Vai trò của UNICEF và những công việc đã thực hiện được tại Việt Nam


2007.11.30

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Năm 2003 số trẻ lang thang kiếm sống ở thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng tám ngàn năm trăm, từ 2003 đến 2006 thì giảm đi một nửa . Đó là nhờ các dự án mà Quĩ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phối hợp thực hiện với các cơ quan đoàn thể và những tổ chức ngoài chính phủ ở trong nứơc.

Unicef2006Report150.jpg
Bản báo cáo UNICEF UNICEF - The State of the World's Children 2006: Exclude and Invisible

UNICEF có mặt tại Việt Nam từ năm 1976 trong vai trò hỗ trợ phương tiện và kỹ thuật cho những dự án liên quan đến thiếu nhi trong đó có chương trình bảo vệ trẻ đường phố. Ông Trần Công Bình, cán bộ dự án bảo vệ trẻ của UNICEF Việt Nam, trình bày chi tiết về vai trò của UNICEF , những công việc UNICEF đã thực hiện được tại Việt Nam:

Ông Trần Công Bình: Phương thức của tổ chức UNICEF là làm việc chung với các cơ quan đối tác là cơ quan chính phủ, các cơ quan đoàn thể, hay các tổ chức chính phủ, cũng như là với các tổ chức địa phương, để giúp tăng cường năng lực để mà đưa ở các cấp độ vĩ mô, ví dụ như xây dựng và hoàn thiện các chính sách luật pháp cũng như là các chương trình hành động vì trẻ em.

Cái thứ hai nữa là ở các cấp địa phương thì UNICEF cố gắng làm sao để hợp tác và hỗ trợ việc tăng cường nhân lực trong việc hoạch định và triển khai các chương trình cũng như là các dịch vụ về bảo vệ trẻ em.

Cái thứ ba nữa là UNICEF hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như là nguồn lực để có thể phát triển các sáng kiến cũng như các mô hình ở tại cấp địa phương trong việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em ở tại cơ sở. Thanh Trúc : Trong công việc gọi là bảo vệ trẻ em thì văn phòng của UNICEF chia ra những đối tượng trẻ em như thế nào?

Ông Trần Công Bình: Trong thuật ngữ của UNICEF Việt Nam thì gọi là "Các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt" bao gồm 10 nhóm trẻ khác nhau, ví dụ: trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em lao động nặng nhọc và trong môi trường độc hại, trẻ em bị nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV, trẻ em vi phạm pháp luật và trẻ em bị xâm hại và lạm dụng. Một số nhóm trẻ em khác, ví dụ: trẻ em là nạn nhân của nạn buôn bán người chẳng hạn.

Trong thuật ngữ của UNICEF Việt Nam thì gọi là "Các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt" bao gồm 10 nhóm trẻ khác nhau, ví dụ: trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em lao động nặng nhọc và trong môi trường độc hại, trẻ em bị nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV, trẻ em vi phạm pháp luật và trẻ em bị xâm hại và lạm dụng. Một số nhóm trẻ em khác, ví dụ: trẻ em là nạn nhân của nạn buôn bán người chẳng hạn.

Thanh Trúc : Thưa, các trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố hoặc là ngay cả các em là những học sinh mà ngoài giờ học thì đi bán hoa, bán vé số hoặc bán sách dạo chẳng hạn, thì đó có được kể là những đối tượng cần được quan tâm không? Ông Trần Công Bình: Thực ra thì chương trình bảo vệ trẻ em của UNICEF hợp tác với chính phủ Việt Nam thì quan tâm đến tất cả các trẻ em Việt Nam, không phân biệt dân tộc nào, gôc gác làm sao, độ tuổi và giới tính, cũng như là trẻ em khác chương trình học và ngoài trường học. Bởi vì các vấn đề về xâm hại, lạm dụng và bóc lột trẻ em có thể xảy ra bất cứ với nhóm trẻ em nào và bất cứ trong bối cảnh nào.

Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy rằng những trẻ em mà có nguy cơ là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì khả năng mà các em bị xâm hại và lạm dụng cao hơn, cho nên các dịch vụ và các mô hình này thì cũng đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng này để giúp phòng ngừa, ngăn chận và bảo vệ các em trước các hình thức xâm hại, bóc lột và lạm dụng. Thanh Trúc : Đó là về mặt lý thuyết, còn về mặt thức tế thì những biện pháp tích cực để bảo vệ cho các em khỏi bị lạm dụng hay khỏi bị buôn bán là như thế nào? Ông Trần Công Bình: Thật ra thì vai trò này là của các cơ quan chức năng của chính phủ Việt Nam cũng như là các tổ chức đoàn thể và chính quyền tại địa phương. UNICEF chỉ là với vai trò là cơ quan đối tác, và cơ quan hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như về mặt các nguồn lực để góp phần tăng cường thêm các chức năng cũng như là hiệu quả của các hoạt động của các cơ quan chức nâng này.

Bên cạnh đó thì với kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì UNICEF cũng giới thiệu các mô hình, các kinh nghiệm cũng như các phương thức tiếp cận để có thể các cơ quan chức năng của chính phủ Việt Nam tham khảo và ứng dụng vào trong tình hình thực tế.

Ngoài các việc hỗ trợ, tăng cường nhân lực của các cơ quan chức năng khác thì UNICEF cũng có hỗ trợ cho một số các tổ chức ở tại địa phương, các MCO.

