Đề xuất mới trong vụ Bô-xít: “Thí Điểm Trước Đã!”

Tiếp tục theo dõi tiến trình phản biện các dự án khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, hôm nay chúng tôi xin trình bày những thông tin liên quan đến việc chuẩn bị thông tin của các nhà khoa học liên quan đến dự án này.
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009.02.26
boxit1-305.jpg Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô-xít.
Photo courtesy of TuanVietnam

Cuộc phỏng vấn gồm 2 người. Một là nhà văn Nguyên Ngọc, một người am hiểu về Tây Nguyên. Người thứ hai là Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Quyền Chủ Tịch Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam. 

Vai trò phản biện?

Thiện Giao : Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ra chỉ thị nói rằng sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về các dự án bô-xít, ông và các nhà khoa học khác có sẽ tham dự cuộc hội thảo này không?

Nhà văn Nguyên Ngọc :  Điều này thuộc về nhân sự, họ mời ai thì tôi cũng không biết được, vì đó là quyền của họ. Riêng về phần anh em lâu nay quan tâm đến vấn đề này thì người ta vẫn tiếp tục chuẩn bị ý kiến.

Thiện Giao : Thưa ông, sự chuẩn bị của những người ủng hộ cũng như những người phản biện dự án bô-xít hiện nay ra sao?

Đây là vấn đề hết sức phức tạp về nhiều mặt. Do đó, cần phải làm thí điểm, và làm nhỏ thôi, trước khi làm lớn.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Nhà văn Nguyên Ngọc : Hiện nay có ý kiến từ 2 phía. Một phía cho rằng những vấn đề này đều giải quyết được cả và không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, nhiều anh em, nhiều nhà khoa học, nhiều nhà văn hoá, nhà nghiên cứu xã hội thì thấy những tác hại về nhiều mặt rất lớn.

Hiện nay cả hai phía đang chuẩn bị ý kiến. Theo tôi biết, có một số nhà khoa học hiện nay đang đi Tây Nguyên, đang tiếp tục nghiên cứu tại chỗ.

Thiện Giao : Dự án bô-xít hiểu theo một nghĩa nào đó thì đã được bắt đầu rồi chứ không phải là chưa bắt đầu, vậy xin hỏi một cách thành thực là ông có nghĩ rằng những phản biện sắp tới sẽ được đón nhận một cách thành thực từ phía chính phủ không?

Nhà văn Nguyên Ngọc : Hiện nay có hai nơi khai thác bô-xít lớn, một là ở Bảo Lâm (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và thứ hai ở một huyện của Đắc-Nông (huyện Nhân Cơ).

Tại địa điểm đang triển khai ở Lâm Đồng, tôi cũng đã đến đó, thì người ta đã san mặt bằng và cũng đã có một số nhà đầu tư ở đấy đã ký kết xong xuôi cả. Tại Lâm Đồng thì người ta đang bắt đầu triển khai.

Còn ở Đắc-Nông theo thông tin tôi được biết, việc ký kết chưa xong. Ý kiến của một số anh em chúng tôi hiện nay như thế này: đây là vấn đề hết sức phức tạp về nhiều mặt.

Do đó, cần phải làm thí điểm, và làm nhỏ thôi, trước khi làm lớn. Bây giờ ở Lâm Đồng thì đã triển khai, chúng tôi cũng đề nghị lấy nơi này làm thí điểm nhưng cần làm nhỏ, và trong khi làm thì có một bộ phận giám sát trong vài ba năm xem hiệu quả như thế nào.

Thiện Giao : Thưa ông, thành phần tham gia trong nhóm phản biện nói riêng và tìm hiểu khoa học liên quan đến các dự án bô-xít nói chung hiện nay gồm những ai?

Nhà văn Nguyên Ngọc : Theo tôi biết thì có một số các nhà khoa học ở các ngành liên quan trực tiếp đến vấn đề này, như địa chất, khai khoáng, ngành nghiên cứu về môi trường, về rừng, về tự nhiên.

boxit2-250.jpg
Các hồ chứa nước ở Tây Nguyên sẽ bị biến thành nơi chứa bùn đỏ. Photo courtesy of TuanVietnam
Photo courtesy of TuanVietnam
Theo tôi thì thành phần như vậy là khá đầy đủ, bao gồm các chuyên gia hàng đầu của các lãnh vực có liên quan.

Đặc biệt, hiện nay cả Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, là một tổ chức rất lớn gồm hầu hết tất cả các hiệp hội về các ngành khoa học - kỹ thuật và cả khoa học xã hội, cũng đã vào cuộc.

Tôi nghĩ rằng việc đưa ra Quốc Hội cũng chưa hẳn là sẽ phản ảnh được ý kiến phản biện và có kết quả như nhiều anh em chúng tôi mong muốn. Tôi không hy vọng gì đâu.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Theo tôi thì ý kiến của Liên Hiệp cũng tương đối thống nhất với những ý kiến của nhiều nhà khoa học phản biện vừa qua.

