Vụ gây ô nhiễm mội trường của Vedan còn nhiều uẩn khúc

Cả 2 phía trong vụ gây ô nhiễm mội trường, là Vedan và Hội Nông Dân, đều cho rằng sẽ chọn phương án “hỗ trợ” liên quan đến thiệt hại của người nông dân.
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009.03.18
Sông Thị Vải nổi váng, bốc mùi hôi thối Sông Thị Vải nổi váng, bốc mùi hôi thối.
Photo courtesy Vietnamnet.(Ảnh: CTV)

Nhưng có một thực tế, là Hội Nông Dân chưa hẳn là nơi quy tụ tất cả mọi nông dân liên quan đến vụ Vedan. Một số luật sư thì khẳng định, sự can thiệp của Chính Quyền cũng khiến kết quả “vụ Vedan” không thể nào tiên đoán được.

“Hướng đi là khiếu nại trước. “Hỗ trợ” hay “bồi thường” là cách dùng chữ. Miễn làm sao người nông dân được hưởng phần mà họ đã bị hại. Còn nếu Vedan không đồng ý thì mới kiện sau. Trước hết là phải hiệp thương.”

Ô.Nguyễn Văn Phụng, PCT. Hội Nông Dân

Hỗ trợ hay bồi thường?

Hướng đi và giải pháp liên quan đến thiệt hại của nông dân trong vụ Vedan có thể còn lâu lắm mới giải quyết xong.

Tình trạng kéo dài đến từ một số yếu tố. Thứ nhất: ai sẽ là người đại diện nông dân. Thứ hai: giữa “hỗ trợ” và “bồi thường,” giải pháp nào sẽ được chọn làm căn bản giải quyết mâu thuẫn. Thứ ba, tiêu chí nào sẽ được sử dụng để xác định mức hỗ trợ hay bồi thường. Và thứ tư, liệu hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn nông dân của cả 3 địa phương Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, có cùng đồng ý để các Hội Nông Dân địa phương đứng ra đại diện hay không.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ Tịch Hội Nông Dân Thành Phố Hồ Chí Minh xác định, là Hội và công ty Vedan đã có những cuộc trao đổi sơ khởi. Hội chọn phương hướng hỗ trợ, còn phía Vedan cần sớm đưa ra tiêu chí hỗ trợ một khi cả 2 phía cùng thống nhất giải pháp này.

“Hướng đi là khiếu nại trước. “Hỗ trợ” hay “bồi thường” là cách dùng chữ. Miễn làm sao người nông dân được hưởng phần mà họ đã bị hại. Còn nếu Vedan không đồng ý thì mới kiện sau. Trước hết là phải hiệp thương.”

Thống nhất phương án đòi bồi thường

Tuy nhiên, cũng liên quan đến vụ này, báo chí trong nước đưa tin cho hay, là Hội Nông Dân của cả 3 tỉnh sẽ kiện Vedan. Theo bản tin của báo điện tử VietNamNet ngày 26 tháng Hai, thì “tại Hội Nghị Giao Ban Hội Nông Dân các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, Hội Nông Dân 3 tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sẽ sớm thống nhất phương án giúp nông dân kiện Vedan.”

“Tại Hội Nghị Giao Ban Hội Nông Dân các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, Hội Nông Dân 3 tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sẽ sớm thống nhất phương án giúp nông dân kiện Vedan.”
Báo điện tử VietNamNet

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây với đài chúng tôi, luật sư đại diện Vedan, là ông Hoàng Như Vĩnh khẳng định, rằng Vedan “không đi theo phương thức bồi thường, mà chỉ chấp nhận hỗ trợ.” Ông Vĩnh cũng cho biết, là Vedan đến nay đã nhận được khoảng 800 đơn của người dân địa phương liên quan đến vụ việc này.

“Vedan nhận được gần 800 đơn của người dân, ghi tiêu đề “khiếu kiện” hoặc “khiếu nại.” Cách đưa đơn như thế này là không đúng quy trình pháp luật. Muốn kiện thì cần nộp đơn qua toà án.”

