Nhà văn Hoàng Đạo và Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn


2007.09.09

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm tiếp tục mời quý thính giả theo dõi phần 3 trong loạt bài viết về Tự Lực Văn Đoàn. Trong phần này chúng tôi xin giới thiệu hai nhà văn Hoàng Đạo và Thạch Lam, hai trong số 4 nhân vật cột trụ của Tự Lực Văn Đoàn của những ngày đầu thành lập. Chương trình hôm nay có sự góp tiếng của Thy Nga và Nhã Trân, mời quý vị theo dõi.

ThachLamBook150.jpg
Bút ký Hà Nội Băm Sáu Phố Phường của Thạch Lam

Nhà văn Hoàng Đạo

Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, là em ruột nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Ông sinh năm 1906 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Năm 1930, Hoàng Đạo vào học Trường Luật Hà Nội, thi đỗ cử nhân Luật khoa, ông được bổ làm tham tá lục sự ở tòa án Đà Nẵng, rồi sau đổi ra Hà Nội, nhưng vẫn tích cực hoạt động cho nghề văn.

Từ năm 1932, ông cộng tác cùng anh là Nhất Linh, với các ông Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ viết báo Phong Hóa, lấy tên là Tứ Ly. Trong khi Hòang đạo là giờ tốt nhất trong ngày thì Tứ Ly lại là giờ xấu nhất. Sự chọn lựa hai bút hiệu trái ngược nhau cho thấy tính cách rắn rõi của nhà văn.

Năm 1937, tờ Phong Hóa bị đình bản chỉ vì 1 bài phóng sự đặc sắc của Hoàng Đạo về Hoàng Trọng Phu. Từ 1937 trở đi, Hoàng Đạo lần lượt cho ra đời những bài về xã hội, kinh tế, chính trị rất có giá trị, tính cách chống phong kiến và đế quốc rất cao như: Trước Vành Móng Ngựa, Mười Điều Tâm Niệm, Bùn Lầy Nước Đọng, Vấn Đề Thuộc Địa, Vấn Đề Cần Lao...

Trên tờ Ngày Nay, trong mục Trước vành móng ngựa, Hoàng Đạo đã ghi lại những tình cảnh bi hài của dân nghèo trước toà tiểu hình Hà Nội. Là một người tốt nghiệp ngành Luật, Hoàng Đạo lại không tin hệ thống tòa án của thực dân. Ông đả phá lề thói quan liêu hiếp bức của bọn quan lại qua những bài viết sắc sảo đã gây tiếng vang rất lớn trong dư luận thời bấy giờ.

Năm 1939, Hoàng Đạo cho đăng tiểu thuyết Con Đường Sáng, là 1 truyện dài ông đã cùng viết chung với Nhất Linh.

Tháng 8/1948, Hoàng Đạo chẳng may bị đứt mạch máu chết trên chuyến xe lửa từ Hongkong đi Quảng Châu, khi xe ngang qua trấn Thạch Long, hưởng dương 42 tuổi.

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê rất sắc sảo trong những trang viết về Hoàng Đạo.Trước tiên theo bà tác phẩm Con đường sáng nằm trong bối cảnh xã hội miền Bắc, dưới cái nhìn Tự Lực Văn Đoàn, trong lập trường đấu tranh xã hội của Hoàng Đạo: tức là dùng tiểu thuyết luận đề để cải cách xã hội và thay đổi con người. Với một chủ đề rõ ràng như thế, tác phẩm rất dễ rơi vào vòng luân lý giáo khoa thư.

Nhưng Hoàng Đạo đã thoát ra được và ông đã hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Theo bà Thụy Khuê, Truyện Con đưòng sáng có cấu trúc gần như tầm thường của một truyện kể cổ điển, nhưng tác phẩm bật ra hai góc cạnh bất ngờ: Yếu tố đầu tiên "cứu" Duy, (nhân vật chánh) là thiên nhiên, là những bông lúa dưới nắng. Những bông lúa cong và những lá lúa trong như màu hổ phách đã cứu chàng trong chặng đầu của nhận thức. Yếu tố sau cùng giúp chàng thoát ly khỏi tình trạng tha hoá (không phải là dân quê như nhiều người lầm tưỏng) mà là chữ nghiã, sách vở, là nghệ thuật.

