Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước”, một Temasek của Việt Nam?


2008.03.19

Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Chính phủ Việt Nam vừa đưa ra các giải pháp giúp phát triển thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường này đang lâm vào tình trạng ảm đạm trong những tháng qua. Một trong các giải pháp ấy, là tổng công ty quốc doanh có tên “Đầu Tư Kinh Doanh Vốn Nhà Nước,” gọi tắt là SCIC, sẽ mua cổ phiếu trên thị trường.

StockBusiness200.jpg
Giới đầu tư lo lắng trước tình trạng thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tụt dốc. AFP PHOTO.

Một số nhà phân tích kinh tế so sánh SCIC với mô hình công ty Temasek của Singapore. Liệu hai công ty này có tương đồng không? Và liệu SCIC có thể mang lại hiệu quả như Temasek đã làm cho Singapore hay không? Biên tập viên Thiện Giao có bài tường thuật sau đây.

Cứu tinh cho thị trường chứng khoán VN

Những ngày gần đây, giới đầu tư chứng khoán Việt Nam và cả giới báo chí nhắc đi nhắc lại đến một tổng công ty của Việt Nam với nhiều danh từ và hình ảnh của một cứu tinh cho nền chứng khoán vừa phôi thai và đang lâm vào tình trạng lao đao.

Người ta nói rằng, sự vào cuộc của “siêu” tổng công ty này, vào thời điểm này là rất quan trọng để “cứu” thị trường chứng khoán!

Cái tên mà người ta nhắc đến là “Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước,” có tên tiếng Anh “State Capital Investment Corporation,” viết tắt là “SCIC.”

Tin báo chí trong nước viết rằng, ngày 5 tháng Ba, chính phủ đã ký văn bản 19 giải pháp cụ thể để chống lạm phát và ổn định thị trường chứng khoán. Ngay sau khi nhận được 19 giải pháp này, Tổng Công Ty SCIC lên kế hoạch mua cổ phiếu trên thị trường.

Và rồi, trong các phiên giao dịch chứng khoán vào ngày thứ Hai, 10 tháng Ba, thị trường chứng khoán Việt Nam trỗi dậy, tăng điểm mạnh trong cả 3 phiên giao dịch trong ngày.

Hiệu quả và ảnh hưởng của SCIC

Trong khi một số nhà đầu tư chứng khoán tỏ ra phấn khích trước sự vào cuộc của SCIC, giới nghiên cứu tỏ ra hoài nghi về khả năng, hiệu quả và ảnh hương lâu dài của công ty này.

SCIC được thành lập năm 2005 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với số vốn điều lệ ban đầu bao gồm 5 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người hoạt động trong ngành ngân hàng, trình bày những gì ông biết về SCIC:

“Mục đích của công ty này là làm các doanh nghiệp nhà nước dần dần thuộc về công ty này. Công ty này với tư cách là một đại diện nhà nước, cai quản các doanh nghiệp quốc doanh, và mục tiêu chủ yếu, theo tôi hiểu, sẽ đầu tư hoặc bán dần các công ty cổ phần hoá thuộc quyền kiểm soát.

Tất nhiên, có khi bán một phần công ty đi, có khi lại mua vào. Nhưng theo tôi hiểu, nhiệm vụ chính là bán chứ không phải mua. Trong trường hợp đặc biệt thấy có lợi cho nhà nước, thì mua vào.”

Và trên thực tế, họ đã mua vào thật. Nơi trang nhà của SCIC, độc giả có thể thấy thông tin, nguyên văn “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hôm 7 tháng Ba, 2008, SCIC đã chính thức mua vào cổ phiếu của một số doanh nghiệp được niêm yết trên cả 2 sàn giao dịch Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.”

Giới chức nhà nước nói rằng, sự vào cuộc của SCIC nên được hiểu như sự khẳng định tính ổn định của thị trường và thiện ý của chính sách vĩ mô. Báo chí trong nước thì gọi đây là hành động “cứu” chứng khoán. Một số người bình luận rằng, “cứu” là một từ ngữ sai lầm. Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ:

“Tác động như vậy không phải là việc của nhà nước. Nhà nước không phải làm cái việc kích cho thị trường lên. Báo chí trong nước hay dùng chữ “cứu” thì hết sức lầm lẫn. Còn nếu thật sự là để “cứu” thị trường, thì nhà nước không thể làm việc đó được.”

VnStockMarket200.jpg
AFP PHOTO.

Vi phạm các nguyên tắc thị trường

Trên tờ Đại Đoàn Kết số ra ngày 10 tháng Ba, tiến sĩ Võ Trí Thành thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương phát biểu, ngụ ý, một số nguyên tắc thị trường cổ phiếu đã bị vi phạm. Ông nói: “Nếu cần “cứu” thì có rất nhiều thị trường, rất nhiều nhóm xã hội cần “cứu”. Vậy thì “cứu” vì cái gì? Nếu nhà đầu tư cho rằng thị trường chưa minh bạch thì đó là lỗi của Chính phủ”.

Ông Thành nói tiếp: “Trên thị trường cổ phiếu, đôi khi chúng ta cũng vi phạm những nguyên tắc của thị trường. Nên nhớ nguyên tắc của kinh tế thị trường là bảo vệ sự cạnh tranh, chứ không hẳn là chỉ bảo vệ những người đã ở “trong cuộc.”

Từ California, nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cũng đưa ra những nhận định tương tự:

“Nhà nước chỉ nên can thiệp để khai thông ách tắc hầu quy luật thị trường được vận hành hài hoà, trơn tru, chứ không du di hoặc di chuyển tài sản từ chổ này qua chỗ khác nhằm cứu vớt một thành phần nào đó mà không có lợi ích gia tăng sản xuất. Vấn đề nguy kịch là khi lãnh đạo phản ứng theo tâm lý của một thành phần dân chúng và gây thiệt hại cho các thành phần khác.”

