Mẫu mực Trung Quốc


2005.10.19

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Hội nghị kỳ thứ Năm của Ban chấp hành Trung ương khóa 16 đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc tuần trước với một kế hoạch năm năm thứ 11, từ 2006 đến 2010. Trong khi ấy, đảng Cộng sản Việt Nam đang ráo riết sửa soạn Đại hội khóa 10 vào năm tới, với nhiều văn kiện dự thảo phần nào cho thấy màu sắc Trung Quốc trong những định hướng chiến lược của đảng.

RumsfeldChina200.jpg
Tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh hôm 18-10-2005. AFP PHOTO

Do đó, kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ đề cập đến “mẫu mực Trung Quốc” trong chiến lược kinh tế và xã hội của Việt Nam trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này do Việt Long thực hiện sau đây…

Chính trị và Kinh tế

Hỏi: Ông thuờng theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc và cả những tình hình chính trị liên quan đến kinh tế ở xứ này; ông có nhận xét gì về Hội nghị kỳ Năm của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và về những vấn đề trước mắt của quốc gia này?

Đáp: Nhận xét trước tiên của tôi là lãnh đạo Bắc Kinh rất kín tiếng về các quyết định của họ trong Hội nghị kỳ năm khóa 16 vừa kết thúc hôm 11. Một phần là vì bên trong còn nhiều quan điểm mâu thuẫn và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể vẫn bị lép vế trước các tướng lãnh và trước ảnh hưởng còn mạnh của ông Giang Trạch Dân.

Ta thấy ra điều ấy khi văn kiện quan trọng nhất là Kế hoạch năm năm thứ 11, Phát triển Kinh tế Xã hội từ 2006 đến 2010, lại không được công bố trọn vẹn, nhiều đề nghị cải cách chính trị của hai ông Hồ- Ôn bị gác qua một bên, và những gì được tiết lộ lại cho thấy một chuỗi dài những khó khăn.

Hỏi: Chúng ta sẽ lần lượt bàn thảo về điều ông gọi là một chuỗi dài những khó khăn đó, nhưng trước tiên, thưa ông, dư luận bên ngoài đánh giá sự việc ấy ra sao?

Đáp: Thưa đây là nhận xét thứ hai, thế giới bên ngoài không phải không biết về nỗi khó khăn ấy của Bắc Kinh. Hôm Chủ nhật 16, ở hội nghị của Hội đồng Kinh tế Hỗn hợp Mỹ-Hoa, được triệu tập tại Bắc Kinh ngay sau hội nghị các nhà lĩnh đạo tài chính ngân hàng của nhóm G-20, có lẽ Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ John Snow có gián tiếp nói ra điều ấy khi khuyến cáo rằng Trung Quốc có thể gặp nhiều chấn động tất yếu và chỉ đạt mức ổn định cao hơn hầu ứng phó nổi với những chấn động ấy nếu giảm bớt được những xơ cứng trong nền kinh tế.

Như tại Việt Nam, Hội nghị Trung ương là cơ hội cho Ban chấp hành Trung ương khẳng định tư thế của mình với các đảng viên và cán bộ ở cơ sở và địa phương. Tại Trung Quốc lần này, ta không thấy được tư thế ấy của trung ương đối với địa phương, trong nhiều vấn đề rất nóng bỏng của kinh tế và xã hội. Cho nên tôi thiển nghĩ rằng các vấn đề của địa phương sẽ còn là một thách đố lớn cho trung ương, tương tự như những gì đang xảy ra tại Việt Nam ngày nay.

Sửa sai đường lối Đặng Tiểu Bình vì những lệch lạc mà bây giờ giới lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu thấy, còn lãnh đạo Việt Nam thì chưa vì có ai trong đảng có thấy mà nói ra thì lại sợ mang tội “trứng khôn hơn vịt”.

Hỏi: Bây giờ, ta đi vào nội dung của kế hoạch năm năm này, nó có những gì đáng chú ý?