Vì vậy Con đưòng sáng thoát ra khỏi sự xoàng xĩnh chân chất của một cuốn tiểu thuyết lý tưởng, nhờ những yếu tố bất ngờ này: Duy không hề hy sinh cho một lý tưởng đã sắp đặt sẵn, Duy chỉ là người đi tìm lẽ sống.

Nhìn lại những gì mà Hoàng Đạo để lại ngày hôm nay, nhà phê bình văn học Thụy Khuê cho rằng những điều Hoàng Đạo viết là viết cho tức khắc, về những chuyện đang xẩy ra trước mắt, phải giải quyết ngay ngày hôm nay. Ông không nghĩ đến tác phẩm để đời. Ông cũng không có thì giờ nghĩ đến cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ, khi đất nước và dân tộc ông đang cần những bài xã luận nảy lửa: Khi học sinh, sinh viên cần một cẩm nang, cần một "thánh kinh" với những khẩu hiệu, ông viết Mười điều tâm niệm.

Khi dân chúng nghèo đói, thất học, là nạn nhân của những phiên toà không có luật sư biện hộ, ông phanh phui những cảnh khôi hài bi đát Trước vành móng ngựa. Khi toàn thể dân quê sống trong cảnh tối tăm, dưới một hệ thống xã hội bất công đầy áp búc, ông tố cáo, ông đề nghị sửa đổi cơ chế gây ra cảnh Bùn lầy nước đọng. Và khi tranh đấu bằng ngòi bút, không đem lại kết quả mong muốn tức thời, thì, như Sartre đã nói rất đúng: nhà văn phải cầm súng: Hoàng Đạo cầm súng và Hoàng Đạo tranh đấu đến hơi thở cuối cùng.

Hoàng Đạo là mô hình của mẫu người trí thức dấn thân hiện đại. Ở ông là tính hiện đại triệt để theo mới hoàn toàn theo mới không chút do dự.

Trong 41 năm ngắn ngủi của cuộc sống, Hoàng Đạo khi cầm bút, khi cầm súng, tranh đấu đến chết. Nhà chính trị có những mềm yếu, những lúc chán nản ê chề, muốn quyên sinh, muốn bỏ tất cả, cho sa ngã, cho bùn lầy, và có lúc trở thành nhà thơ trong Con đường sáng, trong Tiếng đàn. Tác phẩm văn học đối với Hoàng Đạo chỉ là chỗ nghỉ chân của người "anh hùng" ngã ngựa. Tác phẩm văn học bộc lộ tâm hồn một thi nhân không có thì giờ dành cho chữ nghĩa, phản ảnh một khiá cạnh khác của con người Hoàng Đạo mà bản tuyên ngôn Mười điều tâm niệm chỉ là bề mặt của một nội tâm cô độc đớn đau.

Nhà văn Thạch Lam

Trong 4 nhân vật cột trụ của Tự Lực Văn Đoàn người được xem là hiền lành nhất là nhà văn Thạch Lam.

Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân. Quê nội làng Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương. Thuở nhỏ, Thạch Lam sống với gia đình ở quê ngoại, sau đó theo cha chuyển sang Thái Bình tiếp tục bậc tiểu học. Lớn lên, ông cùng gia đình chuyển ra Hà Nội, học trường Canh nông, rồi trường Trung học Albert Sarraut.

Thạch Lam bắt đầu hoạt động văn học từ năm 1932, thành viên của Tự lực văn đoàn. Ông tham gia biên tập các tờ tuần báo Phong hóa, Ngày nay. Thạch Lam mất vì bệnh lao năm 1942 tại Hà Nội. Các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), tiểu thuyết Ngày mới (1939), tập tiểu luận Theo dòng (1941), tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943).

