Sau cơn bão số 6, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương


2006.10.19

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Hơn hai tuần sau cơn bão số 6, việc tiếp trợ cho các hộ dân có nhà cửa bị thiệt hại vì bão vẫn còn tiến hành một cách chậm chạp khiến người dân nếu không muốn sống trong cảnh màn trời chiếu đất phải vay mượn chỗ này chỗ nọ để dựng lại nhà cửa của mình.

VictimXangsane200.jpg
Hàng nghìn ngôi nhà ở Đà Nẵng mà người dân dành dụm suốt đời mới xây dựng được bây giờ chỉ còn là một đống gạch vụn sau khi cơn bão Xangsane đi qua hôm 1-10-2006. AFP PHOTO

Qua phản ánh nhà cầm quyền các cấp của thành phố Đà Nẵng, việc cứu trợ cho nạn nhân của cơn bão số 6 tiến hành chậm chạp vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là thiệt hại thì nhiều nhưng tiền của Trung Ương rót xuống thì ít nên theo lời của ông Trần Văn Minh, chủ tịch Ủy Ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biệt thì thành phố dành ưu tiên cho các gia đình chính sách thuộc diện ngèo, neo đơn.

Thứ hai là trong số tiền được hỗ trợ, một số phải được trích ra để sửa chữa trường học, trạm y tế và các công trình công cộng khác, nên phần dành cho các gia đình có nhà đổ nát bị thu hẹp lại.

Thứ ba là các cấp chính quyền địa phương cần phải rà soát lại, kiểm tra thật kỹ càng những hộ ở trong diện ưu tiên được cứu trợ để tránh so bì nên nhiều địa phương như tại quận Sơn Trà chẳng hạn, ông Lê Công Hồ, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận cho biết là đã rà sát đến lần thứ tư rồi vẫn chưa phát tiền được.

Một cư dân tại quận Liên Chiểu cho biết: “Gia đình mẹ ruột mười mấy người nhà bị sập nhưng chỉ được phát 25 kí gạo với mười lăm gói mì cua. Không thấy tiền bạc gì cả, phải đi vay tiền để làm nhà ở chứ đợi nhà nước thì biết đến bao giờ.”

Một người khác cư ngụ tại quận Hải Châu cũng xác nhận tình trạng đã xảy ra tại quận Liên Chiểu theo như chỗ ông biết. Riêng tại quận Hải Châu tình trạng có khá hơn.

“Cũng tạm tạm, có người có, có người không, người 10 kí gạo, người 25 ký gạo, mì tôm. Ở quận Liên Chiểu tùy theo phường và tùy theo tổ trưởng. Nhà bà con thân cận, chị em thì họ ưu tiên hơn. Ở Hải Châu, nhà nào khó khăn nhất tổ trưởng giải quyết trước, nhà thiệt hại ít thì họ từ từ, nhà nào tạm ổn thì thôi.”

Một bà bán hàng tại quận Sơn Trà nêu lên tình trạng éo le của bà vì không có nơi nào chịu hỗ trợ cho bà hết. Lý do là hộ khẩu ở phường này nhưng lại mở quán làm ăn ở phường kia: “Không được ai cứu trợ hết vì trước ở trong phường kia nhưng mở quán buôn bán ở phường này. May mà còn nhà chứ sụp đổ hết thì không biết vợ chồng tôi ở đâu.”

Chính quyền địa phương cố gắng giải quyết tạm thời bằng cách bố trí cho những hộ không còn nhà vào ở tạm các chung cư hoặc nhà bà con. Việc che lều tạm bằng tôn được hạn chế để tránh nguy hiểm vì có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.