Đáp: Văn kiện này chỉ được công bố một phần, với lời giới thiệu là có nội dung rất “cách mạng”, thực chất lại là sửa sai đường lối Đặng Tiểu Bình vì những thất quân bình và lệch lạc mà bây giờ giới lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu thấy, còn lãnh đạo Việt Nam thì chưa vì có ai trong đảng có thấy mà nói ra thì lại sợ mang tội “trứng khôn hơn vịt”. Tôi sẽ xin giải thích điều ấy sau.

Thứ hai, từ việc sửa sai ấy, ta thấy là lãnh đạo Bắc Kinh đã ý thức được sự khác biệt lớn giữa “tăng trưởng kinh tế” và “phát triển kinh tế”. Đó là chuyện thiếu cân đối giữa “lượng” và “phẩm” mà ta nói tới rất nhiều ở ngoài này nhưng ở Hà Nội thì chưa rõ, như có thể thấy trong bản báo cáo chính trị của Chính phủ đã trình Quốc hội cho kỳ họp sẽ khai mạc ngày 18 này.

Thứ ba là dù lãnh đạo Bắc Kinh có thấy ra vấn đề trong cơ cấu và đề ra nhiều giải pháp, thí dụ như định nghĩa lại phạm trù “thịnh vượng hài hòa”, hoặc nhắm vào “tăng trưởng bền vững”, và tăng cường “phát triển dịch vụ xã hội”, thì từ vấn đề đến giải pháp người ta có một khoảng cách rất xa, cụ thể là mất nhiều năm, vì thiếu sự đồng thuận chính trị ở trên cùng. Và đấy là một ách tắc lớn của mô thức phát triển xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Quốc.

Sửa sai Đặng Tiểu Bình?

Hỏi: Chúng ta sẽ lần lượt đi vào từng vấn đề như ông vừa tóm lược ở trên. Trước nhất, vì sao ông lại nói đến một điều nghe khá lạ là “sửa sai Đặng Tiểu Bình”. Đường lối cải cách của họ Đặng đã chẳng tạo ra sự kỳ diệu kinh tế Trung Quốc đó sao?

Đáp: Thưa rất đúng mà Việt Nam học chậm hơn nên chưa biết là đã đến lúc phải sửa sai rồi cứ coi đó là khuôn vàng thước ngọc. Hãy nói về bối cảnh quyết định của Đặng Tiểu Bình: ông ta biết là sau 10 năm mê sảng của cuộc Đại văn cách thì phải cải tổ và từ bỏ đường lối tập trung kế hoạch. Từ đấy mới có khẩu hiệu rất cách mạng là mọi người phải làm giàu.

Nhìn trên tầm vóc “vĩ mô” như lối nói trong nước thì đúng, vì dân có giàu thì nước mới mạnh. Nhưng, một phần tư thế kỷ sau, họ mới thấy tinh thần làm giàu ấy khiến Trung Quốc không có nền kinh tế thị trường mà chỉ có một nền kinh tế lý tài, với hậu quả là tình trạng vô trách nhiệm chung, đi cùng nạn tham nhũng - càng gần quyền lực tham ô càng cao.

Về mặt kinh tế xã hội thì ta có nạn môi sinh bị hủy hoại - một loại phí tổn kinh tế không được khấu trừ vào tốc độ tăng trưởng sản xuất rất cao. Thứ nữa, và đây một thách đố cho sự tồn vong của chế độ, là hố sâu giàu nghèo bị mở rộng. Nhóm thập phân nghèo nhất – tức là một phần mười dân số nghèo nhất – chỉ kiểm soát được 2% của tài sản quốc dân, tromng khi nhóm giàu nhất làm chủ đến 40%. Thực tế bất công ấy là điều mỉa mai cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam cũng đang leo thang lên cái nấc đó mà chưa biết sợ.

Việt Nam học chậm hơn nên chưa biết là đã đến lúc phải sửa sai rồi cứ coi đó là khuôn vàng thước ngọc.

Hỏi: Như vậy có nghĩa là ông cho rằng lãnh đạo Bắc Kinh đã biết sợ nên mới điều chỉnh lại hướng đi của họ Đặng?

