Hàng trăm ngàn thợ thủ công của các làng nghề lo bi sa thải

Theo báo chí trong nước loan tin, trong thời gian sắp tới sẽ có hàng trăm ngàn thợ thủ công đang làm việc trong gần 3.000 làng nghề trên toàn quốc sẽ lâm vào tình trạng thất nghiệp toàn phần hay bán phần.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.02.27
Làng đá mỹ nghệ Non Nước ở Ngũ Hành Sơn Làng đá mỹ nghệ Non Nước ở Ngũ Hành Sơn nổi tiếng xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm đá các loại, với tổng doanh thu lên đến hàng triệu USD. Nay cũng đang gặp nhiều khó khăn
Photo courtesy Vietnamnet

 Mặc dù nhà nước đã cung ứng những công cụ để những người thợ thủ công này có thể xoay sở kiếm sống nhưng chưa thấy có dấu hiệu nào khởi sắc. Mặc Lâm phỏng vấn ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ Tịch Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam, để biết thêm chi tiết sau đây

Hơn 20% các làng nghề có nguy cơ bị phá sản 

Mặc Lâm : Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi trong ngày hôm nay. Thưa ông, xin ông cho biế ,t trước biến động tài chánh thế giới thì các làng nghề hiện chịu ảnh hưởng như thế nào?

Cả nước hiện nay có gần 3 nghìn làng nghề thì trong đó khoảng độ 20% số làng nghề đang rất khó khăn và đang có khả năng phá sản. Khoảng 5 triệu lao động làng nghề đang rất là gay go, thiếu việc làm và mất việc làm

Ô.Vũ Quốc Tuấn, CT. Hiệp Hội Làng Nghề VN

Ông Vũ Quốc Tuấn : Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang suy giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam cũng suy giảm và trong suy giảm ấy thì làng nghề chúng tôi cũng đang suy giảm.

Cả nước hiện nay có gần 3 nghìn làng nghề thì trong đó khoảng độ 20% số làng nghề đang rất khó khăn và đang có khả năng phá sản. Khoảng 5 triệu lao động làng nghề đang rất là gay go, thiếu việc làm và mất việc làm, thì cũng ở trong tình trạng chung như vậy.

Mặc Lâm : Trước những suy giảm mà ông cho là hiển nhiên này thì tác động lên làng nghề ra sao và những khó khăn nào khiến người thợ lo ngại nhất, thưa ông?

Làng đá mỹ nghệ Non Nước ở Ngũ Hành Sơn
Làng đá mỹ nghệ Non Nước ở Ngũ Hành Sơn tạo việc làm cho gần 2000 người
Photo courtesy Vietnamnet
Ông Vũ Quốc Tuấn : Hiện nay làng nghề Việt Nam đang có những khó khăn thế này : Một là thiếu thị trường, hai là thiếu vốn, ba là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản phẩm kém thành ra mẫu mã cũng chậm đổi mới, giá cả thiếu cạnh tranh, cuối cùng là trình độ quản lý của doanh nghiệp làng nghề hơi kém. 

Vì do mấy cái đó cho nên trong tình hình khó khăn này thì làng nghề lại chịu những khó khăn nặng nề hơn là các doanh nghiệp lớn. Điều thứ ba là hiện nay chính phủ đang thực hiện 5 gói giải pháp để kích cầu, như quý vị đã biết là đã có tác dụng rất quan trọng trong tình hình để trợ giúp cho nền kinh tế, thì những chính sách rất đúng đăn ấy của chính phủ đang có tác dụng rất tốt đối với nền kinh tế nói chung, trong đó có các làng nghề của chúng tôi.

Một là thiếu thị trường, hai là thiếu vốn, ba là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản phẩm kém thành ra mẫu mã cũng chậm đổi mới, giá cả thiếu cạnh tranh, cuối cùng là trình độ quản lý của doanh nghiệp làng nghề hơi kém

Ô.Vũ Quốc Tuấn, CT. Hiệp Hội Làng Nghề VN

Mặc Lâm : Xin được phép hỏi ông, xin ông cho biết những khó khăn này theo ông thì kéo dài đến bao lâu?

Ông Vũ Quốc Tuấn : Thời gian gần đây tình hình có cải thiện hơn trước, nhưng mà đương nhiên chúng tôi nhận thấy có nhiều khó khăn. Và khó khăn có thể còn kéo dài. Theo tôi nhận định thì có thể hết năm 2009 mới có thể hết khó khăn được. Nó phụ thuộc rất lớn vào tình hình suy thoái chung của nền kinh tế thế giới.

Mặc Lâm : Ông có thể cho biết là sản phẩm của các làng nghề tập trung vào lãnh vực nào và hướng tiêu thụ của nó ra sao?

