Bù lãi suất - hiệu quả trước mắt và hệ quả lâu dài?

Ngày 1 tháng 2 vừa qua, chính phủ Việt Nam chính thức ban hành quyết định số 131 có nội dung hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ngân hàng với mục đích sản xuất kinh doanh.
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009.02.04
workerStrike305.jpg Kinh tế suy giảm, nhiều xí nghiệp không có việc làm, công nhân mất việc hàng loạt.
RFA file photo

Giới làm ăn cho rằng đây là thông tin tạo tâm lý phấn khởi, nhưng đồng thời cũng nhận định, là sẽ có những bất cập đi kèm trong lúc thực hiện chính sách này.

Doanh giới phấn khởi

Có thể nói, quyết định hỗ trợ lãi suất đã tạo nên tâm lý tích cực trong giới doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Nội dung chính của quyết định 131 là bất cứ doanh nghiệp, cá nhân, có nhu cầu vay vốn làm ăn, và không nằm trong danh sách các lãnh vực không được hỗ trợ, đều có quyền được hưởng chính sách bù 4% lãi suất.

Những điều kiện đi kèm cho người vay tiền bao gồm: doanh nghiệp phải là doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa, vốn dưới 20 tỷ đồng, và có phương án đầu tư cụ thể.

Phía cho vay là tất cả các ngân hàng thương mại; cho doanh nghiệp vay trong thời hạn tối đa 8 tháng đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng trong giai đoạn từ ngày 1 tháng Hai đến 31 tháng 12 năm nay.

Ngay từ trước khi có quyết định chính thức về chính sách này, giới kinh tế, tài chánh trong nước đã bắt đầu bàn đến những bất cập có thể có.

Trước hết là sự “lấn sân” một cách không cần thiết từ chính sách tài khoá sang chính sách tiền tệ. Tiếp theo, với cơ chế mang tính “xin-cho,” liệu có thể bảo đảm được tính khách quan trong quá trình quyết định cho vay hay không?

Mặc dầu Ngân Hàng Nhà Nước nói rằng sẽ kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình, liệu có thể kiểm soát được tình trạng “đảo nợ” hay không?

Việc này có thể giải quyết qua chính sách tiền tệ, qua Ngân Hàng Trung Ương, chứ không cần phải dùng ngân sách tài trợ như vậy.

Ô. Bùi Kiến Thành

Các chuyên gia thận trọng

Từ Việt Nam, chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành nói rằng, vấn đề lãi suất thấp có thể giải quyết thông qua chính sách tiền tệ mà không cần phải vận dụng đến ngân sách thuộc lãnh vực tài khóa:

“Vấn đề nguyên tắc: việc này có thể giải quyết qua chính sách tiền tệ, qua Ngân Hàng Trung Ương, chứ không cần phải dùng ngân sách tài trợ như vậy. Đây là chuyện của tài khoá, của ngân sách.

Còn trong lãnh vực tiền tệ, hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề lãi suất thấp đối với doanh nghiệp bằng cách cấp vốn cho ngân hàng thương mại cùng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn thấp cho ngân hàng.”

Hanoi-01152009-200.jpg
Tình trạng thất nghiệp gia tăng khiến nhiều người phải đổ ra đuờng chờ kiếm sống qua ngày ở những "chợ người" trên phố Hà Nội. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Một chủ doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam nói rằng, thông tin về chính sách bù lãi suất tạo nên tâm lý phấn khởi trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, anh nhấn mạnh, kể từ lúc lạm phát lên cao cho đến nay, để đối phó với chính sách “trần” lãi suất, người vay thường phải trả thêm phụ phí như một hình thức “lót tay” cho phía ngân hàng:

“Chuyện này còn mới quá, chưa ai bắt đầu vay cả. Tôi tin là nếu hồ sơ dễ dàng, người ta sẽ vay. Từ hồi Việt Nam bị lạm phát đến nay, lúc nào đi vay ngân hàng thì người vay cũng phải đưa thêm tiền cả.”

Chủ doanh nghiệp nhỏ này cũng nói rằng, anh tin là sẽ có trường hợp “đảo nợ,” nhất là từ những ai đã vay lúc lãi suất còn cao, và nay đến thời điểm đáo hạn.

Tin tức về chính sách hỗ trợ lãi suất được đưa ra trong bối cảnh Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam vừa cho giảm lãi suất cơ bản xuống còn 7%.

Tình hình kinh tế hiện tại, với sự cắt giảm lãi suất cơ bản, kèm theo tâm lý e ngại vay mượn, thị trường tài chánh Việt Nam những ngày này dường như chỉ nói đến “đáy” lãi suất.

Ngược lại, trước đó không lâu, người vay, người cho vay, và cả Ngân Hàng Nhà Nước, đều loay hoay với giới hạn “trên,” tức mức “trần” của lãi suất.

Chính sách hỗ trợ lãi suất là cơ hội vay vốn rẻ mà các doanh nghiệp nên tận dụng ngay vì khi dấu hiệu lạm phát quay lại, lãi suất sẽ tăng lên và cơ hội sẽ không còn.

Báo Lao Động

Hồi cuối năm ngoái, lãi suất cho vay bằng tiền đồng Việt Nam là trên 10%. Lùi xa hơn nữa, về khoảng giữa năm, lãi suất lên đến gấp rưỡi so với thời điểm cuối năm.

Bản tin của báo Tuổi Trẻ ngày 2 tháng Hai, trích lời ông Nguyễn Ngọc Bảo, vụ trưởng Vụ Chính Sách Tiền Tệ Ngân Hàng Nhà Nước, rằng gói kích cầu hỗ trợ lãi suất nhằm “vực dậy nền kinh tế sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu,” và rằng “nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, ngân hàng sẽ không được từ chối hỗ trợ.”

Hơn 10 đối tượng không thuộc diện được hỗ trợ lãi suất, trong số này có Quản Lý Nhà Nước về An Ninh Quốc Phòng, Đảng, Đoàn Thể, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản, vân vân.

Báo Lao Động, số ra ngày 2 tháng Hai, trích lời một số chuyên gia, rằng chính sách hỗ trợ lãi suất là “cơ hội vay vốn rẻ mà các doanh nghiệp nên tận dụng ngay vì khi dấu hiệu lạm phát quay lại, lãi suất sẽ tăng lên và cơ hội sẽ không còn.”


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.