Đáp: Từ nhiều năm nay, biểu tình và bạo động đã xảy ra như cơm bữa ở nhiều nơi, vì chuyện nhỏ như giải phóng mặt bằng hoặc dãn dân để thực hiện các dự án ở địa phương, hoặc những chuyện lớn hơn, như dân Hồi nổi loạn không ở Tân Cương xa xôi mà ở tại Hà Nam. Cuối năm ngoái, năm vạn người Hồi đã biểu tình tại Tứ Xuyên.

Đảng Cộng sản Trung Quốc mong nắm được quyền lực nhờ bát cơm và tự ái dân tộc. Bát cơm ấy ngày nay hết còn hấp dẫn, đảng có phi thuyền Thần Châu để vuốt ve tự ái dân tộc. Nhưng động loạn đã là mối nguy khó tránh vì vậy Hội nghị Trung ương mới nói đến phát triển hài hòa, bền vững và tăng cường dịch vụ xã hội, và trước đấy là việc thành lập các lực lượng cảnh sát đặc biệt chống biểu tình. Sự kỳ lạ của sự kỳ diệu kinh tế Trung Quốc là phải dùng cảnh sát dẹp loạn ngoài thị trường.

Hà Nội với mẫu mực Bắc Kinh

Hỏi: Nghĩa là Bắc Kinh đã biết sợ nên đang sửa, còn Hà Nội thì chưa, nên vẫn coi mô thức Trung Quốc là mẫu mực?

Đáp: Tôi e là như vậy. Có thể vì lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam tin vào sức trấn áp của họ, đi cùng kết quả của chính sách ngu dân, là làm người dân hết biết so sánh. Trên cùng, có thể là họ tin vào sự hèn yếu nhu nhược của người dân, vì chẳng ai dám chống đối, miễn sao làm giàu thật nhanh, như Trung Quốc là đủ.

Hỏi: Bước qua nhận xét thứ hai, sự khác biệt giữa lượng và phẩm, giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hội nghị Trung ương tại Bắc Kinh đã thấy ra điều ấy, Việt Nam thì vẫn chưa phải không ạ?

Có thể lãnh đạo đảng CSVN tin vào sức trấn áp của họ, đi cùng kết quả của chính sách ngu dân, là làm người dân hết biết so sánh. Trên cùng, có thể là họ tin vào sự hèn yếu nhu nhược của người dân, vì chẳng ai dám chống đối, miễn sao làm giàu thật nhanh, là đủ.

Đáp: Thưa vâng. Về ngôn từ, người ta chưa phân biệt nổi hai chuyện tăng trưởng và phát triển, và còn rơi vào phản ứng thái quá dễ hiểu. Sau nhiều năm tuyên xưng khẩu hiệu không định lượng, ngày nay, Hà Nội chỉ nói đến nào năm mục tiêu, tám nhiệm vụ rồi các chỉ tiêu với hàng trăm con số rất có vẻ khoa học.

Đảng Cộng sản Trung Quốc thì nói ra là “Nạn mù quáng theo đuổi mức tăng trưởng kinh tế dẫn tới đầu tư mù quáng, gây thiệt hại cho môi sinh và nạn thống kê sai lạc”, như chính Tân Hoa Xã đã tiết lộ. Vì thế, họ mới nhắm vào các chính sách tăng trưởng và phát triển bền vững. Tức là tăng trưởng chỉ trở thành phát triển khi tồn tại lâu dài và đem lại lợi ích đồng đều hơn. Từ lượng, họ đã chú ý đến phẩm, đến các tỉnh bị lãng quên, bị tụt hậu và nói đến ý niệm thịnh vượng hài hòa, tăng trưởng có cân đối. Vì nếu không, đảng sẽ mất quyền.

Hỏi: Nhưng, ông có nêu nhận xét thứ ba là dường như lãnh đạo Bắc Kinh vẫn chưa đạt được sự đồng thuận ấy trong Hội nghị Trung ương vừa rồi, điều đó có là một mâu thuẫn chăng?

