Mỹ muốn ngăn cản cá Việt Nam vào thị trường?

Bộ Nông Nghiệp Mỹ đang duyệt lần cuối những qui định mới, qua đó cá tra và cá basa nhập từ Việt Nam có thể phải vào danh sách cá da trơn hay còn gọi là catfish.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009.05.27
Các ngư dân đang kéo mẻ lưới đầy cá basa tại nông trại tư nhân ở An Giang AFP photo Các ngư dân đang kéo mẻ lưới đầy cá basa tại nông trại tư nhân ở An Giang AFP photo
AFP photo

Cá basa cá tra không được công nhận là loại catfish

Từng lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do từ lúc nảy sinh vụ tranh cãi giữa Mỹ và Việt Nam về tên  cá tra và cá basa năm 2001,  rồi đến quyết định áp thuế chống phá giá trên cá tra và cá basa năm 2003,  bà Phạm Chi Lan , cựu phó chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, cựu thành viên ban cố vấn của thủ tướng Phan Văn Khải, hiện là chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội, nhắc lại chặng đường gian nan tốn kém của cá tra và cá basa  Việt Nam vào Mỹ:  

Bà Phạm Chi Lan : Ngay sau khi Hiệp Định Thương Mại Hoa Kỳ - Việt Nam bắt đầu thực hiện thì sự việc đầu tiên là Hoa Kỳ đã đưa ra một đạo luật để không công nhận cá da trơn của Việt Nam là thuộc dòng catfish.

Ngay sau khi Hiệp Định Thương Mại Hoa Kỳ - Việt Nam bắt đầu thực hiện thì sự việc đầu tiên là Hoa Kỳ đã đưa ra một đạo luật để không công nhận cá da trơn của Việt Nam là thuộc dòng catfish.

Đấy là cách đầu tiên để những người nông dân Hoa Kỳ nuôi trồng cá tìm cách để cản trở cá của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Sau đó thì Việt Nam phải dùng tên cá tra, cá basa cho sản phẩm của mình và cũng đã mất rất nhiều công để giải thích cho người tiêu dùng hiểu cá tra, cá basa là gì.

Sau khi hàng của Việt Nam vào được Mỹ tương đối tốt rồi thì lại dựng lên chuỵện kiện Việt Nam bán phá giá khiến Việt Nam cũng đã mất rất nhiều công để cho những người nuôi cá của Việt Nam giải thích lại với tất cả những bằng chứng cho các đoàn của Hoa Kỳ sang kiểm tra là Việt Nam hoàn toàn không bán phá giá.

Như vậy là qua mấy năm liền trong câu chuyện buôn bán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì về phía Việt Nam cũng vẫn thường bị Hoa Kỳ dùng những công cụ pháp lý để gây khó cho sản phẩm cá của Việt Nam, thì tôi nghĩ đó là một điều rất bất công. 

 Thực ra suốt trong thời gian tôi còn làm việc ở Phòng Thương Mại Việt Nam, chúng tôi đã cùng với Hiệp Hội Thuỷ Sản Việt Nam và những người nuôi cá ở Việt Nam cố gắng đưa ra những bằng chứng để bảo vệ quyền lợi cho mình. Phải nói rằng việc đó rất là gian nan trong thời gian đầu.

Như vậy là qua mấy năm liền trong câu chuyện buôn bán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì về phía Việt Nam cũng vẫn thường bị Hoa Kỳ dùng những công cụ pháp lý để gây khó cho sản phẩm cá của Việt Nam, thì tôi nghĩ đó là một điều rất bất công.

Thanh Trúc :  Thưa bà Phạm Chi Lan, năm 2003, sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, thì tình hình nhập khẩu cá tra và cá basa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã suy giảm nhiều. Đến năm 2007  ở Mỹ cũng có dư luận là cá da trơn nhập của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã sử dụng  kháng sinh  và hoá chất  bảo quản quá nhiều.