Trong mười năm ngắn ngủi tham gia vào công việc văn chương, Thạch Lam chú ý đến những hình ảnh thơ mộng, đẹp ngấm ngầm của xã hội Việt Nam. Nếu Gió Đầu Mùa nói về nông thôn thì Hà Nội Băm Sáu Phố Phường đã mang Thạch Lam lên một vị trí quan trọng của Văn học Việt khi viết về Hà Nội.

Tập bút ký này diễn tả những nét văn hóa của Hà Nội mà dưới mắt nhà văn, nét đẹp cổ xưa hòa quyện với đời sống người dân thị tứ đã tạo cho Hà Nội trở thành một thành phố không thể nào hòa lẫn. Ba mươi sáu phố phường của Hà Nội dưới ngòi bút Thạch Lam trở nên sinh động và có tiếng nói riêng trên từng khu phố.

Thạch Lam không phải là người Hà Nội nhưng những rung động của ông đối với nơi này thật mạnh mẽ và sâu lắng, thiếu những yếu tố này, chắc chắn chúng ta sẽ không có được một tác phẩm mà theo nhiều nhà phê bình văn học đều cho rằng đây là hạt ngọc của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Trong tác phẩm Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, bằng cảm quan nghệ thuật tinh tế, Thạch Lam sớm nhận ra nét đẹp hoàn mĩ và giá trị thực của các di sản văn hoá của Hồ Gươm, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn. Không phải là người hoài cổ nhưng Thạch Lam trân trọng công trình văn hóa của người trước và ông như một người giữ chùa cần mẫn, thu vén từng chiếc lá rơi để chánh điện luôn giữ được vẻ trang nghiêm u tịch.

Chúng ta hãy nghe một đoạn ngắn trong bút ký Hà Nội Băm Sáu Phố Phường:

Nhìn lại những gì mà Hoàng Đạo để lại ngày hôm nay, nhà phê bình văn học Thụy Khuê cho rằng những điều Hoàng Đạo viết là viết cho tức khắc, về những chuyện đang xẩy ra trước mắt, phải giải quyết ngay ngày hôm nay. Ông không nghĩ đến tác phẩm để đời. Ông cũng không có thì giờ nghĩ đến cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ, khi đất nước và dân tộc ông đang cần những bài xã luận nảy lửa: Khi học sinh, sinh viên cần một cẩm nang, cần một "thánh kinh" với những khẩu hiệu, ông viết Mười điều tâm niệm.

“Ngày trước, ở trước cửa phủ toàn quyền, còn có một nhóm tường mà người ta đã phá đi rồi, cách đây đâu mười năm gì đó. Nhóm tường đó trông xa giống như mâm xôi; ở đỉnh có những hình thù gì, tôi không nhớ, nhưng ở phía dưới, có tượng hai người đàn bà nằm choài ra như bơi, tóc buông xõa và lẩn mình vào thành bể. Hai người đàn bà đó người ta bảo là hình dung hai con sông Nhị Hà và Mêkông.

Chúng ta tưởng tượng phong cảnh hồ Hoàn Kiếm với cái mâm xôi bằng đá lù lù ấy. May thay không biết có ai phản đối, người ta bỏ cái dự định ấy, và đem nhóm tường dựng ở trước cửa phủ Toàn quyền, để rồi sau đó ít lâu phá đi.

Sự phản đối ít lợi ấy có lẽ là công việc của ủy ban coi về vẻ đẹp của thành phố hẳn?

Sau đó ít lâu, một dạo, ngay bên cổng của đền Ngọc Sơn, chúng ta được trông thấy đứng sừng sững và thẳng tấp một cái cột dây điện chằng chịt và cả đèn điện với những cái "bình tích" bằng sứ trắng, khiến cho cái cột sắt sơn hắc ín đó như một thứ cây già mọi rợ vụng về. Cái cây đó làm cho vẻ đẹp của cổng đền Ngọc Sơn giảm mất đến chín phần mười.

