
Tuy nhiên, tin tức gần đây cho thấy là nhiều nhà thầu vẫn tiếp tục đưa công nhân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam bằng đủ mọi cách, dù các cơ quan hữu trách đã kiểm tra và xử lý những vụ sai phạm.
Việc đưa lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc là một chuyện vô lý, không thể nào chấp nhận được.
Chị Đoan, một công nhân ở Hải Phòng
Tờ Lao Động mới đây nói là, hàng chục ngàn lao động nước ngoài đang kiếm ăn ở Việt Nam, dù chưa được cấp phép, đa số không có chuyên môn, chỉ làm công việc lao động phổ thông.
Chỉ nhận công nhân có trình độ cao?
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục Trưởng Cục Việc Làm thuộc Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ cao, nhất là đối với những ngành nghề cần phải biết sử dụng thiết bị hiện đại. Việc tuyển dụng lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao rất cần thiết cho kế hoạch phát triển kinh tế mà chánh phủ đang theo đuổi.
Ông cho biết là tại khu công nghiệp nhà máy lọc dầu Dung Quất ở miền Trung, từ nay đến 2010, ban quản lý dự án cần tuyển dụng trên 31 ngàn lao động có tay nghề vững, nhưng đây là một đòi hỏi khó thực hiện, nếu chỉ sử dụng lao động trong nước.
Về các điều kiện cho phép lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc, các đối tượng phải đáp ứng một số đòi hỏi tối thiểu như: có trình độ chuyên môn kỹ thuật vững, không vi phạm pháp luật, bảo đảm về sức khỏe và nhất là phải có giấy phép lao động hợp lệ, trước khi tới Việt Nam làm việc.
Thực tế trái ngược
Dù một số quan chức chính thức xác nhận "Việt Nam không chấp nhận lao động phổ thông là người nước ngoài", nhưng những gì đang xảy ra tại các công trường, đặc biệt là ở khu vực khai thác bauxite, vùng Tây Nguyên thì có thể nói là hoàn toàn trái ngược với những quy định căn bản vừa được đề cập đến.
Nhà thầu Trung Quốc không thuê nhân công Việt Nam mà lại đem người của họ từ Hoa Lục sang, có thể bằng con đường du lịch rồi ở lại luôn.
Ông Trần Văn Huynh, Chủ Tịch Hội Vật Liệu Xây Dựng
Báo chí liên tục đưa tin cũng như hình ảnh của hàng hàng, lớp lớp công nhân Trung Quốc, ngày có mặt một nhiều hơn tại Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hạ Long, Hải Phòng, Quảng Nam, Lâm Đồng, xuống đến tận mũi Cà Mau.
Người ta dễ nhận ra ngay công trình của người Hoa vì tất cả khẩu hiệu, bảng hướng dẫn đều được ghi rõ bằng tiếng Trung Quốc.
Số lao động Trung Quốc luôn vượt trội so với lao động trong nước, có nhiều công trình thu dụng hơn 2000 công nhân nước ngoài.
Chi tiết này đã được ông Nguyễn Công Lục, Vụ Trưởng Vụ Kinh Tế thuộc văn phòng chánh phủ công nhận.
Mặt khác, theo giải thích của ông Trần Ngọc Hùng, Chủ Tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam thì, các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm khắp lãnh thổ Việt Nam, về các ngành điện, xi măng, hóa chất, dầu khí.
Trong khi đó, ông Trần Văn Huynh, Chủ Tịch Hội Vật Liệu Xây Dựng cho hay là, nhà thầu Trung Quốc không thuê nhân công Việt Nam mà lại đem người của họ từ Hoa Lục sang, có thể bằng con đường du lịch rồi ở lại luôn.
Nhiều bài báo còn kể lại rằng đi chợ mua hàng hóa, thực phẩm, công nhân Trung Quốc khi đụng đến bất cứ thứ gì cũng trả giá, với một bó rau giá 2000 đồng, họ chỉ muốn chi 1500 hay 1800.
Một nam công nhân Trung Quốc làm việc ở nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, anh là người Giang Tô, mới sang làm việc và hưởng lương tháng hơn 3 triệu đồng Việt Nam, tức là cao hơn so với xứ sở anh.
Phản ứng người dân
Lên tiếng với đài chúng tôi, chị Đoan, một công nhân ở Hải Phòng nói, việc đưa lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc là một chuyện vô lý, không thể nào chấp nhận được.
Từ hàng ngàn năm trước Trung Quốc đã nuôi mộng xâm lăng, thôn tính Việt Nam trọn vẹn. Ngày nay sự có mặt đông đảo của công nhân Trung Quốc cũng là một hình thức mới của ý đồ đó.
Ông Phú, vùng đồng bằng sông Cửu Long
Phần ông Phú ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì nhấn mạnh, từ hàng ngàn năm trước Trung Quốc đã nuôi mộng xâm lăng, thôn tính Việt Nam trọn vẹn. Ngày nay sự có mặt đông đảo của công nhân Trung Quốc cũng là một hình thức mới của ý đồ đó.
Trong khi đó, ông Lê Thành Tâm, Chủ Tịch Hội Cựu Chiến Binh thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đã tổ chức hội thảo để kiến nghị lên chánh phủ về mối tương quan giữa kinh tế và quốc phòng, yêu cầu nhà nước hãy lưu ý đến vấn đề an ninh quốc gia.
Trước quan ngại của dư luận đang được giới truyền thông phản ảnh về vấn đề chủ quyền quốc gia, môi trường, văn hóa, sinh hoạt kinh tế, xã hội của Việt Nam, có thể bị ảnh hưởng bởi sự có mặt ngày càng nhiều của công nhân Trung Quốc, bộ lao động khẳng định, đối với những doanh nghiệp đưa lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc mà không có giấy phép, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chánh.
Nếu chủ đầu tư hay nhà thầu vẫn cố tình không thực hiện, sở lao động phải có văn bản đề nghị bên công an trục xuất lao động phổ thông nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.