2 án lớn Trịnh Xuân Thanh: 'Đúng qui trình tố tụng nhưng cần tính nhân văn’

RFA
2018.01.25
trinh xuan thanh Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí VN(PVC).
AFP

Vào ngày 24/1, Tòa án Nhân dân Hà Nội mở phiên tòa mới xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí VN(PVC) và bảy đồng phạm trong vụ án "Tham ô tài sản tại PVP Land".

Phiên xử này diễn ra hai ngày sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án chung thân trong phiên xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Luật pháp cho phép nhưng chưa từng xảy ra

Vào tối 24/1, RFA có liên lạc với Luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng trong cùng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) với ông Trịnh Xuân Thanh, thì ông cho biết đang trên đường đi công tác, không thuận tiện để chia sẻ ý kiến.

“Tôi đang trên đường cao tốc từ Hà Nội đi Nam Định, nên không trả lời được.”

Luật sư Hoàng Văn Hướng, từ Sài Gòn cho chúng tôi biết trong suốt bao nhiêu năm hành nghề luật sư, ông chưa thấy phiên toà hình sự nào với cùng một bị cáo lại diễn ra liên tục như thế. Thời gian quá ngắn sẽ gây hạn chế và khó khăn cho các luật sư bào chữa.

Ông kể lại những gì được nghe từ các đồng nghiệp tham gia trực tiếp trong phiên xử.

“Tôi có nghe một số luật sư tham gia ở vụ án này nói rằng thời gian chuẩn bị cho vai trò bào chữa rất khắc khe. Thật ra các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn thực hiện theo những qui định chung và theo thời hạn của cơ quan tố tụng. Nhưng riêng với cá nhân một người như thế thì tôi nghĩ là các luật sư sẽ rất vất vả vì hồ sơ và các trích lục rất dày, phải có thời gian để nghiên cứu, hoặc kể cả quyền thu thập thêm các chứng cứ.”

Nhưng riêng với cá nhân một người như thế thì tôi nghĩ là các luật sư sẽ rất vất vả vì hồ sơ và các trích lục rất dày, phải có thời gian để nghiên cứu, hoặc kể cả quyền thu thập thêm các chứng cứ. - Luật sư Hoàng Văn Hướng

Ý kiến của luật sư Hoàng Văn Hướng khi đề cập đến thủ tục hồ sơ vụ án đồng nhất với nhận định của luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, đã chia sẻ khi trả lời BBC Tiếng Việt.

Ông nói: “Chắc chắn hai vụ án hình sự về tội danh "Cố ý làm trái…", "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và PVC và vụ "Tham ô tài sản" tại PVP Land có khối lượng hồ sơ rất lớn."

Đây cũng là ghi nhận của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông nói rằng cá nhân ông chưa gặp những phiên xử liên tiếp như thế trong quá trình hành luật.

Nhưng theo ông, lý do ông Trịnh Xuân Thanh hầu toà trong 1 vụ án khác chỉ hai ngày sau khi bị kết án trong vụ án trước là do tính chất của quá trình phạm tội. Ông nói:

“Do tính chất của vụ án về tham nhũng, đặc biệt là các cử tri rất quan tâm. Với bức xúc của người dân như vậy, tôi cho rằng đem ra xét xử sớm như vậy là đáp ứng lòng mong mỏi của chuyện chống tham nhũng.”

Cũng chính luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC Việt ngữ rằng thông thường, rất ít các vụ án lớn được xếp lịch xét xử cận với nhau vậy. Theo suy luật của ông thì “Rõ ràng đã có những yêu cầu đặc biệt tác động đối với lịch xét xử."

Do tính chất của vụ án về tham nhũng, đặc biệt là các cử tri rất quan tâm. Với bức xúc của người dân như vậy, tôi cho rằng đem ra xét xử sớm như vậy là đáp ứng lòng mong mỏi của chuyện chống tham nhũng. Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Chính luật sư Hoàng Văn Hướng cũng nói rằng ông không thể bình luận về 1 nguyên nhân đặc biệt nào, nhưng cũng như luật sư Nguyễn Văn Hậu đã chia sẻ, “quyết tâm chống tham nhũng” là điều ông có nghĩ đến.