Nhưng lại may thay, cũng cách sau ít lâu, cái cột đó không còn nữa. Công việc của ủy ban kia chắc thôi.

Sau đó ít lâu nữa, cảnh đền Ngọc Sơn lại chịu phải một sự thêm thắt xấu xa khác.

Có lẽ theo lời yêu cầu của những ai trông nom cái đền đó, người ta đã cho bắc suốt từ ngoài cổng, qua đầu, vào đến trong đền, những vòng sắt nền, có những đường uốn lượn ngoằn ngoèo, cũng sơn hắc ín, và để mắc đèn.

Mắc đèn cho sáng, cho tiện những người đi lễ đền. Một ý tốt, rất tốt. Nhưng sao lại phải trả bằng một cách bôi nhọ vẻ đẹp của đền thế? Muốn sáng cổng và sáng cầu thì thiếu gì cách: mắc đèn vào những chỗ lõm khuất khúc của cổng và của cầu: đèn để như thế vừa được kín đáo, vừa không làm giảm vẻ đẹp, không kể cái lối ánh sáng đập lại ấy dịu dàng và làm tôn cảnh đền hơn lên.

Đằng này, mắc những võng sắt với cánh hoa hoét rẻ tiền kia vào cái cổng đẹp đẽ có lối kiến trúc riêng, có vẻ cổ sơ ấy, thực là một cách đập phá mỹ thuật tai hại không gì bằng.

Cho cả đến ba chữ "Ngọc Sơn Tự" bằng sắt dán trên một tấm lưới cũng sắt, và có hoa lá cũng sắt nốt, cả cái biển ấy cũng chướng mắt không kém.

Những thanh sắt ấy ở đó cũng khá lâu rồi thì phải, mà chưa thấy cái ủy ban nào đó nếu ủy ban ấy có làm việc gì cả. Việc thì rất giản dị: nghĩa là bỏ những cái đó là xong."

Hơn nửa thế kỷ trước, Thạch Lam đã cảnh báo mạnh mẽ những người có trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản văn hóa và cảnh quan của Hà Nội qua tác phẩm Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, và ngày nay những cảnh báo này tỏ ra vẫn còn hiệu nghiệm.

Tuy không dấn thân mạnh mẽ như hai anh bằng những tiểu thuyết nghị luận, Thạch Lam vẫn không thể chịu nổi những cảnh đời nghèo khó khốn cùng của làng quê miền Bắc thời bấy giờ. Những dòng tả chân đặc sắc cảnh đời của Nhà Mẹ Lê trong tác phẩm Gió Đầu Mùa đã làm văn học Việt Nam đậm nét quyến rũ qua một văn phong gợi cảm:

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay dăn deo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: Mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi, đứa bé nhất hãy còn phải bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, một căn nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi.

Nhưng còn cách kiếm ăn. Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mượn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà.

Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng kia đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống ra dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ; vì không ai mượn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hi mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn.

Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm để mong lấy cái hơi ấm của mình ấp ủ cho nó. Thằng con nhớn nhất thì từ sáng đã cùng thằng Ba ra cánh đồng kiếm con cua con ốc, hay sau mùa gặt, đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng.

Thật là sung sướng, nếu chúng mang về được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng, bác Lê đẩy con ra vơ lấy bó lúa, đem để xuống dưới chân vò nát, vét hột thóc, giã lấy gạo. Rồi là một bữa cơm nóng lúc buổi tối giá rét mẹ con ngồi xúm quanh nồi cơm bốc hơi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh.”

Trở lại việc gần đây Bộ Thông Tin Văn Hóa đề nghị tỉnh Hải Dương tập trung tư liệu của Tự Lực Văn Đòan nhằm đánh giá lại những đóng góp của họ trong văn học Việt Nam, chúng tôi hỏi chuyện ông Nguyễn Tường Giang là con của nhà văn Thạch Lam hiện đang sinh sống tại Mỹ chung quanh việc nhà văn là người duy nhất được Hà Nội cho phép đặt tên đường tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông Giang cho biết

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.