Luật sư Hoàng Như Vĩnh cho biết, phía Vedan “không nói là không làm thiệt hại môi trường,” rằng “hành vi của Vedan là có, thiệt hại cũng có thể có. Nhưng giữa hành vi vi phạm và thiệt hại có phải là nhân quả hay không thì không ai chứng minh được.”

Bảy ngàn đơn khiếu nại của nông dân

Nhưng điều quan trọng, là cho đến nay, chưa một đơn kiện nào của nông dân được tòa sơ thẩm thụ lý.

Vẫn theo bản tin của VietNamNet, hiện có hơn 7 ngàn đơn của nông dân khiếu nại yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại. Trong số này, 4 ngàn đơn là của Đồng Nai; 2 ngàn đơn của thành phố Hồ Chí Minh; số còn lại thuộc về Bà Rịa – Vũng Tàu.

Luật sư Vĩnh nói rằng, đơn không được thụ lý là do “không đủ điều kiện để thụ lý.”

Nhưng điều quan trọng, là cho đến nay, chưa một đơn kiện nào của nông dân được tòa sơ thẩm thụ lý. Vẫn theo bản tin của VietNamNet, hiện có hơn 7 ngàn đơn của nông dân khiếu nại yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại.

Báo điện tử VietNamNet

 “Toà án có thụ lý hay không là thuộc về lãnh vực tố tụng. Hiện nay toà án huyện Long Thành chưa thụ lý được đơn nào, vì các đơn ấy không đủ điều kiện để thụ lý.”

Liên quan đến thủ tục và quyết định thụ lý hồ sơ tại tòa sơ thẩm cấp huyện, luật sư Nguyễn Vân Nam, một người nước ngoài hiện đang làm việc tại Sài Gòn, nhận định rằng “sự chênh lệch trình độ thẩm phán làm ảnh hưởng đến quyền của người nông dân được tòa xem xét một cách có chất lượng.” Ông Nam cũng nhận định, là “cách xử lý tại Việt Nam rất khác thường; xử lý kéo dài và dường như là không thể kết luận được.”

“Tại Việt Nam, sự chênh lệch về trình độ thẩm phán của toà sơ thẩm Huyện với toà sơ thẩm của Thành Phố là rất lớn. Luật pháp Việt Nam không phân thẩm quyền theo mức độ quan trọng của vụ tranh chấp, và vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến quyền được toà xem xét một cách có chất lượng. Nếu vụ Vedan không phải do tòa cấp Huyện mà do cấp Thành Phố sơ thẩm thì có thể sẽ khác rồi.”

“Tại Việt Nam, sự chênh lệch về trình độ thẩm phán của toà sơ thẩm Huyện với toà sơ thẩm của Thành Phố là rất lớn. Luật pháp Việt Nam không phân thẩm quyền theo mức độ quan trọng của vụ tranh chấp, và vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến quyền được toà xem xét một cách có chất lượng.
Luật sư Nguyễn Vân Nam

Cho dầu phương hướng “hỗ trợ” hay “bồi thường” sẽ được chọn làm giải pháp cho vụ Vedan, thì tư cách pháp nhân và tính thống nhất của Hội Nông Dân cũng là một vấn đề có thể có trở ngại.

Luật sư Nguyễn Vân Nam nhận định, Hội Nông Dân không có tư cách pháp nhân. Luật sư Hoàng Như Vĩnh thì cho là người nông dân có thể làm văn bản uỷ quyền cho Hội. Nhưng, có một thực tế rất rõ: liệu Hội Nông Dân có thực sự là nơi quy tụ của tất cả nông dân hay không? Luật sư Hoàng Như Vĩnh cho biết, “Hội Nông Dân làm việc với Vedan và nói rằng sẽ đại diện nông dân, nhưng phía Vedan chưa nhận được sự ủy nhiệm ấy.”

Một số luật sư quan sát diễn tiến vụ Vedan nhận định, là khó có thể biết được kết quả cuối cùng của câu chuyện này nếu chỉ đơn thuần dựa trên các yếu tố thuần tuý thuộc lãnh vực tư pháp. Đơn giản là vì, chính quyền, đặc biệt các cấp Uỷ tại địa phương, can thiệp sâu và trực tiếp vào nhiều phía có liên quan.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.