Việt Nam cần nổ lực hơn trong công tác xoá đói giảm nghèo


2005.09.15

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam vào ngày 12 tháng 9 vừa qua công bố Báo cáo phát triển con người năm 2005. Theo đó xếp hạng về chỉ số HDI, tức chỉ số phát triển con người, của Việt Nam năm nay được tăng bốn bậc so với mức trước đây.

InvestLabor200.jpg
Mức phát triển giàu nghèo ở Việt Nam không đồng đều. AFP PHOTO

Ngay sau khi có công bố đó, một số chuyên gia lên tiếng liên quan đến đánh giá mà Liên Hiệp Quốc đưa ra. Bên cạnh những nhận định lạc quan, giới chuyên môn còn chỉ ra các tồn tại cần phải vượt qua để có thể đạt được những chỉ tiêu mong muốn.

Xếp hạng về Chỉ số phát triển con người năm 2005 của Việt Nam do Liên Hiệp Quốc đưa ra cho thấy năm nay Việt Nam đứng thứ 108 trong danh sách các quốc gia được xếp hạng.

Những tiến bộ quan trọng

Ông Jordan Ryan, trưởng đại diện của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phát biểu với báo chí trong cuộc họp báo vào ngày 12 tháng 9 rằng Việt Nam đạt được tiến bộ quan trọng về phát triển con người trong hơn một thập niên qua.

Ông này so sánh Việt Nam với Mexico, theo ông hai nước cùng có những tiến bộ về HDI. Trong năm 1900, tỷ lệ nghèo cùng cực của Việt Nam được cho biết là 30% dân số; lúc bấy giờ Mêhicô là 25%. Đến nay tỷ lệ nghèo của Việt Nam còn 12%, Mê hicô là 18%.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cố vấn của Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Việt Nam, đưa ra điểm đáng ghi nhận là xếp hạng về HDI, cao hơn xếp hạng về GDP (tổng thu nhập nội địa) tính theo sức mua tương đương (PPP).

Theo ông Doanh thì vào năm 2003, Việt Nam chỉ xếp thứ 130 trên 175 quốc gia xét theo mức GDP bình quân đầu người tính theo PPP. Lúc đó chỉ số HDI của Việt Nam cao hơn chỉ số xếp hạng về GDP là 18 bậc; theo báo cáo năm nay thì GDP bình quân đầu người tính theo PPP chênh với chỉ số về GDP là 16 bậc.Ông Lê Đăng Doanh cho rằng điều đó chứng tỏ chính phủ Hà Nội có được thành tựu cao hơn về phát triển nguồn nhân lực, nhất là về xoá đói giảm nghèo.

Thành tựu ngày cũng được một chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt là giáo sư Nguyễn Quốc Khải tại Hoa Kỳ, thừa nhận: "Trong những năm qua, Việt Nam có được thành tựu trong công tác xoá đói giảm nghèo."

Không đáng lạc quan

Tuy vậy, chính những chuyên gia trong nước đều cho rằng dù xếp hạng về chỉ số HDI của Việt Nam năm 2005 có tăng bậc; thế nhưng không có lý do gì mà lạc quan. Ông Lê Đăng Doanh chỉ ra rằng trong khối ASEAN, chỉ số HDI của Việt Nam chỉ cao hơn Indonesia, Miến Điện, Lào và Kampuchia mà thôi. Trong khi đó Malaysia được xếp hạng 61, Thái Lan 73, và Philippines 84.

Ngoài ra trong tổng số 136 nước thuộc danh sách xếp hạng cả ba năm 1990, 1995 và 2003 (tương ứng cho các báo cáo 1992, 1997 và 2005) thì không phải Việt Nam là nước duy nhất đạt được thành tích trong việc cải thiện chỉ số HDI.

Mạng VietnamNet đưa ra nhận định là trong thời kỳ 1990- 1995, Việt Nam đứng hàng thứ 15 trong bảng xếp hạng về tốc độ cải thiện HDI. Trong khi đó vào thời kỳ 1995- 2003, Việt Nam chỉ xếp thứ 37. Nhiều nước có nền kinh tế chuyển đổi đã vượt lên trên Việt Nam xét về thành tích cải thiện HDI trong thời kỳ này.

Trong bài đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm ngày 12 tháng 9, ông Lê Đăng Doanh viết rằng ‘việc tiếp tục xoá đói giảm nghèo ngày càng khó khăn hơn, tốn kém hơn vì phải đầu tư kết cấu hạ tầng ở những vùng sâu, vùng xa và đầu tư về y tế, giáo dục cũng phải tăng lên.

Giáo sư Nguyễn Quốc Khải cũng có nhận định về những khó khăn mà Việt Nam phải đương đầu: "Vấn đề công ăn việc làm cho tầng lớp thanh niên. Phân hoá xã hội ngày càng tăng."

Ưu tiên các chính sách phát triển

Theo trưởng đại diện của UNDP tại Việt Nam, ông Jordan Ryan, thì để có thể đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đề ra, thì Việt Nam cần phải tiếp tục ưu tiên các chính sách phát triển hướng về người nghèo để họ được hưởng đầy đủ các thành tựu của quá trình phát triển.

Ông nhắc rằng Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nông thôn. Còn để xoá bỏ tình trạng tái nghèo thì phải hướng việc thực hiện các mục tiên thiên niên kỷ về địa phương nhằm san bằng cách biệt trong quá trình phát triển.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao tiến Sinh, cho biết Việt Nam cần lồng ghép đầy đủ hơn các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội- môi trường trong 5 năm 2006- 2010. Ông cho rằng cần phát triển mạng lưới an sinh xã hội trợ giúp người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.

Chính phủ Hà Nội vừa thông qua khoản đầu tư từ 60 đến 62 ngàn tỷ đồng trong năm năm tới để tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2010 cơ bản số hộ nghèo không có đất và thiếu đất sẽ được cấp đất hay chuyển đổi nghề phù hợp.

Xin phép được nhắc lại, chỉ số phát triển con người của LHQ được xây dựng trên ba chỉ số thành phần là tuổi thọ, kiến thức và mức sống người dân trong một nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.