“Thực tế có thể các cơ quan tố tụng đã sắp xếp thời gian xét xử để hoàn thành nhiệm vụ, rõ ràng là hiện nay Việt Nam đang có 1 quyết tâm rất lớn về phòng chống tham nhũng từ trên xuống dưới. tôi cho rằng đây có thể là 1 áp lực.”

Luật sư Nguyễn Phương Đông, cho chúng tôi biết ông không theo dõi tiến trình của vụ án, nhưng dựa theo qui trình tố tụng của pháp luật Việt Nam, ông nói rằng việc toà xử vụ án thứ hai chỉ hai ngày sau vụ án thứ nhất là không sai.

“Trong luật tố tụng không quy định về việc này. Mà luật không cấm thì người ta không bị coi là làm sai.”

Về phía luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông có ý kiến khác. Theo ông, quá trình phạm tội của ông Trịnh Xuân Thanh nói riêng và toàn vụ án nói chung đã được điều tra trong thời gian dài. Cho nên, không ngạc nhiên khi vụ án được đem ra xét xử trong thời gian nhanh chóng.

Thêm vào đó, ông đưa ra lý do Toà án Nhân dân Hà Nội tách hai vụ án riêng biệt vì tính chất nghiêm trọng, bị cáo là những người có chức vụ cao trong nhà nước, và tình tiết của vụ án quá nhiều.

“Từ trước đến nay ít có những vụ nào xét xử gần như vậy. người ta tách ra 2 vụ, không muốn nhập vô vì họ muốn làm rõ, vì đây là những người có chức vụ. Trước đây thì có quan điểm là nhập lại sẽ hay hơn, nhưng vì nó phức tạp quá nên người ta tách ra làm 1 vụ riêng, tội cố ý làm trái và tội tham ô có liên quan 1 đơn vị khác.”

Tính nhân văn

Tuy rằng luật sư Nguyễn Văn Hướng cũng đồng ý rằng các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng không sai với qui định của tố tụng, nhưng với góc độ cá nhân tham gia hoạt động bào chữa, luật sư Hướng chia sẻ ông mong muốn vụ án đảm bảo được tính nhân văn.

“Nhìn về góc độ nhân văn của hoạt động bào chữa với tư cách giúp đỡ các thân chủ thì tôi thấy điều ấy cũng không phù hợp. Rõ ràng là nó cũng phải có 1 thời gian nhất định vì 1 con người đem ra xét xử thì không thể 1 ngày mà hàng chục ngày. Thêm vào đó, chế độ giam giữ cũng có những khó khăn riêng.”

Nhìn về góc độ nhân văn của hoạt động bào chữa với tư cách giúp đỡ các thân chủ thì tôi thấy điều ấy cũng không phù hợp. - Luật sư Hoàng Văn Hướng

Ông chia sẻ mong muốn cá nhân của riêng ông rằng nếu có thể thì thời gian xét xử kéo dãn ra từ 1 đến 2 tháng.

“Đặc biệt hơn nữa việc tố tụng cho những phiên toà lớn thế này thì cần phải có thời gian cho người bào chữa cũng như tâm lý cho những người tham gia tố tụng khác.”

Suy nghĩ này cũng chính là chia sẻ của luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời báo chí rằng "Hai vụ này lại được đưa ra xét xử cách nhau hai ngày là sẽ là áp lực rất lớn đối với bản thân các bị cáo và các luật sư bào chữa cho họ. Tôi thật sự khâm phục các luật sư nào đã nhận tham gia cả hai vụ án này."

Quan điểm ở góc độ nhân văn của các luật sư hoàn toàn có cơ sở khi hôm thứ tư 24/1, là ngày đầu tiên bắt đầu phiên xử vụ án thứ 2, báo chí trong nước thuật lại câu trả lời của ông Trịnh Xuân Thanh với Hội đồng xét xử: “Ở vụ án trước, bị cáo đã nhận án chung thân rồi, còn gì nữa đâu mà phải nói dối”. Câu trả lời cho thấy có vẻ như đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, những gì diễn ra trong vụ án thứ hai không còn quan trọng nữa?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.