Ông Vũ Quốc Tuân : Trong sản phẩm làng nghề thì có những sản phẩm tiêu thụ nội địa và cũng có những sản phẩm xuất khẩu. Và xuất khẩu thì thị trường của chúng tôi chủ yếu lại là Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản thì những thị trường này hiện nay đang khó khăn gây tác động rất mạnh, nhất là về thị trường, do đó cho nên có nhiều hàng hoá làm ra được nhưng không bán được. Do đó cho nên (chúng tôi) không dám mở rộng thêm sản xuất nữa vì chưa mở được thị trường, thành ra vấn đề đang rất gay go với chúng tôi là thiếu thị trường.

Phương án khắc phục hỗ trợ của Hiệp Hội Làng Nghề VN

Mặc Lâm : Thưa ông, thị trường khó khăn hiện nay thì Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam đã có những chuẩn bị gì nhằm khắc phục những hậu quả xấu khi các hợp đồng có thể không còn ký được nữa như trước đây?

Chúng tôi đang cùng với nhà nước khai thông thị trường trong nước, mở rộng thêm các cửa hàng bán lẻ, tăng cường mẫu mã, giá cả hợp lý để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hoá ở thị trường trong nước.

Ô.Vũ Quốc Tuấn, CT. Hiệp Hội Làng Nghề VN

Ông Vũ Quốc Tuấn : Hiệp Hội chúng tôi cùng các làng nghề sẽ phấn đấu để cố gắng vượt ra khỏi khó khăn này, để đồng thời chuẩn bị cho những phát triển tiếp trong những năm tới, thì có mấy việc như thế này: Một mặt chúng tôi tiếp tục cùng các cơ quan nhà nước  mở rộng thêm thị trường; ngoài những thị trường truyền thống thì cố gắng tìm thêm những thị trường ngách, những phân khúc thị trường để mà tìm đến các thị trường nước ngoài.

Đồng thời chúng tôi đang cùng với nhà nước khai thông thị trường trong nước, mở rộng thêm các cửa hàng bán lẻ, tăng cường mẫu mã, giá cả hợp lý để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hoá ở thị trường trong nước.

Có nhiều thứ hàng hoá mà chúng tôi có thể dùng nguyên liệu trong nước, bán cho người tiêu dùng trong nước, từ rổ, rá, bàn ghế, sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, cho đến quần áo tiêu dùng, đồ dùng gia đình, v.v. là dùng bằng tre, bằng nứa, bằng gỗ, bằng mây, bằng song, v.v. dùng nguyên liệu trong nước.

Và tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, bởi vì lâu nay thị trường trong nước ít được quan tâm như là thị trường nước ngoài, thì chúng tôi đang cùng các cơ quan nhà nước làm cái đó.

Mặc Lâm : Riêng đối với từng doanh nghiệp hay từng ngành nghề thì Hiệp Hội hướng dẫn cách xử lý cho họ ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đang giúp cho các doanh nghiệp ấy một mặt tìm cách để cố gắng tiêu thụ những sản phẩm đang ứ đọng không tiêu thụ được, hoặc là đề nghị chính phủ có những chính sách để giúp cho việc giảm thuế, hoãn thuế, hay là hỗ trợ để có thể tiêu thụ được những hàng hoá

Ô.Vũ Quốc Tuấn, CT. Hiệp Hội Làng Nghề VN

Ông Vũ Quốc Tuấn : Đối với từng doanh nghiệp làng nghề, thì chúng tôi xin nói rằng doanh nghiệp làng nghề chúng tôi có đủ các loại làng nghề, từ các tổ sản xuất, hộ gia đình, cho đến các công ty tư nhân, công ty cổ phần, v.v.

thì chúng tôi đang giúp cho các doanh nghiệp ấy một mặt tìm cách để cố gắng tiêu thụ những sản phẩm đang ứ đọng không tiêu thụ được, hoặc là đề nghị chính phủ có những chính sách để giúp cho việc giảm thuế, hoãn thuế, hay là hỗ trợ để có thể tiêu thụ được những hàng hoá đấy.

Đồng thời quan trọng hơn là nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá cả hạ (hạ giá) cho những sản phẩm sẽ tiếp tục sản xuất để thích ứng kịp thời tình hình mới của thị trường này.

Thì việc này chúng tôi đang làm và hy vọng rằng trong thời gian tới, cùng với sự tiến bộ về việc thực hiện chính sách của nhà nước Việt Nam, phù hợp với tình hình tiến triển tốt của thị trường thế giới, thì chúng tôi hy vọng là doanh nghiệp làng nghề cũng có thể ra khỏi khó khăn được và tiếp tục phát triển tốt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.