Rối rắm tên đường tại Sài Gòn

Tên đường tại thành phố Hồ Chí Minh là một vấn đề đuợc cho là phức tạp, gây nhức đầu cho nhiều người vào khi đô thị phát triển, nhiều khu dân cư mọc lên…

0:00 / 0:00

Nhiều con đường được mở ra nhưng tên của chúng rối rắm khiến việc quản lý của các cơ quan chức năng và hoạt động đi lại, liên hệ của người dân càng trở nên phức tạp.

Quỳnh Như hỏi chuyện một số cư dân ở thành phố Hồ Chí Minh về thực trạng này.

Loạn tên đường

Báo Điện tử Dân Trí trong nước có bài nêu lên thực trạng hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh, “loạn” tên đường, phố. Mặc dù đã có một hội đồng đặt tên đường từ 15 năm nay, nhưng hệ thống các con đường trong thành phố vẫn được đặt tên “loạn” cả lên, đến nổi kể cả các cơ quan quản lý cũng phải “bó tay” khi xác định tên đường, huống hồ chi là người dân, trong việc đi tìm đường. Nhất là trong điều kiện thực tế hiện nay của thành phố có hơn 8 triệu dân, với làn sóng người nhập cư từ các nơi đổ dồn về kiếm công ăn việc làm, thì việc rối rắm trong hệ thống tên đường sẽ gây nhiều phiền phức đến mức nào.

Bây giờ có những khu quy hoạch mới cần tên đường cho dân thì không có, trong khi những con đường đã có tên từ bao năm nay thì lại đổi tên, lấy tên cũ gắn qua chổ khác.

Chị Hồ Thị Thanh

Những con đường nhỏ trong những khu dân cư mới cải tạo, hay các khu mới được quy hoạch, xây dựng ở các quận, huyện được đặt cho những cái tên như: Hoa Lan, Hoa Phượng, Hoa Cúc ở khu Chung cư Miếu Nỗi, hay đặt theo chữ và số như: D1, D2 ở Khu Bắc Văn Thánh.

Anh Nguyễn Hùng Mạnh ở Quận 3 cho biết:

“Bây giờ do vấn đề đầu tư xây dựng, địa ốc, các đại gia giàu lên nhờ khoản kinh doanh địa ốc, mà kinh doanh địa ốc thì khi làm dự án họ cố làm ra được nhiều nhà mặt tiền càng tốt, thì giá trị bán sẽ được cao cho nên số con đường tăng lên rất nhiều. Vì vậy bao nhiêu tên mà đặt cho đủ.”

Quỳnh Như: Thưa anh có thể chia sẻ suy nghĩ của anh trong việc đặt tên cho các con đường không ạ?

“Thí dụ bây giờ nói đường Hoa Lan, Hoa Cúc ở quận Phú Nhuận, nghe thì làm sao có thể hình dung ra. Thật ra đó là những con đường nội bộ nằm trong khu chung cư Miếu Nổi trên đường Phan Xích Long. Nếu như sau này nói…nhà tôi ở số…ngõ Hoa Lan, đường Phan Xích Long thì người ta còn biết đường mà tìm, chứ còn bây giờ chỉ nói tên đường Hoa Lan không thôi, mà không nói tên Phường, Quận thì cũng sẽ không biết đường đâu mà tìm. Mà đôi khi đã nói tới Phường, Quận rồi vẫn còn khó tìm vì không biết con đường nào dẫn tới đó. Thật ra, mỗi quận chỉ nên giữ một số đường chính để làm sao khi người ta đọc địa chỉ thì hình dung ra được là người ta phải đi như thế nào. Chứ còn bây giờ tên đường kiểu như vậy thì có biết bao nhiêu đường mà kể. Các khu quy hoạch cứ mở ra rồi đặt đủ thứ tên đường hết, thì làm sao kiểm soát cho xuể.”

Chưa kể, lại còn chuyện đặt tên đường trùng lặp, tên của các danh nhân lịch sử hay bị đặt trùng lặp ở các quận khác nhau. Ông Nguyễn Hồng Phát ở Quận Bình Thạnh cho biết:

Một bảng tên đường viết sai chính tả. Photo courtesy of socbay.com
Một bảng tên đường viết sai chính tả. Photo courtesy of socbay.com

“Nhiều khi có năm, sáu con đường mà đặt có mỗi một tên thôi. Chẳng hạn như đường Xô Viết Nghệ Tỉnh đi đến chổ ở Đài Liệt sĩ quận Bình Thạnh chia làm năm, sáu nhánh mà vẫn còn mang tên là Xô Viết Nghệ Tỉnh. Mình đi tìm thì không biết đâu mà lần, nó gây cho mình nhiều khổ sở rồi. Ngoài ra, có khi làm như là bị thiếu tên hay sao ấy, hai, ba đường ở hai quận khác nhau mà cũng lại đặt cùng một tên; như đường Nguyễn Thị Nhỏ ở dưới Chợ Lớn, rồi trên quận Tân Bình cũng có thêm đường Nguyễn Thị Nhỏ nữa. Hoặc có những tên đường cứ thay đổi hoài. Lâu lâu lại đặt ra những cái tên nghe lạ hoắc như mới đây có thêm cái tên đường Tên lửa. Mới chỉ nghe không thôi, mình đã thấy rất là khó kiếm.”