Thiện Giao : Tôi có phỏng vấn một số đại biểu quốc hội thì các vị này có nói rằng tháng 5 tới Quốc Hội sẽ họp và vấn đề này sẽ được mang ra thảo luận. Ông có kỳ vọng vào một cuộc thảo luận như thế này không?

Nhà văn Nguyên Ngọc :  Xin nói thật ý kiến của tôi. Tôi nghĩ rằng việc đưa ra Quốc Hội cũng chưa hẳn là sẽ phản ảnh được ý kiến phản biện và có kết quả như nhiều anh em chúng tôi mong muốn.

Đã có những tiền đề rồi, ví dụ như việc mở rộng thành phố Hà Nội thì người ta đã có những ý kiến phản biện, bác bỏ, nhưng cuối người ta vẫn làm, nên tôi không hy vọng gì đâu.

Yếu tố khoa học

Vừa rồi là những ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc, một người đã từng sống nhiều năm tại Tây Nguyên và được nhiều người thừa nhận là rất am hiểu về văn hoá Tây Nguyên.

Ông Nguyên Ngọc trong phần trả lời có nhắc đến sự tham gia của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam.

Chúng tôi xin trình bày phần phỏng vấn với Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Quyền Chủ Tịch Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam.

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện trong lúc Tiến sĩ Liêm đang có mặt tại Đắc-Nông để tìm hiểu về các dự án bô-xít tại đây. Trước hết Tiến sĩ Liêm cho biết.

TS Hồ Uy Liêm : Tôi nghĩ rằng bất kỳ một quan điểm phát triển nào cũng phải hướng theo mục tiêu phát triển đất nước và tất cả mọi chương trình phát triển phải được suy tính kỹ càng về mặt lợi cũng như mặt hại.

Thế thì hiện nay mục tiêu hoạt động của chúng tôi trong những tháng này, không những ở đây mà cả ở Hà Nội và các địa phương, là phải làm sao tư vấn cho chính phủ một phương án phát triển bô-xít có lợi nhất, cân bằng giữa bảo vệ môi trường, các vấn đề phát triển xã hội, và cả việc đảm bảo các quyền lợi của người dân tộc.

Có thể vài tháng nữa sẽ có ý kiến chính thức. Bây giờ tất nhiên cũng có một số ý kiến thống nhất rồi, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ các số liệu. Định tính thì dễ, còn định lượng để đưa ra những số liệu, những con số cụ thể thì phải tính toán nghiêm chỉnh.

Phải phát triển rất thận trọng! Có tài nguyên thì phải tìm cách khai thác nhưng không thể làm ào ào được. Theo như tôi nghĩ - hiện nay chúng ta chưa có cơ sở.

TS Hồ Uy Liêm

Thiện Giao : Hiện nay có hai xu thế ở Việt Nam, một phía thì ủng hộ các dự án bô-xít, một bên muốn có cơ hội để phản biện lại các dự án đó. Riêng cá nhân ông, với những kết quả khoa học và những tìm hiểu riêng của ông và các đông nghiệp, thì quan điểm riêng của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Hồ Uy Liêm : Phải phát triển rất thận trọng! Có tài nguyên thì phải tìm cách khai thác nhưng không thể làm ào ào được. Phải làm rất thận trọng, bắt đầu từ những hoạt động nhỏ, rồi tính toán mọi phương án để đảm bảo môi trường, thực nghiệm, sau đấy mới đưa tới quyết định phát triển ở mức độ nào. Chứ còn làm quá lớn - theo như tôi nghĩ - hiện nay chúng ta chưa có cơ sở.

Thiện Giao : Các dự án bô-xít tại Đắc-Nông đã bắt đầu rồi, liệu một cuộc nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học rồi trình bày những ý kiến đó cho chính phủ, liệu có phải là đi ngược quy trình hay không? Nếu như vậy thì những ý kiến phản biện có thể có hiệu quả hay không?

Bạn nghĩ gì về dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn email: vietweb@rfa.org; hoặc cùng tham gia thảo luận tại
Trang blog Ban Việt ngữ RFA


TS Hồ Uy Liêm : Kể ra thì nếu chúng tôi bắt đầu sớm, tức là được có thông tin và bắt đầu sớm hơn thì kết quả sẽ tốt hơn. Bây giờ vấn đề cũng chưa muộn vì đây là một hoạt động rất lớn, một chương trình bô-xít rất lớn, nên tôi nghĩ chưa chắc đã muộn đâu.

Tôi lấy ví dụ, khi xây dừng nhà máy thuỷ điện Sơn La thì có ý kiến mà ý kiến này đã được chính phủ thông qua rồi là xây dựng với cao trình là 265 mét.

Thế nhưng sau đấy thì các nhà khoa học có ý kiến và chính phủ cũng đồng ý là xem xét lại. Các nhà khoa học Việt Nam đưa ý kiến là nên xây dựng với cao trình 215 mét thôi. Cuối cùng thì chính phủ cũng chấp nhận ý kiến ấy.

Thiện Giao : Xin cảm ơn thời gian Tiến Sĩ đã dành cho chúng tôi.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.