 Đó là lý do khiến Đạo Luật Nông Trại Năm 2008 của Mỹ ra đời có sự kiểm tra chặt chẽ đối với cá da trơn. Mới đây Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ  lại đang soạn thảo thêm lần cuối những qui định mới mà theo đó cá tra và cá basa của Việt Nam có thể bị gộp vào danh sách ca da trơn.

Xếp loại lại là thuộc giống catfish?

Bà Phạm Chi Lan :  Trước đây chính họ chứ không phải ai khác đã đưa ra những luận điểm khác nhau để chứng minh là cá tra và cá  basa của Việt Nam không thuộc dòng ca da trơn, thế bây giờ tự họ đưa ra điều ngược lại. Tôi cũng không hiểu họ sẽ dùng căn cứ như thế nào để chứng minh ngược lại một điều mà trước đây họ cố gắng chứng minh là đúng.

Thanh Trúc : Bà có đề cập đến những cái khó cho những nhà nuôi trông cá tra và cá basa xuất khẩu ở Việt Nam.

Thưa, những cái khó đó, với cái nhìn của một chuyên gia kinh tế độc lập, bà phân tích như thế nào?

Bà Phạm Chi Lan : Trước hết thì như thế này, chúng ta ai cũng hiểu là trong thương mại toàn cầu hiện nay thì đưa được một dòng sản phẩm nào đó vào một thị trường nào đó bao giờ cũng là công việc rất gian nan của những người sản xuất, những người cung cấp.

Trước hết thì như thế này, chúng ta ai cũng hiểu là trong thương mại toàn cầu hiện nay thì đưa được một dòng sản phẩm nào đó vào một thị trường nào đó bao giờ cũng là công việc rất gian nan của những người sản xuất, những người cung cấp.

Họ phải làm sao để chứng minh được tất cả những điều cần thiết như là chất lượng sản phẩm của mình để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định của các nước nhập khẩu; rồi phải xây dựng hệ thống quan hệ với các nhà nhập khẩu, hệ thống tiêu thụ, và quan trọng nhất là thuyết phục được người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu là sản phẩm của mình có chất lượng tốt và đáng để cho họ mua.

Toàn bộ những việc đó đối với những người nuôi cá da trơn - cá basa, cá tra -  ở Việt Nam, phần lớn là những nông dân nghèo sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là những công việc hoàn toàn không dễ dàng một chút nào cả. Thế mà bây giờ khi họ đã vào được thị trường tương đối ổn thoả trong thời gian vừa qua mà lại bị gây khó thêm như thế này thì tôi nghĩ đấy là một điều rất là không công bằng đối với họ.

Mỗi một lần gây khó thêm cho họ có nghĩa là lợi nhuận của họ bị mất đi, cuộc sống của họ thêm khó khăn.

Thanh Trúc :  Thưa bà Phạm Chi Lan, bà Brenda Jacobs là một luật sư - chuyên gia và tư vấn cho chính phủ Hoa Kỳ, khi đề cập đến luật mới mà có thể nói bây giờ gọi cá tra và cá basa của Việt Nam là cá da trơn để có thể chịu những quy định khắt khe hơn để đi vào thị trường Mỹ, thì bà Brenda Jacobs có nói rằng câu hỏi được đặt ra là cá da trơn nào phải chịu ảnh hưởng của luật mới và cá da  trơn Việt Nam thực chất  không được gọi là cá da trơn? Theo như thay đổi mới nhất trong luật Mỹ thì chúng được gọi là "tra" hay là "basa"? Vậy bây giờ không hiểu là Việt Nam có nên để cho chúng phải chịu những quy định về kiểm tra mới hay không?

Bà nghĩ thế nào về nhận định này ?

Trước đây rất vất vả cho Việt Nam để chứng minh cá tra, cá basa là loại sản phẩm gì, thế bây giờ họ lại gây khó bằng cách đổi tên thì lại một lần nữa đòi hỏi phía Việt Nam - những người nuôi cá phải chứng minh điều này điều khác thì thực ra là dựng thêm một thứ hàng rào kỹ thuật mới

Chủ đích cản trở cá Việt Nam vào Mỹ?

Bà Phạm Chi Lan : Thì đó, chính luật sư của Mỹ cũng đã hiểu là khi người ta thay đổi như vậy là làm khó thêm, làm tăng thêm điều kiện.