Ví dụ tại thành phố HCM thì có chương trình chăm sóc trẻ đường phố, thì ở đây các nhóm địa phương, các nhân viên xã hội làm việc với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trực tiếp và thường xuyên, đến ngay các địa bàn trọng điểm, nơi mà có nhiều trẻ đường phố và trẻ lang thang kiếm sống, tạo được mối quan hệ và nắm bắt được tình hình cũng như là nhu cầu của các em, để khi cần phát hiện thì có thể có những can thiệp và hỗ trợ kịp thờì, cũng như là giới thiệu, chuyển gửi các em đến các dịch vụ, các cơ quan chức năng để có thể nhận được sự trợ giúp.

Có một mô hình gần đây cũng được triển khai tại thành phố HCM cũng như một số tỉnh thành gọi là "mô hình phát triển mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng”, mục đích là làm thế nào để có thể tăng cường vai trò, chức năng, cũng như hiệu quả hoạt động của mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa trên cấp phường xã.

Vì ở đó chính quyền địa phương sẽ là đơn vị đầu mối, và thứ hai là Ban Bảo Vệ Trẻ Em ở cấp cơ sở sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chận, can thiệp và hỗ trợ, giúp cho các em có thể phục hồi nếu như chẳng may các em rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt. Thanh Trúc : Xin anh Trần Công Bình cho một vài số liệu về trẻ lang thang kiếm sống trong nứơc là khoảng bao nhiêu? Ông Trần Công Bình: Theo thông tin từ cơ quan chức năng thì trẻ em đường phố khoảng 20 nghìn trong toàn quốc. Còn tại thành phố HCM vào năm 2003 có một điều tra của Uỷ Ban Dân Số - Gia Đình & Trẻ Em, thì tại thành phố HCM có khoảng 8 nghìn 500; nhưng sau đó một thời gian, từ năm 2003 cho đến năm 2006, với nỗ lực của chính phủ mà cụ thể là cơ quan Uỷ Ban Dân Số - Gia Đình & Trẻ Em phối hợp với bên ngành lao động - thương binh & xã hội thì đã cố gắng tiếp cận và hỗ trợ cho các em này để giúp các em đoàn tụ với gia đình, thì số liệu hiện nay theo ước tính chắc có lẽ khoảng trên dưói bốn năm nghìn trẻ em tại thành phố HCM đang kiếm sống.

Một trong những quan tâm hiện nay của chính phủ và UNICEF trong năm vừa qua đó là làm sao để có thể phát triển lực lượng cho mạng lưới nhân viên xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam nói chung và tại các thành phố lớn như thành phố HCM.

Thanh Trúc : Thưa, trẻ em lang thang kiếm sống trên dường phố, hoặc trẻ em bụi đời chẳng hạn mà bị du khách hay những kẻ bất lương lạm dụng thì những số liệu đó có được đưa ra công khai để tìm biện pháp giải quyết hay không?

Ông Trần Công Bình: Thực ra thì đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cụ thể là ngành công an hoặc là chính quyền địa phương, theo như chức năng về quản lý nhà nước và các nghiệp vụ, thì họ có những con số. Tuy nhiên, đây là những con số của các trường hợp được phát hiện và báo cáo, còn các trường hợp trên thực tế thì chắc có lẽ là chúng ta chưa có được con số trong thực tế.

Thanh Trúc : Trong tư cách là một cán bộ của UNICEF, theo ý anh Trần Công Bình thì biện pháp nào tích cực nhất để đưa các em về nhà, đưa các em về trường học và tránh tình trạng các em lang thang kiếm sống trên đường phố?

Ông Trần Công Bình: Để giải quyết vấn đề này và để bảo vệ trẻ em truớc các nguy cơ này thì phải cần nhiều biện pháp, cả về phần vĩ mô cũng như là các can thiệp trực tiếp. Ví dụ như là xây dựng và hoàn thiện chính sách cũng như luật pháp, làm thế nào để các em được bảo vệ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên trong thực tế thì do hoàn cảnh chung, do ảnh hưởng chung của xã hội, cũng như là cụ thể từng hoàn cảnh gia đình của các em cho nên đôi khi các em phải bương chải kiếm sống trên đường phố, thì đối với những nhóm trẻ em này mà cần bảo vệ đạc biệt thì cần thiết phải có sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cũng như các đoàn thể, giúp phát hiện kịp thời những trường hợp đó và có sự can thiệp và hỗ trợ các em kịp thời.

Một trong những quan tâm hiện nay của chính phủ và UNICEF trong năm vừa qua đó là làm sao để có thể phát triển lực lượng cho mạng lưới nhân viên xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam nói chung và tại các thành phố lớn như thành phố HCM.

Gần đây, rất mừng là chính phủ đã chính thức có đào tạo chuyên ngành về công tác xã hội từ năm 2004. Chính phủ hiện nay cũng đang quan tâm và Bộ Lao Động - Thương Binh - Xã Hội đang phác thảo và xây dựng một đề án phát triển ngành công tác xã hội tại Việt Nam, cố gắng làm sao để ngành công tác xã hội được xem là một nghề chính thống như mọi nghề nghiệp khác.

Và từ lúc đó, với những nhân sự, với những mạng lưới hoạt động một cách có kinh nghiệm, có năng lực, và một trong những hoạt động cũng rất quan trọng nữa đó là mình cũng phải trang bị cho chính các em những kiến thức, những kỹ năng để chính các em có thể nhận diện được những hoàn cảnh nguy cơ. Cụ thể đó là trang bị cho các em những kỹ năng sống để các em có thể tự bảo vệ mình, cũng như là quan tâm hỗ trợ bảo vệ cho cả bạn bè cũng trang lứa.

Thanh Trúc : Xin cảm ơn thì giờ anh Trần Công Bình đã dành cho chúng tôi trong bài phỏng vấn hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.