Đáp: Những tin tức được tiết lộ ra ngoài cho thấy có nhiều tranh luận gay gắt ngay trong bộ Chính trị, là cơ chế thực tế điều khiển hội nghị trung ương này. Một số người duy ý chí thì vẫn đề cao chủ trương tăng trưởng tối đa của nguyên chủ tịch Giang Trạch Dân trong khi ông Hồ Cẩm Đào có vẻ dè dặt hơn và đề nghị một số biện pháp điều chỉnh. Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ và hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo chỉ có thể nêu lên một số phương hướng điều chỉnh như chúng ta vừa trình bày.

Điều ấy dẫn tới hai hậu quả, thứ nhất, tập thể lãnh đạo này không thể có những quyết định thực sự cách mạng, như tình hình đang đòi hỏi vì tiến trình tranh luận hay thuyết phục có thể kéo dài rất lâu trong khi vấn đề vẫn hàng ngày trở thành nguy ngập hơn. Hậu quả thứ hai là khi trung ương còn đang ú ớ như vậy thì các địa phương vẫn tiếp tục đường lối cũ, nghĩa là tiếp tục gây thêm vấn đề khiến động loạn càng dễ bùng nổ.

Việt Nam đang bị “Hán hóa”?

Hỏi: Và ông gọi đấy là ách tắc cơ bản của mô thức “phát triển xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc”. Nhưng vì sao lại có ác tắc như vậy và nó có khác gì mô thức gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” tại Việt Nam không?

Đáp: Việt Nam bị “Hán hóa” nhiều hơn là người dân có thể nghĩ. Lãnh đạo Hà Nội không dám sáng tạo điều gì khác với Bắc Kinh. Cái định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cũng chỉ là một “màu sắc Trung Quốc” mà thôi và dẫn tới những hậu quả tương tự. Cả hai mô thức này đều dẫn tới hiện tượng các trung ương ủy viên đóng cửa họp kín để gọi là lo việc nước, sau đó, người nào cũng lo lấy cho mình.

Việt Nam bị “Hán hóa” nhiều hơn là người dân có thể nghĩ. Lãnh đạo Hà Nội không dám sáng tạo điều gì khác với Bắc Kinh. Cái định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cũng chỉ là một “màu sắc Trung Quốc” mà thôi và dẫn tới những hậu quả tương tự.

Nếu sự thể được trình bày công khai, quan điểm nào hợp với ý dân thì được quần chúng ủng hộ, người ta thoát được cảnh họp kín để tìm sự đồng thuận qua lắm thủ đoạn nhiều khi bất chính mà người dân không biết, hoặc chán rồi không cần biết. Rốt cuộc thì người nào cũng lo lấy cho mình, và đấy là đặc tính của một xã hội “lý tài”, mất định hướng tinh thần, mất khả năng ứng phó khi gặp biến động.

Tại Việt Nam, lề lối lãnh đạo ấy dễ dẫn tới sự phân hóa địa phương, thậm chí chia rẽ Nam Bắc như ta đang thấy. Miền Bắc bị ảnh hưởng nặng hơn của lề lối Trung Quốc nên sẽ không thể kiểm soát nổi tình hình ở các địa phương, nguy cơ ấy sẽ tràn ra khỏi lãnh vực kinh tế và là một mối họa không nhỏ.

Hỏi: Còn về miền Nam thì sao, thưa ông?

Đáp: Xưa nay, trước cả thời chiến tranh, miền Nam luôn luôn có tinh thần cởi mở phóng khoáng hơn miền Bắc. Sau này, miền Nam cũng tiếp cận với nhiều vấn đề mới hơn trong nền kinh tế thị trường nên biết là phải thay đổi và nhiều khi lẳng lặng thay đổi, chứ không coi Trung Quốc là mẫu mực.

Thành thử trong khi miền Bắc nắm giữ quyền lực chính trị thì miền Nam lại tập trung chú ý vào phát triển kinh tế. Giờ đây, quyền lực kinh tế ấy của miền Nam đang trở thành một sức ép chính trị cho miền Bắc, và đấy cũng là một vấn đề./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.