Tình hình Nhân quyền ở Việt Nam theo nhận định của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ


2008.03.12

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Hôm 11 tháng 3-2008, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã cho công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền, dân chủ trên thế giới. Tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2007 vừa qua như thế nào, theo nhận định của chính phủ Mỹ? Nhã Trân lược thuật nội dung bản phúc trình này.

03122008_StateDept_HumanRights_Report_200.jpg
Trang web của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ: http://www.state.gov.

Chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế

Phần tường trình về Việt Nam, dài 52 trang, đưa ra một loạt nhận định không mấy khả quan về khung cảnh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam năm qua. Ngay từ trang đầu, chính sách của Hà Nội về vấn đề các quyền con người bị xem là vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn.

Đảng Cộng sản vẫn giữ vai trò độc tôn trong khi mọi hoạt động đối lập bị cấm đoán. Cuộc tuyển cử Quốc hội hồi tháng 5 bị lên án là thiếu tự do cũng như công bằng vì sự chuyên quyền của Mặt trận Tổ quốc.

Hoa Kỳ thẩm định rằng các quyền của công dân Việt vẫn chưa được tôn trọng. Tuy được ghi rõ trong hiến pháp quốc gia, quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do ngôn luận, tự do tụ họp và tự do lập hội tiếp tục bị hạn chế.

Những chỉ trích về các lãnh tụ của đất nước, các kêu gọi về đa nguyên, đa đảng hoặc các thắc mắc về vấn đề ranh giới ký kết với Trung Quốc bị cấm đoán.

Chúng tôi có thể nói rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung vẫn trong tình trạng không tốt. Các quyền của công dân vẫn bị vi phạm. Dân chúng bị hạn chế nhiều quyền tự do mà chính hiến pháp Việt Nam đã qui định.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Jonathan Farrac, tuyên bố với báo chí trong buổi tường trình rằng: “Chúng tôi có thể nói rằng tình hình nhân quyền [ở Việt Nam] nói chung vẫn trong tình trạng không tốt. Các quyền của công dân vẫn bị vi phạm. Dân chúng bị hạn chế nhiều quyền tự do mà chính hiến pháp Việt Nam đã qui định.”

Tiếp tục chính sách bắt bớ, sách nhiễu

Báo cáo cho hay Hà Nội tiếp tục trấn áp những người bất đồng chính kiến, bắt giữ một số nhà hoạt động chính trị và đập tan các tổ chức dân chủ non trẻ, khiến nhiều người phải lưu vong ra nước ngoài.

Các vụ bắt bớ trong suốt năm qua được tường thuật chi tiết, như trường hợp Thượng Tọa Thích Không Tánh, tu sĩ Thích Thiện Minh, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Phan Văn Lợi, Linh mục Chân Tín, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà văn kiêm nhà báo Trần Khải Thanh Thủy, trí giả Trần Khuê, ông Lê Trí Tuệ, anh Trương Quốc Huy và các thành viên, thân hữu của đảng Việt Tân, bị bắt hồi cuối năm ngoái.

Người dân bị giam một cách tuỳ tiện chỉ vì có những hoạt động chính trị, và họ không được xét xử một cách công bằng, mau chóng. Công an nhiều khi tự ý đánh đập dã man hoặc tra tấn nghi can trong lúc bắt, giữ hoặc thẩm vấn họ.

Điều kiện sống ở các nhà tù thường tồi tệ: phòng giam chật hẹp và mất vệ sinh, phần ăn thiếu thốn, nước uống sạch không có, nhiều trường hợp gia đình người bị giam bị từ chối khi gửi thuốc cho thân nhân đang đau ốm, và đôi khi tù nhân bị cưỡng bức lao động. Dịp Tết năm rồi Hà Nội đã không ban hành ân xá, và đã dời cuộc ân xá dịp Quốc khánh cho đến tháng 10.

Việt Nam là một trong những nước trên thế giới ra sức ban hành các qui định, đồng thời kiểm soát và ngăn chặn dân chúng tiếp cận với Internet, nguồn cung cấp thông tin tự do của toàn cầu.

Nhiều cuộc biểu tình khiếu kiện của dân oan, diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội, đã bị trấn áp và nhiều người đã bị bắt đem đi. Các cuộc xuống đường bày tỏ quan điểm về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của dân chúng trong nước cũng đưa đến kết quả là một số thanh niên, sinh viên bị bắt giữ.

Tiến bộ về tôn giáo, siết chặt Internet

Chính phủ Hà Nội được đánh giá là đã cải thiện phần nào về việc tôn trọng tự do tôn giáo trong năm qua, thế nhưng vẫn giới hạn những hoạt động bị xem là có tính cách chính trị của các nhóm tôn giáo.

Nhà cầm quyền cũng không bỏ các cấm đoán đối với các tổ chức nhân quyền. Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế hoặc các tổ chức ngoài chính phủ NGO trong năm 2007 không được phép thăm viếng các nhà tù. Cao uỷ Tị nạn LHQ, tuy trên văn bản được quyền thăm tù nhân thế nhưng mãi đến cuối năm vẫn chưa thực hiện được điều này.

Việt Nam tăng cường kiểm soát các hoạt động truyền thông và Internet. Báo cáo cho hay số người truy cập mạng ở Việt Nam đã tăng mau chóng trong năm rồi và đến cuối năm có khoảng triệu người. Trong một số trường hợp, chủ nhân các trang blog đã bị xử phạt.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Farrar, cho hay: “Việt Nam là một trong những nước trên thế giới ra sức ban hành các qui định, đồng thời kiểm soát và ngăn chặn dân chúng tiếp cận với Internet, nguồn cung cấp thông tin tự do của toàn cầu.”

Phúc trình cũng cho hay phụ nữ vẫn phải đối mặt với kỳ thị, bạo lực. Họ tiếp tục bị xô đẩy vào con đường mãi dâm, cũng như các trẻ thơ, sau khi trở thành nạn nhân của các vụ buôn người. Nhiều nhóm dân tộc thiểu số bị đối xử phân biệt.

Ngoại trửơng Condoleeza Rice trong buổi họp báo đã nhấn mạnh rằng các thử thách về vấn đề nhân quyền cũng như về nhiều vấn đề khác đã được ghi nhận đầy đủ trong phúc trình của chính phủ Mỹ. Tuy vậy, văn bản này được soạn thảo với niềm tin rằng không một chính thể nào sẽ vĩnh viễn độc tài, chuyên chế.

Tình hình nhân quyền của thế giới rồi sẽ thay đổi. Sự thay đổi có thể cần thời gian, nhưng rồi sẽ đến. Ngày nào công dân toàn cầu còn bảo vệ và đấu tranh cho các giá trị của quyền con người, ngày đó nhân loại còn hy vọng, và các chính quyền có bổn phận, trách nhiệm hỗ trợ những công dân can đảm này: “Sau cùng, những công dân đã hy sinh cho các giá trị thực sự và các quyền tự do sẽ chiến thắng. Họ tạo hứng khởi cho dân chúng, và các tiêu chuẩn họ theo đề ra sẽ tiếp tục mang hy vọng cho quần chúng khắp nơi.”

(Nhã Trân tường trình từ Washington.)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.