Ngay cả đối với những tên đường mới đặt sau 1975, cũng bị thay đổi mấy lần; tên của con đường này được hoán đổi với đường khác, thậm chí có trường hợp cả hai con đường đều nằm trong cùng một quận. Người Việt đi xa lâu ngày trở về thăm nhà, tần ngần cầm tờ giấy ghi địa chỉ trên tay mà không biết làm sao tìm đường khi mà nhiều tên cũ đã được chuyển thành tên mới. Chị Hồ Thị Thanh một cư dân ở Thủ Đức cho biết:

Nhiều khi có năm, sáu con đường mà đặt có mỗi một tên thôi. Chẳng hạn như đường Xô Viết Nghệ Tỉnh đi đến chổ ở Đài Liệt sĩ quận Bình Thạnh chia làm năm, sáu nhánh mà vẫn tên XVNT.

Ô. Nguyễn Hồng Phát

“Về tên đường thì có những cái bất cập, ví dụ như bây giờ có những khu quy hoạch mới cần tên đường cho dân thì không có, trong khi những con đường đã có tên từ bao năm nay thì lại đổi tên, lấy tên cũ gắn qua chổ khác. Rồi con đường mà ai cũng đã biết mang tên đó thì bây giờ đổi thành tên mới.”

Khốn khổ tìm nhà

Một thực tế khác, bởi do được quy hoạch trước nên có nhiều tên đường đã được đặt và xác định trên bản đồ nhưng do việc quy hoạch còn “để treo”, nên đường chưa được xây dựng, do đó trên thực tế không tìm thấy. Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh khi rà soát lại thì phát hiện ra điều này. Cụ thể là những con đường: Rạch Dơi ở Quận 7, Bùi Chi Nhuận ở quận 10, Đỗ Hành - Quận 12, Võ Đình Sâm – Huyện Bình Chánh.

Trong khi đó có những con đường đã hiện hữu nhưng lại chưa có tên cho người dân sử dụng, khiến người dân khốn khổ vì không biết làm thế nào để liên lạc thư tín hay giao dịch. Chị Thanh cho biết tiếp:

“Trên quan điểm người dân, mình cảm thấy rất khó chịu vì khi đi kiếm đường đến toát mồ hôi mà cũng chẳng biết là ở đâu. Có lần tôi hỏi một công an phường thì người này cũng ngơ ngác vì mới về công tác ở địa bàn này. Mà bây giờ ở những khu quy hoạch mới dân chờ nhà nước không được rồi dân đặt đại một tên nào đó cho con đường. Ví dụ “Tên lửa” rồi quẹo qua Ngã 7, Ngã 8 gì đó. Cái khu đi về phía quận Tân Phú, Bình Chánh thì mọi người tự đặt tên đường để biết mà tìm ra chổ mình cần kiếm, rồi tự update với nhau vì nhà nước chưa đặt. Đối với cơ quan hành chính của nhà nước cũng gặp vấn đề đó vì toà nhà được dựng trên khu vực mới quy hoạch, địa chỉ thư tín chưa có, tên đường chưa có thì làm gì có địa chỉ. Thế thì muốn nộp hồ sơ phải nộp cho cơ quan chủ quản mà có địa chỉ rồi công văn được xe máy vận chuyển qua bên kia nộp lại, nên gây trễ trong việc sử lý hồ sơ của dân.”

Một bảng tên đường rơi rụng tại TPHCM. Photo courtesy of ld.com.vn
Một bảng tên đường rơi rụng tại TPHCM. Photo courtesy of ld.com.vn

Anh Nguyễn Nhật Khoa, ngụ tại khu mới quy hoạch của Quận 3 đưa ra một vài ý kiến trong việc đặt tên đường. Theo anh Khoa, Thành phố Hồ Chí Minh nên có một chương trình hướng dẫn tìm phương hướng, bản đồ trên mạng. Anh Khoa nói:

“Khi có một đường mới thì phải kịp thời đặt tên liền. Trước hết, muốn tránh sự trùng lặp thì phải nắm được tên của những con đường đã đặt, Theo tôi nghĩ nếu áp dụng công nghệ thông tin có một chương trình quản lý những con đường trên máy vi tính; đường nào có rồi thì không đặt trùng nữa. Đối với những con đường mới thì phải đưa ra những tiêu chí rõ rệt khi đặt tên đường. Cấp quản lý cũng quan trọng, nghĩa là phải ở cấp độ nào thì mới được đặt tên đường. Chứ không phải cứ đặt loạn lên như vậy thì nó sẽ tiếp tục làm cho có sự rối rắm về tên đường mà thôi. Chúng ta nên có một hệ thống mạng mà trong đó có thể giúp người dân tìm những con đường muốn đến. Cũng tựa như chương trình Yahoo Map, Google map thì như vậy sẽ tạo ra được thuận lợi cho người dân.”

Về chuyện tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây phóng viên Mark Magnier của Báo Los Angeles Times có bài viết về đề tài này. Phóng viên đã phỏng vấn nhiều người dân ở thành phố mang tên Bác về vấn đề tên đường. Xin trích dẫn ý kiến của một người thuộc thế hệ đã từng tham gia cách mạng nói rằng, hầu hết người dân Sài Gòn đều thích gọi thành phố bằng cái tên đã có từ thời Pháp này. Người này cũng giải thích rằng tên Sài Gòn dễ đọc vì chỉ mang hai chữ, trong khi nếu nói Thành phố Hồ Chí Minh thì người ta phải phát âm nhiều hơn.

Theo dòng thời sự: