình cảnh đó qua những dòng nhạc, những câu thơ. Nguyên Huy có bài thơ “Hai hàng cây so đũa” được Trọng Minh phổ nhạc.

Thời gian đó cũng là lúc diễn ra những vụ vượt biên bằng đường bộ đầy hiểm nguy, và những cuộc vượt biển hãi hùng. Châu Đình An ghi lại hoàn cảnh ấy trong nhạc bản “Đêm chôn dầu vượt biển” (1984).  

Mọi người rúng động khi nghe những chuyện kể về thuyền nhân Việt Nam. Giới nghệ sĩ chia sẻ nỗi đau thương qua những giòng nhạc “Ru em đời mất xứ” và như “Xác em nay ở phương nào” của Trần Chí Phúc.

Số người may mắn tới được bến bờ thì phải tạm sống trong các trại tỵ nạn, Hà Thúc Sinh ghi  “Một ngày trên Bidong”, Diamond Bích Ngọc soạn “Tỵ nạn ca”, …

Tuy nhiên dù thế nào chăng nữa, người Việt hải ngoại vẫn giữ niềm tin là mai kia, tình trạng nước nhà sẽ sáng lạn hơn và cuộc sống đồng bào được cải thiện hơn. Niềm tin yêu này đươc thể hiện qua các ca khúc như “Mùa Xuân gửi em niềm tin” của Trần Chí Phúc, “Trái tim tôi là bến” của Phan Văn Hưng, “Mưa trên quê hương tôi” Nguyệt Ánh phổ ý thơ Đào Trường Phúc, … 

Trong âm thanh ca khúc “Mưa trên quê hương tôi”, Thy Nga tạm biệt quý thính giả.    

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.