Một Temasek của Việt Nam?

Dư luận trong nước đôi khi so sánh công ty SCIC với đại công ty rất nổi tiếng của Singapore là Temasek khi nói rằng, nếu mô hình Temasek của Singapore, do chính phủ Singapore dựng nên, sử dụng vốn của chính phủ Singapore, thì tại sao SCIC lại không làm được như vậy cho chính phủ Việt Nam.

Trên thực tế, Temasek và SCIC có điểm tương đồng trên mô hình nhưng lại có nhiều dị biệt trong mô thức hoạt động. Sự khác nhau chính yếu nằm ở chỗ Temasek độc lập với chính phủ trong các quyết định đầu tư. SCIC thì không hẳn như thế.

Temasek được thành lập năm 1974, quản lý và đầu tư vốn của Bộ Tài Chánh Singapore. Công ty này hoạt động dưới sự chi phối của bộ luật Thành Lập Công Ty Singapore, trong đó tất cả các công ty thành lập tại Singapore, kể cả Temasek, đều bị chi phối bình đẳng như nhau.

Thông tin chính thức trên trang nhà của công ty này viết rằng, trong khuôn khổ luật pháp được qui định, công ty hoạt động hoàn toàn dựa trên nguyên tắc thương mại và linh hoạt dưới sự chỉ đạo duy nhất của Hội Đồng Quản Trị công ty.

Trên thực tế, thành viên Hội Đồng Quản Trị cũng như Tổng Giám Đốc Temasek phải được sự chuẩn thuận của tổng thống Singapore, nhưng các quyết định đầu tư, làm ăn, giao dịch là trách nhiệm của Hội Đồng Quản Trị và Ban Điều Hành. Không một ai, kể cả tổng thống hay chính phủ Singapore được quyền tham dự vào việc chỉ đạo, dẫn hướng các quyết định làm ăn của Temasek.

Còn SCIC thì hoạt động ra sao? Thông tin chính thức trên trang nhà công ty có đoạn viết, rằng trong “trường hợp thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, nếu không có hiệu quả thì được thực hiện các chính sách ưu đãi thích hợp và Nhà nước hỗ trợ về tài chính.”

Thành phần quản trị SCIC là ai? Cũng theo thông tin chính thức, công ty có Hội Đồng Quản Trị đứng đầu bởi ông Vũ Văn Ninh, Uỷ Viên Trung Ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh. Các thành viên Hội Đồng Quản Trị còn có cả các thứ trưởng Bộ Công Nghiệp, thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư.

Về vấn đề độc lập trong quyết định đầu tư của SCIC, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Nếu họ được hoạt động độc lập như một công ty kinh doanh, thì những việc làm của họ là bình thường, tương tự như Temasek của Singapore, mua đi bán lại, tuỳ thuộc vào tình hình kinh doanh. Còn nếu để vực thị trường chứng khoán dậy, thì những việc làm ấy là không tốt.”

Quyết định trong ngày 7 tháng Ba vừa qua, trong đó SCIC tung tiền mua cổ phiếu vào lúc thâm hụt ngân sách chính phủ lên cao đến 6%, lạm phát lên cao đến gần 16%, Ngân Hàng Nhà Nước thì đang cố gắng hạn chế lượng cung tiền trong nền kinh tế, bị các nhà phân tích cho là thiếu cân nhắc.

Một chuyên viên kinh tế nói rằng, SCIC tung tiền vào thời điểm này để mua chứng khoán là làm tăng thêm thâm hụt ngân sách chính phủ, là làm tăng thêm áp lực lạm phát vì tung thêm tiền vào thị trường, và nhất là có thể tạo sự bất ổn của thị trường chứng khoán thay vì làm cho nó ổn định.

Chuyên viên này phân tích, rằng việc giá cổ phiếu tăng ngay sau quyết định của SCIC là điều đương nhiên, vì bỗng nhiên mức cầu của cổ phiếu tăng lên. Do ảnh hưởng này, các nhà đầu tư nhỏ, vốn đang rất cẩn trọng sau một thời gian dài thị trường mất giá, nay lấy lại tinh thần, nhảy vào đầu tư.

Khi giá lên, SCIC lại bán cổ phần ra khiến giá sụt xuống lại. Chính các nhà đầu tư nhỏ gánh chịu hậu quả này. Nói ngắn gọn, tình hình hiện nay có thể hiểu là giới đầu tư nhỏ gom tiền vào để làm lợi cho SCIC. Nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định:

“Nhà nước chỉ nên can thiệp để khai thông ách tắc hầu quy luật thị trường được vận hành hài hoà, trơn tru, chứ không du di hoặc di chuyển tài sản từ chổ này qua chỗ khác nhằm cứu vớt một thành phần nào đó mà không có lợi ích gia tăng sản xuất. Vấn đề nguy kịch là khi lãnh đạo phản ứng theo tâm lý của một thành phần dân chúng và gây thiệt hại cho các thành phần khác.”

Việc một công ty do nhà nước uỷ thác, sử dụng vốn nhà nước vào các hoạt động kinh doanh là điều bình thường. Việc so sánh công ty SCIC và mô hình Temasek của Singapore là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, sự độc lập với chính quyền trong các quyết định kinh doanh có thể được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng để đánh giá sự tồn tại và hiệu quả của một công ty.

SCIC, theo chức năng được qui định, vừa là công ty đầu tư làm ăn, vừa là công cụ của nhà nước trong các chính sách kinh tế, cho thấy sự lệ thuộc chính trị của công ty này. Chính những mâu thuẫn trong trách nhiệm của công ty sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả, nhất là trong các hoạt động mang tính công cụ của chính phủ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.