Trước đây rất vất vả cho Việt Nam để chứng minh cá tra, cá basa là loại sản phẩm gì, thế bây giờ họ lại gây khó bằng cách đổi tên thì lại một lần nữa đòi hỏi phía Việt Nam - những người nuôi cá phải chứng minh điều này điều khác thì thực ra là dựng thêm một thứ hàng rào kỹ thuật mới nữa để làm khó cho những người xuất khẩu của Việt Nam thôi.

Đổi tên như vậy thực ra nó không đáp ứng được một yêu cầu gì thêm, ví dụ như về phía người tiêu dùng Mỹ có đổi tên nó đi nữa thì nó vẫn là thứ cá đó, chất lượng sản phẩm của nó cũng vẫn như vậy. Nó có mang lại thêm giá trị gì đâu cho người tiêu dùng Mỹ!

Thanh Trúc : Phải chăng bà muốn nói đến vấn đề gọi là bảo hộ mậu dịch ?

Bà Phạm Chi Lan : Vâng. Đúng thế ạ, chứ không thể hiểu cái gì khác hơn là bảo hộ mậu dịch bằng cách tạo nên một thứ hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm này của Việt Nam.

Thanh Trúc : Như vậy, theo bà, trong tư thế này thì Việt Nam nên làm gì ?

Nếu như sau khi đã thương lượng với phía Hoa Kỳ rồi mà cũng vẫn khó khăn và nếu như xét thấy sự thay đổi này gây khó rất lớn cho giới xuất khẩu cá của chúng tôi thì chúng tôi hoàn toàn có thể lấy tư cách thành viên WTO để dùng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để đưa ra được.

Bà Phạm Chi Lan : Trong thương mại mỗi khi gặp khó thì chúng tôi phải tìm mọi cách để trao đổi lại với phía Hoa Kỳ. Yêu cầu Hoa Kỳ xem xét lại, có cần thiết làm như vậy không? Tại sao lại đưa ra công cụ như vậy? Nhằm mục tiêu gì?

Thanh Trúc : Có thể nào dựa trên tư cách là thành viên thứ 151 của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) để có thế mạnh khi nói chuyện với Hoa Kỳ về vấn đề này không?

Bà Phạm Chi Lan : Tôi chưa nghiên cứu sâu về vụ này nhưng tôi nghĩ rằng nếu như sau khi đã thương lượng với phía Hoa Kỳ rồi mà cũng vẫn khó khăn và nếu như xét thấy sự thay đổi này gây khó rất lớn cho giới xuất khẩu cá của chúng tôi thì chúng tôi hoàn toàn có thể lấy tư cách thành viên WTO để dùng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để đưa ra được.

Nhưng mà điều mong muốn nhất vẫn là hai bên có thể thương lượng, phía Việt Nam có thể trao đổi với phía Hoa Kỳ để thương lượng với nhau mà giải quyết, chứ còn cơ chế giải quyết tranh chấp qua WTO nó cũng đòi hỏi thời gian, nó cũng mất công sức của cả hai bên.

Vả lại quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi Hiệp Định Thương Mại Việt - Mỹ được thực hiện đến giờ thì có nhiều mặt đã phát triển tốt đẹp, sản phẩm của Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam suốt từ đầu đến giờ phải nói phía Việt Nam đã luôn luôn tạo thuận lợi cho hàng của Hoa Kỳ được tiêu thụ thuận lợi ở Việt Nam mà không hề gây ra bất cứ khó khăn nào cho các sản phẩm của Hoa Kỳ.

Nói về hai nền kinh tế thì Hoa Kỳ lớn hơn Việt Nam rất nhiều về quy mô kinh tế và có thế mạnh lớn hơn rất nhiều.

Thanh Trúc : Thưa bà Phạm Chi Lan, xin cảm ơn thời giờ của bà đã dành cho chúng tôi trong buổi phỏng vấn hôm nay.

Bà Phạm Chi Lan : Tôi cũng xin cảm ơn về cuộc phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.